Việc thêm các loại đậu vào thực đơn ăn dặm cho bé giúp bổ sung nguồn dưỡng chất dồi dào, làm cho món ăn của bé thêm phần hấp dẫn để con yêu hứng thú hơn khi thưởng thức. Ba mẹ còn chờ gì mà không tìm hiểu ngay những cách nấu cháo đậu cho bé ăn dặm dễ dàng mà vẫn đầy đủ dưỡng chất?
Các cách nấu cháo đậu đơn giản sẽ giúp bé có bữa ăn dặm ngon miệng, bắt mắt và đầy đủ dinh dưỡng. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những công thức này để thực đơn ăn dặm của con thêm phong phú nhé.
11 cách nấu cháo đậu cho bé ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng
Có rất nhiều loại đậu mà bạn có thể chọn để kết hợp vào thực đơn ăn dặm của bé, hãy tham khảo các công thức sau:
1. Cách nấu cháo đậu Hà Lan cho bé
Đậu Hà Lan là nguyên liệu làm món ăn dặm rất phù hợp cho bé vì có hàm lượng dinh dưỡng cao. Loại đậu này cung cấp nhiều protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết để trẻ phát triển toàn diện.
1.1 Cháo đậu Hà Lan, cà rốt /khoai lang
Khoai lang được biết đến với công dụng nhuận tràng lại có vị ngọt nhẹ, mềm mịn rất phù hợp với các bé trong độ tuổi ăn dặm. Cà rốt lại chứa nhiều chất xơ, vitamin K1, kali, các chất chống oxy hóa và beta-carotene, một hợp chất mà cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A. Các thành phần dinh dưỡng này giúp bé có đôi mắt khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa… Bạn có thể chọn kết hợp đậu Hà Lan với cà rốt hoặc khoai lang tùy sở thích của bé.
Nguyên liệu
- 30g đậu Hà Lan
- 30g khoai lang/cà rốt
- 150ml nước hoặc 60ml sữa mẹ hay sữa công thức
Cách nấu cháo đậu Hà Lan cho bé cùng khoai lang/cà rốt
- Đậu Hà Lan rửa sạch, bóc vỏ.
- Khoai lang, cà rốt rửa sach, gọt vỏ, thái khoanh khoảng nửa đốt ngón tay.
- Hấp/luộc đậu Hà Lan, khoai lang/cà rốt với lửa vừa cho tới khi chín mềm.
- Dùng muỗng nghiền đậu, khoai lang/cà rốt rồi lọc qua rây để tất cả các nguyên liệu nhuyễn mịn. Bạn có thể trộn đậu, khoai/cà rốt với ít nước luộc hay sữa để dễ nghiền hơn.
- Cho các nguyên liệu đã nghiền vào nồi, thêm sữa mẹ/sữa công thức/nước luộc vào khuấy đều. Sau đó, nấu với lửa vừa trong 3-5 phút rồi múc ra chén cho bé thưởng thức khi món ăn còn ấm.
1.2 Cháo đậu Hà Lan cá hồi
Cá hồi rất giàu omega-3, giúp phát triển trí não cho trẻ. Việc kết hợp cá hồi trong món cháo đậu Hà Lan không chỉ cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho trẻ, mà còn góp phần tạo ra món ăn có màu sắc bắt mắt làm các bé thích thú.
Nguyên liệu
- 20g gạo tẻ
- 30g đậu Hà Lan
- 50g phi lê cá hồi
- 100ml sữa mẹ/sữa công thức
- 3 lát gừng
- 1 muỗng cà phê dầu ô liu
Cách nấu cháo đậu Hà Lan cho bé cùng cá hồi
- Vo sạch gạo tẻ rồi cho gạo và 250ml nước vào nồi nấu chín nhừ thành cháo.
- Đậu Hà Lan rửa sạch, bóc bỏ vỏ.
- Bỏ đậu Hà Lan vào nồi cháo rồi nấu cho tới khi đậu chín mềm.
- Rửa sạch cá hồi, cho vào tô rồi thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức vào ngâm cá trong khoảng 5 phút để khử bớt mùi tanh.
- Hấp cách thủy cá hồi cùng 3 lát gừng trong khoảng 10 phút cho cá chín. Sau đó, dùng nĩa nghiền nhỏ cá.
- Làm nóng chảo, cho dầu ô liu vào nấu cho nóng rồi cho cá vào đảo sơ với lửa nhỏ cho tới khi cá tơi ra và dậy mùi thơm.
- Tán mịn cháo đậu Hà Lan rồi dùng rây lọc cháo hoặc xay để cháo có độ nhuyễn mịn.
- Múc cháo đậu Hà Lan ra chén, thêm cá hồi vào trộn đều và cho bé thưởng thức.
1.3 Cháo đậu Hà Lan gà ác
Thịt gà cũng là một nguyên liệu giàu dinh dưỡng phù hợp với bé ở độ tuổi ăn dặm.
Nguyên liệu
- Gà ác
- Đậu Hà Lan
- Gạo
- Nước daishi hoặc nước rau củ hầm
- Dầu ăn dặm cho bé.
Cách nấu cháo đậu Hà Lan cho bé cùng thịt gà ác
- Dùng gạo, đậu Hà Lan và nước daishi để nấu cháo đậu cho bé như đã hướng dẫn trong công thức trên.
- Luộc hoặc hấp gà cho chín rồi lọc lấy thịt. Sau đó, băm, giã hoặc xay thịt gà cho tới khi đạt độ mịn mong muốn.
- Khi cháo đã chín, cho thịt gà và 1 thìa cà phê dầu ăn dặm, trộn đều và cho bé thưởng thức.
1.4 Cháo đậu Hà Lan, cà rốt và sườn non
Cháo đậu Hà Lan nấu với cà rốt và sườn là một món ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé như protein, chất xơ, vitamin và các khoáng chất khác.
Nguyên liệu
- 30g gạo tẻ
- 20g đậu Hà Lan
- 20g cà rốt
- 100g sườn heo
- Dầu ăn cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo đậu Hà Lan cho bé cùng cà rốt và sườn heo
- Rửa sạch sườn heo, chặt khúc nhỏ, trụng qua nước sôi, rửa lại cho sạch, bỏ vào nồi hầm cho tới khi sườn chín.
- Khi sườn đã chín, vớt ra để nguội, gỡ lấy thịt rồi xé hoặc xay thịt để có độ nhuyễn phù hợp với bé.
- Gạo vo sạch rồi bỏ vào nồi nước hầm sườn nấu nhừ thành cháo.
- Rửa sạch đậu Hà Lan và cà rốt, hấp chín, để nguội bớt rồi nghiền hoặc xay mịn.
- Khi cháo chín, cho thịt sườn, đậu Hà Lan và cà rốt vào đảo đều rồi cho bé thưởng thức.
1.5 Cháo đậu Hà Lan thịt bò
Thịt bò là thực phẩm giàu khoáng chất sắt nên rất bổ máu, có thể giúp ngừa và hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ.
Nguyên liệu
- 25g gạo tẻ
- 25g đậu Hà Lan
- 30g thịt thăn bò
- Dầu ăn cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo đậu Hà Lan cho bé cùng thịt bò
- Dùng gạo và đậu Hà Lan để nấu cháo đậu cho bé như đã hướng dẫn ở các công thức trên.
- Rửa sạch thịt bò rồi băm nhỏ.
- Khi cháo chín, bỏ thịt bò đã băm vào nấu tới khi chín mềm, múc ra chén cho dầu ăn dặm vào trộn đều rồi cho bé thưởng thức.
2. Cách nấu cháo đậu xanh cho bé ăn dặm
Đậu xanh có thể giúp bé bổ sung các vitamin cần thiết như vitamin C, E, A cũng như canxi, sắt và chất xơ. Loại nguyên liệu giàu dinh dưỡng này giúp bé thanh nhiệt, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch…
2.1 Cháo đậu xanh hầm gà ác
Cách kết hợp thịt gà vào cách nấu cháo đậu xanh cho bé ăn dặm như sau:
Nguyên liệu
- 20g đậu xanh
- 30g gạo
- 50g thịt gà ác
- Vài cọng ngò rí
- Dầu ăn cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo đậu xanh cho bé cùng gà ác
- Làm sạch gà rồi luộc chín, gỡ lấy thịt, giã hoặc xay nhuyễn.
- Bỏ gạo và đậu xanh đã hấp chín vào nước luộc gà để nấu thành cháo.
- Khi cháo chín, thêm thịt gà ác vào đảo đều rồi rắc thêm ít ngò để tạo thêm hương vị cho món ăn.
2.2 Cháo đậu xanh thịt chim bồ câu
Thịt chim bồ câu cũng là một nguyên liệu bổ dưỡng, thơm ngon để bạn đổi món ăn dặm cho bé.
Nguyên liệu
- 1 con chim bồ câu
- 1 thìa gạo nếp
- 1 thìa gạo
- 30g đậu xanh
- Hành tím
- Gia vị dành cho bé ăn dặm
Cách nấu cháo đậu xanh cho bé cùng bồ câu
- Bồ câu làm sạch, lọc lấy thịt, băm nhỏ ướp chút gia vị dành cho bé ăn dặm rồi xào với hành.
- Nấu gạo và đậu xanh đã hấp chín thành cháo.
- Khi cháo chín, bạn cho thịt chim bồ câu vào nồi cháo để đảo đều là có thể cho bé thưởng thức.
2.3 Cháo đậu xanh chim cút
Bạn có thể thử cách nấu cháo đậu cho bé với chim cút như sau:
Nguyên liệu
- 1 con chim cút
- 30g đậu xanh
- 20g gạo tẻ
- Hành ngò
- Dầu ăn cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo đậu xanh cho bé cùng chim cút
- Rửa chim cút đã làm sạch cùng chút muối và rượu để khử mùi, để ráo, chặt làm bốn.
- Gạo rang vàng, cho vào nồi cùng 500ml nước và đậu xanh đã hấp chín để nấu thành cháo.
- Khi cháo nhừ, cho chim cút vào hầm thêm khoảng 15 phút, thêm hành ngò.
- Khi thịt chim cút đã mềm, vớt ra, để nguội bớt, xé nhỏ thịt rồi cho vào cháo đã trộn 1 thìa dầu ăn và cho bé thưởng thức. Với các bé chưa ăn thô được, bạn cần giã hay xay nhuyễn thịt chim cút.
2.4 Cháo đậu xanh nấu lươn
Nếu muốn cho bé thử thịt lươn, bạn có thể kết hợp lươn với cháo đậu xanh theo công thức sau:
Nguyên liệu
- 30g lươn
- 15g đậu xanh đã cà vỏ
- 30g gạo
- Vài lát gừng
- Dầu ăn cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo đậu xanh cho bé cùng lươn
- Lươn đã làm sạch, bóp với giấm hoặc chanh rồi cạo sạch nhớt.
- Hấp lươn với gừng cho tới khi lươn chín. Sau đó, lóc lấy thịt lươn rồi băm nhỏ hoặc nghiền mịn.
- Nấu gạo và đậu xanh thành cháo.
- Khi cháo chín, cho lươn và gia vị và dầu ăn cho bé ăn dặm vào, khuấy đều là có món cháo thơm ngon.
2.5 Cháo đậu xanh hạt sen
Cháo đậu xanh hạt sen tuy là món chay nhưng vẫn rất đầy đủ dinh dưỡng cho bé.
Nguyên liệu
- 20g đậu xanh
- 30g hạt sen tươi
- 1 thìa gạo nếp
- 1 thìa gạo tẻ
- Dầu ăn, gia vị cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo đậu xanh cho bé cùng hạt sen
- Ngâm hạt đậu xanh cho mềm.
- Cho gạo, hạt sen cùng đậu xanh vào nồi nấu với lửa vừa cho đến khi mềm nhừ thành cháo.
- Nêm chút gia vị ăn dặm theo khẩu vị của bé, rồi cho bé thưởng thức.
2.6 Cháo đậu xanh khoai tây
Công thức nấu cháo đậu xanh với khoai tây cũng khá đơn giản:
Nguyên liệu
- 20g bột gạo
- 1/4 củ khoai tây cỡ vừa
- 15g đậu xanh cà vỏ
- 1 muỗng cà phê dầu ăn cho bé.
Cách nấu cháo đậu xanh cho bé cùng khoai tây
- Đậu xanh đãi sạch, ngâm nước ấm trong khoảng 30 phút cho mềm rồi hấp khoảng 10-15 phút.
- Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ, hấp/luộc chín.
- Cho đậu xanh và khoai tây vào cối xay cùng 50ml nước luộc khoai tây (nếu có).
- Thêm 200ml nước luộc khoai (nếu có), 20g bột gạo vào nồi nấu với lửa vừa, khuấy đều cho cho tới khi chín rồi cho thêm đậu xanh và khoai đã xay vào đảo đều trong khoảng 1 phút là được.
- Đậu có màu xanh lục tươi, sáng, có mùi thơm đặc trưng và có điểm một đốm màu trắng ở mắt hạt đậu.
- Đậu có hình bầu dục, hai đầu của hạt đậu tròn đều. Khi sờ, bạn có thể cảm nhận lớp vỏ ngoài láng mịn, không gồ ghề.
3. Cách nấu cháo đậu đỏ cho bé ăn dặm
Đậu đỏ là nguồn cung cấp protein, chất xơ, sắt, phốt pho và kali dồi dào. Vậy nên, đây là loại thực phẩm rất tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
3.1 Cháo đậu đỏ trứng gà
Trứng gà là thực phẩm giàu dưỡng chất rất phù hợp cho trẻ ăn dặm.
Nguyên liệu
- 30g đậu đỏ
- 20g gạo tẻ
- 1 quả trứng gà
- 30g su su
- Dầu ô liu cho bé ăn dặm.
Cách nấu cháo đậu đỏ cho bé với trứng
- Đậu đỏ đãi sạch, ngâm với nước ấm để đậu nở. Sau đó, hầm đậu cho tới khi chín mềm.
- Gọt vỏ su su, cắt miếng vừa ăn, hấp chín mềm.
- Luộc trứng gà, lấy phần lòng đỏ nghiền nhuyễn.
- Xay đậu đỏ, su su với một ít nước hầm đậu cho nhuyễn.
- Cho gạo vào nước hầm đậu nấu nhừ thành cháo.
- Cho đậu đỏ và su su đã xay nhuyễn vào nồi cháo rồi đảo đều cho tới khi hỗn hợp sôi lại thì cho lòng đỏ trứng gà vào, khuấy đều trong khoảng 1-2 phút, tắt bếp.
- Múc cháo ra chén, cho thêm một ít dầu ô liu vào rồi đảo đều.
3.2 Cháo đậu đỏ nấu thịt
Nếu muốn kết hợp thịt vào cháo đậu đỏ, bạn có thể thử thịt heo hoặc thịt bò.
Nguyên liệu
- 30g gạo tẻ
- 25g đậu đỏ
- 25-30g thịt bò/thịt heo
- Hành ngò
- Gia vị, dầu ăn cho bé.
Cách nấu cháo đậu đỏ cho bé cùng thịt bò/thịt heo
- Đậu đỏ đãi sạch, ngâm với nước trong khoảng 3-4 giờ để đậu nở mềm.
- Cho đậu đỏ và gạo đã vo sạch vào nồi nấu thành cháo.
- Rửa sạch thịt, thấm khô, bằm nhuyễn rồi ướp với một ít dầu ăn, gia vị dành cho bé ăn dặm.
- Cháo chín, cho thịt vào đảo đều, nấu thêm khoảng 1-2 phút
- Múc cháo ra chén rồi thêm hành ngò cắt nhỏ để bé thưởng thức.
3.3 Cháo đậu đỏ cá hồi
Cá hồi cũng là một lựa chọn rất tốt nếu bạn muốn kết hợp thêm nguyên liệu vào món cháo đậu đỏ.
Nguyên liệu
- 20g đậu đỏ
- 30g cá hồi
- 30g gạo tẻ
- Hành tím, ngò
- Gia vị, dầu ăn cho bé.
Cách nấu cháo đậu đỏ cho bé cùng cá hồi
- Sơ chế đậu đỏ và nấu cháo đậu đỏ như hướng dẫn trong công thức trên.
- Rửa sạch cá hồi, hấp chín, nghiền nhuyễn. Sau đó, ướp cá với một ít hành tím, dầu ăn rồi xào sơ.
- Cháo chín, bỏ cá hồi vào đảo đều và đun thêm khoảng 1-2 phút.
- Múc cháo ra chén rồi thêm hành ngò cắt nhỏ để bé thưởng thức.
3.4 Cháo đậu đỏ nấu tôm
Cách nấu tôm cùng cháo đậu đỏ cho bé cũng khá đơn giản:
Nguyên liệu
- 25g gạo tẻ
- 25g đậu đỏ
- 2 con tôm sú cỡ vừa
- Hành ngò
- Gia vị, dầu ăn cho bé.
Cách nấu cháo đậu đỏ cho bé cùng tôm
- Nấu cháo đậu đỏ như hướng dẫn trong công thức trên.
- Rửa sạch tôm, bóc vỏ, bỏ đầu, bỏ chỉ đen, băm nhuyễn. Sau đó, xào tôm cùng một ít dầu ăn cho thịt tôm săn lại.
- Cháo chín, cho tôm vào đảo đều, đun cho cháo sôi trở lại.
- Múc cháo ra chén rồi thêm hành ngò, dầu ăn dặm vào, trộn đều, cho bé thưởng thức.
3.5 Cháo đậu đỏ hạt sen, cà rốt
Món cháo chay này sẽ giúp bé đổi khẩu vị và có hứng thú trong việc ăn dặm hơn.
Nguyên liệu
- 30g đậu đỏ
- 25g hạt sen tươi
- 25g gạo tẻ
- Dầu ăn cho bé.
Cách nấu cháo đậu đỏ cho bé với hạt sen
- Đậu đỏ đãi sạch, ngâm với nước ấm cho đến khi đậu nở mềm.
- Rửa sạch hạt sen, tách bỏ tim sen để tránh cháo bị đắng.
- Nấu gạo, đậu đỏ và hạt sen cho đến khi nhừ thành cháo.
- Cháo nhừ, cho thêm một ít dầu ăn vào rồi đảo đều và hầm thêm khoảng 5 phút.
- Bạn có thể rây hay xay cháo nếu muốn cháo mịn hơn.
4. Cách nấu cháo đậu lăng đỏ cho bé ăn dặm
Đậu lăng là món ăn dặm rất phù hợp với các bé từ 8 tháng tuổi trở nên vì là thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể giúp bé nâng cao sức khỏe tổng thể. Loại đậu này có chứa protein và chất xơ giúp bé no lâu, tiêu hóa dễ dàng hơn và kiểm soát cân nặng. Các khoáng chất khác như phốt pho, canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin C, vitamin nhóm B tốt cho hệ xương khớp, hệ miễn dịch và quá trình phát triển chung của bé.
4.1 Cháo đậu lăng đỏ thịt gà
Bạn có thể kết hợp thịt gà với cháo đậu lăng theo công thức sau:
Nguyên liệu
- 10g đậu lăng đỏ
- 30g thịt gà
- 20g cà rốt
- Gạo tẻ
- Hành tím
- Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo đậu lăng đỏ cho bé cùng thịt gà
- Rửa sạch đậu lăng, ức gà, cà rốt. Sau đó, cắt nhỏ ức gà và cà rốt sao cho phù hợp với khả năng ăn thô của bé.
- Phi thơm hành tím với dầu ăn cho bé rồi cho thịt gà và cà rốt vào xào chín.
- Cho gạo và đậu lăng cùng với 150ml nước vào nồi nấu cho tới khi chín mềm thành cháo.
- Khi cháo chín, cho gà và cà rốt vào rồi khuấy đều rồi nấu thêm 2 phút. Nếu muốn cháo nhuyễn hơn, bạn có thể xay hoặc rây cháo rồi cho bé thưởng thức.
4.2 Cháo đậu lăng đỏ, yến mạch và thịt gà
Một cách nấu cháo đậu lăng khác là không dùng gạo, thay vào đó là dùng yến mạch. Với cách nấu cháo này, bé sẽ có một món ăn khá lạ miệng:
Nguyên liệu
- 20g đậu lăng đỏ
- 20g bột yến mạch
- 30g thịt gà
- Gia vị, dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo đậu lăng đỏ cho bé cùng yến mạch và thịt gà
- Rây bột yến mạch để cháo được mềm mịn.
- Cho đậu lăng đỏ, bột yến mạch và 150ml nước vào nồi nấu nhừ thành cháo.
- Thịt gà làm sạch, bằm nhuyễn rồi xào chín.
- Cháo chín, cho thịt gà vào đảo đều cho cháo sôi lại, tắt bếp, múc ra chén cho bé thưởng thức.
4.3 Cháo đậu lăng, bí đỏ và thịt heo
Bí đỏ và thịt heo đều là những nguyên liệu giàu dinh dưỡng phù hợp cho bé ăn dặm.
Nguyên liệu
- 20g đậu lăng đỏ
- 30g thịt heo
- 20g bí đỏ
- Củ hành tím
- Dầu ô liu
Cách nấu cháo đậu lăng cho bé cùng bí đỏ và thịt heo
- Gọt vỏ, rửa sạch bí đỏ rồi cắt lát mỏng.
- Rửa sạch đậu lăng rồi cho vào nồi nấu nhừ cùng bí đỏ.
- Thịt heo rửa sạch rồi băm nhuyễn.
- Phi thơm hành tím với dầu ô liu rồi bỏ thịt heo vào xào chín.
- Khi đậu lăng và bí đỏ chín nhừ, cho thịt vào đảo đều rồi nấu thêm khoảng 2 phút. Sau đó, xay hoặc rây để cháo mịn hơn và cho bé ăn.
4.4 Cháo đậu lăng, khoai tây, cà rốt và cá hồi
Nếu muốn đổi khẩu vị cho bé với cá, bạn có thể chọn cá hồi để nấu cháo đậu cho bé.
Nguyên liệu
- 20g đậu lăng
- 30g cá hồi
- Khoai tây
- Cà rốt
- Hành tây
- Dầu ăn cho bé
Cách nấu cháo đậu lăng cho bé cùng khoai tây, cà rốt và cá hồi như sau:
- Cá hồi hấp chín rồi tán nhuyễn.
- Gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt hạt lựu khoai tây, cà rốt, hành tây.
- Rửa sạch đậu lăng.
- Cho đậu lăng, khoai tây và cà rốt vào nồi hầm nhừ.
- Phi hành tây bằng dầu ăn cho bé đến khi thơm rồi bỏ cá hồi vào đảo sơ.
- Khi đậu lăng, khoai tây, cà rốt đã chín nhừ thì bạn cho cá hồi xào với hành tây vào khuấy đều. Nếu muốn cháo mịn hơn, bạn có thể xay hoặc rây cháo.
5. Cách nấu cháo đậu gà cho bé
Đậu gà là thực phẩm phổ biến ở Ấn Độ và Trung Đông và cũng đang dần được quan tâm ở Việt Nam. Loại đậu này cũng là thức ăn dặm thích hợp cho bé 8 tháng tuổi vì chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như protein, axit béo, canxi, sắt, chất xơ…
5.1 Cháo đậu gà, bí đỏ và thịt heo
Bí đỏ và thịt heo sẽ tăng thêm dinh dưỡng và hương vị cho món cháo đậu gà của bé.
Nguyên liệu
- Đậu gà
- Thịt heo
- Bí đỏ
- Ngò rí
- Dầu ô liu
Cách nấu cháo đậu gà cho bé với bí đỏ, thịt heo
- Đậu gà ngâm qua đêm, bóc vỏ, rửa lại rồi hầm nhừ thành cháo. Bạn có thể rây cháo để cháo được nhuyễn mịn hơn.
- Thịt heo rửa sạch, băm nhuyễn rồi cho vào nồi cháo nấu cho đến khi chín mềm.
- Khi cháo sôi, tắt bếp rồi cho ngò rí đã thái nhỏ vào rồi cho bé thưởng thức.
5.2 Cháo đậu gà, nấm, bí đỏ, thịt gà
Các loại nấm là nguyên liệu bổ dưỡng và thơm ngon để bạn chế biến đồ ăn dặm cho bé. Việc kết hợp nấm với đậu gà, bí đỏ và thịt gà là đã có ngay một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho trẻ.
Nguyên liệu
Cách nấu cháo đậu gà cho bé với nấm, bí đỏ, thịt gà
- Cho gạo vào nồi nấu thành cháo.
- Đậu gà rửa sạch, ngâm qua đêm rồi cho đậu vào nồi luộc trong khoảng từ 20 đến 30 phút đến khi chín.
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ, luộc chín rồi xay nhuyễn cùng đậu gà.
- Nấm làm sạch rồi băm nhỏ.
- Thịt gà làm sạch, lọc xương, băm nhỏ.
- Khi cháo đã chín, cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào khuấy đều rồi tiếp tục nấu cho tới khi sôi.
5.3 Cháo đậu gà nấu tôm
Cháo đậu gà nấu với tôm vô cùng nhanh gọn, đơn giản mà lại ngon miệng đến bất ngờ.
Nguyên liệu
- 50g đậu gà
- 100g tôm
Cách nấu cháo đậu gà cho bé với tôm
- Đậu gà rửa sạch, ngâm qua đêm, luộc chín, xay nhuyễn.
- Tôm rửa sạch, bóc vỏ, lấy chỉ lưng rồi băm nhỏ.
- Cho tôm vào nồi nấu cùng đậu gà đã xay trong khoảng 15 phút.
- Đảo đều rồi múc cháo ra chén cho bé thưởng thức.
5.4 Cháo đậu gà, cà rốt, sườn non
Bạn có thể thử kết hợp cháo đậu gà với sườn non và cà rốt theo cách sau.
Nguyên liệu
- 1/3 chén đậu gà
- 100g sườn non
- Cà rốt
Cách nấu cháo đậu gà cho bé với sườn non và cà rốt
- Đậu gà rửa sạch, ngâm qua đêm cho mềm rồi bóc vỏ.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ.
- Sườn non rửa sạch, hầm khoảng 30 phút rồi cho cà rốt vào hầm tiếp 10 phút.
- Dùng nước hầm sườn và cà rốt để nấu đậu gà cho tới khi chín mềm.
- Nghiền hoặc xay nhỏ thịt sườn, cà rốt và đậu gà sao cho nhuyễn mịn rồi cho bé thưởng thức.
5.5 Cháo đậu gà, thịt bò
Nếu bé đã quá quen thuộc với thịt heo hay thịt gà, ba mẹ có thể thử kết hợp thịt bò vào món cháo đậu đổi vị cho con.
Nguyên liệu
- 50g đậu gà
- 30g thịt bò
- Dầu ô liu
Cách nấu cháo đậu gà cho bé với thịt bò
- Đậu gà bạn ngâm qua đêm, bóc vỏ, rửa lại rồi hầm nhừ thành cháo. Bạn có thể rây cháo để cháo được nhuyễn mịn hơn.
- Thịt bò rửa sạch, băm nhỏ, xào sơ cùng dầu ô liu.
- Cho thịt bò vào cháo đậu gà để nấu cho đến khi chín rồi cho bé thưởng thức.
6. Cách nấu cháo đậu đen cho bé đổi vị
Đậu đen không những giàu protein, chất xơ và chất béo tốt mà còn chứa nhiều sắt và kẽm, hai chất dinh dưỡng thiết yếu thường thiếu ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, đậu đen cũng cung cấp vitamin B, magie, kẽm, canxi, phốt pho, mangan và đồng. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, loại đậu này là món ăn dặm rất phù hợp với trẻ 6 tháng tuổi.
6.1 Cháo đậu đen gà ác
Bạn có thể hầm cháo đậu đen cùng gà ác theo công thức sau.
Nguyên liệu
- Đậu đen
- Gà ác
- 1/3 chén gạo tấm
- Gừng
- Sả
- Hành tím
Cách nấu cháo đậu đen cho bé với gà ác
- Đậu đen rửa sạch, ngâm nước ấm cho nở mềm.
- Gà ác làm sạch rồi luộc với sả, gừng và hành tím cho tới khi chín. Sau đó, xé nhỏ hoặc xay nhuyễn.
- Cho đậu đen, gạo tấm vào nồi nước luộc gà nấu cho chín nhừ.
- Cho thịt gà vào khuấy đều rồi cho bé thưởng thức.
6.2 Cháo đậu đen hầm sườn non với nấm rơm, cà rốt
Cách kết hợp cháo đậu đen với sườn, nấm rơm và cà rốt như sau:
Nguyên liệu
- Đậu đen
- Gạo tẻ
- Gạo nếp
- Sườn non
- Nấm rơm
- Cà rốt
Cách nấu cháo đậu đen cho bé với sườn non, nấm và cà rốt
- Đậu đen rửa sạch, ngâm nước ấm cho nở mềm.
- Nấm rơm, cà rốt rửa sạch, cắt nhỏ.
- Sườn rửa sạch, chần qua nước sôi.
- Cho sườn, gạo, đậu đen vào nồi để hầm đến khi nhừ.
- Khi cháo chín nhừ, vớt sườn ra, gỡ thịt rồi nghiền nhuyễn hoặc xé nhỏ.
- Cho thịt sườn đã nhuyễn, nấm rơm và cà rốt vào nồi cháo hầm tiếp cho tới khi cháo sôi trở lại. Sau đó, bạn có thể rây hoặc xay để cháo mịn hơn rồi cho bé ăn.
6.3 Cháo đậu đen, cà rốt, khoai tây
Cháo đậu đen nấu cùng cà rốt, khoai tây là món chay vô cùng dinh dưỡng và mới lạ mà bạn có thể cho bé thử.
Nguyên liệu
- Khoai tây
- Cà rốt
- Đậu đen
- 2 muỗng sữa mẹ hay sữa công thức
Cách nấu cháo đậu đen cho bé với cà rốt và khoai tây
- Khoai tây, cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt nhỏ.
- Đậu đen rửa sạch, ngâm nước cho đến khi nở mềm.
- Khoai tây, cà rốt và đậu đen hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
- Cho thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức để hỗn hợp đạt độ loãng phù hợp.
7. Cách nấu cháo đậu trắng mềm thơm cho bé ăn ngon miệng
Đậu trắng không những có thể tăng cường hệ tiêu hóa mà còn giúp bé phát triển xương khớp rất tốt. Vậy nên, ba mẹ có thể cân nhắc kết hợp đậu trắng vào chế độ ăn dặm cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên.
7.1 Cháo đậu trắng cà rốt, bí đỏ, thịt heo
Công thức nấu cháo đậu trắng cùng cà rốt, bí đỏ và thịt heo như sau:
Nguyên liệu
- Gạo
- Đậu trắng
- Bí đỏ
- Cà rốt
- Thịt heo
Cách nấu cháo đậu trắng cho bé với bí đỏ, cà rốt, thịt heo
- Nấu gạo nhừ thành cháo.
- Đậu trắng rửa sạch, ngâm nở mềm rồi luộc trong khoảng từ 20 đến 30 phút đến khi chín.
- Bí đỏ và cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ, luộc chín rồi xay nhuyễn cùng đậu trắng.
- Thịt heo rửa sạch, băm nhỏ.
- Khi cháo đã chín, cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào khuấy đều rồi tiếp tục nấu cho tới khi sôi.
7.2 Cháo đậu trắng gạo lứt, thịt gà
Bạn cũng có thể dùng gạo lứt để chế biến món cháo đậu trắng cho bé đấy.
Nguyên liệu
- 100g gạo lứt
- 100g đậu trắng
- 100g thịt gà
Cách nấu cháo đậu trắng cho bé với gạo lứt và thịt gà
- Vo gạo lứt và đậu trắng rồi ngâm nước một vài giờ hoặc qua đêm. Sau đó, hầm thành cháo.
- Thịt gà rửa sạch, băm nhỏ và xào sơ cho săn.
- Khi cháo đậu trắng gạo lứt đã chín, cho thịt gà vào nấu thêm khoảng 3- 5 phút.
8. Cách nấu cháo đậu ngự cho bé bổ sung dinh dưỡng
Đậu ngự có thể hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, phòng tránh bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và cũng là nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Ngoài ra, đậu ngự cũng chứa nhiều chất xơ nên cũng giúp cải thiện hệ tiêu hóa của bé rất tốt.
8.1 Cháo đậu ngự với thịt băm và trứng cút
Công thức nấu cháo đậu ngự cùng thịt băm và trứng cút như sau.
Nguyên liệu
- Nửa chén gạo
- 200g đậu ngự
- 200 thịt băm
- 5 quả trứng cút
- Hành tím
Cách nấu cháo đậu ngự cho bé ăn dặm với thịt băm và trứng cút
- Vo gạo rồi bỏ vào nồi nấu nhừ thành cháo. Khi cháo gần được, cho đậu ngự đã rửa sạch và lột vỏ vào hầm.
- Xào sơ thịt băm với hành tím.
- Trứng cút luộc chín rồi lột vỏ và nghiền cho tới đi đạt độ nhuyễn mong muốn.
- Khi cháo đậu ngự chín, cho trứng cút và thịt bằm vào khuấy đều cho sôi lại là được.
8.2 Cháo đậu ngự với khoai lang và bí đỏ
Với khoai lang và bí đỏ, món cháo đậu của bé không chỉ có màu sắc bắt mắt và còn đầy dinh dưỡng.
Nguyên liệu
- 30g gạo
- 30g bí đỏ
- 20g đậu ngự tươi
- 30g khoai lang
Cách nấu cháo đậu ngự cho bé với khoai lang và bí đỏ
- Vo gạo rồi bỏ vào nồi nấu nhừ thành cháo. Khi cháo gần được, cho đậu ngự đã rửa sạch và lột vỏ vào hầm.
- Bí đỏ, khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ.
- Khi cháo đậu ngự chín, cho bí đỏ và khoai lang vào hầm tiếp cho đến khi mềm.
9. Cách nấu cháo đậu cúc (đậu Pinto) cho bé ăn dặm
Đậu cúc hay còn gọi là đậu pinto là nguồn cung cấp chất xơ nói riêng và các dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của trẻ nói chung. Khi kết hợp đậu cúc cùng những thực phẩm khác, bữa ăn dặm của bé sẽ đầy đủ dinh dưỡng. Ba mẹ còn đợi gì mà không kết hợp loại đậu này vào thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi?
9.1 Cháo đậu cúc nấu sườn
Bạn có thể kết hợp cháo đậu cúc với sườn để món ăn dặm của bé có thêm dưỡng chất.
Nguyên liệu
- Gạo
- Đậu cúc
- Sườn non
- Cà chua
Cách nấu cháo đậu cúc cho bé với sườn non
- Rửa sạch đậu cúc, ngâm cho nở mềm.
- Sườn rửa sạch, chặt miếng nhỏ rồi hầm mềm.
- Gạo vo sạch rồi nấu cùng đậu cúc và nước hầm sườn cho tới khi chín mềm thành cháo.
- Cà chua rửa sạch, gọt vỏ, bỏ cuống và băm nhuyễn.
- Sườn khi đã hầm mềm thì lọc bỏ xương, xé nhỏ rồi xào sơ với cà chua.
- Khi cháo chín, cho sườn xào cà chua vào khuấy đều là có thể thưởng thức.
9.2 Cháo đậu cúc bông cải xanh và thịt gà
Bông cải xanh cũng là một nguyên liệu lành mạnh mà bạn có thể thêm vào món cháo đậu của bé đấy.
Nguyên liệu
- Gạo
- Đậu cúc
- Bông cải xanh
- Thịt gà
Cách nấu cháo đậu cúc cho bé với bông cải xanh và thịt gà
- Rửa đậu cúc rồi ngâm nước một vài giờ hoặc qua đêm.
- Vo gạo rồi hầm cùng đậu cúc cho tới khi chín nhừ.
- Bông cải xanh rửa sạch, băm nhỏ
- Thịt gà làm sạch, băm nhỏ và xào sơ cho săn.
- Khi cháo đậu cúc đã chín, cho thịt gà và bông cải xanh vào nấu thêm khoảng 5-7 phút.
9.3 Cháo đậu cúc bí đỏ, thịt heo
Bạn có thể nấu cháo đậu cúc cùng bí đỏ và thịt heo theo công thức sau:
Nguyên liệu
- Gạo
- Đậu cúc
- Bí đỏ
- Thịt heo
Cách nấu cháo đậu trắng cho bé với bí đỏ, cà rốt, thịt heo
- Gạo vo sach, nấu nhừ thành cháo.
- Đậu cúc rửa sạch, ngâm nở, cho vào nồi luộc cho đến khi chín mềm.
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ, luộc chín rồi xay nhuyễn cùng đậu cúc.
- Thịt heo làm sạch rồi băm nhỏ.
- Khi cháo đã chín, cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào khuấy đều, tiếp tục nấu cho tới khi sôi lại là được.
9.4 Cháo đậu cúc, cà rốt và thịt bò
Với cà rốt và thịt bò, món cháo đậu cúc của bé sẽ ngọt đậm, bùi béo và còn nhiều dinh dưỡng.
Nguyên liệu
- Đậu cúc
- Cà rốt
- Thịt bò
- Dầu ô liu
Cách nấu cháo đậu gà cho bé với thịt bò
- Đậu cúc ngâm qua đêm, bóc vỏ, rửa lại rồi hầm nhừ thành cháo. Bạn có thể rây cháo để cháo được nhuyễn mịn hơn.
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và cắt nhỏ vừa ăn.
- Thịt bò rửa sạch, băm nhỏ, xào sơ cùng dầu ô liu.
- Cho thịt bò và cà rốt vào cháo đậu cúc nấu cho đến khi chín mềm.
10. Cách nấu cháo đậu thận cho bé thử thêm món mới
Đậu thận giúp bé bổ sung chất sắt, chất xơ, protein, kali… để phát triển hiệu quả và có đủ năng lượng cho hoạt động trong cả ngày dài.
10.1 Cháo đậu thận cá hồi
Bạn có thể nấu cháo đậu thận với cá hồi theo công thức sau:
Nguyên liệu
- 30g phi lê cá hồi
- 30g đậu thận
- Tỏi
- Gừng
- 20g hạt diêm mạch
- Dầu ô liu cho bé
Cách nấu cháo đậu thận cho bé với cá hồi
- Rửa sạch đậu thận, ngâm nở mềm rồi hầm đậu có cho thêm chút muối với lửa nhỏ. Sau đó, chắt phần nước hầm ra và rót nước mới vào nồi đậu để hầm thêm khoảng 1 giờ cho đậu chín mềm.
- Xay đậu thận với 3 muỗng nước hầm và rây hỗn hợp để đạt độ mịn phù hợp với bé.
- Vo sạch hạt diêm mạch và hầm tới khi chín mềm. Sau đó, cho hỗn hợp đậu thận vào khuấy đều.
- Cá hồi làm sạch, áp chảo với tỏi và gừng, nghiền nhỏ rồi cho vào nồi cháo khuấy đều.
10.2 Cháo đậu thận hầm sườn non
Nếu muốn dùng sườn non trong món cháo đậu thận của bé, bạn có thể chế biến theo cách sau:
Nguyên liệu
- 1/4 chén đậu thận
- 100g sườn non
- 1/4 chén gạo lứt
- Dầu ô liu cho bé
Cách nấu cháo đậu thận cho bé với sườn non
- Rửa sạch đậu thận, ngâm nước để đậu mềm.
- Vo sạch gạo lứt rồi ngâm nước 1 giờ.
- Sườn non làm sạch, chặt nhỏ và ninh sườn đến khi nhừ.
- Cho đậu thận vào hầm với sườn đến khi đậu mềm.
- Khi hầm đậu được khoảng 30 phút, cho gạo lứt vào hầm thêm khoảng 20 – 25 phút.
- Xé nhỏ sườn, múc cháo ra chén rồi thêm ít dầu ô liu cho bé thưởng thức.
10.3 Cháo đậu thận, cà rốt, thịt gà
Công thức nấu cháo đậu thận với cà rốt và thịt gà như sau:
Nguyên liệu
- Đậu thận
- Cà rốt
- Thịt gà
- Dầu ô liu
Cách nấu cháo đậu thận cho bé với thịt gà và cà rốt
- Đậu thận ngâm qua đêm, rửa lại rồi hầm nhừ thành cháo. Bạn có thể rây cháo để cháo được nhuyễn mịn hơn.
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và cắt nhỏ vừa ăn.
- Thịt gà làm sạch, băm nhỏ rồi xào sơ cùng dầu ô liu.
- Cho thịt gà và cà rốt vào cháo đậu thận để nấu cho đến khi chín rồi cho bé thưởng thức.
10.4 Cháo đậu thận, khoai lang, cà rốt, nấm hương
Nếu không muốn kết hợp các loại thịt cá, bạn cũng có thể hầm cháo đậu thận cùng các loại rau củ quả cũng hấp dẫn không kém.
Nguyên liệu
- 50g đậu thận
- 1l nước dừa
- 1 củ khoai tây
- 1 củ cà rốt
- 1 củ khoai lang tím
- 5 cái nấm hương
- 1 quả cà chua
- 1 củ hành khô
- 1 củ hành tây.
Cách nấu cháo đậu thận cho bé cùng các loại rau củ khác
- Chế biến đậu thận như đã hướng dẫn trong công thức trên.
- Nấm, cà rốt, khoai lang, khoai tây rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt nhỏ.
- Cà chua, khứa nhẹ, trụng nước sôi, lột bỏ vỏ, bằm nhuyễn.
- Hành tây lột vỏ, rửa sạch và bằm nhuyễn.
- Phi thơm hành khô rồi cho cà chua và hành tây vào xào.
- Cho đậu thận, cà rốt và nấm vào đảo đều.
- Cho nước dừa vào hầm lửa nhỏ cho đến khi đậu chín mềm.
- Cho khoai tây với khoai lang vào hầm tiếp cho tất cả các nguyên liệu chín mềm là được.
11. Cách nấu cháo đậu phộng cho bé đầy đủ dinh dưỡng
Đậu phộng có thể giúp bé cải thiện hệ tiêu hóa rất tốt và cũng là loại thực phẩm phổ biến, dễ tìm mua. Tuy nhiên, đây là thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng nên bạn cần cho bé ăn thử một lượng ít để quan sát dấu hiệu dị ứng thức ăn trước.
11.1 Cháo đậu phộng, gạo nếp, thịt gà
Chỉ cần những nguyên liệu đơn gian như đậu phộng, gạo nếp và thịt gà, bạn đã có thể chế biến được món cháo ăn dặm bổ dưỡng cho bé.
Nguyên liệu
- 50g đậu phộng
- 150g thịt gà
- 50g gạo nếp
- Dầu ô liu ăn dặm
Cách nấu cháo đậu phộng cho bé với thịt gà
- Đậu phộng rửa sạch, ngâm nở.
- Hầm gạo nếp, đậu phộng và thịt gà trong khoảng 20 phút với lửa nhỏ.
- Khi thịt gà chín, vớt ra để xé hoặc xay nhỏ sao cho phù hợp với khả năng ăn thô của bé.
- Khi cháo đậu phộng đã chín mềm, bạn múc ra thêm thịt gà và dầu ô liu ăn dặm là có thể cho bé thưởng thức.
11.2 Cháo đậu phộng, cà rốt và cá hồi
Việc kết hợp đậu phộng cùng cá hồi và cà rốt là món cháo vô cùng bắt miệng và hấp dẫn đấy.
Nguyên liệu
- 30g đậu phộng
- 30g phi lê cá hồi
- 20g gạo nếp
- 30g gạo tẻ
- 1/2 củ cà rốt
- Gừng.
Cách nấu cháo đậu phộng cho bé với cá hồi và cà rốt
- Cá hồi làm sạch rồi hấp với gừng khoảng 5 phút để cá chín. Sau đó, nghiền dằm nát cá hồi.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt hạt lựu.
- Gạo và đậu phộng rửa sạch rồi cho vào nồi hầm cho đến khi chín mềm.
- Cho cà rốt và cá hồi vào nồi cháo khuấy đều và chờ sôi lại là được.
Gợi ý
Tác dụng của các loại đậu đối với sức khỏe của bé
Với các cách nấu cháo đậu nhanh gọn với các nguyên liệu đơn giản, bé sẽ có được lợi ích từ các loại đậu như:
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ cao trong đậu thận và đậu xanh có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Nhờ đó, bé sẽ giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, khó tiêu…
- Tăng cường miễn dịch: Đậu thường cung cấp nhiều vitamin C, một loại vitamin rất quan trọng trong việc giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh và bảo vệ bé trước vi khuẩn và virus gây hại. Bên cạnh đó, vitamin C còn hỗ trợ kiểm soát các gốc tự do để bé phòng tránh bệnh tốt hơn.
- Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của bé: Lượng axit folic dồi dào trong các loại đậu hỗ trợ tế bào hồng cầu phát triển, giúp các cơ quan trong cơ thể tăng trưởng và hoạt động hiệu quả. Thêm vào đó, axit folic còn tốt cho sự phát triển của não bộ.
- Cải thiện quá trình trao đổi chất: Các chất chống oxy hóa như alkaloid, flavonoid và anthocyanin có nhiều trong đậu có thể tiêu diệt các gốc tự do sinh ra trong quá trình trao đổi chất. Nhờ đó có thể tránh trường hợp các gốc tự do này gây hại cho tế bào cũng như cải thiện hiệu suất quá trình trao đổi chất.
- Kiểm soát cân nặng: Các loại đậu thường rất giàu protein và chất xơ nên có thể giúp bé cảm thấy no lâu hơn và ít thèm ăn vặt. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng kiểm soát cân nặng của bé ở mức phù hợp với lứa tuổi.
Cháo đậu nấu kèm với rau gì mới phù hợp?
Ba mẹ có thể linh hoạt kết hợp đậu với các loại rau củ quả phù hợp với bé.
- Bắp non: Bắp non hay còn gọi là bắp bao tử chứa nhiều dưỡng chất và còn có vị ngọt tự nhiên rất phù hợp với các món cháo đậu ăn dặm của bé.
- Cà rốt: Cà rốt là thực phẩm phổ biến, dễ tìm mua và cũng dễ chế biến. Loại củ này giàu vitamin A tốt cho mắt và vitamin K giúp xương được chắc khỏe. Hơn nữa, cà rốt cũng có vị ngọt bắt miệng và màu sắc tươi sáng nên là lựa chọn tuyệt vời trong thực đơn ăn dặm.
- Bí đỏ: Bí đỏ chứa rất nhiều vitamin E và vitamin nhóm B rất tốt cho quá trình phát triển não bộ. Ngoài ra, vitamin C, kali và chất xơ trong bí đỏ cũng hỗ trợ hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
- Khoai tây: Với vị béo bùi hấp dẫn cùng lượng vitamin C dồi dào giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, khoai tây là loại rau củ rất thích hợp cho bé.
- Bông cải xanh: Bông cải xanh chứa nhiều loại vitamin và dưỡng chất quan trọng như vitamin A, nhóm B, K, C, protein, sắt…. Đây đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé.
- Hạt sen: Hạt sen là nguồn protein và khoáng chất dồi dào giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy và biếng ăn ở trẻ.
- Cà chua: Cà chua rất bổ máu và còn có hàm lượng lycopene cao giúp cho bé ngủ ngon hơn.
- Rau ngót: Rau ngót hay rau bồ ngót có hàm lượng vitamin A và vitamin C cao hơn nhiều lần so với các loại trái cây như cam, bưởi…
- Cải bó xôi: Cải bó xôi chứa nhiều carotenoid giúp mắt sáng khỏe hơn. Vậy nên, loại rau này không chỉ thích hợp cho bé ăn dặm mà cũng rất tốt cho người trưởng thành.
Các câu hỏi thường gặp về cách nấu cháo đậu cho bé
Việc có đôi chút bỡ ngỡ khi cho bé ăn dặm cùng cháo đậu lần đầu là không tránh khỏi nhưng bạn có thể tham khảo những thắc mắc thường thấy về cách nấu cháo đậu cho bé để có thêm kinh nghiệm.
1. Cháo đậu có cần nấu cùng thịt không?
Các loại thịt tươi chưa qua chế biến, không chất phụ gia thường rất thích hợp cho trẻ ăn dặm, đặc biệt là khi kết hợp vào các cách nấu cháo đậu cho bé. Bạn có thể cân nhắc cho bé ăn dặm với các loại thịt khi bé được 6 tháng tuổi hoặc có dấu hiệu sẵn sàng ăn thức ăn đặc vì các lợi ích như:
- Thúc đẩy phát triển trí não: Thịt là nguồn sắt dồi dào giúp bé phát triển trí não.
- Cung cấp protein: Protein sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện hơn.
- Bổ sung kẽm: Kẽm trong thịt giúp trẻ phát triển hiệu quả và tăng cường sức đề kháng.
Ngoài thịt, mẹ có thể thêm cá, tôm, cua… vào thực đơn ăn dặm cho bé nếu con không bị dị ứng với các thực phẩm này.
2. Cháo đậu nấu cùng thịt gì hợp?
Bạn có thể linh hoạt thay đổi các loại thịt sau để bé có chế độ ăn đầy đủ nhất.
- Thịt bò: Thịt bò cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho bé như protein, kẽm, magie, vitamin B2, B6… Loại thịt này cũng là nguồn cung khoáng chất sắt dồi dào giúp bé ngừa bệnh thiếu máu.
- Thịt heo: Thịt heo giàu protein giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não. Loại thịt này cũng chứa nhiều dưỡng chất cần thiết như axit amin, phốt pho…
- Thịt gà: Thịt gà không chỉ là nguồn cung cấp protein dồi dào mà còn giúp bé bổ sung canxi rất tốt. Ngoài ra, thịt gà còn cung cấp các vitamin và khoáng chất như vitamin B6, phốt pho, chất béo, selen… Đây là những dưỡng chất rất cần thiết cho hệ miễn dịch, trí não và hệ tiêu hóa của bé.
- Thịt chim bồ câu: Thịt bồ câu rất giàu protein, chất béo, sắt, canxi, vitamin A, E, B1, B2… giúp xương chắc khỏe và bổ sung dinh dưỡng cho bé rất tốt. Ngoài ra, đây còn là loại thịt không chứa cholesterol giúp hệ tim mạch của bé được khỏe mạnh.
- Thịt chim cút: Thịt chim cút chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé như protein, sắt, canxi… Ngoài ra, lượng phospholipid dồi dào trong loại thịt này cũng giúp tăng cường trí nhớ cho trẻ.
- Thịt vịt: Thịt vịt cung cấp cho bé nhiều protein, sắt, chất béo, vitamin A, vitamin D… rất tốt cho sức khỏe của bé.
3. Cháo đậu có kỵ với thực phẩm gì không?
Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như các món chiên rán, thịt đã qua chế biến hay thịt mỡ khi kết hợp với chất xơ trong đậu có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó dẫn đến khó tiêu và đầy hơi. Vậy nên, ba mẹ hãy cân nhắc tránh kết hợp những loại thực phẩm này với đậu trong bữa ăn của bé.
4. Lưu ý khi áp dụng các cách nấu cháo đậu cho bé ăn dặm?
Khi cho bé ăn dặm bằng các loại đậu, bạn hãy lưu ý:
- Chỉ cho bé ăn một lượng đậu vừa phải. Việc ăn quá nhiều đậu có thể dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi do lượng protein và chất xơ cao trong đậu.
- Ngâm đậu trước khi nấu và xay/ tán nhuyễn đậu trước khi cho bé ăn để bé dễ nuốt hơn.
- Khi cho bé ăn một loại đậu mới, chỉ nên cho ăn với lượng ít và quan sát cẩn thận xem con có triệu chứng dị ứng không.
- Nếu sử dụng đậu đóng hộp, chế biến sẵn, bạn hãy rửa đậu kỹ để loại bớt lượng muối trong sản phẩm.
Hello Bacsi hi vọng rằng với các cách nấu cháo đậu đã giới thiệu trong bài, bố mẹ đã có thêm những món cháo ngon để đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]