backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Hiểu đúng để giảm đau hiệu quả và an toàn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Hiểu đúng để giảm đau hiệu quả và an toàn

    Bạn bị đau khớp cấp, bác sĩ kê toa thuốc kháng viêm không steroid hay còn gọi là NSAIDs. Bạn vừa tiểu phẫu xong, bác sĩ kê đơn NSAIDs giảm đau. Bạn bị chấn thương, bác sĩ cũng kê đơn NSAIDs. Bạn bị đau răng, TV quảng cáo một loại NSAIDs giảm đau không kê toa mà bạn có thể mua được dễ dàng. Bạn bị đau bụng kinh, nhà thuốc cắt cho bạn một loại NSAIDs. Có thể nói, ở nơi nào có hiện diện đau là nơi đó sẽ có NSAIDs.

    Hiệu quả giảm đau của NSAIDs đối với những cơn đau cấp tính thường nhanh và mạnh [1]. Tuy nhiên nếu để ý, bạn sẽ thấy, bác sĩ luôn hỏi rằng liệu bạn có bị đau dạ dày không và thường chỉ định NSAIDs kèm với một loại thuốc bảo vệ dạ dày. Một số tác dụng phụ trên tim mạch của thuốc giảm đau kháng viêm cũng gây ra nhiều quan ngại đối với thầy thuốc và bệnh nhân.

    Vậy sử dụng thuốc kháng viêm không steroid như thế nào thì an toàn trong khi nhóm thuốc này được dùng phổ biến cho nhiều tình trạng đau khác nhau. Có gì khác biệt giữa thuốc NSAIDs cổ điển với các thuốc ức chế chọn lọc COX-2? Bạn có đang gặp nguy cơ nào đi kèm như vấn đề trên đường tiêu hóa, tim mạch, huyết áp, người cao tuổi…không? Làm thế nào để có thể tuân thủ đầy đủ một liệu trình điều trị có NSAIDs mà không gặp bất cứ một tác dụng phụ nào? Hiểu đúng về thuốc để có thể yên tâm tuân thủ dùng thuốc nhé.

    Vì sao cần dùng NSAIDs trong điều trị bệnh xương khớp?

    Vì sao cần dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

    Thuốc kháng viêm không steroid, viết tắt là NSAIDs, là một loại thuốc kháng viêm, giảm đau hoạt động bằng cách ngăn cản sự sản xuất prostaglandin (PGG) gây viêm. Nó ức chế hoạt động của enzyme PGG/H synthase, còn được gọi là cyclooxygenase (COX) [1].

    NSAIDs bao gồm nhóm ức chế không chọn lọc, nhóm ức chế chọn lọc COX-2 và aspirin [6]. Khả năng kháng viêm của NSAIDs được tạo ra do ức chế COX-2, trong khi các tác dụng phụ phát sinh từ sự ức chế COX-1. Do đó, một số NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 được phát triển như là loại thuốc an toàn hơn với dạ dày. Tuy nhiên, thị trường gần đây đã loại bỏ một số NSAIDs chọn lọc COX-2 nhóm coxib, chẳng hạn như rofecoxib, do tác dụng phụ có hại cho tim mạch [7].

    Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) được FDA phê duyệt bán theo toa và không kê toa (OTC), được sử dụng để giảm sốt và đau, chẳng hạn như những cơn đau đầu, cảm lạnh, cúm và viêm khớp. NSAIDs kê toa có thể kể đến như ibuprofen, naproxen, diclofenac và nhóm ức chế COX-2. Ibuprofen thuộc nhóm không kê toa nếu dùng ở liều thấp [3].

    Thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng phụ gì?

    Khi sử dụng NSAIDs, bệnh nhân có thể gặp phải một số độc tính của thuốc, biểu hiện bằng các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, tần số xuất hiện cũng như sự nguy hiểm của những tác dụng này ở từng người sẽ khác nhau tùy từng loại thuốc [1]:

  • NSAIDs gây loét dạ dày và làm chảy máu đường tiêu hóa (tác dụng phụ trên đường tiêu hóa trên): Trong một báo cáo gần đây của FDA, ước tính số ca tử vong do chảy máu tiêu hóa liên quan đến NSAIDs đạt khoảng 3500 đến 16.500 ca mỗi năm ở Hoa Kỳ [2].
  • NSAIDs gây tác dụng phụ ở cả đường tiêu hóa dưới: Trong nhóm đối tượng bình thường, biến chứng trên đường tiêu hóa dưới (ruột, đại tràng, trực tràng) chiếm 20% tổng số biến chứng tiêu hóa. Với nhóm đối tượng sử dụng NSAIDs, tỷ lệ xuất hiện biến chứng đường tiêu hóa trên và dưới tương đương 50:50, tỷ lệ biến chứng đường tiêu hóa dưới vào khoảng 13- 40%, tùy theo loại NSAIDs sử dụng. Số lượng biến cố đường tiêu hóa vẫn tăng đáng kể, ngay cả trong các nghiên cứu dùng NSAIDs phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày nhóm ức chế bơm proton (PPI) [5].
  • Cả NSAIDs cổ điển và NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 đều có thể gây tác dụng phụ trên tim mạch, làm tăng huyết áp, đặc biệt ở bệnh nhân vốn bị cao huyết áp [2].
  • Ngoài ra NSAIDs còn gây tác dụng không mong muốn trên thận và gan: Tình trạng giảm bài tiết natri xảy ra ở 25% bệnh nhân có suy tim nhẹ hoặc bệnh gan được điều trị bằng NSAIDs, có thể dẫn đến tăng cân và phù ngoại vi (phù chân) cũng như có thể gây ra các đợt cấp suy tim sung huyết. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị tăng kali máu, một tỉ lệ nhỏ có khả năng bị suy thận cấp (hầu hết xảy ra ở bệnh nhân có suy tim, xơ gan hoặc suy thận) [1].
  • Tương tác của thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

    • Khi sử dụng NSAIDs, bệnh gan và thận đi kèm có thể làm thay đổi quá trình chuyển hóa hoặc bài tiết thuốc, do đó góp phần làm tăng độc tính của liều NSAIDs sử dụng đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý này [1].
    • NSAIDs có thể làm tăng hoạt tính hoặc độc tính của nhiều thuốc hạ đường huyết, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị ung thư… [1]. Tuy nhiên, người ta không nhận thấy các tương tác lâm sàng và dược động học quan trọng giữa một NSAID nhóm coxib và methotrexate [1], [9].
    • NSAIDs có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của một số thuốc hạ áp (thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu) [10], dẫn đến mất ổn định trong việc kiểm soát huyết áp, tăng nguy cơ nhiễm độc đường tiêu hóa nếu sử dụng đồng thời NSAIDs và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (chống trầm cảm) so với chỉ dùng một trong hai [1].
    • Không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng hiệu quả của thuốc sẽ gia tăng khi dùng chung hai loại NSAIDs nhưng việc kết hợp này lại có thể làm tăng nguy cơ gặp phải phản ứng ngoài ý muốn [4].
    • Người già có thể bị giảm khả năng thanh thải thuốc do gan và thận suy yếu. Họ cũng hay gặp tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Các hoạt động của thận liên quan đến NSAIDs có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc trên tim mạch. Bệnh nhân có dùng aspirin sẽ làm tăng độc tính của NSAIDs và ngược lại dùng NSAIDs làm tăng kháng aspirin. Ngoài ra, người già thường mắc nhiều bệnh nền nên phải dùng thuốc nhiều hơn người trẻ. Vì vậy, khả năng xảy ra tương tác thuốc và nhầm lẫn trong quá trình sử dụng thuốc cũng cao hơn [1]. Tuy nhiên, có một NSAID nhóm ức chế COX-2 (nhóm coxib) không ảnh hưởng đến tác dụng kháng tiểu cầu của aspirin liều thấp [9].
    • Đối với các phụ nữ muốn tránh thai, lợi ích của việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống không liên quan đến các rủi ro khi dùng NSAIDs [12].

    Nên sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) thế nào để hiệu quả và an toàn?

    Bác sĩ sẽ lựa chọn các NSAIDs thích hợp cho bạn

    Khi chọn một NSAIDs cho bệnh nhân cụ thể, bác sĩ phải xem xét hiệu quả, độc tính tiềm ẩn liên quan thuốc dùng đồng thời, các yếu tố thuộc về bệnh nhân cũng như chi phí điều trị. Ví dụ như, trong một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ khi điều trị nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận một nguy cơ nhỏ để giảm đau [1].

    Ở những bệnh nhân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi độc tính của NSAIDs như người cao tuổi các chức năng suy giảm, người đang dùng nhiều loại thuốc ảnh hưởng trên dạ dày, có thể chưa có biểu hiện rõ ràng các triệu chứng, đã có bệnh lý dạ dày, tiền sử loét, xuất huyết đường tiêu hóa, cao huyết áp…, bác sĩ sẽ tránh dùng các thuốc mạnh có thời gian bán hủy dài hoặc các công thức giải phóng kéo dài. Dùng thuốc gián đoạn thay vì sử dụng hàng ngày liên tục có tác dụng giảm độc tính của thuốc [1].

    Ngoài ra, không phải NSAIDs nào cũng ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa và tim mạch giống nhau nên bác sĩ sẽ chọn NSAIDs điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ cao theo các khuyến cáo trên thế giới. Ví dụ, đối với bệnh nhân có nguy cơ về tiêu hóa, khuyến cáo ưu tiên dùng các NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 như nhóm coxib, đồng thời kết hợp thêm các thuốc bảo vệ dạ dày (liều gấp đôi nếu bệnh nhân điều trị dài hạn, liều duy nhất kéo dài 30 ngày nếu bệnh nhân đang điều trị) [8]. Đối với bệnh nhân bị cao huyết áp nên dùng NSAIDs kết hợp chẹn calci [10] hay dùng một thuốc nhóm coxib ít ảnh hưởng lên huyết áp [11].

    Bệnh nhân nên dùng NSAIDs thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu mà không bị tác dụng phụ?

    Bệnh nhân cần lưu ý toa thuốc của mình khi có NSAIDs để không sử dụng nó cùng với bất kỳ thuốc kháng viêm không steroid nào khác, bao gồm cả những thuốc không kê đơn (như aspirin và ibuprofen) để giảm đau và/hoặc chống viêm [4].

    Bệnh nhân không được uống rượu khi đang dùng NSAIDs vì sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng trên dạ dày [4].

    Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ khi mình phẫu thuật bắc cầu tim (dự định hoặc đã thực hiện gần đây), suy tim nặng, không kiểm soát được, chảy máu trong não hoặc các rối loạn chảy máu khác, đang mang thai (sau 28 tuần thai), đang cho con bú (hoặc dự định cho con bú), dị ứng với aspirin hoặc các NSAIDs khác, đang loét hoặc đang chảy máu dạ dày hoặc ruột, bệnh viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét ruột kết), bệnh gan (hoạt động hoặc nặng), bệnh thận (nặng hoặc xấu đi), kali cao trong máu [4].

    Bệnh nhân cũng phải báo cho các bác sĩ khác về NSAID mình đang dùng đặc biệt là bệnh nhân có kế hoạch phẫu thuật tim, khó thụ thai [4].

    Bệnh nhân nên kiểm tra huyết áp trước khi bắt đầu dùng NSAIDs, sau đó là kiểm tra huyết áp định kỳ sau mỗi 1-4 tuần điều trị trong 1-2 tháng [13], [14]. Bệnh nhân tăng huyết áp không kiểm soát được hoặc đang dùng thuốc hạ huyết áp cần theo dõi thường xuyên [14]. Bệnh nhân lớn tuổi có sử dụng NSAIDs dài hạn, nên theo dõi huyết áp tại nhà [13]. Cần theo dõi các dấu hiệu giữ nước (tăng cân hoặc phù chân) [15].

    Tóm lại

    Sau khi hiểu đầy đủ và đúng về thuốc kháng viêm không steroid, bạn có thể yên tâm sử dụng NSAIDs khi được bác sĩ kê toa cũng như không kê đơn. Hãy sử dụng NSAIDs đúng như khuyến cáo và tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị để mang lại hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ.

    PP-CEL-VNM-0477

    Tên nhân vật trong bài chỉ mang tính minh họa.

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo