backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sử dụng thuốc giảm đau tại nhà: Bí quyết chọn đúng và dùng đúng

Tham vấn y khoa: PGS. TS. BS. Cao Thanh Ngọc · Chỉnh hình · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 17/01/2024

    Sử dụng thuốc giảm đau tại nhà: Bí quyết chọn đúng và dùng đúng

    Để nhanh chóng xua tan những cơn đau thường gặp hàng ngày như đau đầu do thời tiết, áp lực cuộc sống hay đau cơ do vận động, sinh hoạt, đau khớp…, việc sử dụng thuốc giảm đau là một phần không thể thiếu trong tủ thuốc của nhiều gia đình. Tuy nhiên, bạn đã hiểu rõ cách lựa chọn các loại thuốc giảm đau phù hợp cũng như biết cách sử dụng đúng để vừa đảm bảo hiệu quả, vừa an toàn cho bản thân và gia đình?

    Thuốc giảm đau là gì?

    Theo PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, có nhiều lựa chọn thuốc giảm đau mà bạn có thể dễ dàng tiếp cận tại các nhà thuốc. Những loại thuốc này giúp kiểm soát cơn đau bằng cách can thiệp vào các cơ chế gây đau, ức chế sự truyền tải các tín hiệu về cơn đau tới não bộ, giảm sản xuất các chất gây đau.… Các thuốc giảm đau thông thường có thể chứa acetaminophen, aspirin, ibuprofen… và thường có hiệu quả tốt đối với cơn đau mức độ nhẹ đến vừa do các nguyên nhân phổ biến như đau đầu, đau lưng, bong gân, đau căng cơ…

    các loại thuốc giảm đau

    Cũng theo PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc, thuốc giảm đau có thể được chia làm 2 loại chính là thuốc kê đơn (mua thuốc cần phải có toa của bác sĩ) và thuốc không kê đơn (mua thuốc không cần toa bác sĩ). Thuốc giảm đau không kê đơn là những thuốc không có dẫn chất gây nghiện, không gây buồn ngủ và được sử dụng rộng rãi với tính an toàn tương đối. Các thuốc này có thể dễ dàng mua ở các nhà thuốc và nên lưu trữ ở tủ thuốc gia đình để sử dụng trong các trường hợp cần thiết như:

    • Viêm khớp, viêm bao hoạt dịch và viêm gân 
    • Chấn thương hoặc tai nạn trong sinh hoạt, thể thao (bong gân, sai khớp,…)  
    • Gãy xương 
    • Bỏng
    • Cảm lạnh, cúm 
    • Đau đầu và đau nửa đầu
    • Đau bụng kinh (thống kinh)
    • Đau cơ, bao gồm cả đau cổ, vai, gáy… 
    • Đau do phẫu thuật hoặc tiểu phẫu
    • Đau răng 

    Có 2 loại thuốc giảm đau không kê đơn thông thường: 

    • Acetaminophen (Paracetamol) 
    • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid với hoạt chất như ibuprofen, naproxen… 

    Ngoài ra, hiện trên thị trường cũng có các chế phẩm bao gồm hai hoạt chất là ibuprofen phối hợp với paracetamol.

    Cần lưu ý gì khi dùng thuốc giảm đau tại nhà?

    Để đảm bảo an toàn, tránh các biến chứng nguy hiểm cũng như tối ưu hiệu quả khi sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, bạn cần lưu ý kỹ những điều sau khi sử dụng:

    1. Xem kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc về liều lượng, thời hạn sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Đặc biệt, tránh dùng các thành phần thuốc bạn đã từng bị dị ứng (ngứa, nổi ban da…).
    2. Không tự ý kết hợp các loại thuốc giảm đau để tránh các tương tác thuốc không mong muốn, tác dụng phụ bất lợi.  
    3. Cẩn trọng và chú ý đọc kỹ chống chỉ định sử dụng thuốc để chắc chắn bạn không thuộc nhóm đối tượng bị hạn chế hoặc tuyệt đối không được dùng thuốc (đặc biệt là các đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú, người lớn tuổi, người có tiền sử loét dạ dày tá tràng, người bị hen hay co thắt phế quản, bệnh tim mạch…).

    Thời gian sử dụng thuốc giảm đau trong bao lâu? 

    ​Thuốc giảm đau nên được dùng trong thời gian ngắn nhất có thể với liều lượng thấp nhất để kiểm soát cơn đau. Điều này nhằm giúp tránh các tác dụng phụ của thuốc giảm đau có thể xảy ra. Hầu hết các trường hợp chỉ cần dùng thuốc giảm đau trong vài ngày (ví dụ như khi bị đau răng) hoặc vài tuần (khi bị đau căng cơ). Tuy nhiên, cũng có một số tình trạng đau cần phải dùng thuốc giảm đau lâu dài như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đau lưng mạn tính….

    Nếu các tình trạng đau không cải thiện sau vài ngày sử dụng thuốc, bạn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và hiệu chỉnh điều trị đặc hiệu khi cần thiết.

    Các đối tượng không được tự ý uống thuốc giảm đau tại nhà

    các loại thuốc giảm đau

    Hầu hết mọi người có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, một số đối tượng có thể cần phải thận trọng, nên được tư vấn với dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi sử dụng: 

    • Thiếu cân, suy dinh dưỡng
    • Độ tuổi dưới 16 hoặc trên 65 tuổi
    • Đang mang thai hoặc đang cho con bú
    • Có vấn đề về phổi như bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
    • Đã từng bị co giật
    • Đã từng bị dị ứng
    • Đau đầu dai dẳng, đột ngột và dữ dội
    • Có vấn đề về gan hoặc thận
    • Tiền căn loét hoặc chảy máu đường tiêu hoá
    • Đã có vấn đề về tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch,…
    • Đang dùng các loại thuốc khác mà không rõ tương tác thuốc
    • Có tiền căn đột quỵ
    • Nghiện rượu
    • Có các bệnh mô liên kết như lupus ban đỏ hệ thống…

    Khi có ý định dùng thuốc giảm đau, bạn nên lựa chọn những sản phẩm từ các thương hiệu uy tín. Hiện thuốc giảm đau với công thức phối hợp từ Paracetamol 325mg và Ibuprofen 200mg đang được nhiều người bệnh lựa chọn. Nhờ tác động kép trong giảm đau ở cả trung ương (paracetamol) và ngoại vi (ibuprofen), viên uống phối hợp chứa 2 thành phần này có thể mang tới hiệu quả mạnh mẽ. Ngoài ra, liều lượng của 2 thành phần được khuyến cáo là an toàn, giảm thiểu tác dụng phụ trên dạ dày, giúp chấm dứt nhanh chóng những cơn đau như: 

    • Đau cơ xương nhẹ đến trung bình như đau cổ, đau vai, đau lưng, căng cơ bắp tay hoặc bắp chân, cứng cơ cổ, viêm khớp, thấp khớp, viêm bao hoạt dịch, bong gân, viêm gân…
    • Đau đầu, đau bụng kinh, nhức răng, đau sau nhổ răng và tiểu phẫu…

    Nhìn chung, việc dự trữ sẵn các loại thuốc không kê toa để đề phòng trường hợp các cơn đau cấp tính xảy ra như đau đầu, đau lưng, đau vai, đau cơ… là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi lựa chọn và sử dụng, bạn cần lưu ý những điều kể trên để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về các phương pháp trị đau tại đây.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    PGS. TS. BS. Cao Thanh Ngọc

    Chỉnh hình · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 17/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo