backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

4

Hỏi bác sĩ
Lưu

Ngực có cục cứng và đau: 6 nguyên nhân phổ biến nhất

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/08/2023

    Ngực có cục cứng và đau: 6 nguyên nhân phổ biến nhất

    Ung thư vú ngày càng phổ biến, vì vậy khi kiểm tra ngực có cục cứng và đau, nhiều người lo lắng đó là triệu chứng của ung thư. Tuy nhiên, hiện tượng nổi cục ở nhũ hoa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ là khối u ác tính. 

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các nguyên nhân thường gặp khiến ngực có cục cứng và đau cũng như khi nào thì cần đi khám bác sĩ nếu kiểm tra thấy hiện tượng này nhé! 

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngực có cục cứng và đau mà bạn có thể sờ thấy được. Những nguyên nhân này có thể là khối u lành tính hoặc đôi lúc là khối u ác tính. Với mỗi nguyên nhân sẽ có triệu chứng và cách điều trị khác nhau. 

    Nổi cục ở nhũ hoa do khối u lành tính 

    U nang vú 

    Nếu sờ vào cục u ở ngực có cảm giác như quả bóng nước hay quả nho thì rất có thể đó là dấu hiệu của u nang vú. Đây là những khối u lành tính mà bên trong thường chứa đầy dịch lỏng hoặc đôi lúc cũng có những u nang có thể rắn chắc. 

    U nang vú thường không cần điều trị trừ khi các u nang lớn và gây đau dữ dội. Để làm giảm các triệu chứng khó chịu, hút dịch lỏng từ u nang vú có thể sẽ hữu ích. 

    U xơ tuyến 

    ngực có cục cứng và đau 2

    Ngực có cục cứng và đau thường do u xơ tuyến – loại khối u rắn không phải ung thư, thường gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi. Khi sờ vào ngực sẽ cảm nhận được cục cứng chắc mịn như cao su hoặc một viên bi có hình dạng rõ ràng và dễ dàng di chuyển. 

    Các bướu sợi tuyến thường có kích thước khác nhau và chúng có thể tự phát triển lớn hơn hoặc thu nhỏ lại. Tùy vào sự thay đổi kích thước và thể chất của u bướu mà bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sinh thiết mô để tầm soát ung thư hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u.   

    Ngực có cục cứng và đau: U nhú trong ống dẫn sữa 

    U nhú trong ống dẫn sữa là những khối u lành tính giống như mụn cơm phát triển ở ống dẫn sữa của vú. Chúng được tạo thành từ mô tuyến cùng với các mô sợi và mạch máu. 

    Nếu ngực có cục cứng và đau liên quan đến u nhú trong ống dẫn sữa thường sẽ kèm theo triệu chứng tiết dịch núm vú, dịch này có thể trong suốt hoặc lẫn máu và đặc biệt là chỉ xuất hiện ở một bên vú. 

    Tương tự như các khối u lành tính khác, u nhú trong ống dẫn sữa có thể không cần điều trị. Tuy nhiên u nhú trong ống dẫn sữa có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác ở vú nên đôi lúc bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ chúng.

    U mỡ (Lipoma) 

    U mỡ là một khối u mềm, di chuyển dễ dàng khi dùng tay sờ hay lăn qua lăn lại. Đây là khối u hình thành do tế bào mỡ tăng sinh chậm và thường lành tính, không có gì đáng lo ngại. U mỡ cũng thường ít gây đau và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn khó chịu với u mỡ trong vú, có thể yêu cầu loại bỏ chúng.

    Ngực có cục cứng và đau: Có thể do viêm vú 

    ngực có cục cứng và đau do viêm vú

    Viêm vú là tình trạng gây nên hàng loạt triệu chứng gồm sưng, nóng, đỏ và đau ở ngực. Tình trạng này thường phổ biến ở phụ nữ cho con bú. Nhưng điều này không có nghĩa là viêm vú không xảy ra ở những đối tượng khác. 

    Thông thường viêm vú gây ra cảm giác ửng đỏ, căng tức và đau âm ỉ. Lúc này, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp. Thuốc kháng sinh và giảm đau là những loại thuốc kê đơn để giúp giảm đau và cải thiện viêm nhiễm. 

    Với phụ nữ đang cho con bú, viêm vú có thể làm cản trở việc chăm sóc con nhưng bạn vẫn có thể cho con bú ngay cả khi đang điều trị kháng sinh vì nhiễm trùng đang xảy ra ở mô tuyến vú mà không ở trong sữa.  

    Nổi cục ở nhũ hoa do khối u ác tính 

    Ung thư vú có thể xảy ra ở cả nam và nữ mà phổ biến nhất là ở phụ nữ. Đây là bệnh ung thư gần như chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ hiện nay. Các khối u ác tính ở vú thường cứng chắc và không có hình dạng rõ ràng. Khi chạm vào vú sẽ có cảm giác khối u dính vào da mà không di động như các loại u khác. 

    Đồng thời, màu sắc da xung quanh núm vú hoặc quầng vú dường như đổi màu và có hiện tượng lột da, da đỏ và rỗ nhám như vỏ cam. 

    Hiện nay, bệnh nhân ung thư vú đã có nhiều triển vọng hơn trong điều trị. Điều quan trọng là bệnh nhân được chẩn đoán bệnh sớm và có cách thức điều trị cá nhân hóa phù hợp để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.  

    Ngực có cục cứng và đau: khi nào nên khám bác sĩ? 

    ngực có cục cứng và đau

    Nếu khi kiểm tra ngực có cục cứng và đau, bạn cần nhanh chóng đi khám bác sĩ đặc biệt là khi: 

  • Khối u có cảm giác dính chắc và cố định trên ngực. 
  • Khối u không biến mất sau 4-6 tuần. 
  • Da có nhiều dấu hiệu bất thường như mẩn đỏ, đóng vảy và nhăn nheo, lõm xuống. 
  • Vú bị tiết dịch, chảy máu.
  • Núm vú bị quay ngược lại vào trong và mất định hình như sinh lý bình thường. 
  • Sờ thấy một cục u ở nách hay dưới cánh tay và dường như ngày càng tăng trưởng. 
  • Hy vọng các thông tin trên đây đã “gỡ rối” được cho bạn những lo lắng khi kiểm tra ngực có cục cứng và đau. Lưu ý rằng không nên tự ý chẩn đoán hiện tượng nổi cục u trên nhũ hoa tại nhà mà cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và có cách xử trí phù hợp nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo