backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tăng cường miễn dịch - Giải pháp “vàng” giúp trẻ giảm ốm vặt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm · Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    Tăng cường miễn dịch - Giải pháp “vàng” giúp trẻ giảm ốm vặt

    Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một trong những đối tượng rất dễ bị ốm do hệ miễn dịch vẫn còn đang phát triển [1]. Do đó, việc giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch trong những năm tháng đầu đời là điều rất quan trọng. Nếu được chăm sóc tốt, đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển khỏe mạnh và vượt bậc của bé trong tương lai.

    Trẻ nhỏ hay ốm vặt: Liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển?

    Ốm vặt là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ, trong đó, cảm lạnh thông thường là một trong những bệnh lý khá phổ biến. Theo thống kê, trong năm đầu tiên sau sinh, phần lớn các bé có thể bị cảm từ 6 – 8 lần với các biểu hiện như nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt, hắt hơi… [2].

    Một trong những yếu tố khiến trẻ có nguy cơ cảm lạnh cao là do hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa đủ trưởng thành [2]. Khi mới sinh, trẻ sẽ nhận được sự bảo vệ từ mẹ thông qua các kháng thể được truyền qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ, đồng thời các lợi khuẩn và kháng thể của mẹ vẫn sẽ tiếp tục được truyền sang cho trẻ trong quá trình sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch này thường không kéo dài được lâu và sẽ biến mất trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng sau sinh. Bé sẽ phải học cách thích nghi và tự tạo ra kháng thể, nhưng khả năng này không mạnh như ở người trưởng thành và còn cần thời gian để hoàn thiện [3].

    Bên cạnh đó, trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé đang bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài như bé đi học, đi chơi có thể dễ dàng tiếp xúc với rất nhiều mầm bệnh khác nhau mà bé chưa từng tiếp xúc trước đây. Ở nhà trẻ, mầm bệnh cũng sẽ dễ lây lan hơn do các bé chưa ý thức được việc che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, đường hô hấp trên của trẻ cũng chưa phát triển hoàn thiện. Điều này cũng khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm virus và vi khuẩn thường xuyên hơn. [1].

    Tất cả những điều này trẻ nhỏ có tần suất mắc bệnh nhiều hơn người lớn và do đó, khi chăm sóc con, mẹ sẽ cần chú ý thực hiện các biện pháp giúp bé tăng cường hệ miễn dịch [3]. Bởi, điều này không chỉ giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ ốm vặt mà còn góp phần hỗ trợ sự phát triển trí não. Nguyên nhân là bởi những năm đầu đời là giai đoạn đặc trưng bởi sự phát triển nhanh chóng của não bộ cũng như việc hình thành khả năng nhận thức ở trẻ [4]. Nếu trẻ hay bị bệnh, khả năng hấp thu dinh dưỡng sẽ giảm và từ đó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

    Làm thế nào để giảm tình trạng ốm vặt ở trẻ?

    tăng cường miễn dịch

    Cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học

    Để con phát triển khỏe mạnh, thông minh, mẹ sẽ cần cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng tốt ngay từ những ngày tháng đầu đời. Việc trẻ có một chế độ dinh dưỡng tốt trong những năm đầu đời sẽ giúp tăng sức mạnh của hệ miễn dịch [5]. Qua đó, giúp ngăn ngừa và cải thiện kết quả điều trị của nhiều bệnh lý khác nhau ở trẻ nhỏ [6].

    Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục làm quen dần với các loại thực phẩm phù hợp sau 6 tháng và có thể bú đến tận 2 tuổi hoặc lâu hơn [7]. Bởi sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không chỉ cung cấp đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu của bé mà còn giúp bé xây dựng hệ miễn dịch thông qua các thành phần như:

    • HMO (Human Milk Oligosaccharides): Dưỡng chất giúp điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa sự bám dính của mầm bệnh, phát triển hàng rào biểu mô ruột và phát triển hệ miễn dịch [8], [9]. 5 HMO có hàm lượng nhiều nhất trong sữa mẹ là 2’-FL, 3-FL, LNT, 3’-SL và 6’-SL. Trong đó, 2’-FL là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ đến 66% [10].
    • Nucleotides: Hợp chất được chứng minh giúp giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine HIB. [11]
    • Lợi khuẩn: Sữa mẹ được xem là nguồn cung cấp lợi khuẩn ổn định, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột. Bifidobacteria được công nhận là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, giúp trẻ cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [12].

    Đặc biệt, bên cạnh các dưỡng chất cần thiết cho việc tăng cường sản xuất kháng thể, cải thiện tiêu hoá và miễn dịch, sữa mẹ còn có các dưỡng chất giúp hỗ trợ phát triển trí não. Chẳng hạn như gangliosides – thành phần quan trọng hình thành nên màng tế bào thần kinh [13]. Việc cung cấp đầy đủ gangliosides không chỉ giúp hỗ trợ kết nối thần kinh nhanh hơn mà còn chứng minh giúp tăng chỉ số IQ gần 5 điểm lúc 6 tháng tuổi [14]. Cùng với đó, sữa mẹ còn có chứa bộ 3 dưỡng chất vàng cho sự phát triển trí não của trẻ là DHA, lutein và vitamin E tự nhiên [15], [16], [17].

    Trong trường hợp không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho bé.

    Đối với những trẻ ở giai đoạn tập ăn dặm, mẹ cần cho bé ăn các thực phẩm tươi để giúp bé có hệ miễn dịch khỏe mạnh [3]. Cụ thể, mẹ có thể hỏi ý kiến và hướng dẫn từ chuyên gia khi cho bé ăn các loại rau củ, trái cây nghiền ở giai đoạn bắt đầu tập ăn dặm. Đồng thời, cần duy trì việc cho bé bú [18] để bé có thể tiếp tục nhận các thành phần giúp tăng cường hệ miễn dịch từ sữa mẹ như HMO, lợi khuẩn, nucleotides.

    Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh

    Ngủ đủ giấc là một trong những biện pháp tốt giúp bé phòng ngừa ốm vặt. Khi ngủ cơ thể không chỉ hồi phục năng lượng tốt hơn mà còn gia tăng khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Song song với đó, mẹ nên thường xuyên cho trẻ vui chơi và tham gia các hoạt động ngoài trời. Việc vận động hợp lý, vừa phải sẽ giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh để chống lại bệnh tật [19]. Với các bé dưới 1 tuổi, mẹ có thể cho bé tập nằm sấp khoảng 30 phút mỗi ngày và chia đều khoảng thời gian này trong ngày. Với các bé từ 1 đến 5 tuổi, mẹ nên cho bé vui chơi, vận động ít nhất 3 giờ mỗi ngày [20].

    Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh

    Bên cạnh tăng cường đề kháng thì việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mầm bệnh cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ hoặc người thân trực tiếp chăm sóc cần thường xuyên rửa tay mỗi khi tiếp xúc với bé, chú ý tiệt trùng và vệ sinh kỹ những dụng cụ pha sữa [21]. Đối với trẻ lớn hơn, bố mẹ cũng nên hướng dẫn những thao tác giúp bé tự giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên, hạn chế chạm tay lên mặt… [19]

    Tiêm phòng vaccine cho con theo khuyến nghị

    Mặc dù các biện pháp dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh có thể giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyến nghị bố mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine. Bởi đây chính là cách hiệu quả và an toàn để giúp bé chống lại các bệnh lý nghiêm trọng [3].

    Việc tăng cường hệ miễn dịch cho bé trong những năm tháng đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Do đó, nếu bố mẹ chú tâm thực hiện, đây chính là “chìa khóa” giúp bé có một nền tảng sức khỏe vững chắc cho những bước phát triển vượt bậc trong tương lai.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

    Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


    Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo