backup og meta

Vitamin B complex có tác dụng gì? Ai nên dùng?

Vitamin B complex có tác dụng gì? Ai nên dùng?

Vitamin B complex là loại thực phẩm bổ sung hiện đang được sử dụng khá phổ biến. Vậy vitamin B complex là gì và tác dụng thế nào?

Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về B complex vitamin, tác dụng và những ai nên sử dụng nhé!

Vitamin B complex là gì?

Vitamin B complex hay còn gọi vitamin B tổng hợp gồm 8 loại vitamin khác nhau. Tất cả các vitamin B đều đóng vai trò chuyển đổi thức ăn thành năng lượng trong cơ thể. Mỗi vitamin cũng có vai trò riêng đối với sức khỏe của một người. Một viên vitamin B complex có chứa các thành phần bao gồm:

  • Vitamin B1: Còn được gọi là thiamin, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của các cơ quan, bao gồm não và tim.
  • Vitamin B2: Còn được gọi là riboflavin, đóng vai trò phân hủy chất béo và thuốc.
  • Vitamin B3: Còn được gọi là niacin, giúp duy trì làn da khỏe mạnh, thần kinh và tiêu hóa. Bác sĩ đôi khi kê đơn liều cao niacin để cải thiện mức cholesterol trong cơ thể.
  • Vitamin B5: Còn được gọi là axit pantothenic, cần thiết cho sức khỏe của não và hệ thần kinh.
  • Vitamin B6: Còn được gọi là pyridoxin, giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mới, mang oxy đi khắp cơ thể và giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
  • Vitamin B7: Còn được gọi là biotin, cần thiết cho tóc, móng và chức năng thần kinh.
  • Vitamin B9: Còn được gọi là axit folic. Cơ thể sử dụng axit folic hoặc folate – dạng tự nhiên của axit folic để tạo ra DNA và vật liệu di truyền. Khi mang thai, axit folic có thể giúp làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh nhất định.
  • Vitamin B12: Còn được gọi là cobalamin. Các tế bào thần kinh và tế bào máu của cơ thể cần vitamin B12 để hoạt động. Mức vitamin B12 đầy đủ trong cơ thể có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu ác tính.

Hàm lượng vitamin B cần thiết

Một viên B complex vitamin thường chứa 8 vitamin nhóm B với hàm lượng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng khuyến cáo. Tuy nhiên, một số loại có chứa hàm lượng vitamin B rất cao, vì thế bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn trước khi sử dụng.

Dưới đây là bảng hàm lượng RDA của từng loại vitamin nhóm B theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ:

Vitamin-b-complex

Vitamin B complex có tác dụng gì?

Tác dụng của vitamin B tổng hợp có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như:

1. Vitamin B complex chữa đau nửa đầu

Nghiên cứu cho thấy rằng một số vitamin B có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, cụ thể là:

  • Vitamin B6
  • Vitamin B9
  • Vitamin B12

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cho biết vitamin B2 có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu bằng cách tác động đến sự rối loạn chức năng ty thể, xảy ra ở cấp độ tế bào. Nghiên cứu đánh giá từ năm 2017 cho biết vitamin B2 được dung nạp tốt và mang lại hiệu quả giúp giảm tần suất đau nửa đầu ở người lớn.

2. Vitamin B complex chữa trầm cảm và lo âu

Tác dụng của vitamin B complex là gì

Bổ sung Vitamin B complex mang lại nhiều lợi ích sức khỏe

Một nghiên cứu năm 2018 cho biết mức vitamin B12 trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển biểu hiện trầm cảm và lo lắng. Những người tham gia trong nghiên cứu bị trầm cảm hoặc lo lắng có mức vitamin B12 thấp hơn bình thường.

Phân tích tổng hợp cho thấy vitamin B complex có thể giúp giảm tình trạng trầm cảm trong một số trường hợp. Các nhà nghiên cứu cho biết việc sử dụng vitamin B tổng hợp thường xuyên trong vài tuần đến vài năm có thể làm giảm nguy cơ tái phát trầm cảm.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Ấn Độ cũng cho thấy sự thiếu hụt vitamin B9 và B12 là một trong những yếu tố gây ra trầm cảm và lo lắng.

3. Vitamin B complex chữa vết thương trên da

Vitamin B complex có thể giúp da mau lành vết thương hơn. Một nghiên cứu cho thấy, vitamin B tổng hợp thoa lên da có thể giúp vết thương nhanh chóng hồi phục. Một nghiên cứu khác cho thấy vitamin B12 có thể cải thiện khả năng chữa lành vết thương ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Vitamin B12 còn có thể mang lại hiệu quả trong việc điều trị loét miệng.

4. Vitamin B complex chữa hội chứng tiền kinh nguyệt

Một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung kết hợp vitamin B6 và canxi có thể giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), cả về thể chất và tâm lý.

Đối tượng nên sử dụng vitamin B complex

Phụ nữ mang thai có nên dùng thuốc b complex không

Một số nhóm người có thể sử dụng vitamin B-complex như:

1. Phụ nữ mang thai

Vitamin B9 (axit folic) đóng vai trò rất quan trọng trong thai kỳ, phụ nữ nên uống ít nhất 400 mcg axit folic mỗi ngày, tốt nhất bổ sung ngay từ thời điểm chuẩn bị mang thai. Vitamin này giúp làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống.

Phụ nữ mang thai cũng cần bổ sung thêm vitamin B12. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến sảy thai sớm, sinh nhẹ cân, huyết áp cao ở phụ nữ và các bất thường của thai nhi.

2. Người ăn chay

Những người theo chế độ ăn chay thuần sẽ không ăn các loại thịt như thịt bò, thịt gia cầm, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa. Chế độ ăn chay này có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 vì vitamin có nhiều trong các loại thực phẩm từ động vật, trứng và sữa. Vì thế, bạn có thể bổ sung những vitamin này thông qua thực phẩm bổ sung vitamin B complex dưới sự cho phép của bác sĩ.

3. Người đã phẫu thuật dạ dày

Người đã trải qua phẫu thuật dạ dày cần được bổ sung vitamin đầy đủ. Nghiên cứu cho thấy loại phẫu thuật này làm tăng nhu cầu bổ sung vitamin B12 của cơ thể. Do đó, người bệnh nên bổ sung vitamin B complex và các chất dinh dưỡng khác sau phẫu thuật này dưới sự chỉ định của bác sĩ.

4. Người lớn tuổi trên 65

Người có độ tuổi 65 trở lên nên sử dụng thêm vitamin B complex. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi dễ gặp phải trường hợp thiếu vitamin B12. Mức vitamin B12 trong cơ thể cao có thể giúp làm chậm sự lão hóa của não. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin B6 có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.

5. Người có vấn đề sức khỏe khác

Một người có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào sau đây có thể cần sử dụng vitamin B complex bổ sung như:

  • HIV
  • AIDS
  • Ung thư
  • Bệnh tim
  • Trầm cảm
  • Bệnh thận
  • Nghiện rượu
  • Bệnh Alzheimer
  • Tình trạng kém hấp thu như bệnh celiac hoặc bệnh Crohn
  • Bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường tuýp 1

Bạn không nên tự ý mua vitamin B complex khi gặp phải các vấn đề sức khỏe mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn sử dụng liều lượng đúng cách.

Tác dụng phụ của vitamin B complex

Tác dụng phụ của vitamin B complex

Vitamin B có thể hòa tan trong nước, do đó cơ thể sẽ bài tiết vitamin B qua nước tiểu. Một liều tiêu chuẩn của vitamin B complex thường sẽ không gây ra tác dụng phụ, tuy nhiên nếu sử dụng liều cao có thể gây ra các vấn đề như:

  • Tăng đường huyết: Axit nicotinic liều cao – dạng tổng hợp của vitamin B3, có thể làm tăng lượng đường trong máu, gây ảnh hưởng đến thuốc trị tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao không nên dùng axit nicotinic liều cao (trên 1000 mg).
  • Dư thừa axit nicotinic: Sự dư thừa axit nicotinic trong cơ thể cũng có thể gây ra tình trạng huyết áp thấp, mệt mỏi, đau đầu, phát ban và tổn thương gan.
  • Dư thừa nicotinamide: Liều cao nicotinamide – dạng vitamin B3 khác, có thể gây tiêu chảy và tăng nguy cơ chảy máu. Điều này có thể xảy ra khi bạn sử dụng liều nicotinamide 500 mg mỗi ngày. Liều cao 3000 mg có thể gây nôn và tổn thương gan.

Việc uống bổ sung vitamin B complex liều cao cũng có thể làm nước tiểu có màu vàng sáng. Điều này chỉ xảy ra tạm thời và vô hại. Khi thận loại bỏ các vitamin dư thừa, màu sắc nước tiểu sẽ trở lại bình thường.

Trong hầu hết các trường hợp, vitamin B complex không gây tương tác có hại đến các loại thuốc khác. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm giảm mức vitamin B trong cơ thể bao gồm:

  • Thuốc huyết áp và thuốc hóa trị có thể làm giảm mức vitamin B1.
  • Thuốc chống động kinh có thể làm giảm mức vitamin B3, B6 và B9.
  • Thuốc điều trị bệnh lao có thể làm giảm nồng độ vitamin B3 và B6.
  • Thuốc ung thư, thuốc điều trị viêm loét đại tràng có thể làm giảm mức vitamin B9.
  • Thuốc kháng sinh, thuốc điều trị loét, thuốc tiểu đường hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể làm giảm mức vitamin B12.

Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cách tốt nhất là bạn nên thăm hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn rõ ràng về các tác dụng phụ và cách phòng ngừa hợp lý. 

Một số nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B mà bạn có thể dùng bao gồm:

  • Thịt bò, thịt heo, cá.
  • Bơ, quả hạch, cây họ đậu, rau lá xanh, nấm.
  • Sữa, phô mai, sữa chua, bánh mì và ngũ cốc.

Bạn có thể bổ sung vitamin B bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc sử dụng vitamin B complex khi cần. Bạn nên mua ở những nhà thuốc có uy tín và dùng theo đúng liều lượng bác sĩ đưa ra nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

All You Need to Know About Vitamin B-complex https://www.kidneyurology.org/vitamin-b-complex/ Ngày truy cập: 17/10/2022

Vitamin B complex 100 side effects https://www.drugs.com/sfx/vitamin-b-complex-100-side-effects.html Ngày truy cập: 17/10/2022

B Vitamins and the Brain: Mechanisms, Dose and Efficacy – A Review https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4772032/ Ngày truy cập: 17/10/2022

Vitamin B Complex Combinations https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/medications/vitamin-complex-combinations-01 Ngày truy cập: 17/10/2022

Vitamins B complex https://www.versusarthritis.org/about-arthritis/complementary-and-alternative-treatments/types-of-complementary-treatments/vitamins-b-complex/ Ngày truy cập: 17/10/2022

Vitamin B complex https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=19&contentid=BComplex Ngày truy cập 27/3/2023

Vitamin B https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/vitamin-b Ngày truy cập 27/3/2023

Vitamin B https://www.nhs.uk/conditions/vitamins-and-minerals/vitamin-b/ Ngày truy cập 27/3/2023

Phiên bản hiện tại

20/11/2024

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Tác dụng của vitamin B12: Muốn nhanh có thai phải bổ sung ngay!

10 triệu chứng thiếu vitamin B12 dễ gây nhầm lẫn


Tham vấn y khoa:

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy

Dược · Hệ thống nhà thuốc Pharmacity


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo