4 nguyên nhân hàng đầu gây chướng bụng ở trẻ nhỏ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 10/12/2019

    4 nguyên nhân hàng đầu gây chướng bụng ở trẻ nhỏ
    Quảng cáo

    Tình trạng chướng bụng ở trẻ thường làm cho các bậc phụ huynh lo lắng, nhất là khi bạn không biết được nguyên nhân của nó là gì, trong khi các bé lại chưa biết cách diễn đạt chính xác vấn đề đang gặp phải.

    Dù căng chướng dạ dày thường không phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, bố mẹ cũng nên chú ý đến những triệu chứng đi kèm khác ở con mình. Điều này giúp bạn xác định liệu có nên đưa bé đi khám ​​bác sĩ ngay hay điều trị tại nhà? Bài viết sau sẽ giúp bố mẹ giải đáp thắc mắc này.

    1. Táo bón

    Táo bón là một tình trạng gây khó chịu nhưng thường không nghiêm trọng mà mọi người đều phải đối mặt theo thời gian. Nếu bé bị táo bón, dạ dày sẽ chướng lên và sờ vào bụng cảm giác thấy hơi cứng. Cách tốt nhất để xác định xem con có bị táo bón hay không là lưu ý tới số lần và thời gian bé đi ngoài. Nếu bé đi ngoài ít hơn bình thường và khó khăn, con có thể đang bị táo bón.

    Đôi khi những thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp giải quyết vấn đề táo bón, nhưng tốt nhất, mẹ hãy cho bé đi khám bác sĩ nếu lo lắng hoặc tình trạng bé không cải thiện.

    2. Viêm ruột thừa

    Viêm ruột thừa có thể gây ra tình trạng căng chướng ở vùng bụng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Ngoài chướng bụng, viêm ruột thừa có thể gây sốt, buồn nôn và đau quanh hố chậu phải (phần bụng bên phải dưới rốn). Nếu bạn nghi ngờ con bị viêm ruột thừa, hãy đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.

    Nếu tình trạng viêm không được điều trị, ruột thừa có thể vỡ, gây viêm phúc mạc và đe dọa đến tính mạng. Biện pháp điều trị viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.

    3. Giardia

    Giardia là một loại ký sinh trùng đường ruột và thường lây nhiễm từ bé này đến bé khác trong các nhà trẻ có điều kiện vệ sinh kém. Ký sinh trùng này khiến bé bị chướng bụng, tiêu chảy, đau dạ dày và buồn nôn. Mặc dù nhiễm giardia có thể được điều trị dễ dàng bằng thuốc, nhưng bạn vẫn phải dạy cho con vệ sinh đúng cách để giảm nguy cơ mắc bệnh.

    Bạn cũng nên quan sát vấn đề vệ sinh ở cơ sở giữ trẻ để chắc chắn rằng họ đang làm đúng mọi thứ có thể để ngăn ngừa sự lây lan của ký sinh trùng.

    4. Bệnh Celiac (không dung nạp gluten)

    Hệ tiêu hóa của người mắc bệnh Celiac không thể dung nạp gluten. Đây là chất được tìm thấy trong nhiều thực như bánh mì, các loại bột, lúa mạch, lúa mì, mì ống… Tình trạng không dung nạp gluten làm cho bé bị chướng bụng, tiêu chảy và phát ban.

    Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp chữa bệnh Celiac nhưng bố mẹ vẫn có thể kiểm soát bệnh ở con bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh ăn phải thức ăn chứa gluten. Sự thay đổi chế độ dinh dưỡng này rất quan trọng vì bệnh Celiac không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng kém phát triển, còi cọc ở trẻ em.

    Khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ?

    Điều quan trọng là bố mẹ phải chú ý đến những triệu chứng khi con bị chướng bụng. Nếu bé bị sốt, đau bụng hoặc phát ban kèm theo chướng bụng, bạn nên tham vấn bác sĩ nhi khoa ngay. Ngoài ra, tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước, vì vậy điều quan trọng là bố mẹ phải theo dõi lượng chất lỏng bé uống vào và liên hệ với bác sĩ ngay nếu bé đi vệ sinh nhiều.

    Chướng bụng ở bé đôi khi còn liên quan đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Bố mẹ cần quan sát từng triệu chứng nhỏ nhất ở con để có biện pháp điều trị kịp thời nhé!

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 10/12/2019

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo