backup og meta

10 cách tự nhiên giúp xương chắc khỏe

10 cách tự nhiên giúp xương chắc khỏe

Nhiều người thường ít quan tâm đến sức khỏe xương, cho đến khi tuổi già mới gặp phải những vấn đề gây khó khăn đến sinh hoạt như loãng xương, mất xương… Vậy bạn phải làm gì để có thể giúp xương chắc khỏe?

Việc xây dựng xương khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng vì những khoáng chất được tích hợp vào xương cho đến lúc 30 tuổi sẽ đạt khối lượng xương cao nhất. Nếu không đủ lượng dinh dưỡng cho khối lượng xương được tạo ra trong thời gian này hoặc gặp tình trạng mất xương, bạn sẽ có nguy cơ cao dễ gãy xương do cấu trúc yếu. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 10 cách giúp xương chắc khỏe và duy trì chúng đến khi bạn lớn tuổi hơn nhé!

1. Rau củ quả giúp xương chắc khỏe

Rau củ là một trong những nguồn vitamin C tốt giúp kích thích sản xuất tế bào tạo xương. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy tác dụng chống oxy hóa của vitamin C có thể bảo vệ các tế bào xương khỏi bị hư hại. Rau quả cũng làm tăng mật độ xương, đây là một phép đo lượng canxi và các khoáng chất khác được tìm thấy trong xương. Loãng xương và osteopenia là những yếu tố đặc trưng bởi mật độ xương thấp.

Việc sử dụng lượng lớn rau màu xanh và vàng có liên quan đến việc tăng quá trình canxi hóa, hay còn gọi là khoáng hóa xương ở tuổi nhỏ và duy trì khối lượng xương ở người trẻ tuổi. Một nghiên cứu ở phụ nữ trên 50 tuổi cho thấy những người ăn hành tây thường xuyên nhất có nguy cơ mắc bệnh loãng xương thấp hơn 20% so với những phụ nữ ít ăn.

Một yếu tố nguy cơ chính gây loãng xương ở người lớn tuổi là do sự tăng chu chuyển xương, quá trình phá vỡ và hình thành xương mới.

2. Magie và kẽm giúp xương chắc khỏe

Magie đóng vai trò chính trong việc chuyển đổi vitamin D thành dạng hoạt động giúp thúc đẩy sự hấp thụ canxi. Bạn có thể bổ sung magie qua thức ăn hoặc sử dụng magie glycinate, citrate hoặc carbonate.

Kẽm là một khoáng chất vi lượng cần thiết giúp tạo nên phần khoáng chất của xương, thúc đẩy sự hình thành các tế bào tạo xương và ngăn ngừa sự phân hủy xương quá mức. Bạn có thể bổ sung kẽm thông qua thực phẩm như thịt bò, tôm, rau bó xôi, hạt lanh, hàu và hạt bí ngô.

3. Protein giúp xương chắc khỏe

giúp xương chắc khỏe

Protein rất quan trọng cho xương khỏe mạnh, trên thực tế có khoảng 50% xương được làm từ protein. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng lượng protein thấp làm giảm sự hấp thụ canxi, có thể ảnh hưởng đến tốc độ hình thành và phá vỡ xương. Phụ nữ lớn tuổi dường như có mật độ xương tốt hơn khi tiêu thụ lượng protein cao hơn.

Trong một nghiên cứu quan sát kéo dài sáu năm với hơn 144.000 phụ nữ sau mãn kinh, lượng protein cao sẽ làm giảm nguy cơ gãy xương cẳng tay và mật độ xương cao hơn đáng kể ở phần hông, cột sống và toàn bộ cơ thể. Hơn nữa, chế độ ăn kiêng chứa tỷ lệ calo lớn từ protein có thể giúp duy trì khối lượng xương trong quá trình giảm cân.

4. Canxi giúp xương chắc khỏe

Canxi là khoáng chất quan trọng nhất đối với sức khỏe của xương. Các tế bào xương cũ liên tục bị phá vỡ và được thay thế bởi các tế bào mới, vì thế bạn cần tiêu thụ canxi hàng ngày để bảo vệ cấu trúc và sức mạnh của xương. Các thực phẩm giàu canxi có thể bao gồm yến mạch, đậu phụ, hạnh nhân, các loại đậu, tôm, sữa…

Lượng khuyến cáo canxi mỗi ngày giúp xương chắc khỏe thường là 1.000mg đối với hầu hết mọi người, thanh thiếu niên khoảng 1.300mg và phụ nữ lớn tuổi khoảng 1.200mg.

5. Vitamin D, K giúp xương chắc khỏe

giúp xương chắc khỏe

Vitamin D và vitamin K là thành phần quan trọng để giúp xương chắc khỏe. Vitamin D đóng vai trò giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Cơ thể bạn cần đạt được mức vitamin D trong máu ít nhất 30ng/ml (75nmol/l) để bảo vệ chống loãng xương, osteopenia và các bệnh xương khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em và người lớn có lượng vitamin D thấp thường có mật độ xương thấp và có nguy cơ cao bị mất xương.

Vitamin K2 hỗ trợ sức khỏe của xương bằng cách điều chỉnh osteocalcin, một loại protein liên quan đến sự hình thành xương, cho phép osteocalcin liên kết với các khoáng chất trong xương và giúp ngăn ngừa mất canxi từ xương. Bạn có thể bổ sung vitamin K2 thông qua các thực phẩm như gan động vật, trứng, thịt…

Bạn có thể có đủ vitamin D giúp xương chắc khỏe bằng cách phơi nắng và dùng các nguồn thực phẩm như cá béo, gan và phô mai. Tuy nhiên, nhiều người cần bổ sung tới 2.000 IU vitamin D mỗi ngày để duy trì ở mức tối ưu.

6. Cân bằng calo để giúp xương chắc khỏe

Khi bạn ăn ít calo, ngoài việc làm chậm quá trình trao đổi chất, tạo ra cơn đói và gây mất khối lượng cơ bắp, điều này còn có thể gây hại cho sức khỏe của xương.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn cung cấp ít hơn 1.000 calo mỗi ngày có thể dẫn đến mật độ xương thấp. Trong một nghiên cứu, phụ nữ béo phì tiêu thụ 925 calo mỗi ngày trong 4 tháng đã bị giảm mật độ xương đáng kể từ vùng hông và đùi trên, bất kể việc kết hợp tập luyện.

Để xây dựng và giúp xương chắc khỏe, bạn hãy thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, cung cấp ít nhất 1.200 calo mỗi ngày, bao gồm nhiều protein, thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất hỗ trợ sức khỏe xương.

7. Collagen giúp xương chắc khỏe

Collagen là protein chính được tìm thấy trong xương chứa các axit amin glycine, proline và lysine, giúp xây dựng xương, cơ, dây chằng và các mô khác. Collagen hydrolyzate có nguồn gốc từ xương động vật và thường được gọi là gelatin được sử dụng để giảm đau khớp.

8. Cân nặng hợp lý giúp xương chắc khỏe

giúp xương chắc khỏe

Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp hỗ trợ sức khỏe xương. Trọng lượng cơ thể thấp là yếu tố chính góp phần làm giảm mật độ xương và mất xương ở nhóm phụ nữ mãn kinh. Nghiên cứu cho thấy rằng béo phì có thể làm giảm chất lượng xương và tăng nguy cơ gãy xương do trọng lượng vượt quá.

Mặc dù giảm cân thường dẫn đến mất xương, nhưng thường ít rõ rệt hơn ở những người béo phì so với những người có cân nặng bình thường. Việc duy trì cân nặng ổn định bình thường hoặc cao hơn một chút so với trọng lượng bình thường là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe xương của bạn.

9. Omega-3 giúp xương chắc khỏe

Axit béo omega-3 nổi tiếng với tác dụng chống viêm, đồng thời cũng giúp bảo vệ chống mất xương trong quá trình lão hóa. Bạn có thể bổ nguồn thực vật của chất béo omega-3 bao gồm hạt chia, hạt lanh và quả óc chó, động vật như các loại cá béo, hàu…

10. Tập luyện giúp xương chắc khỏe

giúp xương chắc khỏe

Một trong những loại hoạt động tốt nhất giúp xương chắc khỏe là tập thể dục chịu trọng lượng hoặc tác động cao nhằm thúc đẩy sự hình thành xương mới. Các nghiên cứu ở trẻ em, bao gồm cả những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 phát hiện ra rằng hoạt động này làm tăng lượng xương được tạo ra.

Ngoài ra, việc tập luyện còn giúp ngăn ngừa mất xương ở người lớn tuổi. Các nghiên cứu ở đàn ông và phụ nữ lớn tuổi thực hiện các bài tập thể dục chịu sức nặng cho thấy sự gia tăng mật độ xương, sức mạnh và kích thước xương, cũng như giảm các dấu hiệu của sự thay đổi xương và viêm.

Thói quen tập luyện sức mạnh không chỉ có lợi cho việc tăng khối lượng cơ bắp mà còn giúp xương chắc khỏe, chống mất xương ở phụ nữ trẻ và lớn tuổi, bao gồm cả người bị loãng xương, osteopenia hoặc ung thư vú.

Sức khỏe xương là điều quan trọng ở tất cả các độ tuổi. Bạn không nên chủ quan vì các triệu chứng ảnh hưởng đến xương thường không xuất hiện cho đến khi tình trạng mất xương tiến triển. Vì thế, bạn hãy duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp xương chắc khỏe nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

10 Natural Ways to Build Healthy Bones
https://www.healthline.com/nutrition/build-healthy-bones
Ngày truy cập 22.02.2019

Food for strong bones
https://www.nhs.uk/live-well/healthy-body/food-for-strong-bones/
Ngày truy cập 22.02.2019

Bone health: Tips to keep your bones healthy
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/bone-health/art-20045060
Ngày truy cập 22.02.2019

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

3 cách làm bánh bao đơn giản và thân thiện với sức khỏe cho người bệnh mạn tính

Bật mí cách làm bánh bông lan tốt cho sức khỏe của người bệnh mạn tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo