backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hệ miễn dịch ở trẻ: Vì sao mẹ cần đặc biệt quan tâm?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu · Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    Hệ miễn dịch ở trẻ: Vì sao mẹ cần đặc biệt quan tâm?

    Hệ miễn dịch được xem là “tấm khiên vững chắc” giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và nhiều bệnh lý nguy hiểm. Thế nhưng, khác với người lớn, “tấm khiên” miễn dịch ở trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, bé sẽ cần mẹ chăm chút nhiều hơn để có thể phát triển khỏe mạnh trong những năm tháng đầu đời.

    Hệ miễn dịch là gì? Vai trò của hệ miễn dịch đối với quá trình phát triển của trẻ

    Hệ miễn dịch là một mạng lưới phức tạp gồm nhiều cơ quan, tế bào và protein “làm việc” cùng nhau với nhiệm vụ chống lại mầm bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp nhận biết và vô hiệu hóa các chất gây hại từ môi trường và giúp chống những thay đổi gây bệnh trong cơ thể, chẳng hạn như tế bào ung thư [1].

    Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ miễn dịch của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện mà sẽ dần “trưởng thành” trong thời thơ ấu [2], [3]. Ở những ngày tháng đầu đời, bé sẽ được bảo vệ nhờ vào kháng thể nhận từ mẹ thông qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ và qua sữa mẹ khi mẹ cho bé bú sau sinh [2].

    Bên cạnh đó, trong quá trình sinh nở, bé cũng sẽ được tiếp xúc trực tiếp với các chủng lợi khuẩn có tại âm đạo của mẹ. Các chủng lợi khuẩn này sẽ được “truyền” sang bé và góp phần hình thành hệ vi sinh đường ruột [2], [4]. Việc nhận thụ động các lợi khuẩn này sẽ giúp bé hình thành nên hàng rào miễn dịch đầu tiên [5].

    Thế nhưng, miễn dịch bé nhận từ mẹ sẽ không kéo dài lâu mà sẽ dần suy yếu sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Bên cạnh đó, dù trong quá trình lớn lên, cơ thể bé cũng sẽ tự tạo ra kháng thể thông qua mỗi lần tiếp xúc với mầm bệnh nhưng thực tế, miễn dịch của trẻ không thể “khỏe” như người lớn và cần thời gian để phát triển hoàn toàn [2]. Khi miễn dịch nhận từ mẹ yếu dần, bé sẽ dễ bị bệnh, chính vì vậy, mẹ sẽ cần thực hiện một số biện pháp quan trọng ngay từ những ngày tháng đầu đời để giúp trẻ “củng cố” hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh [2], [3].

    Phương pháp giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch

    Chăm sóc dinh dưỡng cho bé

    Để tăng cường miễn dịch cho bé, dinh dưỡng là một trong những điều mẹ cần quan tâm. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, không chỉ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng bé cần theo nhu cầu mà còn có các dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch, giúp bé chống lại nhiễm trùng [6]:

    • HMO (Human Milk Oligosaccharide): Dưỡng chất có khả năng giúp điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa sự bám dính của mầm bệnh, củng cố hàng rào biểu mô ruột và phát triển hệ miễn dịch [7]. 5 HMO “nổi bật” nhất trong sữa mẹ là 2’FL, 3-FL, LNT, 3’-SL và 6’-SL. Đặc biệt, 2’-FL là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ đến 66% [8]
    • Nucleotides: Thành phần được chứng minh giúp tăng cường miễn dịch, giúp giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine HIB [9], [10], [11].
    • Lợi khuẩn: Sữa mẹ được xem là nguồn cung cấp lợi khuẩn ổn định, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột [6]. Trong đó, Bifidobacteria được công nhận là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, giúp trẻ cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [12].

    Bên cạnh các thành phần giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, sữa mẹ còn có các dưỡng chất cần cho sự phát triển não bộ như:

  • Gangliosides: Thành phần trong sữa mẹ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ. Dưỡng chất này được chứng minh giúp tăng đáng kể điểm số IQ cho trẻ [13].
  • Bộ 3 dưỡng chất vàng DHA, Lutein, Vitamin E tự nhiên. Lutein và Vitamin E trong sữa mẹ kết hợp sẽ giúp bảo vệ DHA tốt hơn khỏi quá trình oxy hóa. Từ đó, giúp tối ưu sự phát triển trí não, tăng cường tốc độ xử lý thông tin, thị giác nhạy bén hơn. [14], [15].
  • Với những lợi ích kể trên, mẹ sẽ cần cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cho đến khi bé được 24 tháng [16]. Trong trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho bé.

    Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ cũng cần lưu ý đến chế độ ăn của trẻ. Ở giai đoạn mới tập ăn, mẹ có thể cho bé ăn một lượng nhỏ và bắt đầu với các loại rau củ, trái cây được chế biến ở dạng nghiền hoặc tán nhuyễn. Khi bé được khoảng 7 – 9 tháng, mẹ có thể cho bé ăn 3 bữa ngày (sáng, trưa và xế) bên cạnh các cữ bú thông thường. Lúc này, mẹ cần cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm như rau củ, trái cây, cơm, mỳ, thịt, trứng, các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… để giúp bé làm quen và nhận được đầy đủ dưỡng chất [17]. Chẳng hạn, các loại rau củ, trái cây sẽ cung cấp cho bé năng lượng, vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ và nước để bảo vệ bé khỏi nguy cơ mắc các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm dạ dày ruột, viêm tai giữa…; các thực phẩm như cơm, mỳ… sẽ cung cấp cho bé năng lượng để tăng trưởng, phát triển và học hỏi; các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… sẽ là nguồn cung cấp protein và canxi; còn các thực phẩm giàu đạm như thịt nạc, trứng, cá… sẽ rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của các nhóm cơ [23].

    Cho con ngủ đủ giấc

    Bên cạnh chăm sóc dinh dưỡng, mẹ cũng cần chú ý đến giấc ngủ của trẻ. Nghiên cứu cho thấy việc trẻ ngủ ngon, ngủ đủ sẽ là cách tăng cường hệ miễn dịch, giúp chức năng miễn dịch trở nên cân bằng và hiệu quả [18].

    Mẹ cần đảm bảo bé ngủ đủ giấc (8 tiếng vào ban ngày và 8 – 9 tiếng vào ban đêm ở giai đoạn sơ sinh; 10 – 11 tiếng vào ban đêm, 3 – 4 tiếng vào ban ngày khi bé từ 6 tháng đến 1 tuổi). Đồng thời, có thể thực hiện một số biện pháp giúp bé ngủ ngon như duy trì lịch trình đi ngủ đều đặn với các thói quen như tắm, đọc sách, hát ru; tạo cho bé môi trường ngủ yên tĩnh… [19]

    Vui chơi, vận động hợp lý

    Vui chơi, vận động cũng là cách giúp bé khỏe mạnh và ít bị bệnh [20]. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, bạn nên để bé chơi trên sàn và nằm sấp ít nhất 30 phút mỗi ngày và trải đều thời gian này trong ngày. Đối với các bé từ 1 – 5 tuổi, mẹ nên cho bé vui chơi, vận động ít nhất 3 giờ mỗi ngày với các hoạt động như đi bộ, chạy, nhảy, đạp xe… [21]

    Tiêm phòng vaccine cho con

    Tiêm vaccine là cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nghiêm trọng [2]. Bởi vaccine sẽ giúp hệ miễn dịch tạo ra kháng thể mà không khiến bé bị bệnh. Ngoài ra, việc này cũng sẽ giúp hệ miễn dịch của trẻ “ghi nhớ” các mầm bệnh và bảo vệ bé trong thời gian dài. [22]

    Tóm lại, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn đang trong giai đoạn “trưởng thành” và cần thời gian để hoàn thiện. Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc, mẹ cần chú ý thực hiện các cách tăng cường hệ miễn dịch, nhất là chăm sóc dinh dưỡng để bảo vệ con tốt nhất. Với trẻ nhỏ, sữa mẹ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu mẹ không thể cho bé bú, đừng ngần ngại hỏi nhân viên y tế để tìm ra giải pháp dinh dưỡng phù hợp giúp bé tăng cường hệ miễn dịch nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

    Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo