backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da được kê đơn khi nào?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/11/2022

    Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da được kê đơn khi nào?

    Da được ví như một hàng rào đầu tiên để bảo vệ cơ thể và đây cũng là bộ phận có diện tích lớn nhất trên cơ thể. Mặc dù được cho là có cơ chế tự phục hồi cao nhưng da vẫn có nguy cơ bị tổn thương bởi các loại tác nhân gây nhiễm trùng. Thuốc mỡ kháng sinh có thể được chỉ định trong một số trường hợp cần thiết để chống lại quá trình nhiễm khuẩn này.

    Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết về công dụng cũng như cách sử dụng các loại thuốc mỡ kháng sinh sao cho đúng nhé! 

    Tìm hiểu chung về thuốc mỡ kháng sinh

    Thuốc mỡ kháng sinh là gì? 

    Thuốc mỡ là những chế phẩm mềm, có độ nhớt và có chứa các thành phần hoạt chất hòa tan hoặc phân tán lơ lửng, hoạt động theo cơ chế thẩm thấu sâu vào da, làm mềm nhưng có thể gây bít tắc. Thuốc mỡ có thể chứa nhiều thành phần hoạt chất trong đó, nếu chứa kháng sinh thì được gọi là thuốc mỡ kháng sinh và có tác dụng chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn, thường dùng trong điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm. 

    Tìm hiểu thêm về các loại thuốc bôi ngoài da tại bài viết: Thuốc bôi ngoài da: Hiểu rõ để dùng đúng!

    Khi nào nên sử dụng thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da? 

    khi nào nên dùng thuốc mỡ kháng sinh

    Thuốc mỡ kháng sinh là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc kê đơn, chỉ được chỉ định khi cần thiết. Trong trường hợp người bệnh chỉ có vết trầy xước hoặc viêm nang lông nhẹ thường không cần điều trị với kháng sinh tại chỗ mà thay vào đó chỉ cần vệ sinh, dùng thuốc sát trùng tại chỗ và che phủ tốt cho các vùng da tổn thương. Kê đơn thuốc mỡ kháng sinh được xem là lựa chọn thứ hai nếu các biện pháp vệ sinh da là chưa đủ. 

    Do tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng nên các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo rằng các loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da có vai trò rất hạn chế trong điều trị thực tế. Hiện nay, chỉ định chính của thuốc mỡ kháng sinh bao gồm: 

  • Điều trị mụn trứng cá mủ và viêm nang lông.
  • Điều trị các tổn thương có nhiễm trùng ở ngoài da như chốc, ghẻ lở,…dự phòng nhiễm trùng các vết thương ở ngoài da.
  • Ngoài ra, thuốc mỡ kháng sinh cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp:

    • Là lựa chọn chỉ định thứ hai cho bệnh nhân có vùng chốc lở khu trú (dưới 3 tổn thương) trên da không đáp ứng với các liệu trình (từ 5-7 ngày) làm sạch và sát trùng trước đó. 
    • Một số bệnh nhân bị nhiễm trùng da tái phát do Staphylococcus aureus có thể yêu cầu dùng thuốc kháng sinh bôi ngoài chứa axit fusidic hoặc mupirocin – tùy theo độ nhạy cảm của đã được xác định. Nếu chủng vi khuẩn đề kháng với cả kháng sinh tại chỗ hoặc có nhiễm trùng đang hoạt động, có thể cần dùng kháng sinh đường uống.

    Các loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da theo Bộ Y tế 

    Theo “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế (năm 2015)“, một số loại kháng sinh bôi ngoài da có thể được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn và mô mềm bao gồm: 

    • Kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh axit fusidic 2%, bôi 1 – 2 lần/ ngày.  
    • Thuốc mỡ kháng sinh neomycin, bôi 2 – 3 lần/ngày.  
    • Kem bôi chứa silver sulfadiazine 1%, bôi 1 – 2 lần/ngày.  
    • Thuốc mỡ mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày.  
    • Thuốc bôi ngoài da erythromycin 1 – 2 lần/ngày.  
    • Thuốc bôi ngoài da clindamycin 1 – 2 lần/ngày.

    Cách sử dụng thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da

    newsletter banner

    lưu ý khi dùng thuốc mỡ kháng sinh

    Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da, lưu ý cần làm sạch và lau khô vùng da đang cần điều trị.

    • Bước đầu tiên, hãy rửa sạch tay. 
    • Tiếp theo lấy một lượng thuốc mỡ cỡ bằng đầu ngón tay và xoa đều trên vùng da cần điều trị. 
    • Bôi thuốc theo số lần được chỉ định. 
    • Rửa sạch tay sau khi bôi thuốc mỡ. 

    Một số lưu ý khi sử dụng các loại thuốc mỡ kháng sinh 

    Thuốc mỡ kháng sinh chỉ được dùng trên da và sử dụng theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ. Không sử dụng một lượng lớn thuốc, bôi thuốc thường xuyên hơn hoặc sử dụng thuốc kéo dài hơn liệu trình từ bác sĩ. Các loại thuốc mỡ kháng sinh thường được sử dụng trong khoảng 5-7 ngày, chỉ được dùng kéo dài hơn 7 ngày nếu có chỉ định trực tiếp từ bác sĩ. 

    Một số tác dụng phụ của thuốc mỡ kháng sinh có thể bao gồm:

    • Phản ứng dị ứng nơi bôi như ngứa, phát ban, nóng rát,…
    • Tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời.
    • Một số trường hợp dị ứng nặng như hội chứng Stevens – Johnson và hội chứng Lyell có thể xuất hiện.
    Không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với mắt và miệng. Nếu có, hãy lau sạch thuốc và rửa lại thật kỹ với nước lạnh nhé! 

    Trường hợp bạn quan sát thấy tình trạng da không cải thiện thậm chí có xu hướng xấu đi sau một vài ngày dùng thuốc, hãy đi tái khám ngay với bác sĩ da liễu để được chăm sóc y tế kịp thời.

    Hy vọng các thông tin trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về cách sử dụng các loại thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da để có thể dùng thuốc an toàn và hiệu quả nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo