backup og meta

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì? Sự phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì? Sự phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ

Trẻ 8 tháng tuổi rất hiếu động và sẽ muốn khám phá mọi thứ xung quanh mình. Con cũng phát triển thêm nhiều kỹ năng mới trong giai đoạn này.

Nếu bạn đang thắc mắc về sự phát triển cũng như chế độ dinh dưỡng cho trẻ 8 tháng tuổi thì hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Chiều cao cân nặng của bé 8 tháng tuổi

Nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ 8 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đạt? Thực tế, trẻ 8 tháng tuổi thường đạt mức chiều cao và cân nặng khác nhau dựa trên giới tính và nhiều yếu tố khác. Cụ thể:

  • Bé trai 8 tháng tuổi: Cân nặng trung bình là khoảng 8,6kg, chiều cao trung bình khoảng 70,5cm.
  • Bé gái 8 tháng tuổi: Cân nặng trung bình là khoảng 7,7kg, chiều cao trung bình khoảng 68,58cm.

Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi

trẻ 8 tháng tuổi

Một số cột mốc phát triển mà bé 8 tháng tuổi có thể đạt được trong giai đoạn này gồm:

1. Sự phát triển nhận thức của trẻ 8 tháng tuổi

Khả năng nhận thức liên quan đến năng lực trí tuệ của bé, sự phát triển của bộ não cũng như khả năng thấu hiểu mọi thứ xung quanh. Sự phát triển nhận thức của bé 8 tháng tuổi được thể hiện như sau:

  • Trẻ phát triển tính hiếu kỳ. Bé 8 tháng tuổi rất tò mò, con sẽ liên tục di chuyển để khám phá mọi thứ từ đồ gia dụng đến đồ chơi và đồng thời tìm hiểu chức năng và mục đích sử dụng của các đồ vật.
  • Trẻ hiểu các hướng dẫn cơ bản. Trẻ 8 tháng tuổi sẽ học và nhớ lại các hướng dẫn cơ bản nếu bạn lặp đi lặp lại nhiều lần. Ví dụ: Nếu bé nhoài người ra lấy một vật gì đó và bạn nói “không” đi kèm với hành động lắc đầu hay xua tay, bé sẽ hiểu rằng điều này là không đúng và nghe theo bố mẹ.
  • Bé biết theo dõi đồ vật. Nếu bạn thắc mắc “Trẻ 8 tháng biết làm gì?”, hãy thử thả 1 quả bóng và quan sát cách bé bám theo vật thể cho đến khi quả bóng ngừng di chuyển. Ở giai đoạn này, trẻ phát triển khả năng theo dõi sự chuyển động của vật thể và bắt đầu đuổi theo để lấy chúng.
  • Trẻ 8 tháng biết dùng tay ra hiệu. Trẻ 8 tháng tuổi có thể sẽ sử dụng ngón trỏ để chỉ vào những đồ vật khiến bé thích thú.
  • Bé 8 tháng tuổi có thể múc thức ăn và cầm trong tay, đồng thời biết nhặt đồ vật bằng ngón cái và ngón trỏ hoặc ngón giữa.

2. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 8 tháng tuổi

Bây giờ, con bạn có thể nói được các âm tiết cơ bản như “A”, “B”, “M”, “D”.  Trong vài tháng tiếp theo, tiếng bập bẹ của bé sẽ bắt đầu chuyển thành những từ như “mama” và “baba”. Lúc đầu, những thứ này sẽ xuất hiện ngẫu nhiên, nhưng trẻ sẽ sớm học cách liên kết chúng với ba, mẹ…

Bé cũng bắt đầu thử liên kết từ với sự vật và thậm chí phản ứng lại khi được gọi tên. Thậm chí, bé có thể nhận ra tên của những người khác trong gia đình. Ngoài ra, bé cũng rất thích thú khi “trò chuyện” với cha mẹ.

3. Sự phát triển thể chất của bé 8 tháng

Những cột mốc phát triển thể chất của bé liên quan đến các kỹ năng vận động thô, sự khéo léo của cơ bắp và sức mạnh thể chất. Vậy, bé 8 tháng biết làm gì?

3.1. Phát triển kỹ năng vận động thô

  • Bé có thể di chuyển nhiều hơn và thích khám phá.
  • Bé có thể chuyển từ nằm sang ngồi, có thể đã ngồi vững mà không cần hỗ trợ và có thể bò hoặc bò bằng mông.
  • Bé có thể tự “kéo” bản thân đứng vịn vào đồ đạc, thậm chí có thể đi lại trong khi đang bám vào đồ vật.
  • Một số trẻ 8 tháng tuổi có thể đứng thẳng hoặc bước những bước đi đầu tiên mà không cần bám vào đồ vật.
  • Bé biết nhai và nuốt thức ăn một cách thành thục.
  • Bé có thể lăn tròn qua trái hoặc qua phải.

3.2. Phát triển kỹ năng vận động tinh

  • Bé sẽ khám phá đồ vật một cách chi tiết hơn khi kỹ năng vận động tinh được cải thiện.
  • Bé biết nắm chắc đồ vật bằng cách vận dụng các ngón tay.
  • Bé có thể nhặt những món đồ nhỏ, đập 2 khối lại với nhau và xếp các khối đồ vào cốc.
  • Bé cũng thích tìm kiếm một đồ vật bị giấu một phần hoặc một món đồ chơi mà trẻ đánh rơi khỏi tầm mắt.

4. Sự phát triển cảm xúc và xã hội

Bé 8 tháng tuổi dễ xúc động hơn và có thể đang có dấu hiệu lo lắng khi bị chia ly. Trẻ có thể khóc hoặc la hét khi phải xa cha mẹ hoặc sẽ cố bám lấy cha mẹ khi cha mẹ có việc phải đi.  Sự lo lắng về sự chia ly cũng có thể khiến bé khó ngủ hơn. Dần dần, bé có thể biết rằng cha mẹ sẽ quay về, và trẻ cũng bắt đầu tạo dựng niềm tin với những người xung quanh.

Trẻ 8 tháng tuổi sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi có cha mẹ ở bên. Bé có thể trở nên căng thẳng hoặc lo lắng nếu cha mẹ không trong tầm mắt. Trẻ cũng sẽ tích cực khám phá và chơi đùa khi ở cạnh cha mẹ.

5. Sự phát triển thị lực của trẻ 8 tháng tuổi

Thị lực của bé sẽ được cải thiện và nhận thức về chiều sâu của trẻ sẽ gần như tốt như người lớn. Bé sẽ có thể nhìn thấy cha mẹ từ bên kia phòng và sẽ nhìn xung quanh để tìm bạn nếu bạn gọi tên bé. Trẻ cũng có thể chỉ đúng đồ vật trong sách khi bạn nói tên đồ vật đó.

Hoạt động khuyến khích trẻ 8 tháng tuổi phát triển

Dưới đây là những điều đơn giản bạn có thể làm để giúp bé phát triển ở độ tuổi này:

  • Nói chuyện với bé: Bạn có thể giúp bé hiểu ý nghĩa của các từ bằng cách trò chuyện trong quá trình bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như tắm cho bé hoặc thay tã cho bé. Bé thích trò chuyện nên càng nói nhiều càng tốt!
  • Lắng nghe và đáp lại tiếng bập bẹ của bé: Điều này xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp và đọc viết, đồng thời giúp bé cảm thấy được “lắng nghe”, được yêu thương và có giá trị. Điều quan trọng là bạn phải đáp lại bằng cách nói chuyện hoặc tạo ra âm thanh theo cách ấm áp và yêu thương của riêng bạn. Bé thích nghe giọng nói lên xuống của bạn và thích quan sát nét mặt của bạn khi bạn nói chuyện.
  • Chơi cùng với bé: Bạn có thể hát những bài hát, chơi trò chơi trốn tìm đơn giản, rung chuông, giấu đồ chơi và cùng bé tạo ra những âm thanh vui nhộn hoặc tiếng động vật. Ở độ tuổi này, bé đặc biệt thích chơi với bạn và bắt chước những gì bạn làm. Chơi cùng nhau cũng giúp bé cảm thấy được yêu thương và an toàn.
  • Cùng bé đọc sách: Bạn có thể phát triển trí tưởng tượng của bé bằng cách đọc sách, trò chuyện về các hình ảnh trong sách và kể chuyện. Những hoạt động này cũng giúp trẻ 8 tháng tuổi hiểu ngôn ngữ và học đọc khi bé lớn hơn.
  • Khuyến khích trẻ vận động: Vận động và khám phá giúp bé xây dựng sức mạnh cơ bắp cho những chuyển động phức tạp hơn như đứng và đi. Nếu bé đang bò, bạn có thể thử nằm xuống sàn và bò xung quanh cùng bé hoặc chơi trò đuổi bắt.
  • Dành thời gian vui chơi ngoài trời với trẻ 8 tháng tuổi: Việc ra ngoài chơi cùng bạn mang lại cho bé nhiều trải nghiệm khác nhau – có rất nhiều thứ để nhìn, ngửi, nghe và chạm vào.
  • Cho bé ăn thức ăn đặc: Bạn có thể cho bé ăn những thức ăn tự làm như thịt xay, cơm nguyên hạt hoặc bánh mì mềm. Chỉ cần đảm bảo thức ăn rắn đủ nhỏ và nhão để bé không bị nghẹn. Bạn cũng có thể cho trẻ ăn ngũ cốc được làm mềm bằng nước, sữa mẹ, sữa công thức. Nhưng ở độ tuổi này, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé.

Dinh dưỡng cho trẻ 8 tháng tuổi

1. Trẻ 8 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

trẻ 8 tháng tuổi

Hầu hết các bé 8 tháng tuổi thường ăn một cách tích cực nhưng đôi khi bé có thể tỏ ra khó chịu khi ăn và bị phân tâm khỏi thức ăn do nhiều yếu tố khác nhau.

Một số bé bắt đầu tập bò ở thời điểm này thường ăn khi đang di chuyển vì bé tỏ ra thích thú hơn khi khám phá những thứ xung quanh. Trẻ 8 tháng tuổi nên được cho ăn 2 cữ chính với thực phẩm được chế biến dạng đặc, 2 bữa ăn phụ cùng ít nhất 3 cữ bú.

2. Trẻ 8 tháng tuổi ăn được những gì?

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ 8 tháng tuổi bao gồm các loại thực phẩm giàu carbohydrate, protein, vitamin và khoáng chất bởi chúng cần thiết cho một em bé đang trên đà phát triển.

Bên cạnh sữa mẹ, sữa bột, bạn có thể cân nhắc đến các thực phẩm sau và đưa chúng vào thực đơn mỗi ngày dành cho bé yêu:

2.1. Trái cây

Trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng vi mô khác. Ngoài các loại trái cây thông thường như chuối, đu đủ, hồng chín, hồng xiêm, dưa hấu, thanh long, táo… bạn cũng có thể cho bé nếm thử dâu tây, kiwi, cam, bưởi…

2.2. Rau củ

Khi được 8 tháng tuổi, em bé có thể bắt đầu ăn thử rau nghiền nhuyễn hoặc các loại củ quả hấp mềm, cắt thành thanh dài. Bạn hãy kết hợp nhiều loại rau vào chế độ ăn của bé như súp lơ, bông cải xanh, măng tây, đậu xanh và bí ngô.

2.3. Cá

omega 3 cho trẻ 8 tháng tuổi

Cá là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng và tốt cho trẻ 8 tháng tuổi. Các loại cá như cá ngừ, cá hồi… rất giàu axit béo omega-3, có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển trí não của trẻ sơ sinh. Bạn có thể cho bé ăn cá ở dạng thịt hấp gỡ xương, tán nhuyễn hoặc nấu cùng súp, cháo.

2.4. Đậu phụ

Đậu phụ rất giàu protein và tốt cho trẻ nhỏ đang phát triển. Loại thực phẩm này có thể được dùng cho những em bé mắc phải chứng không dung nạp đường sữa.

2.5. Thịt gà

Thịt gà được cho là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất dành cho trẻ nhỏ. Bé có thể được cho làm quen với thịt gà khi con vừa chạm mốc 7 tháng tuổi dưới dạng thịt xay nhỏ hoặc nấu cháo, súp. Nước dùng từ xương và thịt gà cũng rất bổ dưỡng cho trẻ 8 tháng tuổi nên bạn có thể dùng loại nước dùng này để chế biến thức ăn cho bé.

2.6. Trứng

Trứng là một thực phẩm lành mạnh vì chúng chứa chất béo tốt và protein. Bạn có thể cho trẻ 8 tháng tuổi một quả trứng luộc đã được bẻ nhỏ hay cắt nhỏ. Tuy nhiên, một số bé bị dị ứng với trứng, vì vậy bạn phải để ý kỹ những dấu hiệu cảnh báo để đề phòng trường hợp không may xảy ra.

2.7. Sữa chua

Sữa chua được đánh giá như một lựa chọn bữa phụ tuyệt vời cho trẻ 8 tháng tuổi. Món ăn này không chỉ cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột mà còn đem đến nguồn vitamin và khoáng chất thiết yếu.

Thời gian biểu cho bé 8 tháng tuổi

trẻ 8 tháng tuổi

Nhiều mẹ thắc mắc lịch sinh hoạt bé 8 tháng diễn ra như thế nào? Trên thực tế, một ngày của trẻ 8 tháng tuổi có thể diễn ra như sau:

  • 7 giờ sáng: Thức dậy, vệ sinh cơ thể, bú sữa
  • 8 giờ sáng: Chơi đùa
  • 10 giờ sáng: Ăn dặm rồi đi ngủ ngắn giấc buổi sáng
  • 12 giờ trưa: Thức dậy chơi, tắm rồi bú sữa
  • 1 – 5 giờ 30 chiều: Chơi, ăn dặm bữa chiều và ngủ ngắn giấc chiều
  • 5 giờ 30 chiều: Chơi và bú sữa
  • 7 – 7 giờ 30 tối: Làm vệ sinh cho bé, cho bé bú sữa, thay quần áo rồi lên giường và dỗ bé ngủ.

Khi nào nên đưa trẻ 8 tháng tuổi đến bác sĩ?

Dưới đây là một số dấu hiệu đáng quan ngại cho thấy bạn nên đưa trẻ 8 tháng tuổi đến gặp bác sĩ để khám nhằm phát hiện kịp thời tình trạng bất thường:

1. Trẻ 8 tháng tuổi không thể tự ngồi

Nếu bé không tự ngồi ngay cả khi có sự giúp đỡ từ người lớn hoặc có những tư thế khác thường, dễ dàng bị ngã xuống trong lúc tập ngồi thì đây có thể là dấu hiệu chỉ ra một số tình trạng rối loạn.

2. Cơ bắp trẻ 8 tháng tuổi cứng lại

Khi bạn giúp con đứng thẳng, chân của bé phải chạm vào mặt đất một cách tự nhiên. Trong trường hợp cánh tay và chân trẻ vẫn nắm chặt hoặc co lại theo kiểu cuộn tròn thì đây là dấu hiệu bất thường cho thấy bạn nên đưa con đến bác sĩ để được khám cũng như điều trị kịp thời.

3. Trẻ 8 tháng tuổi không tạo ra tiếng động, âm thanh

Trẻ 8 tháng tuổi dĩ nhiên vẫn chưa thể nói, con chỉ bập bẹ được một vài từ nhưng bé vẫn có thể tạo ra những âm thanh đơn giản. Tuy nhiên, nếu như con quá im lặng và bạn hiếm khi nghe được bất kỳ âm thanh nào ở bé, điều này có thể cho thấy thiên thần nhỏ gặp vấn đề về sự chậm phát triển.

4. Trẻ 8 tháng tuổi không nhận diện được gương mặt thân quen 

Nếu thiên thần nhỏ luôn khóc quấy khi được bế dẫu cho người đó là bố mẹ hay ai đó xa lạ thì bạn hãy chú ý đến đặc điểm này vì đây có thể chỉ ra một số rối loạn thần kinh mà trẻ 8 tháng tuổi gặp phải. Những em bé gặp phải tình trạng này khi lớn lên thường khá tách biệt cũng như ít hòa đồng với mọi người xung quanh.

5. Trẻ 8 tháng tuổi có ánh nhìn khác thường

Nếu con bạn gặp khó khăn trong việc tập trung để tìm kiếm nơi nào phát ra âm thanh hoặc không thể theo dõi kịp các vật thể đang chuyển động chậm thì bố mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sample Menu for a Baby 8 to 12 Months Old https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/sample-one-day-menu-for-an-8-to-12-month-old.aspx Ngày truy cập: 14/03/2023

Feeding your baby: 6–12 months https://www.unicef.org/parenting/food-nutrition/feeding-your-baby-6-12-months Ngày truy cập: 14/03/2023

8-9 months: baby development https://raisingchildren.net.au/babies/development/development-tracker-3-12-months/8-9-months Ngày truy cập: 14/03/2023

Infant development: Milestones from 7 to 9 months https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/infant-development/art-20047086 Truy cập ngày 28/04/2022

Your baby’s growth and development – 8 months old https://www.pregnancybirthbaby.org.au/babys-growth-and-development-8-months-old Truy cập ngày 28/04/2022

Learning, Play, and Your 8- to 12-Month-Old https://kidshealth.org/en/parents/learn812m.html Truy cập ngày 28/04/2022

Your 8-Month-Old Baby’s Development https://www.verywellfamily.com/your-8-month-old-baby-development-and-milestones-4173159 ngày truy cập 02/02/2020

8-Month-Old Baby https://www.whattoexpect.com/first-year/month-by-month/month-8.aspx ngày truy cập 02/02/2020

8 Months Old Baby Developmental Milestones https://parenting.firstcry.com/articles/8-month-old-baby-milestones/  ngày truy cập 02/02/2020

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo