Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ biếng ăn là nỗi vất vả của nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là khi bé 2 tuổi. Khi bé yêu mắc chứng biếng ăn, bạn thường có xu hướng ép con ăn nhưng việc này thường không đem lại kết quả khả quan. Vậy trẻ biếng ăn phải làm sao đây?
Trẻ biếng ăn xuất phát từ khá nhiều nguyên nhân. Đôi khi chỉ đơn giản là do trẻ không thích món ăn đó hoặc do nguyên nhân tâm lý ảnh hưởng, khiến trẻ có cái nhìn tiêu cực về món ăn. Tìm hiểu ngay các biểu hiện chứng biến ăn của trẻ và giải pháp cho trẻ biếng ăn trong bài viết này nhé!
Biếng ăn ở trẻ là gì?
Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ, nhất là trong giai đoạn từ 1 – 6 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế khi tròn 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ giảm đi. Vì vậy lượng thức ăn cũng giảm. Do đó nếu chỉ căn cứ vào lượng thức ăn rất khó xác định trẻ có biếng ăn hay không.
Theo các chuyên gia, biếng ăn có thể là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do tâm lý cũng có thể do bệnh lý hoặc sinh lý. Tình trạng bé biếng ăn xảy ra khi trẻ ăn ít và không “tự nguyện”. Con sẽ chỉ ăn khi được “đốc thúc” như dỗ dành, năn nỉ, dọa nạt,…
Trẻ biếng ăn đang dần trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể khắc phục triệt để nếu phát hiện ra nguyên nhân biếng ăn.
Dấu hiệu trẻ biếng ăn
Biếng ăn là một rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là một tình trạng rất phổ biến của trẻ trong độ tuổi từ 1- 6 tuổi – đặc biệt là khi trẻ 2 tuổi. Nhiều bố mẹ thường hay ngán ngẩm, đau đầu với tình trạng trẻ 2 tuổi biếng ăn vì đây là độ tuổi trẻ hay cáu gắt, gây khó khăn cho việc nuôi dạy con và thường khiến nhiều bố mẹ “bó tay”.
Trẻ biếng ăn khi không chịu ăn hoặc ăn ít, ăn không đủ sẽ bị thiếu hụt lượng dinh dưỡng cần thiết. Vậy, thực tế thì như thế nào là trẻ biếng ăn? Trẻ biếng ăn thường có các biểu hiện sau:
- Trẻ khóc hoặc tìm cách quấy rối khi bạn dọn thức ăn ra.
- Trẻ không ăn một số loại thức ăn hoặc không ăn tất cả các loại thức ăn.
- Ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai hay nuốt.
- Ăn ít hơn so với bình thường.
- Thời gian của mỗi bữa ăn thường kéo dài.
- Mỗi bữa ăn thường sẽ kéo dài hơn 30 phút
- Thường sẽ có cảm giác buồn nôn khi mẹ dọn thức ăn ra.
- 3 tháng liên tục không tăng cân.
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Có rất nhiều lý do khiến bé biếng ăn. Trong đó, nguyên nhân biếng ăn ở trẻ phổ biến thường là:
1. Do thói quen xấu mà cha mẹ vô tình tạo ra
Những thói quen xấu do cha mẹ vô tình tạo ra cho trẻ thường là nguyên nhân dẫn đến sự biếng ăn. Ví dụ như: thời gian bữa ăn kéo dài, bạn thường chiều chuộng trẻ nên để trẻ ngậm thức ăn lâu hoặc nuốt mà không nhai.
Những điều này có thể dẫn tới việc trẻ chỉ muốn ăn thức ăn dạng lỏng, sợ nuốt và không thích ăn các loại thức ăn có dạng thô hơn cần phải nhai như: cơm, rau củ quả, thịt, cá…
2. Cho trẻ ăn không đúng lúc
Đôi khi bạn cho trẻ ăn không đúng lúc như thường bắt ép trẻ ăn vào lúc con vẫn còn no. Việc này hình thành ấn tượng xấu trong tâm trí trẻ khiến trẻ không thấy no hay thật sự đói. Cảm giác no, đói thật sự ở trẻ chỉ có khi bạn để trẻ ăn lúc chúng muốn.
Có những trường hợp khi trẻ biếng ăn, cha mẹ đâm ra chán nản dẫn đến việc ngại chế biến thức ăn cho trẻ và cho trẻ ăn thức ăn của người lớn.
3. Trẻ không tập trung, bị xao nhãng
Một vài gia đình cho phép con cái bật ti vi hoặc chơi đồ chơi khi ăn để các con được vui. Hơn thế, có những người mẹ bế con đi rong chơi khắp xóm với bát cháo trên tay.
Điều này không tốt cho trẻ vì khiến trẻ không tập trung vào việc ăn hay quên cảm giác thèm ăn. Lâu dần việc này có thể gây ra sự biếng ăn ở trẻ.
4. Trẻ không thích món ăn đó
Đây là thói quen xấu dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Việc cha mẹ thường xuyên chiều chuộng con, cho trẻ ăn đồ ăn chúng yêu thích trong một thời gian dài có thể khiến các bé kén ăn.
Để lâu dần, việc này có thể dẫn đến mất cân bằng chất dinh dưỡng do không ăn đủ chất và trẻ sẽ từ chối ăn các thức ăn giàu dưỡng chất mà trẻ không thích. Tuy nhiên, dù được ăn thức ăn yêu thích, trẻ cũng có thể biếng ăn do ăn một món quá nhiều lần khiến trẻ ngán.
5. Không khí bữa ăn căng thẳng
Một vài cha mẹ không kiên nhẫn khi cho trẻ ăn nên đôi khi sẽ quát tháo mỗi lúc trẻ không muốn ăn hay ăn chậm. Điều này có thể khiến trẻ sợ hãi, sinh ra biếng ăn.
Không như người lớn, cảm giác đói ở trẻ nhỏ thường không rõ ràng. Do đó, bạn không nên thúc ép trẻ ăn khi trẻ chưa thực sự đói. Ngoài ra, bạn không nên cho trẻ ăn riêng một mình, thay vào đó, hãy cho trẻ ăn cùng bữa ăn của gia đình. Điều này giúp trẻ ăn ngon miệng, không cảm thấy đơn độc khi ăn.
6. Trẻ biếng ăn do vấn đề sức khỏe
- Cũng như chúng ta, nếu không khỏe, trẻ cũng sẽ biếng ăn
- Trẻ mọc răng biếng ăn vì sưng nướu răng khiến việc nhai thức ăn của trẻ gặp khó khăn.
- Trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.
- Trẻ bị nhiễm bệnh do virus hay vi khuẩn. Trẻ có thể bị viêm nhiễm như viêm tai, mũi, cổ họng, mắt, đường ruột gây ra ho, sốt, mệt mỏi… dẫn đến biếng ăn.
7. Yếu tố tâm lý
- Việc cha mẹ thấy con ăn ít hơn trẻ cùng độ tuổi, nên ra sức thúc ép trẻ ăn dễ khiến trẻ sợ ăn, nảy sinh tâm lý chán ăn.
- Những vấn đề về tinh thần có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống ở trẻ nhỏ. Điều này khiến trẻ chán ăn những món tốt cho sức khỏe.
- Những trẻ biếng ăn thường có đặc điểm tính cách và hành vi khác so với những đứa trẻ khác.
- Những đứa trẻ chán ăn thường có xu hướng hay chán nản và khó vượt qua căng thẳng.
- Trẻ vẫn cố kiềm chế cảm xúc và chịu áp lực về việc tăng cân.
- Việc phải chịu đựng những cảm giác khó chịu khiến trẻ cảm thấy căng thẳng nên trẻ thường nảy sinh tâm lý chán ăn. Ví dụ như vấn đề lạm dụng tình dục, áp lực về điểm số trong học hành, thi cử…
8. Yếu tố môi trường
- Sự thay đổi hormone xảy ra ở thanh thiếu niên, đặc biệt là ở tuổi dậy thì cũng có thể khiến trẻ cảm thấy không muốn ăn. Đây gọi là chứng chán ăn ở tuổi dậy thì.
- Áp lực học hành hoặc căng thẳng trong các mối quan hệ ở trường có thể khiến trẻ chán ăn.
- Khi trẻ tập các bài tập thể dục quá sức như thể dục dụng cụ, điền kinh hoặc tham gia các trò chơi hoạt động mạnh cũng có thể khiến trẻ cảm thấy chán ăn.
- Có chuyện đau buồn như người thân trong gia đình qua đời hoặc cha mẹ ly hôn… cũng có thể khiến trẻ chán ăn.
9. Yếu tố sinh học và di truyền
- Các nhà nghiên cứu cho rằng biếng ăn thường có xu hướng di truyền.
- Trẻ được sinh ra trong những gia đình có tiền sử bị các bệnh mạn tính như: viêm khớp, viêm đại tràng, suy thận, xơ gan… có nguy cơ biếng ăn cao hơn những người khác.
Biến chứng thường gặp ở trẻ biếng ăn
Thống kê cho thấy, tỷ lệ biếng ăn xảy ra ở bé gái nhiều hơn bé trai. Trẻ biếng ăn thường bị ám ảnh về thực phẩm và cân nặng cơ thể. Tình trạng biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng về thể chất và tinh thần, chẳng hạn như:
- Chậm phát triển so với trẻ cùng tuổi
- Suy dinh dưỡng
- Rối loạn tiêu hóa
- Thiếu máu
- Giảm mật độ xương
- Mất cân bằng hormone
- Chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng
- Cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc cáu kỉnh
- Ảnh hưởng tinh thần, khó hoàn thành nhiệm vụ, bài tập được giao.
Trẻ biếng ăn phải làm thế nào? 9 giải pháp cho trẻ biếng ăn
Trẻ biếng ăn thường chậm lớn, sức đề kháng kém khiến cha mẹ lo lắng. Vậy nhà có trẻ biếng ăn phải làm sao? Đừng lo, nếu có con biếng ăn, bạn hãy tham khảo 9 bí quyết sau để kích thích sự thèm ăn của trẻ:
1. Đừng ép buộc khi bé không muốn ăn
Các biện pháp như đe dọa, trừng phạt, la mắng, thậm chí là đánh đập đều khiến tình trạng biếng ăn của bé ngày càng trầm trọng hơn.
Nếu bạn muốn tập cho bé ăn món ăn mới, hãy cho ăn vào bữa sáng. Đây là khoảng thời gian bé có cảm giác đói nhất trong ngày và có thể sẵn sàng ăn thử một món ăn mới.
Khi bé đã chịu ăn, bạn có thể chuyển món ăn vào thực đơn dành cho bữa trưa hoặc tối và chế biến món mới khác vào bữa sáng tiếp theo.
2. Tạo thực đơn với đa dạng và trình bày bắt mắt
Trong mỗi bữa ăn nên có ít nhất một món ăn mà bé thích, điều này có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ. Bạn cũng nên để con tự lựa chọn món con thích ăn miễn sao món ăn không gây hại cho trẻ là được. Ngoài ra, hãy khuyến khích con ăn tất cả các món ăn có trên bàn, dù chỉ ăn mỗi thứ một ít.
3. Cho trẻ ăn đúng giờ và ăn cùng gia đình
Đặt quy tắc cho con là không được tự tiện ăn bất cứ thứ gì nếu chưa đến cữ ăn nhẹ và bữa ăn chính. Trước khi bắt đầu bữa ăn khoảng 10–15 phút, hãy thông báo cho bé biết là đã sắp đến giờ ăn.
Hầu hết trẻ em thích bắt chước hành động của người khác. Vì vậy, bố mẹ hãy ăn uống đúng giờ, là tấm gương tốt cho bé trong việc ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Việc cả gia đình quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ giúp bé ăn ngon miệng hơn.
4. Chia nhỏ khẩu phần ăn
Trẻ biêng ăn phải làm thế nào? Nếu con biếng ăn, bạn hãy chia bữa ăn của bé ra thành nhiều phần và cho bé ăn từng chút một vào những khoảng thời gian nhất định.
5. Chọn thực phẩm lành mạnh cho bữa phụ
Bạn có thể cho bé biếng ăn ăn những thức ăn nhẹ, lành mạnh vào các bữa phụ như: sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt… nhưng không nên cho trẻ ăn gần với bữa chính.
6. Không cho trẻ uống quá nhiều trước và trong khi ăn
Việc trẻ uống quá nhiều trước và trong khi ăn sẽ khiến trẻ có cảm giác no không còn hứng thú để ăn. Do đó, bạn không nên cho trẻ uống quá nhiều trước và trong khi ăn, kể cả khi những thức uống là sữa hay nước trái cây.
Ngoài ra, bạn cần hạn chế cho con uống sữa vào giữa đêm vì sẽ gây ảnh hưởng tới bữa ăn sáng hôm sau.
7. Khuyến khích trẻ biếng ăn vào bếp cùng mẹ
Trẻ con rất thích đưa ra quyết định mình sẽ ăn gì. Bạn hãy trao đổi cùng bé bữa kế tiếp sẽ ăn món gì. Sau đó, chọn thực phẩm để có một bữa ăn cân bằng.
Hãy khuyến khích bé phụ bạn nhặt rau, rửa rau, trộn thức ăn, dọn bàn ăn cho cả nhà. Những điều này sẽ kích thích bé muốn ăn những món mà bé đã phụ nấu.
8. Đảm bảo bữa ăn đầy đủ dưỡng chất
Con biếng ăn phải làm thế nào? Một trong những điều bạn phải đảm bảo là thức ăn mà con bạn ăn phải đầy đủ dưỡng chất. Các vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống cũng có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Ví dụ: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, kẽm có thể giúp kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Những thực phẩm có chứa kẽm là thịt bò, thịt gà, cá và nhiều loại rau có màu xanh đậm.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau để kích thích sự thèm ăn của trẻ:
- Không cho bé dùng điện thoại, đồ chơi, đọc sách/đọc truyện tranh, xem tivi hay dùng các thiết bị công nghệ khác trong khi ăn.
- Tuyệt đối không dùng thức ăn làm phần thưởng nhằm tránh nảy sinh tâm lý vì được thưởng nên ăn chứ không phải vì bé thích món ăn đó hay món đó tốt cho sức khỏe.
9. Cho trẻ vận động đầy đủ
Việc trẻ ít vận động cũng có thể khiến trẻ biếng ăn. Bạn nên khuyến khích bé yêu vận động hàng ngày. Nếu có thể, hãy dành thời gian vận động cùng con. Bạn có thể đi bộ, nhảy dây, chơi đuổi bắt, đá banh… cùng con.
Việc vận động khiến bé tiêu hao nhiều năng lượng nên bé sẽ có cảm giác đói, ăn ngon hơn và có sức khỏe tốt hơn.
Nếu bé còn nhỏ, bạn hãy massage cho bé. Điều này giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, góp phần hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa giúp trẻ khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.
Bạn có thể tham khảo bài viết “Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 đến 11 tuổi” để biết con bạn cần bao nhiêu calo và lượng thức ăn mà con phải tiêu thụ/ngày là bao nhiêu.
Những câu hỏi thường gặp về chứng biếng ăn ở trẻ
1. Nên làm gì khi trẻ biếng ăn chỉ thích ăn bánh kẹo?
Đừng áp đặt định kiến cho con theo kiểu ăn bánh kẹo, snack hay thức ăn nhanh là xấu, ăn rau, trái cây là tốt. Điều quan trọng là bạn nên nói để con hiểu việc ăn các thực phẩm là để cơ thể có đầy đủ dưỡng chất. Các thực phẩm mà bé nên ăn là trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thịt, cá, các loại đậu…
Con có thể ăn khoai tây chiên, snack, bánh kẹo… vào những dịp đặc biệt như đi xem phim hay sinh nhật.
2. Có cần dùng thuốc bổ cho trẻ biếng ăn?
Các vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể hoạt động tốt. Các loại thuốc bổ dành cho trẻ chán ăn có bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.
Song nếu bạn đang thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng cho bé thì không cần thiết phải bổ sung thêm vitamin. Và việc cho trẻ biếng ăn dùng thuốc bổ cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ cung cấp thêm thông tin bổ ích cho cẩm nang nuôi con của gia đình bạn, giúp bạn có những giải pháp phù hợp cho trẻ biếng ăn.
[embed-health-tool-vaccination-tool]