backup og meta

Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi: Tất tần tật những điều cần biết

Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi: Tất tần tật những điều cần biết

Trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh và đến khi trẻ 6 tháng tuổi, bạn sẽ thấy con có nhiều sự thay đổi về thể chất lẫn trí tuệ. Mỗi ngày trôi qua, bạn lại phát hiện ra thêm điều mới mẻ của con.

Trong bài viết này, Hello Bacsi giới thiệu đến bạn những cột mốc phát triển đáng nhớ của trẻ 6 tháng tuổi.

Những cột mốc phát triển của bé 6 tháng tuổi

Biểu đồ sau đây giúp bạn hiểu về các mốc phát triển đã đạt được và sẽ tiếp tục đạt được trong sự phát triển của bé 6 tháng tuổi:

Các mốc phát triển đạt được của bé Các mốc phát triển trong thời gian sắp tới
Khả năng cầm nắm tốt hơn – có thể sử dụng tất cả các ngón tay để giữ đồ vật Sẽ sử dụng ngón trỏ và ngón cái để giữ đồ vật
Có thể ngồi mà không cần sự hỗ trợ Sẽ cố gắng vào vị trí ngồi
Ăn một số loại trái cây và rau quả được lựa chọn (có kết cấu mềm, trơn, dễ nuốt) Có thể ăn nhiều loại trái cây và rau quả
Cải thiện khả năng nhận biết màu sắc Bé có thể phân biệt được nhiều màu sắc hơn và chiều sâu nhận thức theo cách tốt hơn
Ngủ ngon hơn và giấc ngủ dài hơn vào ban đêm Giấc ngủ ban đêm của con dài hơn và bé ít thức giấc để bú
Có thể đưa tay, vươn người ra để lấy đồ vật hay kéo áo bố mẹ Bò để lấy đồ vật
Khi nằm, bé có thể lăn sang trái hoặc phải Lăn sang trái hoặc phải, con có thể xoay mình sang trái hay phải khi ngồi
Có thể phát ra các phụ âm và nguyên âm đơn giản Sẽ tạo ra âm thanh phức tạp hơn
Có thể nhận ra những gương mặt quen thuộc Cố gắng giao tiếp bằng cách phát ra âm thanh và các cử chỉ với những người thân quen

Chiều cao, cân nặng của bé 6 tháng tuổi

Vào độ tuổi 6 tháng, cân nặng của bé rất có thể đã tăng gấp đôi so với khi mới sinh. Trong tháng này, trẻ tiếp tục tăng cân từ 450–560 gram.

  • Cân nặng trung bình của bé gái 6 tháng tuổi là khoảng 7,3 kg.
  • Cân nặng trung bình của bé trai 6 tháng tuổi là khoảng 7,9 kg.

Bên cạnh đó, bé 6 tháng tuổi cũng có thể cao thêm 1–2 cm. Nhưng nếu trẻ phát triển nhiều hoặc ít hơn ngưỡng này, cha mẹ đừng quá lo lắng vì đây là chuyện bình thường.

Sự phát triển toàn diện của trẻ 6 tháng tuổi

Trẻ 6 tháng tuổi thường sẽ đạt được các mốc phát triển chính như sau:

1. Sự phát triển thể chất của trẻ 6 tháng tuổi

Khi được 6 tháng tuổi, bé sẽ có thể đạt được các mốc phát triển thể chất và khả năng vận động thô như sau:

  • Phối hợp tay mắt tốt hơn: Bé 6 tháng biết làm gì? Bé sẽ có những cử động tay chính xác và tốt hơn vì tầm nhìn của con đã tốt hơn trước. Bé biết nắm giữ và quan sát các đồ vật một cách cẩn thận.
  • Cải thiện nhận thức độ sâu và tầm nhìn màu sắc: Thị lực của bé từ khi sinh ra đến thời điểm này đã được cải thiện rất nhiều. Đến 6 tháng tuổi, bé không chỉ có khả năng phân biệt giữa nhiều màu sắc mà còn có thể ước tính khoảng cách và quan sát các vật thể.
  • Sử dụng tất cả các ngón tay để nắm: Trẻ 6 tháng biết làm gì? Bé biết điều khiển tất cả các ngón tay để giữ các vật nhỏ.
  • Ngồi mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ: Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, cơ lưng của bé cưng đã phát triển mạnh mẽ nên con có thể ngồi và điều khiển toàn bộ thân mình khi ngồi. Tuy nhiên, con chưa thể chuyển từ vị trí bò, nằm sang ngồi.

trẻ 6 tháng tuổi

2. Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi về nhận thức

Sự phát triển nhận thức liên quan đến sự phát triển trí não tổng thể của bé, bao gồm trí thông minh và khả năng tư duy của trẻ. Trẻ 6 tháng tuổi thường sẽ:

  • Tò mò hơn: Em bé của bạn sẽ trở thành một “nhà thám hiểm tí hon” và muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Bé sẽ chạm vào, giữ và cảm nhận những thứ mà bé bị thu hút.
  • Bắt chước âm thanh: Thời điểm tròn 6 tháng tuổi, bé sẽ phát triển các kỹ năng diễn giải âm thanh tốt hơn và sẽ bắt chước những âm thanh mà bé nghe được.
  • Đáp lại khi được gọi tên: Bé 6 tháng làm được những gì? Trẻ 6 tháng đã biết nhớ âm thanh tên gọi của mình và biết đáp lại khi nghe ba mẹ hoặc người thân quen gọi tên.
  • Phát âm âm thanh cơ bản: Trẻ sẽ nói những nguyên âm và phụ âm phổ biến như u, a, bờ, ơ… Bé có thể trả lời bằng những âm thanh này khi bạn nói chuyện với bé.

3. Ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp

Dưới đây là một số kỹ năng giao tiếp mà trẻ 6 tháng tuổi sẽ đạt được:

  • Bé biết đáp lại khi bạn gọi tên bé.
  • Bé biết tạo ra âm thanh biểu hiện các sắc thái cho thấy con vui vẻ hoặc không hài lòng.
  • Bé đáp ứng với các âm thanh khác nhau bằng cách tạo ra âm thanh.
  • Bé bắt đầu bập bẹ và sẽ thử tạo ra những âm thanh khác nhau trong khi chơi với cha mẹ hoặc anh chị em.

4. Sự phát triển các giác quan của trẻ 6 tháng tuổi

Dưới đây là một số cột mốc phát triển về mặt cảm giác mà trẻ 6 tháng tuổi sẽ đạt được:

  • Bé thường thích chạm và cảm nhận các kết cấu khác nhau. Con sẽ thích chạm vào thức ăn, đồ chơi, nước và nhiều đồ vật khác để cảm nhận chúng.
  • Tầm nhìn của bé phát triển tốt hơn nên con có thể bị thu hút bởi các vật thể lớn hơn, sáng hơn và có ấn tượng hơn.
  • Bé sẽ cảm thấy được an ủi bằng cách bạn chạm, vỗ về bé và nói với bé bằng âm điệu nhẹ nhàng.
  • Bé sẽ cầm đồ vật hoặc đồ chơi bằng cả hai tay, thử và đưa nó về phía miệng.

5. Sự phát triển xã hội và cảm xúc của bé 6 tháng

trẻ 6 tháng tuổi

Dưới đây là một số mốc phát triển xã hội và cảm xúc mà trẻ 6 tháng tuổi sẽ đạt được:

  • Nhận biết những người thân quen: Bé sẽ nhận ra và cũng có thể cảm thấy thoải mái trong vòng tay của những người thân quen hoặc người mà bé được gặp một cách thường xuyên. Mặt khác, bé có thể quấy khóc, bứt rứt… khi phải tiếp xúc với những người lạ.
  • Thích chơi: Em bé của bạn sẽ thể hiện sự thích thú và cũng sẽ thích chơi với bố mẹ, anh chị em hoặc người chăm sóc bé.
  • Biểu hiện đa dạng: Ở gian đoạn này, bé sẽ phát triển nhiều biểu cảm khác nhau. Bạn có thể nhận thấy bé biết làm những vẻ mặt khác nhau để biểu thị con đang đói, buồn ngủ, khó chịu hoặc bị đau.
  • Đáp lại cảm xúc: Bạn sẽ thấy bé phản ứng với những người quen thuộc. Bé có thể làm vẻ mặt vui/buồn theo các tình huống khác nhau.

Dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng tuổi

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, bạn nên bắt đầu cho bé tập ăn dặm. Thế nhưng, vẫn cần chú ý rằng, trong giai đoạn này, sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính của trẻ. Tuy nhiên, vì bé 6 tháng sẽ mất dần lượng sắt vốn có trong cơ thể từ khi còn trong bụng mẹ, nên việc bổ sung thêm sắt bằng chế độ ăn dặm là điều cần thiết.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc cho bé ăn bột ăn dặm, trái cây nghiền không đường, cháo xay nhuyễn… Việc cho bé ăn dặm trong giai đoạn này cũng giúp củng cố răng và hàm của bé, đồng thời xây dựng các kỹ năng khác mà bé cần sau này. Hãy lưu ý rằng thức ăn cần phải đủ nhỏ và nhão để bé không bị nghẹn.

Bạn có thể xem thêm dấu hiệu bé có thể ăn dặm qua bài viết sau:

Giấc ngủ của bé: Trẻ 6 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Khi được 6 tháng tuổi, giấc ngủ của bé cưng cũng có nhiều dấu mốc đáng chú ý:

  • Giấc ngủ của bé sẽ dài hơn và không bị gián đoạn vào ban đêm (ngủ xuyên đêm/ngủ suốt đêm).
  • Giấc ngủ ban đêm của bé từ 6 đến 8 giờ nên con có thể không thức để bú vào ban đêm.
  • Trong khi ngủ, bé có thể lăn qua lăn lại khi muốn trở mình.

Bí quyết giúp trẻ 6 tháng tuổi đạt được các mốc phát triển quan trọng

trẻ 6 tháng tuổi

Là cha mẹ, bạn có thể hỗ trợ nhằm kích thích sự tăng trưởng và phát triển của bé bằng cách làm theo một số mẹo đơn giản:

  • Cho trẻ nằm sấp: Điều quan trọng là hãy cho bé nằm sấp trong khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày. Điều này giúp tăng cường và làm săn chắc cơ bắp của bé và làm cho bé nhanh nhẹn hơn. Nhưng lưu ý là trong khi bé nằm sấp, bạn phải luôn để mắt đến con.
  • Thu hút bé vào cuộc trò chuyện và dành thời gian chơi với con: Bằng cách nói chuyện và chơi với bé, bạn đang kích thích kỹ năng lắng nghe của bé.
  • Hoạt động ngoài trời và đọc sách: Đưa bé đi dạo quanh khu phố, công viên… nhằm giúp kích thích thị lực của bé. Bạn cũng có thể đọc và cho bé xem những cuốn sách đầy màu sắc dành cho trẻ.
  • Tương tác xã hội: Điều rất quan trọng là bé cần gặp và nhìn thấy nhiều người khác nhau, nhiều gương mặt mới. Điều này sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng giao tiếp và xã hội tốt hơn.

Khi nào nên lo lắng về sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi?

Mỗi bé là một cá thể riêng nên con sẽ phát triển theo một kênh riêng, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn so với các bé khác. Tuy nhiên, nếu bé có một trong các dấu hiệu sau, bạn nên chú ý:

  • Bé không thể ngồi ngay cả khi được hỗ trợ: Với trẻ 6 tháng tuổi, cơ lưng của con đã phát triển tương đối khỏe mạnh nên con có thể ngồi mà ko cần hỗ trợ. Nếu bé của bạn không thể ngồi ngay cả khi có sự hỗ trợ, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo con đang chậm phát triển thể chất.
  • Bé không tạo ra âm thanh hoặc phản ứng với âm thanh: Ở độ tuổi này, trẻ chưa biết nói chuyện nhưng con biết tạo ra âm thanh và cũng phản ứng với âm thanh. Nếu bé không tạo ra âm thanh và phản ứng với âm thanh, đây có thể là dấu hiệu con có một số vấn đề với dây thanh âm hoặc có vấn đề về thính giác.
  • Bé không nhận ra gương mặt quen thuộc: Nếu bé không nhận ra người quen, điều này có nghĩa là có thể có một số vấn đề trong tầm nhìn hoặc sự phát triển nhận thức.
  • Bé không vận động hoặc các kỹ năng vận động kém: Khi được 6 tháng tuổi, hầu hết các bé đều thích chơi với đồ chơi, người thân quen. Nếu con bạn không vận động hoặc tỏ ra không thích chơi… có thể bé đang rơi vào tình trạng chậm phát triển.

Nhiều em bé có thể đạt được tất cả các mốc quan trọng nêu trên trước khi con tròn 6 tháng tuổi. Do đó, bạn nên quan sát bé để có thể phát hiện ra bất kỳ sự chậm trễ nào của trẻ. Nếu con có vấn đề gì làm cho bạn lo lắng, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

6-7 months: baby development https://raisingchildren.net.au/babies/development/development-tracker-3-12-months/6-7-months Ngày truy cập: 06/10/2023

Your baby’s developmental milestones at 6 months https://www.unicef.org/parenting/child-development/your-babys-developmental-milestones-6-months Ngày truy cập: 06/10/2023

Important Milestones: Your Baby By Six Months https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/milestones/milestones-6mo.html Ngày truy cập: 06/10/2023

Your Baby’s Growth: 6 Months https://kidshealth.org/en/parents/growth-6mos.html Ngày truy cập: 06/10/2023

From around 6 months https://www.nhs.uk/start-for-life/baby/weaning/what-to-feed-your-baby/from-around-6-months/ Ngày truy cập: 06/10/2023

What is the average baby weight by month? https://www.medicalnewstoday.com/articles/325630 Ngày truy cập: 06/10/2023

6 Months Old Baby Milestones https://parenting.firstcry.com/articles/baby-milestones-at-6-months/ngày truy cập 04/01/2020

6-Month-Old’s Developmental Milestones – A Complete Guide https://www.momjunction.com/articles/babys-6th-month-a-development-guide_00103340/ ngày truy cập 04/01/2020

15 Games And Activities For 6-Month-Old Baby https://www.momjunction.com/articles/learning-activities-for-your-6-month-old-baby_0092271/ ngày truy cập 04/01/2020

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo