backup og meta

Những vấn đề thường gặp ở đầu ti: Tất tần tật mọi điều cần biết

Những vấn đề thường gặp ở đầu ti: Tất tần tật mọi điều cần biết

Sức khỏe đầu ti không chỉ là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự cân bằng sức khỏe tổng thể. Vùng nhạy cảm này có thể phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe, từ các bệnh ngoài da thông thường đến những bệnh lý nghiêm trọng hơn.

Các vấn đề phổ biến như nứt cổ gà, nhũ hoa bị ngứa, đau nhức hoặc tiết dịch bất thường có thể xảy ra ở bất kỳ ai và trong bất kỳ độ tuổi nào. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và hiểu rõ nguyên nhân là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe nhũ hoa, tránh những biến chứng không mong muốn.

Bài viết này sẽ cùng bạn trong việc tìm hiểu chi tiết về các vấn đề thường gặp ở đầu ti, từ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết đến cách chăm sóc và điều trị hiệu quả. Mời bạn đọc tiếp để chăm sóc sức khỏe nhũ hoa một cách chủ động và toàn diện hơn!

Các vấn đề thường gặp ở đầu ti

1. Nứt đầu ti: Nguyên nhân và cách điều trị

Nứt đầu ti (còn gọi là nứt cổ gà) là tình trạng xuất hiện các vết nứt, tổn thương trên da ở núm vú, có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên ngực. Tình trạng này thường đi kèm cảm giác đau rát, khó chịu. Đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt ở các bà mẹ đang cho con bú, do kỹ thuật cho bú không đúng cách hoặc do da bị khô, căng tức.

Những vết nứt này không chỉ gây đau đớn mà còn có nguy cơ nhiễm trùng nếu không được chăm sóc kịp thời. Ngược lại, nếu được điều trị đúng cách và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu tình trạng nứt nhũ hoa và bảo vệ sức khỏe vùng ngực.

Nguyên nhân phổ biến:

Nứt núm vú thường xuất hiện trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi bạn bắt đầu cho con bú. Ít phổ biến hơn, chúng là kết quả của ma sát trong khi tập thể dục hoặc tình trạng da.

  • Mang thai và cho con bú bằng sữa mẹ: Nứt đầu ti thường xuất hiện trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi mẹ bắt đầu cho con bú. Những thay đổi trong cơ thể khi mang thai và đặc biệt là kỹ thuật cho con bú không đúng cách là những yếu tố gây ra vấn đề này.
  • Ngực căng tức khi mang thai: Trong thai kỳ, ngực của mẹ bầu có thể bị đầy sữa quá mức, khiến mô núm vú bị căng ra và bị nứt.
  • Kỹ thuật cho con bú không đúng cách: Thông thường, tình trạng nứt đầu ti xảy ra vì bé không ngậm vú mẹ đúng cách khi bú. Lúc này, bé sẽ cố gắng bú mạnh hơn, tạo thêm áp lực lên mô nhũ hoa nhạy cảm.
  • Sử dụng máy hút sữa không đúng cách: Mẹ bầu có thể bị đau núm vú và nứt đầu ti nếu cài đặt lực hút trên máy hút sữa quá mạnh hoặc nếu sử dụng vành không đúng kích cỡ.
  • Tình trạng da khô: Các sản phẩm như xà phòng, kem dưỡng da… có thể chứa các hóa chất gây ra phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với da nhũ hoa. Bên cạnh đó, một tình trạng da gọi là bệnh chàm cũng có thể khiến da bị khô và nứt nẻ. Những thay đổi về da này có thể gây ra tình trạng nứt cổ gà.
  • Ma sát trong khi tập thể dục: Ma sát tạo ra khi da đổ mồ hôi tiếp xúc với quần áo thể thao có thể khiến nhũ hoa bị nứt trong quá trình tập luyện cường độ cao. Các tác động thường tệ hơn khi trời lạnh và nhũ hoa cương cứng.

Triệu chứng điển hình:

Nứt đầu ti gây nhiều khó chịu với các biểu hiện đặc trưng như:

  • Đau rát, ngứa, nhức, bị kích ứng tại vị trí bị nứt đầu ti.
  • Có vảy, da bong tróc hoặc đóng vảy ở trên hoặc xung quanh nhũ hoa.
  • Nhũ hoa đỏ và khô, đôi khi có màu đỏ rõ hơn ở phần đầu.
  • Nhũ hoa bị trầy xước, thô ráp, khô da.

Cách điều trị và phòng ngừa:

Nếu nguyên nhân nứt đầu ti là do cho con bú, bạn có thể điều trị nứt cổ gà tại nhà bằng những biện pháp sau:

  • Áp dụng các kỹ thuật cho con bú đúng cách.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia về thời gian nên hút sữa và cách sử dụng máy hút sữa đúng đắn, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mẹ để tránh đau nhũ hoa.
  • Bôi một ít sữa lên vết nứt. Đặc tính kháng khuẩn của sữa vừa giúp vết nứt mau lành, vừa dưỡng ẩm vùng da này.
  • Mặc áo ngực có miếng lót làm từ vải thoáng khí, hoặc nếu có thể thì nên để ngực trần. Nhũ hoa quá ẩm sẽ dễ bị nứt cổ gà hơn.
  • Massage bầu ngực căng tức để giảm đau.
  • Đắp gạc ấm hoặc miếng gel để giảm đau.

Nếu nứt đầu ti liên quan đến tập thể dục, việc điều trị và phòng ngừa tại nhà có thể bao gồm:

  • Sử dụng kem sát trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Thay đổi thói quen tập thể dục trong quá trình nhũ hoa lành thương.
  • Che nhũ hoa bằng gạc mềm hoặc băng chống thấm nước để tránh tiếp xúc nhiều với quần áo thể thao.

Nếu tình trạng da khô gây nứt đầu ti, bạn nên tránh các sản phẩm chứa hóa chất mạnh để hạn chế nguy cơ gây kích ứng. Kem bôi ngoài da và thuốc sát trùng có thể giúp nhũ hoa lành nhanh hơn.

Nếu gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng hoặc vết nứt đầu ti lâu ngày không lành, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ điều trị.

2. Đầu ti bị thụt: Có nguy hiểm không?

Đầu ti bị thụt là gì? Phân loại mức độ thụt:

Đầu ti bị thụt là tình trạng núm vú không nhô ra ngoài như cấu trúc giải phẫu bình thường mà bị tụt vào trong hoặc phẳng so với bề mặt quầng vú. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả hai giới do bẩm sinh hoặc mắc phải.

Tình trạng đầu ti bị thụt được phân loại thành 3 cấp độ theo mức độ xơ hóa, mức độ dễ thao tác và mức độ tổn thương mà các ống dẫn sữa phải chịu:

  • Cấp độ 1: Thụt đầu ti cấp độ 1 có mức độ xơ hóa tối thiểu hoặc không xơ hóa, biểu hiện sự đầy đủ của mô mềm. Các ống dẫn sữa bình thường, ngay cả khi bị co lại. Nhũ hoa rất dễ điều chỉnh và duy trì độ nhô trong một thời gian đáng kể.
  • Cấp độ 2: Nhũ hoa xơ hóa ở mức độ vừa phải. Các ống dẫn sữa bị co lại. Có thể kéo nhũ hoa ra nhưng sẽ co lại ngay sau đó. Có thể cho con bú, nhưng trẻ có thể gặp khó khăn khi ngậm núm vú.
  • Cấp độ 3: Nhũ hoa bị xơ hóa nặng và có tình trạng thiếu hụt mô mềm nghiêm trọng. Các ống dẫn sữa nhỏ, bị thắt và co lại đáng kể. Việc cho con bú gần như không thể. Không thể kéo nhũ hoa ra và thường phải phẫu thuật để điều chỉnh.

núm vú tụt vào trong

Nguyên nhân:

Đầu ti bị thụt có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải. Cụ thể:

  • Nguyên nhân bẩm sinh: Nhũ hoa phát triển khi bạn vẫn còn là thai nhi. Sự phát triển bất thường trong giai đoạn bào thai, chẳng hạn như gốc núm vú nhỏ hoặc ống dẫn sữa chưa hình thành đầy đủ, có thể khiến đầu ti bị thụt hoặc phẳng ngay từ khi sinh ra. Đây là nguyên nhân lành tính và thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Nguyên nhân mắc phải:
    • Nhiễm trùng: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào nhũ hoa và gây áp xe hoặc giãn ống dẫn sữa, khiến nhũ hoa bị thụt hoặc phẳng.
    • Chấn thương ngực: Sẹo do chấn thương, phẫu thuật ngực hoặc thậm chí là do cho con bú có thể làm thay đổi mô núm vú, khiến đầu ti bị thụt.
    • Lão hóa: Ngực thay đổi theo tuổi tác. Trước khi mãn kinh, ống dẫn sữa có thể ngắn lại, khiến đầu ti bị thụt hoặc phẳng.
    • Mang thai: Nhũ hoa có thể phẳng ra trong thai kỳ.
    • Căng tức ngực: Căng tức có thể khiến nhũ hoa trông phẳng hoặc lõm vào. Tình trạng này thường sẽ hết khi sưng tấy giảm xuống.
  • Bệnh lành tính ở ngực: Một số bệnh lành tính ở ngực như các khối u lành tính có thể khiến đầu ti bị thụt.
  • Bệnh Paget ở vú: Đây là một dạng ung thư vú hiếm gặp, phát triển ở da nhũ hoa, dễ bị nhầm lẫn với bệnh chàm. Bệnh gây ra các triệu chứng như phát ban, viêm nhũ hoa, đầu ti bị thụt hoặc phẳng.
  • Ung thư vú: Khi khối u vú xâm lấn các ống dẫn sữa, nhũ hoa có thể bị tụt hoặc dẹt.

Các phương pháp khắc phục:

Không phải mọi tình trạng đầu ti bị thụt đều cần điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh muốn cải thiện vẻ ngoài của vòng một, hoặc nếu nguyên nhân gây ra vấn đề này đáng lo ngại, việc áp dụng các phương pháp điều trị sau có thể cần thiết:

  • Thuốc kháng sinh: Nếu có nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
  • Áp dụng kỹ thuật Hoffman: Đặt ngón tay cái ở hai bên nhũ hoa. Sau đó vừa ấn xuống vừa kéo ngón tay cái ra xa nhau để nhũ hoa bật lên.
  • Kích thích bằng tay: Nhẹ nhàng đặt ngón tay cái và ngón trỏ quanh nhũ hoa và thực hiện chuyển động lăn hoặc chườm lạnh để khuyến khích nhũ hoa hướng ra ngoài.
  • Sử dụng thiết bị hút: Bạn có thể sử dụng một thiết bị hút như dụng cụ chỉnh đầu ti bị thụt vào hoặc máy hút sữa để kéo nhũ hoa ra.
  • Điều trị ung thư: Nếu nguyên nhân gây thụt nhũ hoa là ung thư, các phương pháp điều trị sau có thể được áp dụng: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone.
  • Phẫu thuật thẩm mỹ: Nếu người bệnh cảm thấy tự ti với nhũ hoa bị thụt hoặc phẳng, bác sĩ có thể đề xuất các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ để nhũ hoa nhô ra nhiều hơn.

3. Đầu ti nổi mụn mủ: Có phải dấu hiệu bệnh lý?

Nguyên nhân:

Đầu ti nổi mụn mủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:

  • Áp xe dưới quầng vú: Áp xe dưới quầng vú là tình trạng tích tụ mủ phát triển trong mô vú, khiến người bệnh cảm thấy đau, da có thể bị đổi màu hoặc sưng. Tình trạng này thường do viêm vú không được điều trị đúng cách gây ra, có thể liên quan đến việc cho con bú hoặc không. Ở người không cho con bú, đây có thể là dấu hiệu của khối u ác tính.
  • Viêm nang lông: Đây là tình trạng kích ứng nang lông trên ngực hoặc nhũ hoa, có thể do nhổ hoặc cạo lông ngực gây viêm vùng nang lông. Viêm nang lông có thể gây ra mụn nhọt hoặc chấm đỏ trên ngực.
  • Viêm tuyến mồ hôi mủ: Đây là tình trạng da mãn tính bao gồm tình trạng viêm và đỏ của tuyến mồ hôi và nang lông. Viêm tuyến mồ hôi mủ có thể gây ra mụn nhọt đau đớn, chứa đầy mủ ở vùng ngực, có thể giống như vết cắn của côn trùng. Lỗ chân lông bị tắc nghẽn màu trắng dưới ngực là một trong những dấu hiệu rõ ràng của bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ.
  • Nhiễm trùng do virus: Một số bệnh nhiễm trùng do virus như herpes simplex có thể gây ra các mụn nước hoặc vết loét chứa đầy dịch ở ngực kèm biểu hiện đau đớn.
  • Ung thư vú: Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, các khối u trên ngực có thể là triệu chứng của ung thư vú. Những khối u này có thể kèm theo dịch tiết máu hoặc mủ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bác sĩ tư vấn cách chăm sóc núm vú nổi mủ

Nếu gặp phải tình trạng đầu ti nổi mụn mủ, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu mụn mủ không thuyên giảm, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám càng sớm càng tốt. Các tình trạng như áp xe, ung thư vú… cần được phát hiện sớm để tăng hiệu quả chữa trị.

Hướng xử lý đầu ti nổi mụn mủ:

Mụn nhọt ở nhũ hoa thường được điều trị theo cùng cách với mụn nhọt ở những vị trí khác, mặc dù có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân. Các hướng xử lý bao gồm:

  • Vệ sinh đúng cách: Người bệnh cần sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ hoặc chất tẩy rửa có chứa axit salicylic có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành nhũ hoa, loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Tránh nặn hoặc chọc vào mụn mủ vì điều này có thể làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn hoặc gây sẹo.
  • Dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm: Nếu nguyên nhân nổi mụn mủ là do nhiễm khuẩn thì thuốc kháng sinh có thể được kê đơn. Đôi khi, thuốc kháng viêm cũng có thể cần thiết.
  • Phẫu thuật, hóa trị: Nếu ung thư vú là nguyên nhân, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định hóa trị, phẫu thuật hoặc cắt bỏ vú.

4. Nốt nhỏ xung quanh nhũ hoa là gì?

Giải thích về các tuyến Montgomery

Tuyến Montgomery là tuyến da bình thường, xuất hiện dưới dạng những cục u nhỏ, không đau trên quầng nhũ hoa – vùng da sẫm màu xung quanh nhũ hoa. Những tuyến này giúp bôi trơn da bằng cách tiết dầu tự nhiên, hỗ trợ bảo vệ và duy trì độ ẩm cho vùng da nhạy cảm này.

Hầu hết mọi người đều có tuyến Montgomery, nhưng một số người sẽ nổi những tuyến này rõ hơn những người khác.

Khi nào cần lo lắng?

Các tuyến Montgomery có thể bị nhiễm trùng nếu bạn nặn chúng. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nốt Montgomery bao gồm:

Các nốt sần Montgomery cũng có thể bị tắc hoặc viêm, đặc biệt là khi bạn chạm vào đầu ti, sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm hoặc mặc quần áo bó sát. Các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm:

  • Cảm thấy không khỏe hoặc mệt mỏi nói chung
  • Sốt và ớn lạnh
  • Ngứa, chảy dịch, chảy máu hoặc mủ từ một nốt sần
  • Nổi một cục u sưng, mềm gần nhũ hoa.

Khi có biểu hiện của nhiễm trùng tuyến Montgomery, người bệnh cần đi khám để được hỗ trợ điều trị.

Các bệnh lý liên quan:

Như đã đề cập, các tuyến Montgomery có thể bị tắc, gây u nang Montgomery. 

U nang Montgomery không phổ biến, không đau và thường tự biến mất. Tuy nhiên, nếu u nang Montgomery bị nhiễm trùng hoặc viêm thì cần được can thiệp y tế càng sớm càng tốt.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm trùng nốt Montgomery còn là triệu chứng của ung thư vú, đặc biệt nếu bạn thấy có dịch tiết, chảy máu hoặc mủ. Các dấu hiệu nhiễm trùng và các dấu hiệu khác của ung thư vú, bao gồm:

Phương pháp theo dõi và xử lý:

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng. Vị trí bị nhiễm trùng cũng có thể cần phải được mở và dẫn lưu. Nếu nhiễm trùng tái phát, có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến bị nhiễm trùng.

Đối với trường hợp nhiễm trùng tuyến Montgomery kèm theo các triệu chứng của ung thư vú, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và lên phác đồ điều trị càng sớm càng tốt.

5. Đầu ti căng là dấu hiệu gì?

Nguyên nhân sinh lý:

  • Mang thai: Mang thai gây ra nhiều thay đổi về cơ thể, bao gồm cả những thay đổi ở ngực. Sưng đau nhũ hoa và ngực có thể là dấu hiệu sớm của thai kỳ do sự gia tăng đột ngột của hormone.
  • Cho con bú hoặc hút sữa mẹ: Hầu hết các trường hợp sưng đau đầu ti liên quan đến việc cho con bú đều do ngậm nhũ hoa không đúng cách. Nếu đang hút sữa mẹ, bạn có thể bị đau nhũ hoa do dùng phễu hút sữa có kích thước không phù hợp.

Ngực căng tức

Nguyên nhân bệnh lý:

  • Nhiễm trùng: Nhũ hoa bị nứt làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Những lý do phổ biến gây nứt đầu ti bao gồm:
    • Viêm vú: Cho con bú có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vú, một bệnh nhiễm trùng vú gây đau đớn với các triệu chứng khác như sốt và các đốm đỏ cứng trên ngực.
    • Tưa miệng: Nhiễm trùng nấm men ở trẻ gọi là tưa miệng cũng có thể gây đau đầu ti, ngứa hoặc sưng khi bé bú mẹ.
    • Viêm nang lông: Các nang lông bị tắc xung quanh nhũ hoa cũng có thể bị nhiễm trùng và gây đau nhức.
  • Phản ứng dị ứng hoặc phát ban trên da: Phản ứng với chất gây kích ứng (chất tẩy rửa, xà phòng, nước hoa…) là nguyên nhân phổ biến gây sưng đau, căng tức và ngứa da nhũ hoa. Nếu cơn đau đi kèm với mụn nước, mảng vảy hoặc mẩn đỏ thì gọi là viêm da tiếp xúc. Viêm da dị ứng (chàm) cũng có thể ảnh hướng đến nhũ hoa.
  • Bệnh tật hoặc ung thư: Bệnh Paget vú hoặc ung thư vú có thể gây sưng đau, căng tức đầu ti. Ngoài đau nhói hoặc ngứa, bạn cũng có thể bị tiết dịch nhũ hoa, có cục u trên ngực hoặc nhũ hoa có thể thay đổi hình dạng (thụt vào trong).

Nguyên nhân khác:

  • Ma sát từ quần áo: Áo ngực hoặc áo sơ mi có thể cọ xát vào nhũ hoa và gây sưng đau. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở những người chạy bộ và vận động viên.
  • Tổn thương: Chấn thương nhũ hoa khi quan hệ tình dục hoặc do xỏ khuyên ở nhũ hoa có thể gây đau và kích ứng.

Hướng dẫn cách nhận biết và xử lý từng tình huống:

Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể tự xác định nguyên nhân gây căng tức, đau đầu ti. Nếu không xác định được hoặc cơn căng tức, đau nhức kéo dài trong nhiều ngày, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Nếu không xác định được nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm để kiểm tra ngực của bạn.

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà phương pháp điều trị đầu ti căng có thể khác nhau. Đôi khi, nhũ hoa chỉ cần một chút thời gian để lành lại. Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc hoặc thuốc mỡ để đẩy nhanh quá trình lành thương.

Sưng đau, căng nhũ hoa do thay đổi nội tiết tố liên quan đến kinh nguyệt có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen. Hầu hết mọi người cảm thấy dễ chịu sau 24 hoặc 48 giờ.

Đau, căng tức nhũ hoa do áo ngực hoặc áo không vừa vặn có thể được điều trị bằng cách thay vải hoặc mua quần áo mới. Đặt băng hoặc thuốc mỡ gốc dầu lên nhũ hoa có thể làm giảm ma sát hoặc cọ xát.

Nếu đầu ti căng do cho con bú hoặc hút sữa mẹ, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để được hướng dẫn tư thế cho bé bú đúng cách cũng như đảm bảo máy hút sữa vừa vặn với nhũ hoa. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bôi thuốc mỡ lanolin và chườm lạnh để giảm đau đầu ti khi cho con bú. Thuốc kháng sinh cũng có thể được sử dụng nếu có nhiễm trùng như tưa miệng hoặc viêm vú xảy ra.

Nhũ hoa căng đau, sưng viêm do phản ứng dị ứng có thể được khắc phục bằng kem chống viêm tại chỗ. Thuốc kháng histamine đường uống cũng có thể được dùng để giảm các triệu chứng dị ứng.

Nếu ung thư hoặc các bệnh về vú khác là nguyên nhân gây căng đau nhũ hoa, phương pháp điều trị có thể bao gồm xạ trị, hóa trị, phẫu thuật hoặc cắt bỏ ngực.

6. Đầu ti nhạy cảm

Tại sao đầu ti bị nhạy cảm? Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm:

  • Ma sát và trầy xước: Ma sát từ quần áo không vừa vặn, đặc biệt khi tham gia chạy bộ hoặc vận động mạnh, có thể làm đầu ti bị trầy xước, dẫn đến nhạy cảm. Tình trạng này thường gây đau, đôi khi đau nhói, da khô hoặc nứt nẻ. Mặc vải mịn, áo ngực thể thao vừa vặn hoặc sử dụng băng bảo vệ có thể giúp giảm triệu chứng.
  • Phản ứng dị ứng: Đầu ti nhạy cảm có thể do phản ứng với các sản phẩm như xà phòng, chất tẩy rửa, hoặc nước hoa. Dị ứng thường đi kèm với các triệu chứng như ngứa, phát ban, da bong tróc hoặc phồng rộp, cảm giác nóng rát. Ngừng sử dụng các sản phẩm gây kích ứng và sử dụng kem chống viêm có thể cải thiện tình trạng này.
  • Thay đổi nội tiết tố: Biến động hormone trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, hoặc sử dụng thuốc tránh thai có thể khiến nhũ hoa trở nên nhạy cảm. Tình trạng này thường liên quan đến sưng đau ngực, nhạy cảm vùng ngực, thay đổi tâm trạng và mệt mỏi… Một số biện pháp như duy trì lối sống lành mạnh hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn có thể giảm triệu chứng.

Đầu ti nhạy cảm

  • Mang thai: Trong thời kỳ mang thai, sự thay đổi hormone khiến ngực to hơn, chuẩn bị cho việc nuôi con bú, làm đầu ti trở nên nhạy cảm hơn, cũng như có thể xuất hiện các cục u nhỏ, rỉ sữa non… Mặc áo ngực dành cho bà bầu có khả năng nâng đỡ tốt hoặc sử dụng miếng lót thấm hút có thể giúp giảm khó chịu.
  • Cho con bú: Việc trẻ ngậm không đúng cách khi bú là nguyên nhân phổ biến gây nhạy cảm và đau đầu ti. Nhũ hoa có thể bị cọ xát vào nướu hoặc vòm miệng, dẫn đến kích ứng và đau. Để giảm đau, mẹ nên điều chỉnh tư thế cho con bú, bắt đầu từ bên ít đau hơn, hoặc sử dụng sữa mẹ để làm dịu núm vú sau khi bú.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng nấm men hoặc viêm quanh ống dẫn sữa có thể gây đau, nhạy cảm và bong tróc da ở nhũ hoa. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm áp xe hoặc dịch tiết từ nhũ hoa. Điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm thường được khuyến nghị để cải thiện tình trạng này.

Khi nào cần chú ý đến nhũ hoa nhạy cảm quá mức?

Phần lớn các nguyên nhân gây nhạy cảm ở nhũ hoa thường không nguy hiểm và có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, triệu chứng nhạy cảm ở nhũ hoa có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư vú hoặc bệnh Paget.

  • Ung thư vú: Nhạy cảm đầu ti đôi khi có thể là dấu hiệu của ung thư vú, thường đi kèm với các triệu chứng như có cảm giác như một khối u cứng có các cạnh không đều, hoặc đôi khi có thể là khối u mềm và tròn, ngực sưng, da có vết lõm, nhũ hoa hoặc da ngực khô, đỏ, bong tróc hoặc dày lên, tiết dịch nhũ hoa… Nếu có các dấu hiệu đáng ngờ, bạn cần gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
  • Bệnh Paget: Đây là một loại ung thư vú hiếm gặp, liên quan đến da nhũ hoa và quầng vú, thường kèm theo các triệu chứng như da nhu hoa khô, bong tróc, tiết dịch hoặc nhạy cảm. Bệnh thường chỉ ảnh hưởng đến một bên ngực và được chẩn đoán qua sinh thiết, với điều trị chính bao gồm phẫu thuật và xạ trị.

Mẹo giảm đau hoặc khó chịu ở đầu ti:

Nhìn chung, để giảm đau và khó chịu ở nhũ hoa, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Mặc quần áo mềm mại, vừa vặn và tránh các loại vải thô ráp để giảm ma sát. Áo ngực thể thao hoặc áo ngực bà bầu nâng đỡ tốt có thể giúp giảm áp lực lên đầu ti.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm, kem chống hăm hoặc bôi một ít sữa mẹ lên nhũ hoa (đối với phụ nữ đang cho con bú) để làm dịu kích ứng và giảm khô nứt.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm có thể gây kích ứng, như nước hoa, xà phòng, hoặc chất tẩy rửa. Nếu nghi ngờ phản ứng dị ứng, ngừng sử dụng sản phẩm và cân nhắc dùng kem chống viêm không kê đơn.
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, nếu tình trạng nhạy cảm nhũ hoa liên quan đến thay đổi nội tiết tố.
  • Tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc để cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nhạy cảm nhũ hoa liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ nhiễm trùng đầu ti để được điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc chống nấm phù hợp.
  • Nếu bạn đang cho con bú, hãy điều chỉnh tư thế bú sao cho trẻ ngậm đúng cách. Điều này giúp giảm áp lực lên nhũ hoa và hạn chế tình trạng đau nhạy cảm.

Hầu hết các trường hợp nhạy cảm đầu ti có thể cải thiện với các mẹo đơn giản này. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường khác, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

7. Nấm đầu ti

Nguyên nhân nhiễm nấm:

Nấm đầu ti là do sự phát triển quá mức của nấm Candida, một loại nấm men thường có trên da. Bệnh phổ biến nhất trong sáu tuần đầu tiên của thời kỳ cho con bú nhưng cũng có thể xảy ra ở những người không cho con bú.

Giai đoạn cho con bú tạo điều kiện lý tưởng cho bệnh nấm đầu ti. Nấm Candida phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, ẩm ướt và ăn đường có trong sữa mẹ. Nấm có thể truyền từ nhũ hoa của mẹ sang miệng trẻ bú mẹ và ngược lại.

Núm vú nhiễm nấm

Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nấm đầu ti bao gồm:

Nấm đầu ti bôi gì cho hết?

Nấm nhũ hoa có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm tại chỗ. Các loại thuốc thông thường được sử dụng để điều trị nấm đầu ti bao gồm:

Thuốc tím bôi da Gentian (Gentian violet) là có đặc tính kháng nấm cũng được dùng để điều trị bệnh này.

Thuốc kháng sinh tại chỗ có thể được kê đơn nếu nấm nhũ hoa đi kèm với nhiễm trùng do vi khuẩn. Điều này thường gặp ở những người bị nứt đầu ti – một tình trạng thường xảy ra cùng với nấm nhũ hoa.

Những trường hợp viêm nhũ hoa nặng có thể dùng steroid tại chỗ kê đơn. Cũng có thể kết hợp thuốc chống nấm và steroid.

Nếu phương pháp điều trị tại chỗ không có hiệu quả trong việc chữa bệnh nấm nhũ hoa, có thể sẽ phải kê đơn thuốc chống nấm đường uống.

Hướng dẫn cách phòng ngừa tái phát nhiễm nấm:

Nấm nhũ hoa có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

  • Để nhũ hoa thoáng khí càng nhiều càng tốt.
  • Tránh sử dụng miếng lót ngực có lớp lót chống thấm nước. Thay vào đó hãy chọn loại vải thoáng khí.
  • Thay miếng lót ngực thường xuyên, đặc biệt là khi miếng lót bị ẩm.
  • Vệ sinh các bộ phận của máy hút sữa tiếp xúc với da, bình sữa, núm vú của bình sữa và núm ti giả bằng nước xà phòng nóng sau mỗi lần sử dụng.
  • Cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn uống.
  • Nếu bạn bị tiểu đường, hãy cố gắng giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường nhất có thể.
  • Hãy thử dùng men vi sinh để khôi phục sự cân bằng cho hệ vi khuẩn đường ruột.
  • Rửa tay thường xuyên, bao gồm trước và sau khi cho con bú và sau khi thay tã.
  • Mặc áo ngực cotton sạch sẽ, thoải mái và giặt bằng nước xà phòng nóng sau mỗi lần sử dụng.
  • Lau nhũ hoa bằng khăn mặt ấm sau khi cho con bú để loại bỏ cặn sữa mẹ.

Lời khuyên từ chuyên gia trong việc chăm sóc đầu ti

Kiểm tra đầu ti và ngực định kỳ là cách quan trọng để bạn phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, như khối u, thay đổi về màu sắc hoặc cấu trúc da đầu ti. Do đó, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người nên:

  • Thường xuyên đến gặp bác sĩ để khám ngực và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc được khuyến nghị, như chụp nhũ ảnh. Bác sĩ sẽ cho bạn biết tần suất bạn cần thăm khám và xét nghiệm.
  • Tự kiểm tra ngực hàng tháng để làm quen với hình dạng và cảm giác của ngực. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, hãy thông báo cho bác sĩ.

Kiểm tra vú định kỳ

Để bảo vệ sức khỏe đầu ti, bạn nên tuân thủ các biện pháp chăm sóc nhũ hoa như sau:

  • Giữ vệ sinh nhũ hoa sạch sẽ, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú, để tránh nhiễm trùng hoặc kích ứng.
  • Chọn áo ngực và các loại áo phù hợp, vừa vặn, tránh các loại vải thô ráp nhằm hạn chế ma sát gây tổn thương đầu ti.
  • Cân nhắc sử dụng các sản phẩm giảm ma sát nếu thường xuyên tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể chất để tránh trầy xước nhũ hoa.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ các vấn đề liên quan đến nội tiết tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhũ hoa.
  • Thay đổi hoặc ngừng bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ra vấn đề với nhũ hoa. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được tư vấn chi tiết.

Để tránh bỏ lỡ các dấu hiệu nguy hiểm, bạn nên đi khám nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:

  • Đau hoặc nhức nhũ hoa kéo dài trong nhiều ngày hoặc không rõ nguyên nhân.
  • Thay đổi về màu sắc hoặc kết cấu của nhũ hoa hoặc vùng da xung quanh.
  • Xuất hiện các vết nứt trên bề mặt nhũ hoa (nứt đầu ti).
  • Phát ban ở nhũ hoa hoặc bất kỳ phần nào của ngực.
  • Dịch bất thường tiết ra từ nhũ hoa.
  • Đầu ti phẳng hoặc lõm vào trong khi trước đây không có tình trạng này.
  • Một chấm nhỏ màu trắng, trong suốt hoặc màu vàng trên nhũ hoa xuất hiện trong quá trình cho con bú.

Các triệu chứng này có thể liên quan đến các tình trạng nghiêm trọng như ung thư vú, áp xe, viêm nhiễm hoặc các bệnh lý cần điều trị khác. Việc tìm kiếm sự tư vấn và chăm sóc kịp thời từ bác sĩ sẽ giúp bạn tránh bỏ lỡ các dấu hiệu nguy hiểm và đảm bảo sức khỏe lâu dài.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp

1. Bị nứt cổ gà khi cho con bú phải làm sao?

Nếu bạn bị nứt cổ gà khi cho con bú, hãy thử các biện pháp sau để giảm đau và hỗ trợ lành vết nứt:

  • Áp dụng kỹ thuật cho con bú đúng cách để giảm áp lực lên đầu ti.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia để sử dụng máy hút sữa đúng cách.
  • Bôi một ít sữa mẹ lên vết nứt để kháng khuẩn và giữ ẩm.
  • Mặc áo ngực thoáng khí hoặc để ngực trần khi có thể để đầu ti không bị quá ẩm.
  • Massage nhẹ nhàng bầu ngực căng tức để giảm đau.
  • Sử dụng gạc ấm hoặc miếng gel để giảm cảm giác khó chịu.

2. Đầu ti bị ngứa có nguy hiểm không?

Ngứa nhẹ ở đầu ti thường không đáng lo ngại và có thể tự khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa nghiêm trọng, kéo dài, kèm theo đau hoặc tiết dịch, bạn nên đi khám ngay để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

3. Cách chăm sóc đầu ti khi đang cho con bú?

Nhũ hoa tự nhiên tiết ra chất bôi trơn để ngăn ngừa khô, nứt hoặc nhiễm trùng trong giai đoạn cho con bú. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc đầu ti sau đây để bảo vệ sức khỏe nhũ hoa khi đang nuôi con bằng sữa mẹ:

  • Tránh sử dụng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh lên đầu ti vì điều này có thể gây khô và nứt nẻ.
  • Tránh rửa hoặc sấy khô mạnh vùng ngực và nhũ hoa.
  • Sau khi cho con bú, thoa một ít sữa mẹ lên núm vú để giữ ẩm và bảo vệ da.
  • Giữ nhũ hoa khô ráo, tránh để ẩm ướt quá lâu để tránh nứt nẻ và nhiễm trùng.
  • Nếu nhũ hoa bị nứt nẻ, hãy thoa lanolin nguyên chất 100% sau mỗi lần cho con bú.

4. Có nên nặn mụn trên đầu ti không?

Không nên nặn mụn trên đầu ti, bao gồm cả việc ấn hoặc bóp tuyến Montgomery trên nhũ hoa. Việc làm này có thể gây kích ứng, nhiễm trùng hoặc khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, nếu mụn gây khó chịu hoặc không tự biến mất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xử lý đúng cách.

5. Tuyến Montgomery lớn hơn bình thường có nguy hiểm không?

Tuyến Montgomery có thể lớn hơn bình thường khi có sự thay đổi hormone, chẳng hạn như trong các giai đoạn mang thai, cho con bú hoặc trước kỳ kinh nguyệt. Đây là hiện tượng bình thường và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tuyến này sưng to, đau hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra.

6. Các vấn đề ở đầu ti có liên quan đến ung thư vú không?

Một số triệu chứng ở nhũ hoa có thể liên quan đến ung thư vú, chẳng hạn như đau nhũ hoa kèm tiết dịch bất thường, cục u ở ngực hoặc nhũ hoa đột nhiên bị thụt vào trong. Tuy nhiên, chỉ riêng một triệu chứng bất thường như đau đầu ti thì không phải là dấu hiệu chắc chắn của ung thư. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào đáng ngờ ở nhũ hoa, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra và sàng lọc kịp thời.

Kết luận

Sức khỏe đầu ti đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Việc thường xuyên chú ý đến các thay đổi ở khu vực nhạy cảm này sẽ giúp bạn phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn và điều trị kịp thời. Hãy luôn quan tâm đến cơ thể mình bằng cách kiểm tra nhũ hoa định kỳ và đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, chẳng hạn như đau nhức, ngứa kéo dài, hoặc tiết dịch lạ.

Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần thêm lời khuyên, hãy tham khảo thêm thông tin chi tiết trên trang sức khỏe Hello Bacsi hoặc đặt câu hỏi trực tiếp đến chuyên gia y tế theo hướng dẫn tại đây nhé. Bắt đầu chăm sóc bản thân ngay hôm nay!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nipple Fissure: Causes, Symptoms, Diagnosis & Treatment https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22605-nipple-fissure Ngày truy cập: 13/01/2024

Flat and Inverted Nipples https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/25118-flat-and-inverted-nipples Ngày truy cập: 13/01/2024

Sore Nipples: Pain, Causes, Symptoms & Treatment https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/23164-sore-nipples Ngày truy cập: 13/01/2024

Nipple https://my.clevelandclinic.org/health/body/nipple Ngày truy cập: 13/01/2024

Inverted Nipple – StatPearls – NCBI Bookshelf https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK563190/ Ngày truy cập: 13/01/2024

Cyst of Montgomery: An uncommon adolescent breast lump – PMC https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7415277/ Ngày truy cập: 13/01/2024

Nipple Problems and Discharge | Johns Hopkins Medicine https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/nipple-problems-and-discharge Ngày truy cập: 13/01/2024

Breastfeeding – skin and nipple changes: MedlinePlus Medical Encyclopedia https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000632.htm Ngày truy cập: 13/01/2024

Nipple thrush | Pregnancy Birth and Baby https://www.pregnancybirthbaby.org.au/nipple-thrush Ngày truy cập: 13/01/2024

Phiên bản hiện tại

17/01/2025

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Chu kỳ kinh nguyệt: Thủ phạm làm tăng nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ

Hay bị đau đầu, khó tập trung trước và trong khi hành kinh: Liệu có phải do thiếu máu, thiếu sắt?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 19 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo