backup og meta

Áp xe vú sau sinh: Nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào?

Áp xe vú sau sinh: Nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào?

Áp xe vú sau sinh là bệnh lý tuyến vú xảy ra ở phụ nữ sau sinh và đang cho con bú. Tình trạng này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời không chỉ khiến mẹ phải chịu đau đớn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ, chất lượng sữa cho bé mà còn dẫn đến hoại tử vú.

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu tất tần tật những thông tin liên quan về tình trạng áp xe vú sau sinh. 

Áp xe vú sau sinh là gì? 

Áp xe vú sau sinh là tình trạng viêm với biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau nhức ở bầu vú do sự tích tụ mủ trong tuyến vú. Bệnh áp xe vú không di truyền và không lây nhiễm từ người này sang người khác và thường không có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh. 

Áp xe vú thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ước tính có khoảng 10 –  30% các trường hợp áp xe vú sau sinh xảy ra ở các bà mẹ cho con bú. Các bà mẹ đang cho con bú có thể phát triển một tình trạng gọi là viêm vú hoặc viêm mô mềm của vú, khoảng 1 trong 15 phụ nữ này có thể bị áp xe vú. Tình trạng tắc nghẽn ống dẫn sữa do sẹo cũng có thể gây ra áp xe vú.

Các dấu hiệu áp xe vú sau sinh dễ nhận biết 

dấu hiệu nhận biết áp xe vú sau sinh

Theo các chuyên gia, dấu hiệu áp xe vú sau sinh sẽ bao gồm các triệu chứng sau: 

  • Bầu ngực sưng đau, căng tức và nóng rát 
  • Da đầu núm vú hoặc toàn bộ bầu ngực bị ửng đỏ, sần lên
  • Sờ thấy khối cứng chắc ở trên vú, khi chạm vào thì đau dữ dội 
  • Núm vú có thể bị thụt vào trong 
  • Có thể dịch mủ có lẫn máu chảy ra từ núm vú
  • Sữa mẹ có lẫn mủ hoặc có mùi hôi tanh khó chịu 
  • Sốt cao từ 38 đến 40 độ C, ớn lạnh  
  • Mệt mỏi 
  • Các hạch bạch huyết ở nách mở rộng 
  • Đôi khi có thêm triệu chứng nôn, buồn nôn…

Áp xe vú sau sinh: Nguyên nhân do đâu? 

nguyên nhân áp xe vú sau sinh

Nguyên nhân gây áp xe vú sau sinh thường liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn chẳng hạn như Staphylococcus Aureus và Streptococcus. 

Tình trạng nhiễm trùng gây viêm có thể xảy ra trong thời gian cho con bú nếu vi khuẩn xâm nhập vào mô vú hoặc nếu ống dẫn sữa bị tắc. Việc viêm vú không được điều trị có thể dẫn đến hình thành ổ áp xe. Thực tế là một số phụ nữ không cho con bú cũng có thể bị viêm vú nếu vi khuẩn xâm nhập vào ống dẫn sữa thông qua núm vú hoặc núm vú nứt hoặc xỏ khuyên ở núm vú hoặc có thể có những nguyên nhân khác, chẳng hạn như ung thư vú.

Bị áp xe vú sau sinh được chẩn đoán và điều trị như thế nào? 

chẩn đoán áp xe vú sau sinh

1. Chẩn đoán 

Các triệu chứng của áp xe vú và nhiễm trùng là tương tự nhau. Chỉ có bác sĩ mới có thể xác định xem bạn đang bị áp xe vú sau sinh hay là bị nhiễm trùng.

Bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị áp xe vú hay không dựa trên việc khám thực thể, hỏi về tiền sử sức khỏe, bao gồm cả việc bạn có từng bị áp xe trước đó hay không, việc cho con bú. 

Để chẩn đoán chính xác áp xe vú, bác sĩ cũng sẽ cần thực hiện xét nghiệm hình ảnh gọi là siêu âm vú. Nếu nghi ngờ thêm áp xe, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành chọc hút dịch bằng kim nhỏ để lấy mẫu. Điều này cũng giúp loại trừ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như ung thư hoặc u nang lành tính ở tuyến vú. 

2. Điều trị 

Theo các chuyên gia, phương pháp điều trị áp xe vú sau sinh bao gồm: sử dụng kháng sinh – giảm đau để giảm viêm, dẫn lưu vùng mủ và chườm ấm/chườm mát để giảm đau. 

  • Thuốc giảm đau – kháng sinh: Bác sĩ có thể cho bạn uống ibuprofen để giảm đau. Loại thuốc này được coi là hiệu quả nhất giúp giảm viêm và phù nề. Ngoài ra, bạn có thể cùng paracetamol để thay thế. Tránh dùng tramadol và các loại thuốc có nguy cơ gây nghiện khác vì chúng có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Ngoài thuốc giảm đau, bác sĩ cũng sẽ cho mẹ thuốc kháng sinh với mục đích khu trú ổ viêm, phục vụ cho việc dẫn lưu ổ mủ về sau. 
  • Dẫn lưu mủ: Việc dẫn lưu mủ được tiến hành như sau: 
    • Gây tê bằng thuốc gây tê cục bộ để bạn không cảm thấy đau. 
    • Rạch một đường nhỏ trên bầu vú để loại bỏ mủ, dẫn lưu ổ áp xe hoặc chọc hút mủ bằng kim. Việc chọc hút mủ bằng kim có thể cần nhiều phương pháp điều trị nhưng ít xâm lấn hơn. Với một trong hai hình thức điều trị trên, bạn có thể được xuất viện về nhà ngay trong ngày điều trị. 
  • Chườm ấm/chườm mát: Bạn có thể dùng túi chườm ấm hay mát để giúp giảm nhẹ triệu chứng đau nhức. Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ bỉm chia sẻ, việc đắp bầu vú bằng lá bắp cải để giảm triệu chứng áp xe hay viêm vú khá hiệu quả. 
  • Làm trống bầu vú: Áp xe vú tuy sau sinh gây đau đớn nhưng bạn cần làm trống bầu vú thường xuyên nhằm ngăn ngừa nguy cơ sữa tích tụ gây viêm tái đi tái lại. 
  • Cung cấp hỗ trợ đầy đủ cho bầu ngực: Bạn nên mặc quần áo thoải mái, dùng áo ngực cho con bú để bầu ngực được nâng đỡ đúng cách. Từ đó giúp hạn chế nguy cơ bầu ngực bị kéo căng và mang lại công dụng giảm đau. 

Mách bạn các biện pháp phòng ngừa áp xe vú sau sinh 

phòng ngừa áp xe vú cho mẹ sau sinh

Việc điều trị viêm vú hoặc nhiễm trùng kịp thời, đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ phát triển áp xe vú. Tuy nhiên, nếu bạn từng bị áp xe vú sau sinh thì nguy cơ tái phát là rất cao. Theo các chuyên gia, để hạn chế nguy cơ bị áp xe vú sau sinh, các mẹ bỉm cần:

  • Giữ gìn vệ sinh vùng vú và núm vú đúng cách trước và sau khi cho con bú, tránh làm trầy xước, rạn nứt đầu núm vú khi cho con bú.
  • Cho con bú đúng cách: Tập cho trẻ bú no, bú hết từng bên bầu vú. Trường hợp, trẻ bú no nhưng sữa chưa hết cần vắt sữa ra, tránh tình trạng sữa ứ đọng dễ dẫn đến tắc sữa, gây viêm làm tăng nguy cơ bị áp xe.
  • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh thức khuya, lao động vừa sức.

Hello Bacsi hy vọng rằng thông qua bài, các mẹ bỉm đã có được những thông tin hữu ích xoay quanh tình trạng áp xe vú sau sinh. Từ đó biết các nhận biết, điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Breast abscess https://www.nidirect.gov.uk/conditions/breast-abscess#:~:text=A%20breast%20abscess%20is%20a,pain%20and%20swelling%20(inflammation). Ngày truy cập 26/02/20234

Management of Lactational Mastitis and Breast Abscesses: Review of Current Knowledge and Practice https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3900741/ Ngày truy cập 26/02/20234

Breast abscess https://www.nhs.uk/conditions/breast-abscess/ Ngày truy cập 26/02/20234

Breast Abscess https://carle.org/conditions/breast-abscess Ngày truy cập 26/02/20234

Breast Abscesses: Types, Treatment, and More https://www.healthline.com/health/breast-abscess Ngày truy cập 26/02/20234

Phiên bản hiện tại

07/03/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Có nên cho bé bú khi bị sốt do viêm vú hay không?

7 nguyên nhân và 11 cách chữa tắc tia sữa đơn giản ở phụ nữ cho con bú


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 07/03/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo