backup og meta

5 bước ngăn ngừa nhiễm trùng huyết khi bị nhiễm trùng

5 bước ngăn ngừa nhiễm trùng huyết khi bị nhiễm trùng

Nhiễm trùng huyết (còn gọi là nhiễm trùng máu) là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của nhiễm trùng. Đôi khi, bệnh tiến triển chỉ với một vết nhiễm trùng nhỏ. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể tử vong.

Vì vậy, tìm hiểu về các bước phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn máu sẽ giúp bạn bảo vệ chính mình và những người thân.

Nhiễm trùng huyết là do đâu?

Nhiễm trùng huyết xảy ra khi cơ thể bị vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập. Các tác nhân gây bệnh này tiết ra các hóa chất vào máu nhằm chống lại hệ miễn dịch, từ đó tạo ra hàng loạt thay đổi trong cơ thể và gây tổn thương các cơ quan.

Các dấu hiệu nhiễm trùng máu phổ biến bao gồm: Sốt, nhịp tim nhanh, thở gấp. Khi tiến triển nặng hơn, bệnh nhân sẽ có thêm một số triệu chứng như chóng mặt, nhầm lẫn, khó thở.

Nếu vẫn không kiểm soát được bệnh, bệnh nhân phải đối diện với tình trạng sốc nhiễm trùng cực kỳ nghiêm trọng. Nguyên do là các cơ quan không thể nhận được lưu lượng máu thích hợp để hoạt động vì tụt huyết áp sâu.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết là nhiễm trùng. Tác nhân gây bệnh từ nơi này lan vào trong máu. Trong đó, những tình trạng phổ biến gây nhiễm khuẩn máu là:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu,
  • Viêm phổi,
  • Nhiễm trùng bụng,
  • Nhiễm trùng da.

Bệnh có thể gặp phải ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, những đối tượng như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu (HIV, viêm gan C, ung thư máu, đái tháo đường…) thì nguy cơ cao hơn nhiều so với người bình thường.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết bao gồm dùng thuốc kháng sinh, truyền dịch và đôi khi phải phẫu thuật. Nhưng ngay cả khi đang được điều trị, các biến chứng của nó vẫn có thể xảy ra, chẳng hạn như:

  • Tổn thương nội tạng,
  • Hoại tử chi,
  • Mệt mỏi,
  • Mất khả năng nhận thức.

5 bước đơn giản giúp ngăn ngừa nhiễm trùng huyết

Bởi vì nhiễm khuẩn huyết bắt nguồn từ nhiễm trùng nên cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi căn bệnh này là hạn chế tình trạng viêm nhiễm xảy ra. Sau đây là 5 bước giúp bạn ngăn ngừa điều đó.

Bước 1: Tiêm đầy đủ vaccine phòng nhiễm trùng huyết

nhiễm trùng huyết 03

Bạn không thể phòng ngừa nhiễm trùng huyết, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nhiễm trùng. Vi khuẩn là thủ phạm lớn nhất gây ra nhiễm trùng, kế tiếp là virus.

Khi nhiễm virus, nếu có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, bạn sẽ nhanh chóng phục hồi khi dùng thuốc kháng virus. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch của bạn bị tổn thương thì thuốc đôi khi không hiệu quả. Tương tự như vậy, hệ miễn dịch cũng chống lại vi khuẩn để bảo vệ cơ thể, kết hợp thêm kháng sinh phù hợp, người đáp ứng tốt sẽ đẩy lùi được nhiễm trùng.

Hiện nay có một số bảo vệ bạn khỏi virus và vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng huyết xảy ra. Chẳng hạn như vaccine cúm (PCV13) và vaccine phế cầu khuẩn (PPSV23) là hai loại vaccine thường được khuyến nghị dùng để chống lại virus và làm giảm nguy cơ của nhiễm trùng huyết.

Nếu bạn nhận thấy bản thân có nguy cơ bị nhiễm trùng, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm kiếm loại vaccine phù hợp cho bản thân.

Bước 2: Điều trị sớm bất kỳ vết thương nào, tránh để tiến triển thành nhiễm trùng huyết

Các dấu hiệu của nhiễm trùng bao gồm sốt và nhịp tim nhanh, bạn cũng sẽ cảm thấy đau tùy thuộc vào vị trí bị nhiễm trùng. Ví dụ như khi nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn thường đau ở vùng chậu và đau lưng, bị nhiễm trùng bụng sẽ thấy đau dạ dày…

Hãy điều trị nhiễm trùng sớm ngay từ khi phát hiện, ngay cả đối với những nhiễm trùng nhỏ và phổ biến. Bởi vì chúng vẫn có khả năng biến thành nhiễm trùng huyết trong tương lai.

Nếu các bệnh nhiễm trùng không được điều trị, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ suy yếu do phải chống chọi với nhiều vi khuẩn trong thời gian dài. Hệ quả là tình trạng viêm lan rộng khắp cơ thể, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu khác như hình thành huyết khối, tổn thương hoặc suy nội tạng.

Bước 3: Uống thuốc theo chỉ dẫn

Biến chứng nhiễm trùng huyết thường xảy ra do không điều trị kịp thời và đúng cách. Nhiều người thường có thói quen khi thấy bệnh đã thuyên giảm thì sẽ tự động dừng thuốc. Như vậy, vi khuẩn chỉ yếu đi chứ chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng có thể làm nhiễm trùng tái phát và tiến triển thành nhiễm khuẩn máu.

Nhiễm trùng cũng có thể phát triển thành nhiễm khuẩn huyết nếu kháng sinh kê đơn không có hiệu quả. Đây là hệ quả của việc tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến. Trong thời gian điều trị, nếu bệnh nhân cảm thấy các triệu chứng vẫn không thuyên giảm dù đã dùng thuốc đầy đủ, hãy nói chuyện với bác sĩ để họ lựa chọn phương pháp điều trị thay thế khác phù hợp hơn.

Bước 4: Luôn rửa tay và giữ gìn vệ sinh thật tốt

nhiễm trùng huyết 04

Một cách khách để phòng tránh nhiễm trùng là luôn giữ vệ sinh thật tốt. Thường xuyên rửa tay cũng giúp giảm sự lây lan của vi khuẩn, virus và nấm.

Nguyên tắc rửa tay đúng là:

  • Rửa với xà phòng hoặc nước ấm
  • Chà mạnh hai bàn tay với nhau
  • Làm sạch cả phần móng và các khe giữa các ngón tay
  • Thời gian rửa từ 15-20 giây
  • Lau khô tay bằng khăn hay vải sạch

Thời điểm bạn nên rửa tay là:

  • Trước khi ăn hay chuẩn bị thức ăn
  • Sau khi sử dụng nhà vệ sinh
  • Sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi
  • Sau khi tiếp xúc với vật nuôi

Bạn cũng nên hình thành thói quen rửa tay mỗi khi trở về nhà và sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng như tay nắm cửa, công tắc đèn, nút thang máy. Nếu bạn không có nhiều thời gian, hãy mang theo dung dịch rửa tay khô để sử dụng thay thế.

Bước 5: Sơ cứu vết thương đúng cách, tránh nhiễm trùng huyết

Nhiều người thường bỏ qua các vết thương trên da như vết cắn của bọ, vết cắt hoặc bỏng da mà không biết rằng, chúng có thể tiến triển thành nhiễm trùng máu nếu không được chăm sóc đúng cách.

Các bước sơ cứu đúng khi bị thương để tránh nhiễm trùng là:

  • Rửa tay sạch trước khi tiến hành sơ cứu vết thương
  • Rửa vết thương trong vòng 10 phút bằng nước sạch và xà phòng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn
  • Chăm sóc vết thương bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc sát trùng
  • Dùng gạc hoặc băng che kín vết thương
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng cho đến khi chúng lành lại và gặp bác sĩ ngay khi các dấu hiệu này xuất hiện.

Bệnh nhiễm trùng máu có tái phát không thì câu trả lời là có thể nếu như cơ thể bạn lại bị nhiễm trùng và bạn không thực hiện biện pháp phòng ngừa tốt.

Vì vậy, mỗi người nên tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn nói chung và nhiễm khuẩn huyết nói riêng. Đặc biệt, bạn phải lưu ý đến đái tháo đường vì tỷ lệ biến chứng nhiễm trùng ở nhóm bệnh nhân này rất cao và khó điều trị.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Avoid Sepsis, a Deadly Medical Emergency https://www.consumerreports.org/doctors-hospitals/how-to-avoid-sepsis-deadly-medical-emergency/ Ngày truy cập: 16/08/2019

Prevention https://www.sepsis.org/sepsisand/prevention/ Ngày truy cập: 28/07/2021

Sepsis: The Deadliest Disease You Never Hear About https://www.cottagehealth.org/about/quality-care-and-patient-safety/sepsis-disease/ Ngày truy cập: 28/07/2021

How can I get ahead of sepsis? https://www.cdc.gov/sepsis/prevention/index.html Ngày truy cập: 28/07/2021

How to Avoid Sepsis, a Deadly Medical Emergency https://www.consumerreports.org/doctors-hospitals/how-to-avoid-sepsis-deadly-medical-emergency/ Ngày truy cập: 28/07/2021

Phiên bản hiện tại

14/07/2023

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Thói quen ăn uống không lành mạnh khiến nhiều người trẻ dễ thiếu máu, thiếu sắt?

Đã có cách điều trị nhiễm trùng máu hiệu quả!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 14/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo