backup og meta

Viêm nang lông

Viêm nang lông

Bã nhờn và mồ hôi trong cơ thể được đào thải ra ngoài thông qua các lỗ chân lông. Nếu chúng mắc kẹt lại đây vì những lý do như lông mọc ngược, bí da…, vi khuẩn gây bệnh sẽ có cơ hội phát triển và kéo theo các phản ứng viêm, dần dần trở thành viêm nang lông. 

Thực tế, tình trạng sức khỏe này rất phổ biến và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi viêm nang lông lâu ngày vẫn có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến khích mọi người nên sớm điều trị tận gốc vấn đề này. 

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm nang lông và những vấn đề xoay quanh, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa cũng như điều trị viêm nang lông hiệu quả. 

Bệnh viêm nang lông là gì?

Viêm nang lông hay còn gọi viêm lỗ chân lông là một dạng bệnh da liễu thường gặp, có thể xảy ra ở hầu hết độ tuổi. Ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân và môi, toàn bộ cơ thể đều có khả năng chịu tác động bởi vấn đề sức khỏe này. Trong đó, tình trạng viêm nang lông thường xuất hiện nhiều nhất ở:

  • Khu vực mọc râu (cằm, phía trên môi trên…)
  • Lưng
  • Cánh tay và cẳng chân
  • Ngực
  • Mông

Theo bác sĩ, tình trạng viêm nhiễm này vô hại trong hầu hết trường hợp. Mặc dù vậy, bệnh vẫn sẽ đem đến cảm giác đau ngứa khó chịu, thậm chí còn để lại sẹo nếu phát triển nghiêm trọng. 

Các dạng viêm nang lông và nguyên nhân viêm lỗ chân lông

Dựa vào nguyên nhân bị viêm nang lông, các chuyên gia phân loại tình trạng sức khỏe ở nang lông này thành hai nhóm chính, bao gồm:

Viêm nang lông nông

Tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng ở phần trên của lỗ chân lông và vùng da gần đó. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ:

Vi khuẩn

Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là nguyên nhân gây viêm nang lông phổ biến nhất. Chủng vi sinh vật này luôn tồn tại trên da mọi người. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể gây nên vấn đề khi xâm nhập vào bên trong cơ thể thông qua vết thương trên da.

Một loại vi khuẩn khác là Pseudomonas aeruginosa cũng có khả năng gây nhiễm trùng lỗ chân lông. Chúng thường được tìm thấy trong các bồn nước nóng có độ pH cũng như nồng độ clo không đạt tiêu chuẩn. Do đó, các chuyên gia gọi trường hợp này là viêm lỗ chân lông do tắm bồn nước nóng. 

Viêm nang lông do tắm bồn

Nhiễm nấm

Bên cạnh vi khuẩn, vấn đề viêm nhiễm ở lỗ chân lông còn có thể xảy ra do sự tấn công của nấm, chủ yếu là nấm Pityrosporum. 

Lông mọc ngược

Tình trạng lông mọc ngược sẽ gây tắc lỗ chân lông và kích ứng da tại đây. Trường hợp này chủ yếu xảy ra ở:

  • Những người thường cạo lông ở vùng kín không đúng cách
  • Đàn ông cạo râu quá sát

Bên cạnh đó, tắc lỗ chân lông dẫn đến viêm do lông mọc ngược rất dễ để lại sẹo thâm hoặc sẹo lồi.

Viêm nang lông sâu

So với trường hợp trên, dạng viêm này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ lỗ chân lông nên thường mang tính nghiêm trọng hơn. Những nguyên nhân viêm lỗ chân lông theo từng loại gồm:

  • Viêm nang râu: chủ yếu xuất hiện ở cằm dưới dạng nhiễm trùng sinh mủ. Đàn ông dễ gặp phải vấn đề này do cạo râu sai cách.
  • Nhiễm khuẩn gram âm: loại viêm nhiễm sâu bên trong lỗ chân lông này thường phát triển bởi việc điều trị mụn trứng cá bằng kháng sinh trong thời gian dài.
  • Nhọt: đây là hệ quả trực tiếp của sự nhiễm khuẩn tụ cầu sâu bên trong lỗ chân lông. Nhọt thường sưng đỏ và chứa đầy mủ bên trong, có thể gây đau nhức khi vỡ ra. Hầu hết trường hợp, nhọt xuất hiện dưới dạng đơn lẻ nên có thể lành và không để lại sẹo sau khi vỡ. Tuy nhiên, nếu nhọt có kích thước lớn hoặc xuất hiện theo từng cụm, sẹo trên da sẽ là tình trạng khó tránh khỏi. 
  • Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan: thường xuất hiện trên lưng hoặc cánh tay, chủ yếu xảy ra ở người mắc bệnh HIV. Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm nguyên nhân cụ thể dẫn đến vấn đề sức khỏe này. 

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh

Lỗ chân lông sẽ dễ bị viêm nhiễm nếu bạn có bất kỳ yếu tố nào dưới đây:

Mụn trứng cá góp phần gây viêm nang lông

  • Tiền sử mắc bệnh da liễu, chẳng hạn như viêm da, mụn trứng cá…
  • Bị thương ngoài da do tai nạn hoặc phẫu thuật.
  • Chất liệu và kích thích quần áo không phù hợp, có thể gây kích ứng da do cọ xát trong lúc mặc đồ, lâu ngày ảnh dẫn đến tình trạng viêm nhiễm bên trong nang lông.
  • Sử dụng kem bôi tại chỗ có chứa steroid hoặc kháng sinh để trị mụn trứng cá liên tục trong thời gian dài.
  • Béo phì.
  • Đang mắc các bệnh làm giảm khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, ví dụ như đái tháo đường (tiểu đường), bệnh bạch cầu, HIV/AIDS. 

Biểu hiện của viêm lỗ chân lông

Các dấu hiệu viêm nang lông bao gồm:

  • Mụn nhọt sưng đỏ xuất hiện ngay chính giữa lỗ chân lông
  • Chảy máu hoặc chảy mủ diễn ra khi nhọt vỡ
  • Cảm giác ngứa rát xảy ra ở vùng bị viêm nhiễm, đôi khi có thể ảnh hưởng đến những khu vực xung quanh
  • Thân nhiệt tăng nhẹ

Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, lỗ chân lông bị viêm xuất hiện dưới dạng nốt phát ban có đầu trắng. Theo thời gian, tình trạng viêm nhiễm có thể lây sang những nang lông gần đó, dần dần phát triển thành vết loét. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng viêm nang lông khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh viêm nang lông có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ, hầu hết các ca viêm nhiễm lỗ chân lông đều không quá nghiêm trọng hay có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Mặc dù vậy, tình trạng này kéo dài vẫn có thể dẫn theo một số biến chứng phức tạp phát sinh, chẳng hạn như: 

  • Nhọt dưới da liên quan đến tình trạng viêm cấp tính, có nguy cơ cao gây hoại tử nang lông và các mô gần đó
  • Hình thành vết sẹo hoặc vết thâm vĩnh viễn trên da, ảnh hưởng đáng kể đến ngoại hình
  • Viêm nang lông da dầu có thể gây hói vĩnh viễn
  • Tình trạng nhiễm trùng tái phát liên tục ở nhiều nang lông khác nhau
  • Viêm mô tế bào và nhiễm trùng da

Quy trình chẩn đoán bệnh viêm nang lông

Để chẩn đoán viêm lỗ chân lông, trước tiên các bác sĩ da liễu sẽ kiểm tra tổng quát vùng da có dấu hiệu kích ứng, đồng thời đặt cho bạn một số câu hỏi như:

  • Triệu chứng xuất hiện từ khi nào?
  • Bạn có những dấu hiệu bất thường nào khác trên da không?
  • Bạn có tiền sử mắc bệnh viêm nang lông không?
  • Liệt kê những loại thuốc điều trị bạn đang dùng (nếu có)

Sau đó, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch ở lỗ chân lông bị viêm để tiến hành một số xét nghiệm chuyên sâu. Điều này giúp các chuyên gia xác định chính xác nguyên nhân gây nhiễm trùng, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả. 

Mách bạn cách trị viêm nang lông đơn giản và hiệu quả

Phần lớn trường hợp, bệnh chỉ xuất hiện ở dạng nhẹ nên có khả năng tự khỏi sau 14 ngày. Trong giai đoạn này, bạn có thể xoa dịu các triệu chứng viêm nang lông khó chịu bằng phương pháp chườm ấm. Với tình trạng viêm nang lông da đầu, bạn nên lựa chọn các dầu gội thuốc để hạn chế gây kích ứng cho da. 

Ngược lại, khi khu vực bị viêm nhiễm có xu hướng càng lúc càng trở nên sưng đỏ, đau rát và các nốt đỏ bắt đầu lan rộng ra vùng da lân cận, bạn nên lập tức tìm gặp bác sĩ. Nguyên nhân viêm lỗ chân lông cũng như cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Những lựa chọn điều trị viêm nang lông thường gặp có thể kể đến như sau: 

  • Thuốc trị viêm nang lông: bác sĩ sẽ kê toa cho bạn một số loại kem bôi hoặc thuốc dùng để kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Tiểu phẫu: nếu kích thước nhọt quá lớn, người bệnh có thể cần làm tiểu phẫu để loại bỏ mủ. Điều này giúp xoa dịu cơn đau, đồng thời góp phần hỗ trợ thúc đẩy quá trình bình phục. 
  • Một số giải pháp khác: triệt lông bằng laser, liệu pháp ánh sáng…

Thay đổi thói quen sinh hoạt để phòng ngừa bệnh viêm nang lông

Phòng ngừa viêm nang lông

Để phòng ngừa tình trạng viêm lỗ chân lông, bạn nên tập một số thói quen như: 

  • Chỉ cạo lông, râu theo hướng chúng mọc
  • Thay dụng cụ cạo râu hoặc lông thường xuyên. Không sử dụng những dụng cụ đã bị rỉ sét
  • Tránh mặc quần áo chật, bó sát hoặc chất liệu vải thô
  • Cân nhắc lựa chọn kem dưỡng da không chứa thành phần gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Đặc biệt, nếu thuộc tính da của bạn là da dầu hoặc nhờn, hãy hạn chế dùng những sản phẩm dưỡng da bằng dầu hoặc kem đặc
  • Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng cá nhân như dao cạo râu, khăn mặt…
  • Đi tắm nếu cơ thể đổ quá nhiều mồ hôi
  • Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng
  • Chỉ tắm bồn khi chắc chắn bồn sạch

Bạn có thể tham vấn bác sĩ để biết thêm thông tin hữu ích về việc ngăn ngừa viêm nang lông. Nếu bạn thường xuyên gặp phải vấn đề sức khỏe này, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để biết cách kiểm soát tình trạng trên. 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Folliculitis. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/folliculitis/basics/lifestyle-home-remedies/con-20025909. Ngày truy cập 22/7/2016.

What is Folliculitis? https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/what-is-folliculitis#3-7. Ngày truy cập 11/06/2020.

Folliculitis. https://www.healthline.com/health/folliculitis. Ngày truy cập 11/06/2020.

Everything you need to know about folliculitis. https://www.medicalnewstoday.com/articles/318551. Ngày truy cập 11/06/2020.

 

Phiên bản hiện tại

31/05/2023

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Thùy Linh


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Bệnh u nang lông


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 31/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo