backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Duy trì cân nặng đúng chuẩn cho con

Tác giả: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình · Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


Ngày cập nhật: 12/08/2020

    Duy trì cân nặng đúng chuẩn cho con

    Nếu con bị tăng cân gần đây, phải chăng bạn sẽ thắc mắc cần làm gì để bé có thể lấy lại được cân nặng bình thường và khỏe mạnh như ban đầu. Theo các chuyên gia, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt cùng các kế hoạch tập thể dục không hẳn là thích hợp cho bé. Nếu bị tách riêng ra để tuân theo một chương trình giảm cân cho trẻ béo phì, hẳn bé sẽ không thích một chút nào mà thậm chí còn mặc cảm nữa đấy. Thay vào đó bạn có thể giúp con duy trì cân nặng đúng chuẩn bằng cách hướng đến những thói quen lành mạnh trong những lựa chọn hàng ngày.

    Thói quen 1: Cả gia đình cùng ăn tối với nhau

    Sức khỏe của mọi thành viên trong gia đình sẽ được cải thiện hơn nếu tất cả mọi người có thể cùng ăn tối với nhau càng nhiều càng tốt. Bạn có thể sẽ cảm thấy thắc mắc tại sao cách này lại có thể giúp con giảm cân? Nghiên cứu đã chứng minh rằng những bữa cơm gia đình có gắn kết với chế độ ăn lành mạnh sẽ giảm tỉ lệ béo phì. Những bữa ăn gia đình không chỉ rất tốt cho sức khỏe của trẻ mà còn gắn kết tình cảm giữa mọi người với nhau.

    Nếu cho con ăn một mình, đặc biệt ngồi trước tivi, bé sẽ không chú ý đến mức độ đói và sẽ vô tình ăn quá nhiều đấy mẹ ạ. Và điều cuối cùng, khi nấu cơm ở nhà,mẹ có thể kiểm soát được các món ăn và mọi người sẽ có chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn.

    Thói quen 2: Đừng cho bé quyền lựa chọn thức ăn

    Thật không tốt cho gia đình chút nào nếu bạn để cho vị giác hạn chế của bé chọn thức ăn cho cả nhà. Nếu bạn thật sự làm như vậy, cả gia đình có lẽ chỉ ăn gà rán, khoai tây chiên mọi buổi tối mất thôi! Trẻ con đa số không thích rau củ, thế nên khi nấu các bữa ăn có nhiều rau củ, trái cây, thịt nạc, con chắc chắn sẽ không muốn ăn cho mà xem nhưng bạn buộc phải cho bé ăn nhé. Các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ em tiếp xúc với một loại thực phẩm nào đó càng nhiều thì bé sẽ càng thích món ăn đó hơn.

    Khi nấu một món tốt cho sức khỏe mà con không thích, mẹ có thể thêm vào một số loại mà bé thích như trái cây để ăn kèm. Như vậy sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều. Các chuyên gia khuyên rằng nếu bé vẫn phản đối, bạn cần cứng rắn bảo rằng, con không được lựa chọn . Bạn cũng không nên nhượng bộ để cho con ăn những gì mình muốn. Nếu bạn xử trí đúng lúc, bé sẽ chấp nhận những giới hạn mẹ đã lập ra và sẽ bắt đầu thử những món ăn tốt cho sức khỏe. Bạn hãy cho con vào bếp cùng mình, vì như vậy có thể khuyến khích bé thử những loại trái cây hoặc rau củ mới đã được chuẩn bị.

    Thói quen 3: Giảm thời gian coi tivi của bé

    Bởi vì nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa xem tivi và bệnh béo phì, vậy nên các chuyên gia khuyên bố mẹ nên giảm thời lượng xem tivi của con mình. Bạn chỉ nên cho bé xem khoảng 2 tiếng một ngày đối với trẻ 2 tuổi trở lên; bé dưới 2 tuổi tốt nhất là không nên xem gì cả.

    Cách tốt nhất để hạn chế thời gian xem tivi của bé đó chính là bạn cũng phải giảm thời lượng của bản thân mình, trở thành một tấm gương tốt cho con thì thói quen này mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên, bạn e rằng thói quen này sẽ khiến mình mất kiên nhẫn? Nếu bạn cứ  mỗi 15 phút một lần cau có và tắt tivi đi thì hiển nhiên sẽ xảy ra tranh cãi giữa 2 mẹ con đấy. Con sẽ chuyển qua sử dụng cái khác như máy vi tính, trò chơi điện tử hoặc thậm chí là tivi ở phòng khác.

    Để giữ bản thân được thoải mái và đạt được mục tiêu giúp cho gia đình khỏe mạnh, đừng quá chú trọng việc con bạn không thể làm gì, mà hãy chú trọng đến những việc bé có thể làm. Bạn hãy lập ra danh sách những hoạt động mà dù mưa hay nắng bé đều có thể tham gia sau giờ học như nhảy theo bài hát yêu thích, chơi ở sân sau, đạp xe vòng vòng trong khu phố hoặc giúp bạn chuẩn bị cơm tối. Sau đó, cho bé tự lựa chọn một trong những hoạt động này để thực hiện.

    Thói quen 4: Mua một máy đếm bước chân hoặc máy theo dõi hoạt động cho mọi người trong gia đình.

    Có lẽ chỉ một mình thuyết phục bé tập thể dục là chưa đủ, vậy thì bạn hãy truyền cảm hứng cho cả nhà cùng nhau vận động. Hãy trang bị cho mỗi thành viên trong gia đình một máy đếm bước chân hoặc máy theo dõi hoặt động có thể khuyến khích những thói quen lành mạnh. Một khi bé bắt đầu theo dõi xem mình đi được bao nhiêu bước thì tự nhiên bé sẽ muốn đi nhiều hơn. Vào cuối ngày, mọi người có thể cùng so sánh con số ghi lại được với nhau. Điều này sẽ trở thành một cuộc thi thú vị giúp sức khỏe mọi người tốt hơn.

    Các nghiên cứu đã chứng minh những thiết bị này có hiệu quả với trẻ em 6 tuổi và cũng có rất nhiều ứng dụng điện thoại như vậy dành cho trẻ em. Có một số ứng dụng còn biến những hình thức theo dõi này thành trò chơi và đặc biệt rất thu hút trẻ em. Vậy con bạn tốt nhất nên đi bao nhiêu bước 1 ngày? Trong khi người lớn nhắm mục tiêu 10.000 bước một ngày thì các nhà nghiên cứu lại cho rằng bé nên đi nhiều hơn.

    Một nghiên cứu đã cho thấy đối với trẻ em ở độ tuổi 6 đến 12 tuổi, tốt nhất là 12.000 bước một ngày đối với bé gái và 15.000 bước một ngày đối với bé trai. Bạn có lẽ sẽ thấy quá nhiều nhưng thực chất trẻ em lại năng động hơn người lớn đấy. Tất nhiên sải chân của bé ngắn hơn của bố mẹ nhiều nên con không đi xa được như bạn. Bố mẹ hãy bắt đầu từ từ bằng cách thêm 2.000 bước vào máy bước đi trung bình hàng ngày. Ngay cả mức tăng nhỏ vậy thôi cũng sẽ cải thiện được sức khỏe của cả gia đình bạn.

    Thói quen 5: Đừng quản lý từng chút một về chế độ ăn của bé

    Là cha mẹ, chắc hẳn bạn sẽ  không muốn theo dõi từng miếng ăn mà con ăn. Bạn cũng không muốn lúc nào cũng phải cấm con không được thò  tay vào hộp bánh. Từng hành động quản lý nhỏ như vậy khiến ai cũng đều mệt mỏi mà thay vào đó, con đường dễ nhất cho sức khỏe cả nhà bạn đó chính là:

    • Bạn có thể thay những hộp bánh bằng những đĩa trái cây vì trái cây sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bé lẫn trẻ vị thành niên. Là người đi chợ nên bạn có quyền kiểm soát thực phẩm trong nhà;
    • Khi đến siêu thị, bạn đổi những gói khoai tây chiên và bánh quy bằng những lựa chọn khác lành mạnh hơn như ngũ cốc nguyên hạt hoặc những món ăn ít béo và ít đường nhé;
    • Đừng mua các loại thức uống có đường như soda và nước trái cây. Bạn cũng cần hạn chế 100% các loại nước trái cây đóng hộp nhé. Bạn có thể mua những loại thức ăn tốt cho bé mà không cần phải lo lắng thức ăn con ăn có tốt cho sức khỏe không?

    Thói quen 6: Chọn những phương pháp lành mạnh để kiểm soát căng thẳng

    Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có bố mẹ  bị căng thẳng thường sẽ dễ bị béo phì. Nguyên nhân khiến bố mẹ căng thẳng có thể là do những vấn đề của gia đình như tiền bạc hoặc tranh cãi giữa vợ chồng. Bạn có thể thử những biện pháp giảm căng thẳng sau đây:

    • Trò chuyện với bạn bè, cố vấn, chuyên viên tâm lý;
    • Tập thể dục để “xả” bớt căng thẳng;
    • Nói với con về tình trạng của bạn theo cách dễ hiểu;
    • Tìm kiếm những hỗ trợ giúp bạn giảm căng thẳng từ gia đình như nói chuyện với bác sĩ tâm lý.

    Giải quyết căng thẳng theo cách lành mạnh cũng đã làm gương tốt cho con bạn noi theo đấy

    Thói quen 7: Giấc ngủ luôn quan trọng với bé

    Nghiên cứu đã cho thấy bị thiếu ngủ cũng có liên quan đến tăng cân. Khi bé ngủ không đủ giấc, sư thay đổi ở trong hóc môn và quá trình trao đổi chất dường như sẽ làm tăng nguy cơ bị béo phì. Muốn để con trưởng thành khỏe mạnh, bạn hãy áp dụng thói quen đi ngủ đúng giờ cho bé. Cách tốt nhất để giúp bé đi ngủ dễ dàng hơn đó là loại bỏ những thứ khiến bé phân tâm ở trong phòng ngủ, chẳng hạn như tivi, điện thoại di động và máy vi tính. Bạn cũng hãy áp dụng thời gian biểu này lâu dài ngay cả những ngày cuối tuần để có thể ngăn ngừa những biến động trong tâm trạng của bé khi được vui chơi thỏa thích rồi lại phải quay lại một tuần mới học tập.

    Đối với thanh thiếu niên, bạn hãy yêu cầu trẻ đi ngủ đúng giờ có thể còn khó khăn hơn. Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, đồng hồ sinh học của bé được thiết lập lại và sẽ tự động thức khuya hơn. Nhưng vì các trường trung học thường bắt đầu rất sớm nên rất nhiều thanh thiếu niên bị mệt mỏi kinh niên và kết quả là nguy cơ bị bệnh béo phì cao.

    Với vai trò là cha là mẹ, tốt nhất bạn nên làm gì đó để khuyến khích con mình có những thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ. Bạn hãy cho bé thấy nếu đi ngủ sớm sẽ tốt hơn như thế nào và khả năng tập trung ở trường sẽ dễ dàng hơn ra sao. Nếu ngủ đủ giấc cũng có thể giảm nguy cơ bị béo phì ở người lớn vậy nên hãy thiết lập chế độ ngủ phù hợp để giữ sức khỏe cho gia đình bạn.

    Thói quen 8: Đưa ra lựa chọn phù hợp với sức khỏe của cả gia đình

    Bạn có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ như chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia về giảm cân để áp dụng. Ngoài ra, bạn cũng cần có những thay đổi thích hợp cho chế độ ăn của cả gia đình và các hoạt động thể dục hằng ngày. Nếu sau một vài tháng mà bạn thấy những thay đổi này không có tác dụng tốt và con bạn có khi bị tăng cân, hãy cùng bác sĩ kiểm tra và điều chỉnh lại sao cho hợp lý nhất. Cách tốt nhất để giúp cả gia đình có những thói quen tốt cho sức khỏe là bố mẹ phải thực hiện theo kế hoạch một cách chặt chẽ. Hãy đưa ra những lựa chọn phù hợp về thức ăn trong nhà, hoạt động thể dục hằng ngày và cả giờ giấc đi ngủ.

    Nếu bạn áp dụng thật chặt chẽ, các con bạn sẽ thực hiện đúng quy định trong thời gian dài. Nếu bé thấy bạn do dự, con có khi sẽ từ chối và không áp dụng các thói quen trên. Hãy kiên trì để bé có những thói quen tốt cho sức khỏe không chỉ ngay bây giờ mà cho cuộc sống sau này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


    Ngày cập nhật: 12/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo