Mụn trứng cá tuổi dậy thì cũng là nỗi lo thường gặp của trẻ tuổi teen. Mụn trứng cá là điều rất bình thường trong quá phát triển thể chất và có thể dễ dàng điều trị bằng các loại kem bôi. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, bạn nên đưa trẻ đi khám và điều trị mụn tuổi dậy thì theo toa thuốc bác sĩ để ngăn ngừa sẹo.
Các vấn đề về giấc ngủ
Việc ngủ đủ giấc ở tuổi dậy thì là điều cực kỳ quan trọng để trẻ tăng trưởng và phát triển tối ưu. Thế nhưng, ở giai đoạn này, trẻ lại trải qua nhiều thay đổi về chu kỳ giấc ngủ, trẻ có xu hướng thức khuya và ngủ dậy muộn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung, kết quả học tập, tâm trạng, cân nặng và thậm chí là hệ miễn dịch (trẻ dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng hơn).
Thói quen sử dụng điện thoại, máy tính bảng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Khuyến khích trẻ không dùng điện thoại, máy tính ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Ngoài ra, nhắc nhở trẻ đi ngủ đúng giờ và duy trì các thói quen trước khi đi ngủ như tắm hoặc nghe nhạc hay đọc sách. Hãy nhớ một giấc ngủ ngon không chỉ giúp trẻ tỉnh táo, tập trung vào ngày hôm sau mà tốt cho sức khỏe tuổi dậy thì, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tối ưu.
Tập luyện và dinh dưỡng tuổi dậy thì

Sự thay đổi ở tuổi dậy thì có thể dẫn đến các vấn đề về ăn uống và việc tập luyện thể thao. Trẻ có thể xuất hiện những thói quen ăn uống và tập luyện không lành mạnh, chẳng hạn bất ngờ muốn ăn kiêng, ăn chay trường hoặc tập thể dục quá sức do ảnh hưởng từ việc cảm thấy tự ti về cơ thể. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao cũng như sức khỏe tuổi dậy thì, đồng thời, trẻ cũng có nguy cơ thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như sắt và canxi.
Ngoài ra, do thay đổi về tâm lý, trẻ tuổi teen cũng có xu hướng ăn các món nhiều đường, ít chất béo như bánh ngọt, thức ăn nhanh và ít vận động. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng cân và béo phì.
Hình ảnh cơ thể – Mối quan tâm hàng đầu của trẻ ở tuổi dậy thì
Đến tuổi dậy thì, sự thay đổi về lượng mỡ, khối lượng cơ và chiều cao có thể ảnh hưởng đến cách nhìn của trẻ về bản thân. Trẻ có thể cảm thấy tự ti đôi chút nhưng bạn cần cẩn thận nếu tình trạng này có xu hướng trở nên nghiêm trọng. Chẳng hạn nhưu việc trẻ thường xuyên so sánh bản thân với bạn bè hoặc những thần tượng, người nổi tiếng trên tivi, mạng xã hội rồi tự tạo áp lực cho mình.
Để giúp con vượt qua giai đoạn này, bạn nên nói chuyện với trẻ thường xuyên, đồng thời giúp trẻ nhìn tích cực hơn về bản thân bằng cách nêu bật những điểm tích cực và điểm mạnh của trẻ. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên bỏ qua những mối quan tâm thực sự của trẻ về sức khỏe tuổi dậy thì, chẳng hạn như vấn đề cân nặng, chiều cao, sự phát triển của vòng 1 hay “cây đèn dầu” để có cách can thiệp kịp thời.
Ở tuổi dậy thì, cha mẹ đóng vai trò là người hướng dẫn để giúp trẻ hiểu hơn về những thay đổi cơ thể cũng như biết cách xử lý phù hợp nhất. Ngoài ra, trong giai đoạn dậy thì, nếu thấy nghi ngờ về bất cứ điều gì bạn cũng nên đưa trẻ đi khám. Mỗi trẻ là một cá thể độc lập, bạn cần giúp trẻ hiểu điều này và chấp nhận bản thân theo hướng tích cực nhất.