backup og meta

Dấu hiệu dậy thì ở bé gái và những thay đổi của cơ thể khi dậy thì

Dấu hiệu dậy thì ở bé gái và những thay đổi của cơ thể khi dậy thì

Khi bé gái bước vào tuổi dậy thì, cơ thể và tâm sinh lý sẽ có sự thay đổi. Điều này là do sự thay đổi của các hormone trong cơ thể gây ra. Do đó, độ tuổi này được xem là sự thách thức đối với bố mẹ và bé gái. Để chuẩn bị tốt cho giai đoạn này, bố mẹ nên nhận biết rõ dấu hiệu dậy thì ở bé gái là gì.

Bố mẹ đã hiểu rõ các dấu hiệu dậy thì ở nữ chưa? Nếu chưa nắm rõ các biểu hiện tuổi dậy thì ở bé gái thì hãy cùng tìm hiểu với Hello Bacsi trong bài viết này nhé.

Tuổi dậy thì ở nữ bắt đầu khi nào?

Trước khi tìm hiểu dấu hiệu dậy thì ở bé gái, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu tuổi dậy thì ở bé gái bắt đầu từ khi nào. Hầu hết bé gái sẽ bắt đầu tuổi dậy thì khi ở độ tuổi từ 8 đến 13 và kéo dài trong vài năm. 

Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có di truyền, mà các bé gái có thể dậy thì sớm hoặc muộn hơn bạn bè đồng trang lứa. Chẳng hạn, nếu thừa cân, bé gái có thể bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi. Ngược lại, nếu các bé hoạt động thể thao hoặc thiếu cân, tuổi dậy thì có thể bắt đầu muộn hơn.

Tuổi dậy thì diễn ra khi vùng dưới đồi bắt đầu tiết ra hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Khi GnRH di chuyển đến tuyến yên sẽ giải phóng 2 hormone dậy thì – hormone tạo hoàng thể (LH)hormone kích thích nang trứng (FSH). Ở bé gái, các hormone này di chuyển đến buồng trứng, kích hoạt quá trình trưởng thành và phóng thích trứng, sản xuất hormone estrogen, giúp cơ thể trưởng thành và có thể mang thai.

9 dấu hiệu dậy thì ở bé gái dễ nhận biết!

Nếu bố mẹ đang thắc mắc những dấu hiệu tuổi dậy thì ở nữ là gì, thì dưới đây là câu trả lời đầy đủ nhất:

ấu hiệu dậy thì ở nữ
9 dấu hiệu dậy thì ở bé gái

1. Sự phát triển của ngực

Dấu hiệu dậy thì ở bé gái dễ nhận biết nhất là sự phát triển của ngực. Ngực phát triển có thể là một quá trình khó khăn; nhất là khi bé so sánh bản thân mình với bạn bè hoặc những người nổi tiếng. Thậm chí, khi người khác chú ý hoặc đưa ra nhận xét cũng khiến cho trẻ cảm thấy mặc cảm.

Bên cạnh đó, cân nặng của trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến hình dạng và kích thước của ngực. Mô ngực sẽ lớn hơn và trở nên kém săn chắc hơn trong 1 – 2 năm. Không có gì lạ khi sự phát triển của ngực chỉ bắt đầu ở một bên ngực trước. Và điều này sẽ được cải thiện dần theo thời gian.

Khi ngực bắt đầu phát triển, ban đầu sẽ có những cục nhỏ, săn chắc và mềm (gọi là nụ) xuất hiện dưới một hoặc cả hai núm vú. Các nụ vú có thể gây ngứa hoặc đau, nhưng cơn đau sẽ biến mất khi ngực phát triển và thay đổi hình dạng trong vài năm. 

Ngoài ra, núm vú của bé gái có thể chuyển sang màu hồng hoặc nâu hoặc thỉnh thoảng mọc lông. Khu vực sẫm màu hơn xung quanh núm vú (quầng vú) cũng sẽ mở rộng.

2. Lông mọc trên cơ thể

Sự phát triển của lông trên cơ thể cũng là dấu hiệu dậy thì ở bé gái mà bố mẹ cần chú ý. Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì sẽ bắt đầu nhận thấy lông mọc ở những vị trí mới hoặc dày lên ở một số vùng trên cơ thể.

Lông mọc thô hơn, dày hơn bắt đầu ở vùng sinh dục, dưới cánh tay và trên chân. Điều này là do các tuyến thượng thận tạo ra một lượng nhỏ nội tiết tố androgen. Hormone này làm kích thích sự phát triển của lông mu, lông chân và lông nách.

Ban đầu, lông mọc thẳng và mỏng trên môi lớn âm hộ. Sau đó, những sợi lông tương tự sẽ bắt đầu mọc dưới cánh tay. Theo thời gian, lông sẽ trở nên xoăn, sẫm màu và dày hơn ở một số vùng.

3. Tiết dịch âm đạo

Xuất hiện dịch âm đạo hay còn gọi khí hư cũng là một trong những dấu hiệu dậy thì ở bé gái. Vào một ngày, bé gái bỗng nhiên âm đạo tiết ra chất dịch trong suốt hoặc màu trắng với số lượng từ ít đến trung bình. Lúc này bé gái có thể cảm thấy hoang mang phải không?

Tuy nhiên, dịch tiết âm đạo chỉ là một hiện tượng bình thường thường xuất hiện trước khi có kinh nguyệt lần đầu tiên khoảng 6 – 12 tháng. Đây là một phản ứng do lượng hormone estrogen trong buồng trứng tiết ra ngày càng tăng trong cơ thể. Song, trong chu kỳ kinh nguyệt vào giai đoạn không bị hành kinh, vùng kín của bé gái cũng tiết ra dịch âm đạo.

4. Có kinh nguyệt

Có kinh nguyệt là dấu hiệu dậy thì ở bé gái rõ rệt nhất.
Có kinh nguyệt là dấu hiệu dậy thì ở bé gái rõ rệt nhất.

Dấu hiệu dậy thì ở bé gái tiếp theo là sự xuất hiện của kinh nguyệt. Đây là dấu hiệu dậy thì thành công ở nữ cho thấy trẻ đã trưởng thành về mặt sinh dục và có khả năng mang thai.

Kinh nguyệt thường xảy ra muộn hơn so với những thay đổi thể chất khác vào khoảng 2 – 3 năm sau khi bắt đầu dậy thì. Mỗi tháng, niêm mạc tử cung sẽ dày lên kèm theo sự phát triển của các mạch máu đến nuôi các tế bào. 

Khi trứng được buồng trứng phóng thích nhưng không gặp được tinh trùng để thụ tinh sẽ được đẩy ra ngoài cùng với máu từ tử cung. Điều này dẫn đến tình trạng chảy máu kinh còn được gọi là ngày hành kinh.

Lượng máu kinh tiết ra thường nhiều hơn trong 1 – 2 ngày đầu hành kinh; và kỳ kinh có thể kéo dài đến 7 ngày. Màu máu kinh có thể khác nhau ở mỗi người, từ đỏ tươi đến đỏ sẫm nhưng điều này là bình thường.

Bên cạnh đó, bé gái có thể cảm thấy đau quặn bụng hoặc đau lưng khi có kinh. Trong những ngày này, cảm xúc của bé gái cũng có thể dao động nhiều hơn do sự thay đổi của hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.

Trong giai đoạn này, kinh nguyệt có thể không đều trong khoảng 3 năm đầu. Nguyên nhân là do cơ thể đang phải thích nghi với những thay đổi sinh lý. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt cách nhau hơn 3 tháng, thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám phụ khoa. 

Các chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể từ 21-35 ngày. Vì vậy ngay cả những trẻ có chu kỳ đều đặn cũng có thể không có kinh mỗi tháng.

5. Tăng chiều cao

Một trong những dấu hiệu dậy thì ở bé gái là phát triển xương và tăng chiều cao. Khoảng 17 – 18% chiều cao của người trưởng thành đạt được ở tuổi dậy thì.

Hầu hết các bé gái có sự phát triển chiều cao vượt bậc hơn các bé trai trong 2 – 3 năm khi học cấp hai. Tốc độ phát triển chiều cao nhanh nhất thường xảy ra trong khoảng thời gian từ khi nhũ hoa bắt đầu phát triển đến khoảng 6 tháng trước khi có kinh.

Khi bé gái có kinh lần đầu tiên, sự phát triển chiều cao đã bắt đầu chậm lại. Sau khi có kinh, trẻ thường cao thêm 2,5 – 5cm. Sự gia tăng chiều cao ảnh hưởng đến cả cơ thể. Bàn tay và bàn chân của bé sẽ bắt đầu phát triển và trở nên hơi vụng về cho đến khi phần còn lại của cơ thể phát triển kịp. Đây cũng là một dấu hiệu dậy thì ở bé gái mà bố mẹ cần để ý.

Sự phát triển của xương và sự gia tăng mật độ xương cũng được xem là một trong những dấu hiệu dậy thì ở bé gái. Quá trình khoáng hóa xương đạt đến đỉnh điểm khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và sau khi chiều cao đạt đến đỉnh điểm. 

Chiều rộng của xương sẽ tăng đầu tiên, tiếp theo là hàm lượng khoáng chất trong xương và cuối cùng là mật độ xương. Do sự chênh lệch giữa sự phát triển của xương để đạt được mật độ xương đầy đủ; các bé gái trong độ tuổi thanh thiếu niên có thể có nhiều nguy cơ bị gãy xương.

6. Khung xương chậu phát triển và cơ thể tích tụ chất béo

Bé gái dậy thì có biểu hiện gì? Việc đạt đến trọng lượng và cấu tạo cơ thể nhất định có thể đóng một vai trò như một dấu hiệu dậy thì ở bé gái. Trong giai đoạn dậy thì, các bé gái có xu hướng tăng khối lượng chất béo trong cơ thể trong khi các bé trai có xu hướng tăng khối lượng cơ.

Cơ thể của bé gái sẽ bắt đầu tích tụ mỡ, đặc biệt là ở ngực và xung quanh hông, bụng, mông và đùi. Điều này làm cho hông mở rộng hơn và vòng eo trở nên nhỏ hơn tương ứng, tạo ra những đường cong đặc trưng của phái nữ. Sự tích tụ chất béo cũng dẫn đến tăng cân.

Một số nghiên cứu cho rằng, sự gia tăng chất béo liên quan đến một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào mỡ – leptin. Đây được xem là một chất trung gian trong thời điểm dậy thì. Những bé gái có nồng độ hormone leptin cao hơn thường có tỷ lệ mỡ cơ thể tăng lên và bắt đầu dậy thì sớm hơn.

Ngoài ra, trong giai đoạn dậy thì, khung xương chậu của các bé gái cũng phát triển và tử cung cũng bắt đầu lớn hơn, khiến vòng 3 trông đầy đặn hơn.

7. Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì

Mụn trứng cá là một dấu hiệu dậy thì ở bé gái.
Mụn trứng cá là một dấu hiệu dậy thì ở bé gái.

Nếu bạn thắc mắc dấu hiệu dậy thì ở bé gái là gì, hãy để ý đến những nốt mụn trên da của bé. Sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì khiến các tuyến dầu hoạt động mạnh hơn. Ở một số bé gái, dầu tích tụ trên da và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó sinh ra mụn trứng cá.

Vì vậy, mụn trứng cá được xem là một dấu hiệu dậy thì ở bé gái. Mụn có thể mọc ở mặt, lưng hoặc ngực. Một số trẻ bị mụn trứng cá nặng hơn những bé khác.

8. Mùi cơ thể

Các tuyến mồ hôi cũng phát triển trong tuổi dậy thì. Khi dậy thì, cơ thể bắt đầu đổ mồ hôi nhiều ở vùng dưới nách khiến cho cơ thể bị “nặng mùi”. Đây cũng được xem là dấu hiệu dậy thì ở bé gái dễ nhận biết.

Các bé sẽ bắt đầu cảm nhận thấy mồ hôi tiết ra nhiều hơn và đôi khi có mùi rất nặng. Để ngăn mùi cơ thể, bố mẹ hãy nhắc trẻ tắm rửa hàng ngày và thường xuyên sử dụng sản phẩm khử mùi nhé.

9. Thay đổi tâm trạng ở tuổi dậy thì

Dấu hiệu dậy thì ở bé gái là gì? Sự thay đổi của hormone cũng ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của các bé trong giai đoạn dậy thì. Khi dậy thì sớm hơn, cơ thể các bé gái có thể phát triển nhanh hơn về cảm xúc, trí tuệ, tình dục.

Đối với hầu hết các bé gái, tuổi dậy thì gây ra một số căng thẳng. Trẻ có thể có những thay đổi về lòng tự trọng, tính độc lập và tình dục. Một số bé có thể cảm thấy chán nản hoặc lo lắng trong thời gian này. Nhiều trẻ còn cảm thấy tuổi dậy thì đi kèm với việc quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ và hẹn hò.

Thứ tự xuất hiện những dấu hiệu dậy thì ở bé gái là khác nhau. Nhưng nhìn chung các bé có thể trải qua những điều sau:
  • Cao hơn và bắt đầu có sự thay đổi ở ngực.
  • Mọc lông mu, lông nách rồi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên.
  • Ngực phát triển và có sự phóng thích của trứng từ buồng trứng (rụng trứng) theo mỗi chu kỳ.
Tuy nhiên, những thứ tự này ở mỗi bé gái sẽ khác nhau trong suốt các giai đoạn dậy thì.

Những thay đổi xảy ra ở tuổi dậy thì của con gái

Dậy thì là giai đoạn các bé gái thay đổi cả về thể chất và cảm xúc, cả bên trong và bên ngoài. Sự thay đổi hormone trong độ tuổi dậy dẫn đến những thay đổi của cơ quan sinh sản bên ngoài như ngực, làn da, cơ bắp, xương, tóc, não bộ. Cụ thể, hormone thay đổi sẽ:

  • Kinh nguyệt lần đầu tiên xuất hiện 
  • Làm cho xương tăng trưởng nên các bé cao hơn
  • Tạo ra các kích thích tố trong tuyến thượng thận và buồng trứng làm cho lông vùng kín, nách… xuất hiện 
  • Trứng rụng thường xuyên trong mỗi chu kỳ và có khả năng thụ thai (nếu có quan hệ tình dục không an toàn). 

Đến khi kết thúc quá trình dậy thì:

  • Bé gái sẽ đạt đến chiều cao trưởng thành và tỷ lệ cơ thể phù hợp
  • Trẻ phát triển các đặc điểm giới tính bên ngoài và còn nhiều điều khác nữa.
  • Những thay đổi về thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì ở nữ diễn ra chậm dần theo thời gian.

Những vấn đề xoay quanh dậy thì sớm và dậy thì muộn ở bé gái

1. Bé gái 9 tuổi dậy thì có sớm không?

9 tuổi là độ tuổi nằm trong tuổi dậy thì. Do đó, bé gái 9 tuổi dậy thì là điều bình thường nên bố mẹ đừng lo lắng.

2. Bé gái 10 tuổi dậy thì có sớm không?         

Tuổi dậy thì của bé gái bắt đầu từ 8-13 tuổi. Do đó, bé gái 10 tuổi dậy thì được xem là sự phát triển bình thường.

3. Bé gái 11 tuổi dậy thì có sớm không?

Bé gái 11 tuổi dậy thì là sự phát triển bình thường. Bố mẹ đừng quá lo lắng nhé!

4. Bé gái 13 tuổi chưa có kinh nguyệt có sao không?

Bé gái 13 tuổi chưa có kinh nguyệt có vẻ muộn hơn so với nhiều bé đồng trang lứa. Tuy nhiên, bé gái 1 tuổi chưa có kinh cũng được xem là trường hợp bình thường. Vì trẻ có thể “rụng dâu” lần đầu sớm nhất là khi 8 tuổi hoặc muộn nhất là 15 tuổi.

5. Bé gái 14 tuổi chưa có kinh nguyệt có sao không?

Bé gái có thể có kinh nguyệt lần đầu sớm nhất là khi 8 tuổi hoặc muộn nhất là 15 tuổi. Do đó, bé gái 14 tuổi chưa có kinh nguyệt được xem là tình trạng bình thường và không có nguy hiểm.

6. Bé gái 15 tuổi chưa có kinh nguyệt có sao không?

Bé gái 15 tuổi chưa có kinh nguyệt được xem là tình trạng dậy thì muộn. Do đó, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe để được bác sĩ tư vấn và có hướng xử trí.

7. Bé gái tuổi dậy thì nên đi khám phụ khoa lần đầu khi nào?

Bé gái tuổi dậy thì nên đi khám phụ khoa lần đầu trong độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi.

Hello Bacsi và bố mẹ vừa tìm hiểu các dấu hiệu dậy thì ở bé gái. Hy vọng các thông tin này sẽ giúp ích được cho bố mẹ trong quá trình nuôi dạy con gái nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Understanding Puberty
https://kidshealth.org/en/parents/understanding-puberty.html
Truy cập ngày 27/08/2024

2. The Stages of Puberty for Girls
https://www.hopkinsallchildrens.org/ACH-News/General-News/The-Stages-of-Puberty-for-Girls
Truy cập ngày 27/08/2024

3. Puberty
https://my.clevelandclinic.org/health/articles/22192-puberty
Truy cập ngày 27/08/2024

4. Puberty for girls
https://www.healthdirect.gov.au/puberty-for-girls
Truy cập ngày 27/08/2024

5. Physical Development in Girls: What to Expect During Puberty
https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/gradeschool/puberty/Pages/Physical-Development-Girls-What-to-Expect.aspx
Truy cập ngày 27/08/2024

6. Understanding Puberty
https://kidshealth.org/en/parents/understanding-puberty.html
Truy cập ngày 27/08/2024

Phiên bản hiện tại

28/08/2024

Tác giả: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo