backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Đậu đen và những bài thuốc quý cho sức khỏe

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 04/03/2024

Đậu đen và những bài thuốc quý cho sức khỏe

Đậu đen là một loại cây lương thực được trồng lâu đời và rất phổ biến trên đất nước ta. Vào ngày hè nóng nực, hay trẻ con mọc rôm sảy, các bà các mẹ thường nấu chè đậu đen với quan niệm ăn cho mát. Vậy, quan niệm đó đúng hay sai?

Theo Y học cổ truyền, đậu đen có vị ngọt, tính hơi hàn. Cả trong Đông y và dân gian đều rất hay dùng đậu đen để giải nhiệt. Vậy, ngoài làm mát cơ thể, uống nước đậu đen có tác dụng gì đối với sức khỏe và liệu có kiêng kị gì khi dùng đậu đen không?

Tên thường gọi: Đậu đen, đỗ đen

Tên khoa học: Vigna unguiculata L.

Họ: Đậu (Fabaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây đậu đen

Đậu đen, hay còn gọi là đỗ đen, được trồng rất nhiều ở miền Bắc nước ta. Hạt này là một trong những loại ngũ cốc quen thuộc, chứa nhiều acid amin, vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Đậu đen có 2 loại là trắng lòng và xanh lòng. Nếu bạn tìm được đậu đen xanh lòng sẽ cho hiệu quả trị bệnh tốt hơn.

Đặc điểm của cây đậu đen như sau:

  • Cây thân thảo, mọc hàng năm, thân chia nhiều nhánh nhỏ
  • Lá kép với 3 lá chét so le, màu xanh; lá ở giữa thường to hơn hai lá chét còn lại
  • Hoa màu tím nhạt
  • Quả dài và tròn, do 2 mảnh vỏ ghép lại. Quả non màu xanh, quả già màu vàng hoặc nâu đen
  • Mỗi quả chứa 7-10 hạt.

Đậu đen được trồng bằng cách gieo hạt.

Bộ phận dùng của đậu đen

Người ta hái quả già về, phơi khô để vỏ tách ra và lấy hạt. Hạt này có màu đen, được bảo quản để dùng dần.

Thành phần hóa học trong đậu đen

Đậu đen có nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm:

  • Chất đạm
  • Chất xơ
  • Chất đường
  • Chất béo
  • Các khoáng chất: Canxi, sắt, magie, kẽm, kali, photpho, natri, selen
  • Các vitamin: A, C, K, B1, B6, B9
  • Kaempferol
  • Saponin
  • Anthocyanin
  • Quercetin.
  • Cụ thể hàm lượng các thành phần được tính toán bao gồm: 

    Hạt chứa 24,2% protid, 1,7% lipid, 53,3% glucid, 2,8% tro, calcium 56mg%, phosphor 354mg%, sắt 6,1mg%, caroten 0,06mg%, vitamin B1 0,51mg%, vitamin B2 0,21mg%, vitamin PP 3mg%. Hàm lượng các acid amin cần thiết trong đậu đen rất cao, tính theo g%: lysin 0,97%, metionin 0,31%, tryptophan 0,31, phenylalanin 1,1%, alanin 1,09, valin 0,97, leucin 1,26, isoleucin 1,11, arginin 1,72; histidin 0,75. Hạt cũng chứa stigmasterol nên có thể dùng thay được đậu tương.

    Tác dụng, công dụng

    Đậu đen có tác dụng gì theo dân gian?

    uống nước đậu đen có tác dụng gì?

    Theo Y học cổ truyền, hạt đậu đen là vị thuốc quy vào 3 kinh tâm, tỳ, thận được phối hợp trong nhiều bài thuốc nhờ những công dụng sau đây:

    • Thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể
    • Trị phong nhiệt với triệu chứng sốt, sợ gió
    • Chữa đau đầu, mất ngủ
    • Bổ khí, bổ thận
    • Trị suy thận, gan thận hư
    • Chữa thiếu máu, suy nhược cơ thể
    • Trị tóc bạc sớm, giảm rụng tóc
    • Làm đẹp da
    • Hỗ trợ bài tiết, tiêu hóa, chống táo bón, chữa trĩ ra máu
    • Hỗ trợ phòng ngừa ung thư, bệnh tiểu đường, tim mạch, giảm huyết áp
    • Chữa đau xương khớp, tăng cường sức khỏe xương khớp
    • Hỗ trợ giảm cân
    • Giải rượu.

    Tác dụng của đậu đen theo Y học hiện đại

    • Vỏ hạt đỗ đen chứa tới 8 loại flavonoid khác nhau, trong đó có 3 anthocyanin, đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ của một số bệnh ung thư nhất định.
    • Có một số nghiên cứu nhận thấy việc ăn đậu đen chung với cơm giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết tốt hơn, thậm chí còn cải thiện được độ nhạy của insulin.
    • Giúp duy trì cân nặng và tốt cho sức khỏe tim mạch nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào
    • Một nghiên cứu cho thấy đậu đen giúp cải thiện hàng rào chức năng ở biểu mô ruột, cân bằng hệ vi sinh đường ruột trên chuột
    • Đậu đen giàu phytogen là những chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể
    • Hàm lượng protein trong đỗ đen và các loại đậu khác cung cấp chất đạm cho người ăn chay.
    • Tác dụng lợi tiểu: Kinh nghiệm cho thấy ăn chè đậu đen làm tăng lượng nước tiểu. Nước tiểu trong và nhạt màu hơn.
    • Tác dụng trên cơ trơn tử cung chuột lang cô lập: Dịch chiết đậu đen có tác dụng tăng co bóp tử cung. Tác dụng của đậu đen kém hơn tác dụng của nước sắc bài thuốc điều kinh gồm có đậu đen 10g, ích mẫu 40g, hương phụ chế 15g, nghệ vàng 2g, ngải cứu 2g và bạch đồng nữ 16g. Nước sắc bài thuốc tỉ lệ 1/1000 – 1/500 có tác dụng co tử cung tương đương 0,025 UI oxytocin.

    Liều dùng

    Liều dùng thông thường của đậu đen là bao nhiêu?

    liều dùng đậu đen

    Thay đổi tùy theo từng bài thuốc.

    Một số bài thuốc có đậu đen

    Uống nước đậu đen có tác dụng gì khi dùng đơn lẻ và cách sử dụng bài thuốc?

    Theo một số tài liệu, có nhiều cách nấu nước đậu đen mang lại các tác dụng như sau:

    • Hỗ trợ các trường hợp viêm gan mạn tính: Lấy 100g hạt đậu đen đem rửa sạch, nấu với lượng nước vừa đủ. Nước đậu đen này đem uống thay nước hằng ngày.
    • Giải rượu: Lấy một lượng đậu đen đem rửa sạch, nấu với nước uống càng nhiều càng tốt.
    • Trị mụn nhọt, mẩn ngứa: Lấy 50-100g đậu đen rang trên lửa nhỏ, sau đó nấu cùng nước. Bạn nên uống nước đậu đen rang hàng ngày cho đến khi hết triệu chứng.
    • Trị say nắng: Đem nấu nước 20g đậu đen nảy mầm để uống.
    • Chữa đau bụng dữ dội: Bạn nấu nước đậu đen rang hơi cháy với lượng 50g rồi chế thêm rượu vào rồi uống.
    • Trị đau đầu, ù tai, chóng mặt, suy giảm trí nhớ: Lấy đỗ đen đem rang cho chín rồi bỏ vào trong một chiếc túi vải để gối đầu.

    Uống nước đậu đen có tác dụng gì khi kết hợp với các vị thuốc khác?

    Trong các bài thuốc của Y học cổ truyền, đậu đen còn được kết hợp với một số dược liệu khác.

    • Trị hoa mắt, chóng mặt, mắt mờ ở người cao tuổi: Lấy đậu đen và mè đen mỗi loại 100g đem sao khô, tán thành bột và trộn đều. Mỗi lần lấy 8g (hoặc 2 thìa cà phê bột) hòa chung với nước để uống thay nước hàng ngày.
    • Trị suy nhược cơ thể gây đổ mồ hôi nhiều: 
      • Bài thuốc 1: Lấy 30g đậu đen, 30g tiểu mạch, 15g đại táo sắc cùng nước
      • Bài thuốc 2: Lấy 60g đậu đen, 30g hoàng kỳ sắc cùng nước.
  • Đi tiểu ra máu: Lấy 30g đậu đen, 30g đậu xanh và 30g rễ cỏ tranh sắc lấy nước, uống khi còn nóng.
  • Trị rối loạn tiền đình: Lấy 30g đậu đen, 45g ngải cứu sắc lấy nước, luộc thêm 1 quả trứng gà và ăn cùng nhau.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Lấy đậu đen và thiên hoa phấn với một lượng bằng nhau, từ 12-16g đem sắc nước uống, ngày 1 lần.
  • Trị chứng đau răng do nhiệt miệng: Đậu đen rang 40g, đinh lăng 16g, tía tô 16g, chi tử 12g, hoàng cầm 10g, ngân hoa 10g, chỉ xác 8g đem sắc cùng 600ml nước. Nước sắc thu được chia làm 3-4 lần uống trong ngày.
  • Trị đi ngoài ra máu: 
    • Bài thuốc 1: Nấu 200g đậu đen với nước cho chín thật kỹ, ăn trong ngày
    • Bài thuốc 2: Lấy 30g đậu đen rang, 20g cỏ mực, 16g trắc bách diệp, 16g thục địa, 12g hoa hòe sao, 10g chi tử đem sắc uống, mỗi ngày 1 lần.
    • Đau mắt đỏ do phong nhiệt: 20g đậu đen rang thơm, 20g lá diếp cá, 20g tang diệp, 20g xa tiền thảo, 16g xương bồ, 10g cúc hoa đem sắc uống, mỗi ngày 1 lần.
    • Da dẻ khô, tóc bạc sớm: 30g đậu đen rang thơm, 20g cỏ mực, 20g thiên môn, 20g thục địa, 16g hà thủ ô, 16g đương quy, 16g táo nhân sao đen, 16g tang diệp, 10g đỗ trọng, 10g cam thảo, 6 quả táo tàu đem sắc uống, mỗi ngày 1 lần.

    Một số món ăn có tác dụng bồi bổ và trị bệnh từ đỗ đen

    món ăn từ đậu đen

    • Ích khí điều trung, bổ hư tráng dương: Đỗ đen 30g, ba ba 500g đem hầm nhừ trên lửa nhỏ để ăn.
    • Bồi bổ cho người suy nhược cơ thể: Đỗ đen bỏ vỏ 500g, thịt heo 100g, mỡ heo 50g, bột ướt 15g, nước lọc 750g đem hầm rồi nêm gia vị vừa ăn.
    • Bồi bổ tim và thận, bổ máu, trị suy nhược, ghẻ lở, tê nhức, mạnh âm lực, tăng dương sự, làm sáng mắt, an thai, trị thận âm suy: Đỗ đen xanh lòng 100g, gà trống đen tơ 1 con, dừa gáo 1 trái, dây tơ hồng vàng 30g đem hầm chín rồi nêm gia vị vừa ăn.
    • Bổ thận âm giúp lọc nước tiểu, trị nước tiểu sẻn đỏ, đi tiểu nóng niệu đạo, trị đau lưng mỏi gối, khô da, khát nước, ù tai, mờ mắt, tóc bạc sớm; trị thận nhiệt nóng: Đỗ đen xanh lòng 50g đem ngâm nước sôi trước với 20g muối, 2 cật heo 200g, thịt thăn heo 100g, tủy xương heo 50g đem tiềm ăn.
    • Dùng cho người thận âm hư, không có tinh trùng, hiếm muộn; trị gân xương yếu, đau lưng mỏi gối, đi tiểu nhiều: Đỗ đen xanh lòng 40g, 2 cật dê 200g, hạt sen 50 hạt, nhục thung dung 15g đem rửa sạch và cắt mỏng trước, gừng tươi 1 thìa đem tiềm, nêm gia vị vừa ăn.
    • Bồi bổ nội tạng, điều trị thiếu máu, cơ thể suy nhược, tỳ dương hư, đổ mồ hôi nhiều: đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván, đậu nành mỗi loại 60g đem hầm với 150g thịt bò
    • Trị dương hư hỏa vượng với các triệu chứng choáng váng, hoa mắt, đỏ bừng mặt, sốt, đắng miệng, cổ họng khô, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi đỏ, gai lưỡi lặn, mạch di tế hoãn vô lực: Đỗ đen 30g, mè đen 9g, táo đen 9g đem sao lên, sắc uống mỗi ngày 1 lần.
    • Bài thuốc giải nhiệt cho trẻ em mùa hè, trị rôm sảy, mụn nhọt: Đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ hạt nhỏ 200g và cam thảo 8g đem nấu chè. Bạn có thể thay cam thảo bằng đường thẻ (đường mía thô) cũng được

    Lưu ý, thận trọng khi dùng

    Khi dùng đậu đen, bạn nên lưu ý những gì?

    Để sử dụng đậu đen một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    • Ai không nên uống nước đậu đen? Người dị ứng với đậu đen, trẻ em dưới 1 tuổi, người có thể chất hàn, đang bị viêm loét dạ dày – tá tràng, tiêu chảy, hệ tiêu hóa kém, chân tay lạnh.
    • Uống nước đậu đen hàng ngày có tốt không? Một số tài liệu đề cập không nên uống nước đậu đen hàng ngày thay cho nước lọc vì nó tương tác với thực phẩm, gây ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn vào cơ thể. Đặc biệt là đối với loại thực phẩm nhiều sắt như thịt bò, việc ăn chung với đậu đen sẽ làm giảm lượng sắt được hấp thu vào cơ thể một cách đáng kể. Do đó, chỉ nên ăn 2 loại thực phẩm này khi cách nhau ít nhất 4 tiếng đồng hồ.
    • Ăn nhiều đậu đen cũng gây no làm giảm lượng thực phẩm khác vì hàm lượng chất xơ và tinh bột hấp thu chậm cao.
    • Nếu dùng nước đậu đen để giải khát, mỗi lần chỉ nên uống 100-250ml, tuần 2-3 lần hoặc ngày 1-2 ly là đủ.
    • Không thêm đường, nhất là với người bệnh tiểu đường.
    • Thận trọng với người bệnh thận vì nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu.
    • Không dùng chung đậu đen và thực phẩm, nên cách nhau ít nhất 4 giờ. Tác hại của đậu đen ở chỗ nó giàu phytat sẽ cản trở hấp thu một số chất vào trong cơ thể.
    • Không sử dụng đậu đen cùng với sữa, rau bina, đậu thầu dầu, ngũ sâm,…
    • Không dùng nước đậu đen để uống các viên uống có chứa kẽm, sắt, đồng, canxi.

    lưu ý khi dùng đậu đen

    Mức độ an toàn của đậu đen

    Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng đỗ đen trong thời kỳ mang thai và cho con bú. 

    Tương tác có thể xảy ra với đỗ đen

    Đỗ đen có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

    Uống nước đậu đen có tác dụng gì?

    • Giải nhiệt cơ thể
    • Trị mụn nhọt, mẩn ngứa
    • Giải rượu
    • Hỗ trợ cho bệnh nhân viêm gan mạn tính
    • Trị say nắng
    • Chữa đau bụng dữ dội.
    Ngoài ra, còn nhiều bài thuốc kết hợp đậu đen với những vị thuốc khác để điều trị các bệnh khác nhau.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 04/03/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo