backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tác dụng của estrogen đối với cơ thể là gì? Tìm hiểu để sống khỏe hơn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 12/07/2021

    Tác dụng của estrogen đối với cơ thể là gì? Tìm hiểu để sống khỏe hơn

    Ngày nay, mọi người có thể nghe nhiều về các loại nội tiết tố nữ như progesterone hay estrogen. Tuy nhiên, ít ai hiểu rõ tác dụng của estrogen ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể như thế nào. 

    Estrogen là nhóm hormone giới tính được sản sinh từ buồng trứng. Do đó, mọi người còn gọi chúng là nội tiết tố nữ. Ngoài khả năng duy trì vẻ đẹp ở phụ nữ, sức khỏe tổng thể cũng có thể chịu sự chi phối của nhóm hormone này.

    Vậy, bạn đã biết gì về estrogen cũng như tác dụng của estrogen đối với sức khỏe? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

    Estrogen là gì?

    Từ giai đoạn tuổi dậy thì trở đi, hàng tháng, buồng trứng sẽ bắt đầu tiết ra hormone estrogen với mục đích:

  • Thúc đẩy sự phát triển cũng như duy trì các đặc tính sinh dục nữ, ví dụ như ngực hay lông, tóc
  • Điều hòa kinh nguyệt cũng như hệ sinh sản
  • Thông thường, nồng độ estrogen sẽ tăng đột ngột trong nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt nhằm kích thích rụng trứng. Sau đó, hàm lượng hormone sinh dục nữ này sẽ từ từ hạ dần về mức bình thường.

    Các loại hormone estrogen

    Thực tế, estrogen là tên gọi chung của một nhóm nội tiết tố nữ gồm:

    Estrone (E1)

    Đây là một dạng estrogen yếu. Đồng thời, estrone cũng là loại estrogen duy nhất còn lại ở phụ nữ sau mãn kinh. Thông thường, hormone này sẽ phân bố trong hầu hết các mô nhưng chủ yếu là mỡ và cơ bắp.

    Estradiol (E2)

    Các chuyên gia đánh giá estradiol là loại estrogen mạnh nhất. Thực tế, estradiol là steroid sản sinh từ buồng trứng, góp phần vào một loạt vấn đề phụ khoa như:

    • U xơ
    • Lạc nội mạc tử cung
    • Các dạng ung thư chỉ xảy ra ở nữ, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung

    Estriol (E3)

    Loại yếu nhất trong nhóm hormone estrogen là estriol. Ngoài ra, đây cũng là sản phẩm thải sau quá trình sử dụng estradiol (E2) của cơ thể. Mang thai là thời điểm estriol sinh ra nhiều nhất.

    Estrogen có tác dụng gì đối với cơ thể?

    Tác dụng của estrogen đối với sức khỏe phụ nữ
    Hormone estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cũng như cải thiện sức khỏe phụ nữ.

    Theo nhiều chuyên gia, estrogen đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Tác dụng của estrogen có thể ảnh hưởng đến những cơ quan như:

    • Buồng trứng: hỗ trợ kích thích sự phát triển của nang trứng.
    • Âm đạo: thúc đẩy sự tăng trưởng của âm đạo đến kích thước trưởng thành, củng cố độ dày của thành âm đạo và tăng độ axit trong môi trường ở đây nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Mặt khác, estrogen còn chịu trách nhiệm bôi trơn âm đạo.
    • Ống dẫn trứng: góp phần tăng cường phát triển cho lớp thành cơ bắp ở ống dẫn trứng, đồng thời điều phối các cơn co thắt tại đây nhằm vận chuyển trứng và tinh trùng.
    • Tử cung: tác dụng của estrogen đối với bộ phận tử cung rất đa dạng, bao gồm:
    • Tăng cường và duy trì lớp màng nhầy (niêm mạc) tử cung
    • Tăng kích thước của nội mạc tử cung
    • Gia tăng lưu lượng máu cũng như hàm lượng protein và các hoạt động của enzyme tại đây
    • Kích thích các cơ trong tử cung phát triển và hoạt động
    • Hỗ trợ loại bỏ mô chết khỏi thành tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Cổ tử cung: điều chỉnh dòng chảy cũng như độ dày của dịch tiết niêm mạc tử cung, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng gặp trứng và thụ tinh.
  • Các tuyến vú: kết hợp với những hormone khác ở đây và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy cơ quan này phát triển. Ngoài ra, chúng còn có công dụng bít sữa sau khi trẻ sơ sinh đã bước vào thời kỳ cai sữa mẹ.
  • Estrogen tạo sự khác biệt giữa nam và nữ ra sao?

    Mặt khác, tác dụng của estrogen còn bao gồm cả việc tạo ra khác biệt về mặt sinh lý cũng như hình thể giữa nam và nữ. Ví dụ, trong cơ thể phụ nữ, estrogen sẽ góp phần:

    • Làm xương nhỏ và ngắn hơn. Mặt khác, xương chậu có xu hướng rộng hơn, trong khi xương vai lại hẹp hơn so với nam giới.
    • Tăng lượng chất béo tích trữ xung quanh hông và đùi, từ đó tạo nên đường cong quyến rũ.
    • Làm chậm quá trình phát triển của phụ nữ trong giai đoạn dậy thì. Đồng thời, nó còn làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin.
    • Khiến lông trên cơ thể trở nên mịn và mờ nhạt hơn hẳn so với đàn ông.
    • Duy trì độ bền và chắc khỏe của tóc.
    • Thu hẹp thanh quản và khiến dây thanh âm ngắn hơn. Do đó, giọng nữ thường sẽ cao hơn so với giọng nam.
    • Ức chế hoạt động của các tuyến sinh sản chất nhờn, từ đó giảm thiểu nguy cơ nổi mụn trứng cá.

    Một số cơ quan khác chịu ảnh hưởng bởi tác dụng của estrogen

    Ngoài những yếu tố đã đề cập bên trên, tác dụng của estrogen còn ảnh hưởng đến một số cơ quan như:

    • Não: hỗ trợ duy trì nhiệt độ cơ thể và tác động đến phần não góp mặt trong quá trình phát triển giới tính.
    • Da: cải thiện độ mịn của da, đồng thời gia tăng hàm lượng collagen nhằm ngăn ngừa lão hóa.
    • Xương: giúp duy trì sức khỏe xương, đồng thời ngăn chặn tình trạng mất xương phát sinh.
    • Gan và tim: hỗ trợ điều tiết việc sản xuất cholesterol ở gan, từ đó bảo vệ các cơ quan hệ tim mạch.

    Cơ thể chịu ảnh hưởng gì từ sự thay đổi nồng độ estrogen?

    Thông thường, hàm lượng estrogen ở một người phụ nữ có khả năng thay đổi đáng kể trong thời gian ngắn vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không để nồng độ hormone này tăng hoặc giảm quá mức, vì có nguy cơ dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng cơ thể.

    Những yếu tố khiến nồng độ estrogen giảm có thể là:

    • Tình trạng buồng trứng suy yếu
    • Tuyến yên hoạt động kém
    • Thai nghén thất bại
    • Thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh
    • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
    • Biếng ăn tâm lý
    • Tập thể dục thể thao quá sức
    • Sử dụng một số loại thuốc như clomiphene
    • Vừa sinh con hoặc đang cho con bú

    Trong khi đó, hàm lượng nội tiết tố nữ estrogen có thể tăng đột biến bởi những nguyên do:

    • Tuổi dậy thì
    • Thừa cân hay thậm chí là béo phì
    • Tăng huyết áp
    • Đái tháo đường
    • Mang thai
    • Khối u xuất hiện ở buồng trứng hoặc tuyến thượng thận
    • Một số loại thuốc như steroid, ampicillin, thuốc có chứa estrogen, phenothiazin và tetracycline

    Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nồng độ estrogen như thế nào?

    Ăn uống ảnh hưởng nồng độ estrogen
    Thói quen ăn uống có thể góp phần thay đổi nồng độ estrogen trong cơ thể.

    Theo một số chuyên gia, ăn quá nhiều những thực phẩm giàu phytoestrogen có thể ảnh hưởng đến hàm lượng hormone này trong cơ thể, chẳng hạn như:

    • Rau cải
    • Đậu nành hoặc các loại thực phẩm chứa nhiều protein từ đậu nành
    • Trái cây, đặc biệt là quả mọng
    • Các loại hạt và ngũ cốc
    • Quả hạch
    • Rượu

    Ngoài ra, không ít nhà khoa học đánh giá phytoestrogen là hoạt chất gây rối loạn nội tiết, do đôi lúc gây tăng hoặc giảm hoạt động của estrogen.

    Tác hại của tình trạng mất cân bằng nội tiết tố estrogen

    Ở phụ nữ, tình trạng mất cân bằng hormone estrogen có nguy cơ kéo theo một loạt vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như:

    • Kinh nguyệt không đều, thậm chí là tắt kinh
    • Cảm thấy nóng trong người và thường xuyên đổ mồ hôi đêm
    • Sự hiện diện của khối u lành tính ở ngực và tử cung
    • Tâm trạng dễ dàng thay đổi
    • Khó ngủ
    • Tăng trọng lượng, chủ yếu ở ba bộ phận hông, đùi và eo
    • Ít có ham muốn tình dục
    • Dễ dàng mệt mỏi
    • Tâm trạng lâng lâng
    • Thường xuyên cảm thấy chán nản và lo lắng
    • Da khô

    Ngược lại, nếu hàm lượng estrogen ở nam giới quá cao có thể dẫn đến:

    • Vô sinh
    • Rối loạn cương dương
    • Ung thư tuyến tiền liệt 
    • Ngực nở nang, phát triển bất thường

    Như vậy, bạn có thể thấy tác dụng của estrogen không chỉ gói gọn trong việc thúc đẩy sự phát triển và tăng cường sức khỏe ở các cơ quan thuộc hệ sinh dục mà còn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 12/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo