Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sẽ ngày càng trầm trọng theo thời gian. Ở giai đoạn đầu, số lượng chất sắt trong cơ thể giảm xuống làm trẻ bị thiếu sắt. Khi đó, chức năng cơ bắp và não bộ trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Các tế bào hồng cầu không thay đổi nhiều vào thời điểm này vì cơ thể sử dụng hầu hết chất sắt đang có để tạo ra hemoglobin.
Tuy nhiên, theo thời gian, khi sắt được sử dụng hết, cơ thể tạo ra rất ít tế bào hồng cầu và gây nên bệnh thiếu máu. Vào thời điểm đó, các triệu chứng thiếu máu thiếu sắt có thể bao gồm:
- Mệt mỏi và yếu ớt
- Da nhợt nhạt, đặc biệt là xung quanh bàn tay, móng tay và mí mắt
- Nhịp tim tăng nhanh hoặc nghe âm thổi từ tim
- Cáu gắt
- Chán ăn
- Chóng mặt hoặc choáng nhẹ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, một đứa trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt có thể phát triển bệnh pica, loại bệnh khiến trẻ thèm ăn những thứ không phải thức ăn như các mảnh vụn sơn, phấn hoặc bụi bẩn.
Làm thế nào để bác sĩ chẩn đoán bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ?
Thiếu máu do thiếu sắt thường là căn bệnh đầu tiên mà bác sĩ sẽ tìm khi trẻ được làm xét nghiệm. Trẻ cần được xét nghiệm máu để xem có mắc bệnh thiếu máu hay không trong những năm đầu đời. Các bác sĩ đôi khi sẽ chỉ định kiểm tra ngay từ sớm cho một số trẻ nhất định, chẳng hạn như trẻ sinh non thường có lượng chất sắt trong cơ thể thấp hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Bác sĩ cũng có thể phải xem xét khả năng thiếu sắt ở những trẻ lớn hơn, thường các trẻ này có vẻ mệt mỏi và trông yếu ớt. Các bác sĩ có thể sẽ hỏi chế độ ăn uống và tình trạng tăng trưởng của trẻ hoặc chỉ định làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hemoglobin hoặc chất sắt trong máu để biết chắc chắn trẻ có bị thiếu máu hay không. Các bác sĩ cũng có thể làm kiểm tra phân vì thiếu máu thiếu sắt ở trẻ đôi khi có thể do mất máu qua đường ruột với một lượng nhỏ nhưng trong thời gian dài.
Bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ cần được điều trị như thế nào?
Thông thường, trẻ em bị thiếu sắt cần uống thuốc sắt hàng ngày để lượng sắt được bù đắp trở lại. Dùng thuốc bổ tổng hợp có chứa sắt và đưa nhiều thực phẩn chứa sắt vào chế độ ăn uống của trẻ có thể giúp quá trình điều trị tốt hơn, nhưng thường thì chỉ bấy nhiêu không đủ. Hãy hỏi bác sĩ trước khi bạn cho con uống thuốc sắt, vì quá nhiều chất sắt có thể gây ra ngộ độc.
Bé chỉ nên uống sắt khi đói hoặc chỉ mới ăn một ít. Tránh cho trẻ uống thuốc sắt chung với sữa hoặc loại thức uống có chứa caffeine vì cả hai loại này cản trở rất mạnh sự hấp thụ sắt. Các loại thức uống như nước cam và các loại thực phẩm có nhiều vitamin C có thể giúp cho sắt được hấp thu tốt hơn.
Trong vòng một hoặc hai ngày đầu tiên uống thuốc sắt, trẻ sẽ cảm thấy khỏe hơn và bắt đầu thấy thèm ăn. Trong những tháng tới, khi cơ thể đã sản sinh nhiều tế bào hồng cầu hơn, nồng độ hemoglobin sẽ gia tăng trở lại. Thông thường, trẻ cần phải uống thuốc sắt từ 3 đến 6 tháng mới có thể bù đắp sự thiếu hụt, nhưng đôi khi với một số trẻ đặc biệt, cần phải được điều trị trong thời gian dài hơn.
Nếu việc điều trị không có tác dụng, nguyên nhân thường là do cơ thể của trẻ không hấp thụ được chất sắt hoặc trẻ uống thuốc không đúng liều. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ cho trẻ làm xét nghiệm máu để thấy mức độ sắt trong cơ thể. Những trẻ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt rất nặng cần phải được chuyển sang cho các bác sĩ chuyên về huyết học điều trị.
Bạn nên phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ như thế nào?
Phòng ngừa thiếu sắt ngay từ đầu có thể giúp trẻ tránh được kết quả học tập yếu kém và các vấn đề về hành vi. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn.
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chỉ nên uống sữa mẹ hoặc sữa công thức có tăng cường chất sắt. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên bắt đầu tập ăn các loại thực phẩm tăng cường chất sắt ở dạng đặc từ 6 tháng tuổi.
Trẻ em dưới 2 tuổi không nên uống sữa bò quá 700 ml/ngày. Ăn các thực phẩm tăng cường chất sắt như ngũ cốc mới là cách tuyệt vời để giúp trẻ em để có được nhiều sắt hơn.
Các loại thực phẩm có nhiều chất sắt bao gồm: các loại thịt đỏ, thịt gia cầm sẫm màu, cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, rau lá xanh, các loại đậu, mật đường, trái cây, nho khô và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời bạn nên cho trẻ ăn các loại thức ăn hoặc thức uống giàu vitamin C (cà chua, bông cải xanh, nước cam, dâu tây…) sẽ giúp cải thiện khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể rất tốt.
Việc đưa con đi thăm khám bác sĩ thường xuyên cũng vô cùng cần thiết để con bạn được chẩn đoán bệnh và được điều trị trong thời gian sớm nhất.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!