backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng - Bạn đã hiểu đúng về suy dinh dưỡng ở trẻ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng - Bạn đã hiểu đúng về suy dinh dưỡng ở trẻ?

    Suy dinh dưỡng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng trẻ em luôn là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Vì vậy, nhiều cha mẹ nuôi con nhỏ không tránh khỏi lo lắng trẻ có đang phát triển bình thường hay không? Nếu trẻ đang gặp các vấn đề tăng trưởng thì dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng là gì?

    Thực chất, có nhiều dạng suy dinh dưỡng khác nhau, không phải lúc nào cũng liên quan đến tình trạng nghèo đói và thiếu chất. Vì vậy, bạn cần tham khảo những thông tin sau đây để hiểu đúng về suy dinh dưỡng, cách nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng nhằm đưa con đi khám kịp thời.

    Suy dinh dưỡng là gì? Các dạng suy dinh dưỡng khác nhau

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu nhập dưỡng chất không đầy đủ trong thời gian dài. Các dạng suy dinh dưỡng gồm nhẹ cân , suy dinh dưỡng cấp (thể gầy còm) và suy dinh dưỡng mạn (thể thấp còi). 

    • Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Đây là tình trạng mà trẻ nhẹ cân so với chiều cao. Trẻ gầy còm thường do không có đủ thức ăn để ăn hoặc do mắc bệnh truyền nhiễm khiến trẻ sụt cân nghiêm trọng.
    • Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Đây là tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính dùng để chỉ những trẻ quá thấp so với tuổi. Thấp còi xảy ra khi trẻ không hấp thu các chất dinh dưỡng đa dạng, bệnh tật thường xuyên hoặc không được chăm sóc đúng cách trong giai đoạn đầu đời.
    • Nhẹ cân: Đây là tình trạng trẻ nhẹ cân so với tuổi. Trẻ nhẹ cân có thể gầy còm, thấp còi hoặc cả hai.

    Hậu quả của suy dinh dưỡng lẫn béo phì

    dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng

    Thiếu vi chất là hậu quả của suy dinh dưỡng trong quá trình cân bằng các dưỡng chất của bữa ăn. Trong đó, tình trạng thiếu sắt, i ốt, folate, vitamin A và kẽm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ nên thường được quan tâm nhiều nhất. 

    Thừa cân, béo phì

    Thừa cân, béo phì là tình trạng mà một người quá nặng so với chiều cao. Đây là kết quả của sự mất cân bằng giữa tiêu thụ (quá nhiều) và tiêu hao (quá ít) năng lượng. Đôi khi, bạn không thể nhận biết các dấu hiệu trẻ thừa cân béo phì thiếu vi chất qua vẻ bề ngoài. Bởi vì trẻ thừa cân vẫn có thể bị thiếu chất, mất cân bằng chất dinh dưỡng do chế độ ăn uống không lành mạnh.

    Một ví dụ khá thường gặp là các trẻ ba mẹ cho uống quá nhiều sữa tươi, nhiều hơn 5-7 bịch/ngày mà lượng thức ăn ăn vào hàng ngày không nhiều. Thế nhưng trẻ vẫn tăng cân, thậm chí có thể thừa cân béo phì, thường xảy ra ở độ tuổi 1-6 tuổi. Tuy nhiên, ở các trẻ này vì sữa tươi không có chất sắt nên trẻ không có sắt làm nguyên liệu tạo máu, dẫn đến thiếu máu, cần phải truyền máu, thậm chí tử vong nếu không phát hiện kịp thời. Vì vậy có thể nói thiếu vi chất là chất sắt ở trẻ thừa cân béo phì uống sữa tươi quá tiêu chuẩn hàng ngày mà không ăn đủ các thực phẩm khác.

    Hơn nữa, trẻ thừa cân béo phì cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm, chẳng hạn như bệnh tim, đái tháo đường, cao huyết áp… trong tương lai. Nói cách khác, chế độ dinh dưỡng kém và ăn uống không lành mạnh chính là các yếu tố nguy cơ hàng đầu của những căn bệnh kể trên.

    Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng

    dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng

    Nhìn chung, dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng được biết đến nhiều nhất là vẻ ngoài của trẻ thấp bé, nhẹ cân so với tuổi. Tuy nhiên, sự thật là tình trạng rối loạn dinh dưỡng còn có thể ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Sau đây là chi tiết các dấu hiệu nhận biết bạn cần quan tâm. Trong đó, trẻ suy dinh dưỡng thường:

    • Mệt mỏi, chóng mặt
    • Thiếu năng lượng, ít vận động, kém hoạt bát
    • Sụt cân hoặc tăng cân chậm trong 2 – 3 tháng
    • Chậm tăng trưởng về chiều cao trong 2 – 3 tháng
    • Chậm mọc răng, chậm biết đi
    • Trẻ ăn ít, không quan tâm đến thức ăn
    • Chức năng miễn dịch suy giảm, trẻ dễ mắc bệnh hơn
    • Bụng phình to
    • Sưng chân
    • Da nhợt nhạt, khô, thiếu độ đàn hồi, dễ bầm tím
    • Yếu cơ, đau nhức khớp
    • Thịt nhão, không săn chắc
    • Các vấn đề răng miệng như chảy máu nướu răng, sưng nướu, sâu răng, sưng lưỡi…
    • Tóc thưa, mỏng, dễ rụng
    • Loãng xương dễ gãy
    • Trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa thường xuyên
    • Khó giữ ấm, dễ cảm thấy lạnh
    • Thiếu vitamin A trong chế độ ăn có thể gây quáng gà, nhạy cảm với ánh sáng, khô giác mạc đến loét giác mạc (rất hiếm xảy ra)
    • Thay đổi cảm xúc, hành vi chẳng hạn như dễ cáu kỉnh, lo lắng
    • Phối hợp kém, phản xạ kém, kém tập trung ảnh hưởng đến khả năng học tập.

    Bên cạnh những dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng phổ biến kể trên, bạn cũng nên chú ý đến một số vấn đề khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

    • Trẻ suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A trầm trọng có thể dẫn đến mù lòa (nhưng phòng ngừa được), nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hoặc thậm chí là tử vong.
    • Trẻ thiếu i ốt có thể chậm phát triển về trí tuệ, tăng nguy cơ bướu cổ.
    • Trẻ thiếu sắt có thể chậm phát triển, kém tập trung và kém năng động.

    >>> Có thể bạn quan tâm: Trẻ bị thiếu vitamin A gây ra bệnh gì? Triệu chứng bố mẹ cần biết

    Chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ

    dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng

    Nếu phát hiện các dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng, bạn nên đưa con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng dựa trên nguyên nhân cụ thể. Khi đi khám, bác sĩ có thể:

    • Đo chiều cao, cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI) để xem các con số này có nằm trong giới hạn khỏe mạnh theo độ tuổi của trẻ hay không
    • Kiểm tra các tình trạng sức khỏe cơ bản có thể gây suy dinh dưỡng
    • Đề xuất xét nghiệm máu để kiểm tra sự thiếu hụt dinh dưỡng
    • Đề xuất các xét nghiệm bổ sung dựa trên bệnh sử và kết quả kiểm tra sức khỏe.

    Tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ suy dinh dưỡng ở mức nhẹ hoặc trong thời gian ngắn thì vẫn có thể cải thiện thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi điều trị, bác sĩ có thể đề xuất thay đổi loại thực phẩm hoặc số lượng thực phẩm mà trẻ ăn. Đồng thời, bác sĩ có thể kê đơn thực phẩm chức năng như vitamin hoặc khoáng chất mà trẻ cần bổ sung nếu cần thiết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo