Bé sinh thiếu tháng có nhiều nguy cơ gặp một số biến chứng về sức khỏe, khiến việc chăm sóc con có phần khó khăn hơn. Thế nên nếu có đầy đủ kiến thức về cách cho bé ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ và phòng bệnh thì việc chăm sóc trẻ sinh non tại nhà sẽ không còn là cuộc chiến.
Việc chăm sóc trẻ sinh non tại nhà đòi hỏi ba mẹ tìm hiểu thêm nhiều kiến thức để bảo vệ sức khỏe còn non nớt của bé. Tuy nhiên, thiên thần nhỏ sẽ phát triển nhanh chóng với thể chất khỏe mạnh và trí não thông minh không thua gì bé đủ tháng nếu được quan tâm đúng cách.
Trẻ sinh non có thể gặp phải những biến chứng gì?
Trước khi đi tìm hiểu các cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà để con phát triển khỏe mạnh, thông minh, bắt kịp tốc độ phát triển của các trẻ khác, hãy cùng tìm hiểu về các nguy cơ mà trẻ sinh non có thể gặp phải.
Bé sinh thiếu tháng có thể gặp một số vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Nhìn chung, trẻ sinh càng sớm và càng nhẹ cân thì nguy cơ biến chứng càng cao.
1. Biến chứng ngắn hạn
Các biến chứng ngắn hạn có thể gặp ở trẻ sinh non là:
- Vấn đề về hô hấp: Phổi của trẻ sinh non chưa phát triển hoàn thiện nên có thể dẫn đến tình trạng bé không hít đủ không khí. Đây gọi là hội chứng suy hô hấp ở trẻ và có thể điều trị được. Bên cạnh đó, tình trạng ngừng thở cũng khá phổ biến ở trẻ sinh non nhưng thường dần cải thiện. Một số trẻ có thể gặp chứng rối loạn phổi hay tên ít phổ biến hơn là loạn sản phế quản phổi và sẽ cần bổ sung oxy trong vài tuần hoặc vài tháng.
- Vấn đề về tim mạch: Trẻ sinh non có thể mắc phải một số vấn đề về tim thường thấy như còn ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp.
- Còn ống động mạch là tình trạng ống động mạch không tự đóng. Ống động mạch là ống thông giữa hai mạch máu quan trọng là động mạch chủ và động mạch phổi và thường sẽ tự đóng lại một thời gian sau sinh. Nếu ống này không đóng, lượng máu chảy đến phổi và tim của trẻ sẽ quá nhiều, từ đó dẫn đến các tình trạng như tăng huyết áp phổi hay tim phì đại, suy yếu.
- Huyết áp thấp là tình trạng tim không thể bơm máu hiệu quả như bình thường. Chứng này có thể điều trị bằng cách truyền dịch qua tĩnh mạch, dùng thuốc và đôi khi là truyền máu.
- Vấn đề về não: Trẻ sinh càng non tháng thì nguy cơ xuất huyết não càng cao. Hầu hết các trường hợp xuất huyết não đều nhẹ và tự khỏi mà không gây ảnh hưởng nào trong ngắn hạn. Thế nhưng, một số bé bị xuất huyết não nghiêm trọng hơn có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.
- Vấn đề về kiểm soát nhiệt độ cơ thể: Trẻ sinh non có thể bị hạ thân nhiệt nhanh chóng vì cơ thể không có mỡ dự trữ như trẻ sơ sinh đủ tháng. Ngoài ra, bé sinh thiếu tháng cũng không thể tạo đủ thân nhiệt để bù lại lượng nhiệt đã mất qua bề mặt cơ thể. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và lượng đường trong máu thấp. Vậy nên, một số trẻ sinh non quá bé sẽ cần thêm máy sưởi hoặc lồng ấp để đảm bảo thân nhiệt trong thời gian đầu.
- Vấn đề về tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của trẻ sinh non thường chưa phát triển đầy đủ nên có thể dẫn đến các vấn đề như viêm ruột hoại tử (NEC). Đây là tình trạng các tế bào lót của thành ruột bị tổn thương. Vấn đề này có thể xảy ra ở trẻ sinh non sau khi bé bắt đầu bú nhưng nguy cơ ở bé chỉ bú sữa mẹ thấp hơn nhiều.
- Vấn đề về máu: Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da sơ sinh.
- Thiếu máu là tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu. Mọi trẻ sơ sinh đều có số lượng hồng cầu giảm chậm trong những tháng đầu đời nhưng mức giảm đó có thể lớn hơn ở trẻ sinh non.
- Vàng da là tình trạng da và mắt của bé có màu vàng do máu của trẻ chứa quá nhiều bilirubin, một chất màu vàng từ gan hoặc hồng cầu.
- Vấn đề về chuyển hóa: Trẻ sinh non thường có lượng đường trong máu dự trữ ít hơn so với trẻ sinh đủ tháng, từ đó khiến lượng đường huyết của bé thấp và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa. Bé sinh thiếu tháng cũng có thể khó khăn hơn trong việc chuyển lượng đường dự trữ thành đường trong máu để cơ thể có thể sử dụng được và hoạt động.
- Vấn đề về hệ thống miễn dịch: Hệ thống miễn dịch của trẻ sinh non chưa phát triển đầy đủ nên bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tình trạng nhiễm trùng ở trẻ sinh non có thể lan vào máu nhanh chóng và gây ra nhiễm trùng huyết, một bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
2. Biến chứng lâu dài
Trẻ sinh non có thể mắc phải một số biến chứng lâu dài như sau:
- Bại não: Bé sinh non bị nhiễm trùng hoặc có lưu lượng máu kém có thể gặp tình trạng bại não, một nhóm rối loạn này có thể dẫn đến các vấn đề về vận động, trương lực cơ hoặc tư thế tự nhiên của cơ thể. Chứng rối loạn này cũng có thể do bé bị chấn thương não trong giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc trong những tháng đầu đời.
- Khó khăn trong học tập: Mốc phát triển của trẻ sinh non có thể sẽ chậm hơn trẻ đủ tháng. Ở độ tuổi đi học, bé sinh thiếu tháng cũng có nguy cơ bị khuyết tật học tập cao hơn.
- Vấn đề về thị lực: Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là bệnh về mắt mà bé sinh thiếu tháng thường gặp và có thể ảnh hưởng tới thị lực hoặc thậm chí gây mù lòa nếu không chữa trị sớm. Đây là tình trạng các mạch máu ở mô cảm nhận ánh sáng ở phía sau mắt hay còn gọi là võng mạc bị sưng lên và phát triển quá mức. Đôi khi các mạch máu phát triển quá mức này khiến võng mạc ra khỏi vị trí.
- Vấn đề về thính giác: Trẻ sinh non có nguy cơ mất thính lực một phần cao hơn bé sinh đủ tháng.
- Vấn đề về răng miệng: Trẻ sinh non có thể có nguy cơ mắc các vấn đề về men răng cao hơn. Bên cạnh đó, răng của bé cũng có thể chậm phát triển răng hơn những trẻ đủ tháng.
- Vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm thần: Trẻ sinh non có nhiều nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn cũng như chậm phát triển về khía cạnh này hơn các bé đủ tháng.
- Vấn đề sức khỏe mạn tính: Trẻ sinh non có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính như hen suyễn và các vấn đề về ăn uống.
Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà đúng cách: Cần chú ý những gì?
Việc chăm sóc trẻ sinh non đúng cách tại nhà là rất quan trọng để đảm bảo bé phát triển tốt và có sức khỏe ổn định. Do đó, cha mẹ hãy thực hiện các lưu ý sau:
1. Chăm sóc trẻ sinh non bằng liệu pháp da kề da
Việc tiếp xúc da kề da với bé có thể giúp sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái thêm bền chặt, hỗ trợ việc bú mẹ được dễ dàng hơn và cải thiện sức khỏe của trẻ sinh non.
Bạn có thể cùng bé tận hưởng khoảng thời gian riêng tư này bằng cách điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho dễ chịu, chỉ cho bé mặc tã rồi đặt bé lên ngực bạn và nghiêng đầu bé sang một bên để tai bé áp vào tim bạn.
2. Theo dõi các chỉ số của trẻ như nhịp thở, thân nhiệt…
Trẻ sinh non thường chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên có thể dễ bị bệnh hơn những bé khác. Vậy nên, ba mẹ cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe của con qua nhịp thở, màu sắc da, phản ứng, thân nhiệt… Điều này giúp kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường và đưa bé đi khám sớm.
3. Cho trẻ sinh non bú
Sữa mẹ là tốt nhất cho bé vì có thể hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Đối với trẻ sinh non, bạn có thể sẽ phải cho bé bú từ 8 đến 12 lần một ngày vì bé thiếu tháng cần bú rất thường xuyên. Nếu trẻ không thể bú mẹ trực tiếp, bác sĩ có thể gợi ý dùng ống thông, ống tiêm hoặc bình sữa để cho bé ăn.
4. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sinh non
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ ngủ từ 16 đến 18 giờ một ngày và trẻ sinh non có thể ngủ nhiều hơn. Khi bé ngủ, bạn nên đặt con ở tư thế nằm ngửa trong cũi hay nôi riêng và không nên có đồ chơi hay các vật dụng khác xung quanh.
5. Tắm và thay tã cho trẻ sinh non
Tắm cho trẻ sinh non
Làn da của bé còn rất mỏng manh nên ba mẹ cần lưu ý dùng nước sạch và sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn loại xà phòng an toàn cho bé nếu cần. Ngoài ra, nhiệt độ của nước cũng cần ấm vừa phải. Nếu không có nhiệt kế đo nước tắm, bạn có thể kiểm tra nhiệt độ nước tắm bằng cách nhúng khuỷu tay vào chậu nước sau khi đã khuấy đều.
Ba mẹ cũng cần chú ý giữ ấm cho bé trong khi tắm bằng cách giữ phòng tắm của bé ấm áp và không có gió lùa. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị khăn khô để lau cho bé ngay khi vừa tắm xong.
Thay tã cho trẻ sinh non
Để hạn chế hăm tã, bạn cần giữ cho bé luôn sạch sẽ và khô ráo. Khi thay tã, bạn có thể dùng nước và bông gòn để lau rửa cho bé. Sau khi lau rửa, bạn có thể nhẹ nhàng thấm khô cho bé hoặc chờ một lúc để da bé khô rồi mới mặc tã. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bôi thêm thuốc mỡ chống hăm tã cho bé nếu bác sĩ cho phép.
6. Tiêm phòng cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non rất cần được tiêm vắc xin vì hệ miễn dịch bé còn yếu nên ba mẹ cần chú ý cho bé tiêm vắc xin theo khuyến cáo của bác sĩ. Thông thường, vắc xin đầu tiên mà bé được chủng ngừa sẽ là viêm gan siêu vi B và lao (BCG).
- Trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh trên 2000 gram sẽ được tiêm phòng trước khi xuất viện.
- Trẻ nhỏ hơn 2000 gram sẽ được tiêm phòng BCG khi đã đạt cân nặng trên 2000 gram.
- Nếu trẻ sinh non có cân nặng từ 1000 – 2000 gram và mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B, bác sĩ có thể cho trẻ tiêm ngừa bệnh này sớm sau sinh.
Bên cạnh đó, bé cũng cần tiêm các vắc xin khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, phế cầu… theo lịch thông thường dựa trên tháng tuổi, cân nặng và tình trạng sức khỏe thực tế của bé. Ngoài ra, tất cả các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần với bé nên tiêm vắc xin ho gà và cúm theo mùa.
7. Massage cho trẻ sinh non
Massage không chỉ giúp bé thư giãn mà còn là khoảng thời gian để ba mẹ kết nối cùng con. Để bạn và bé đều có trải nghiệm massage thoải mái, hãy tham khảo một số lưu ý sau:
- Một số thời điểm phù hợp để massage cho bé là vào buổi sáng, sau khi tắm hoặc trước khi đi ngủ. Bạn có thể thử nghiệm nhiều khung giờ để xem thời điểm nào bé thích nhất.
- Sử dụng dầu hoặc kem dưỡng da phù hợp với trẻ sơ sinh để việc massage dễ dàng hơn. Bạn hãy chọn loại dầu massage tự nhiên, không mùi và dùng thử trên một vùng da nhỏ của bé để đảm bảo bé không bị kích ứng. Khi massage, tránh để dầu dính vào mắt, mũi hoặc tai của bé.
- Cắt móng tay, tháo đồng hồ và các loại trang sức khác để tránh tổn thương đến làn da của bé.
- Tăng kết nối với bé bằng cách bật nhạc êm dịu, trò chuyện, hát cho bé nghe, giao tiếp bằng mắt… trong khi massage. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý phản ứng của bé xem những điều này có khiến bé bị kích thích quá mức hay không.
- Đảm bảo nhiệt độ phòng massage đủ ấm vì bé sẽ không mặc quần áo. Nếu thấy bé lạnh, bạn cũng có thể đắp chăn cho bé sao cho chỉ lộ phần cơ thể đang massage.
- Cho bé nằm trên một bề mặt phẳng, cứng có phủ chăn hoặc thảm để đảm bảo an toàn mà vẫn đủ thoải mái cho bé. Một số bề mặt thích hợp có thể là sàn nhà hoặc bàn thay tã.
- Khi massage, bạn hãy chú ý quan sát các tín hiệu của bé. Những cử chỉ cho thấy bé đang thoải với với việc massage là mỉm cười, reo mừng, thè lưỡi, cử động cơ thể và đưa tay lên miệng… Ngược lại, các dấu hiệu cho thấy bé muốn ngừng massage là cau mày, khóc, nấc cụt, da thay đổi màu sắc, thay đổi nhịp thở, vung tay chân, gồng cứng người và cong lưng.
- Không massage khi bé đang buồn ngủ, khó chịu, bị ốm, đang đói hoặc no hay không tỉnh táo.
- Không massage ở vùng mềm trên đầu bé (thóp hay còn gọi là mỏ ác) và massage trực tiếp lên cột sống của bé.
8. Bổ sung vitamin cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non có lượng sắt dự trữ thấp và cũng cần bổ sung vitamin D như các bé sơ sinh khác. Vậy nên, bạn cho bé bổ sung sắt, vitamin D và một số loại vitamin khác theo khuyến nghị của bác sĩ.
9. Một số lưu ý khác khi chăm sóc trẻ sinh non
Một số điều khác mà ba mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà là:
Nhiệt độ phòng của bé
Trẻ sinh non có lượng mỡ trong cơ thể ít hơn nên việc cho bé mặc đủ ấm và kiểm soát nhiệt độ phòng cho bé là rất cần thiết. Nhiệt độ phòng của trẻ nên nằm trong khoảng từ 21-24ºC và nhiệt độ cơ thể của trẻ nên nằm trong khoảng từ 36,5-37ºC.
Chăm sóc rốn cho bé
Ba mẹ cần chú ý chăm sóc rốn cho trẻ để cuống rốn luôn sạch sẽ vì đây là nơi rất dễ nhiễm trùng. Khi giữ được cuống rốn của bé khô và sạch, sức khỏe của con sẽ được đảm bảo và cuống rốn cũng sẽ sớm rụng.
Hạn chế cho bé tiếp xúc với nhiều người
Thông thường, bạn cần tránh đưa trẻ sinh non đến những nơi công cộng và hạn chế cho bé tiếp xúc với khách đến thăm nhà. Ba mẹ hãy đảm bảo tất cả khách đến thăm bé không có mầm bệnh, không hút thuốc trong nhà bạn và đã rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ. Trong một số trường hợp đặc biệt khi hệ miễn dịch của bé còn yếu, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ về việc có nên cho bé tiếp xúc với người khác hay chưa.
Tắm nắng
Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, đặc biệt là trong những mùa nắng nóng và từ trong khung giờ nắng mạnh từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Nếu muốn cho bé tắm nắng để có thêm vitamin D, bạn có thể chọn khung giờ trước 8-9 giờ sáng (tùy theo mùa) và cho bé tắm nắng khoảng 10-15 phút mỗi lần.
Nếu đưa bé ra ngoài trong khung giờ nắng nóng, hãy dùng ô hoặc tấm che nắng để tránh ánh nắng trực tiếp. Bạn cũng hãy chọn cho con quần áo mỏng nhẹ, không mặc quá nhiều lớp để tránh bé bị nóng quá.
Các thắc mắc thường gặp xoay quanh việc chăm sóc trẻ sinh non
Việc chăm sóc trẻ sinh non có thể có nhiều căng thẳng, mệt mỏi và có những băn khoăn không biết tìm câu trả lời ở đâu. Nếu cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này, bạn hãy thử tham khảo một số câu hỏi sau để có thêm kinh nghiệm nhé.
1. Khi nào trẻ sinh non có thể tắm?
Bạn có thể tắm cho bé khi thân nhiệt và sức khỏe của con đã ổn định. Trước khi xuất viện, bác sĩ và y tá có thể sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc da cho bé.
Tần suất tắm sẽ phụ thuộc vào mức độ sinh thiếu tháng và tình trạng da của bé. Tuy nhiên, bạn không nên tắm và gội đầu cho bé quá 2-3 lần một tuần để tránh gây kích ứng da. Những ngày không tắm, bạn có thể dùng bông gòn thấm nước ấm để lau mặt, cổ và mông cho bé.
2. Có nên cho trẻ sinh non bú mẹ không?
Sữa mẹ chứa đầy đủ các kháng thể và dưỡng chất rất quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của bé nên là lựa chọn phù hợp nhất cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bé sinh non có thể cần nhiều tuần để tập quen với việc bú mẹ. Bạn hãy kiên nhẫn áp dụng phương pháp da kề da để hỗ trợ bé làm quen và bú mẹ tốt hơn.
Nếu bé chưa thể bú mẹ trực tiếp, bạn có thể sẽ cần hút sữa để cho bé bú qua ống truyền. Nếu bạn không muốn cho con bú hoặc không có đủ sữa, bác sĩ có thể sẽ trao đổi với bạn để chọn loại sữa công thức phù hợp với bé.
3. Làm sao để đảm bảo an toàn cho bé khi ngủ?
Giấc ngủ cũng rất quan trọng trong việc giúp bé phát triển thể chất và trí não. Để con có giấc ngủ an toàn, bạn nên:
- Đặt bé nằm ngửa khi ngủ trong nôi/cũi riêng.
- Sử dụng chăn mỏng nhẹ và quấn chăn chắc chắn. Đảm bảo chăn chỉ ngang vai chứ không che phủ đầu của bé. Không dùng chăn bông, gối hoặc thanh chắn cũi cho bé.
- Sử dụng nệm chắc chắn, phẳng, không thấm nước.
- Không cho trẻ sinh non ngủ cùng bạn trên sofa, giường của người lớn.
- Đảm bảo bé không bị quá nóng hay quá lạnh. Để cũi của bé tránh xa những máy móc có tỏa nhiệt và tránh ánh nắng trực tiếp.
4. Trẻ sinh non cần ngủ bao nhiêu?
Thông thường, trẻ sinh non sẽ cần ngủ nhiều hơn, ngủ nông hơn và chưa có lịch ngủ đều đặn như trẻ sinh đủ tháng. Thậm chí, bé có thể dành đến 90% thời gian trong ngày để ngủ. Mỗi bé sẽ có nhu cầu ngủ riêng phụ thuộc vào thời điểm được sinh ra và sức khỏe tổng thể.
5. Trẻ sinh non có bị chậm phát triển về thể chất, trí tuệ… so với trẻ sinh đủ tháng không?
Hầu hết trẻ sinh non đều phát triển bình thường nhưng có nguy cơ mắc các vấn đề về phát triển cao hơn. Một số vấn đề bé có thể gặp phải là:
- Chậm phát triển ngôn ngữ
- Vấn đề về tăng trưởng và vận động
- Vấn đề về răng miệng
- Vấn đề về thị lực hoặc thính lực
- Khó khăn về tư duy và học tập
- Vấn đề về xã hội và cảm xúc.
Để đảm bảo sức khỏe và tốc độ phát triển của bé, ba mẹ cần đưa con đi kiểm tra thường xuyên.
6. Tính tuổi của trẻ sinh non như thế nào là đúng?
Để biết trẻ sinh con có đang phát triển bình thường hay không, bạn cần tính tuổi hiệu chỉnh của bé. Đây là tuổi tính từ lúc bé ra đời trừ đi số tuần hoặc tháng bé sinh sớm. Ví dụ, bé đã ra đời được 6 tháng nhưng sinh sớm 2 tháng sẽ có tuổi hiệu chỉnh là 4 tháng. Điều đó có nghĩa là bé có thể đạt các cột mốc của những trẻ 4 tháng tuổi khác. Bạn nên dùng tuổi hiệu chỉnh này để đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của bé cho đến khi con được 2 tuổi.
7. Trẻ sinh non xuất viện về nhà, bao lâu cần đi khám sức khỏe?
Bác sĩ sẽ lên lịch khám sức khỏe theo tình trạng sức khỏe thực tế của mỗi trẻ. Thông thường, bé sẽ cần khám sức khỏe trong 2-4 ngày sau khi xuất viện. Bạn cũng hãy trao đổi với bác sĩ xem con có cần làm những xét nghiệm như xét nghiệm máu, thính lực và thị lực hay không để lên lịch trước.
Theo khuyến nghị của các bác sĩ, trẻ sinh non cũng có thể cần khám sàng lọc ROP hay còn gọi là bệnh võng mạc ở trẻ sinh non ở tuần thứ 3 hoặc tuần thứ 4 sau sinh. Đây là một tình trạng bệnh lý của mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc. Bệnh này thường ảnh hưởng cả hai mắt và là một trong những nguyên nhân gây suy giảm thị lực lâu dài và mù lòa phổ biến nhất.
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thường xảy ra ở những trẻ sinh trước tuần 31 của thai kỳ và có cân nặng nhẹ hơn 1,5 kg. Trẻ sinh ra càng nhỏ thì nguy cơ mắc chứng rối loạn này càng cao. Vì vậy, bác sĩ thường chỉ định khám ROP ở tất cả những trẻ:
- Có cân nặng lúc sinh từ 1500-2000g nhưng bị ngạt khi sinh, phải nằm lồng ấp, thở oxy trong thời gian dài, có những bệnh khác đi kèm hay có chỉ định khám mắt.
- Có cân nặng lúc sinh từ 1500-2000g và thuộc trường hợp đa thai (sinh đôi, sinh ba…).
- Những trẻ nặng cân hơn và đủ tháng hơn nhưng lại có yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, phải thở oxy trong thời gian dài, thiếu máu, nhiễm trùng… cũng cần được khám mắt.
8. Trẻ sinh non thở không đều có phải là điều đáng lo?
Trẻ sinh non thường gặp chứng ngưng thở nhưng tình trạng này sẽ cải thiện dần theo thời gian. Nếu tình trạng ngưng thở khiến tim bé đập chậm hoặc da đổi màu sắc, trẻ có thể phải tiếp tục theo dõi sức khỏe trong bệnh viện. Thế nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định ba mẹ chăm sóc trẻ sinh non tại nhà với máy theo dõi ngưng thở. Nếu trẻ cần máy theo dõi ngưng thở, bất kỳ ai chăm sóc bé đều phải biết cách dùng máy và biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh.
Một số trẻ mắc vấn đề về phổi kéo dài hơn gọi là loạn sản phế quản phổi (BPD) hay bệnh phổi mãn tính ở trẻ sinh non. Đây là tình trạng phổi bị tổn thương và kích ứng. Khi chăm sóc ở nhà, trẻ mắc loạn sản phế quản phổi có thể cần bổ sung oxy và thuốc để giúp phổi hoạt động tốt hơn.
9. Trẻ sinh non bị khô da cần chăm sóc như thế nào?
Tình trạng khô da ở trẻ sinh non có thể tự cải thiện dần theo thời gian. Ba mẹ cần chú ý không cho bé sử dụng bất kỳ sản phẩm dưỡng ẩm nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước vì các loại dầu và kem dưỡng da có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
10. Nên chọn sữa cho trẻ sinh non thế nào?
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể và chất dinh dưỡng quan trọng bé phát triển tốt hơn, phòng tránh được các chứng nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh… Tuy nhiên, không phải ca sinh non nào cũng có đủ sữa mẹ để bé được đảm bảo dinh dưỡng. Lúc này, bé sẽ cần thêm sữa công thức để hỗ trợ quá trình phát triển.
Tiêu chí sữa chọn sữa cho trẻ sinh non, nhẹ cân, thiếu tháng như sau:
- Ưu tiên các loại sữa có nguồn gốc từ động vật: Sữa có nguồn gốc động vật gần giống sữa non của mẹ hơn và có thể đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
- Kiểm tra thành phần trong sữa: Bạn cần kiểm tra thành phần của sữa để đảm bảo bé không dị ứng với bất kỳ chất nào. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn loại sữa có chứa chất xơ hòa tan sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của bé hơn.
- Chọn sữa phù hợp với độ tuổi của bé: Trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Do đó, bạn cần chọn sữa phù hợp với độ tuổi của bé.
- Nguồn gốc xuất xứ của sữa: Sữa cho trẻ sinh non cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn sức khỏe. Bạn có thể xem thông tin về nguồn gốc này trên nhãn hộp sữa.
Nếu vẫn băn khoăn nên chọn loại sữa công thức nào cho bé sinh thiếu tháng, ba mẹ hãy thử tham khảo một số nhãn hiệu sữa mà Hello Bacsi gợi ý dưới đây:
10.1 Similac Neosure IQ
Dòng sữa Similac NeoSure của thương hiệu Abbott Hoa Kỳ được nghiên cứu riêng cho các bé sinh non, nhẹ cân với sức đề kháng non nớt. Sữa chứa hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu giúp bé tạo kháng thể tự nhiên, từ đó tăng cường sức đề kháng và ngừa hiệu quả các vấn đề như thở khò khè hay khó ngủ sâu. Ngoài ra, hệ dưỡng chất AHA, AA, omega-3, choline… trong sữa cũng giúp con hoàn thiện thị giác và não bộ rất tốt. Hơn nữa, hương vị sữa Similac NeoSure IQ gần giống với sữa mẹ nên trẻ dễ uống.
10.2 Sữa Pre Nan
Pre Nan là dòng sữa dành cho trẻ sinh non của Nestle với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào giúp thúc đẩy quá trình phát triển và tăng cân của bé.
- Hàm lượng chất đạm trong sữa rất dễ hấp thu và phù hợp với hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ.
- DHA, ARA trong Pre Nan cũng hỗ trợ sự hoàn thiện và quá trình phát triển thể chất cũng như trí não của con rất tốt.
- Các khoáng chất trong sữa như sắt, kẽm… rất dồi dào để giúp con tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, vitamin B cũng giúp con phát triển xương khớp và chiều cao tốt hơn.
10.3 Sữa Frisolac Gold Premature
Frisolac Gold Premature là dòng sữa mát từ Hà Lan với mức giá phải chăng mà lại giàu dinh dưỡng và tốt cho hệ tiêu hóa của con. Đây là dòng sữa có thể giúp bé tăng cân đều đặn và phát triển trí não để ngày càng thông minh, lanh lợi. Hơn thế nữa, ba mẹ hoàn toàn không phải lo lắng về vấn đề táo bón, đau bụng hay tiêu chảy khi bé dùng loại sữa này.
10.4 Sữa Enfalac A+ Premature Formula
Sữa Enfalac A+ Premature Formula của Mead Johnson là lựa chọn vô cùng phù hợp nếu bé sinh thiếu tháng mà lại dị ứng với đạm trong sữa bò, không dung nạp đường lactose. Sản phẩm cũng được các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Hoa Kỳ đánh giá giá cao vì giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng thiết yếu để trẻ nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng mà vẫn rất nhẹ nhàng với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé.
Dòng sữa này phù hợp với bé thiếu tháng nhưng không quá thiếu cân mà cần chú trọng hơn vào việc phát triển trí não. Kết quả nghiên cứu cho thấy các thành phần có trong loại sữa này giúp con hoàn thiện trí não rất hiệu quả, từ đó có thể lanh lợi và thông minh hơn.
10.5 Sữa Enfamil NeuroPro Enfacare
Enfamil NeuroPro Enfacare của Mead Johnson là dòng sữa vô cùng tiện lợi vì có cả dạng sữa bột và sữa nước với nhiều thể tích khác nhau. Tuy nhiên, vị của sữa khá béo nên bé có thể cần thời gian để làm quen. Ngoài ra giá thành sản phẩm cũng không rẻ nên ba mẹ sẽ cần cân nhắc.
Sữa có chứa protein và chất béo giúp con tăng cân nhanh. DHA, ARA cũng giúp bé phát triển trí não hiệu quả, ngủ sâu giấc hơn và sức đề kháng tốt hơn. Vậy nên, Enfamil NeuroPro Enfacare không chỉ phù hợp cho trẻ sinh non mà còn tốt cho các bé suy dinh dưỡng, thiếu cân.
Hành trình chăm sóc trẻ sinh non tại nhà tuy khó khăn nhưng kết quả lại rất viên mãn khi bé yêu khỏe mạnh, lanh lợi không kém gì các bạn đồng trang lứa. Chỉ cần ba mẹ chịu tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng, tiêm phòng, giấc ngủ… cho con, bé sẽ vẫn có thể phát triển đầy đủ dù sinh thiếu tháng.
[embed-health-tool-vaccination-tool]