Điều này thường xảy ra cùng với tình trạng vàng da sinh lý và có thể tiếp tục trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau đó.
Vàng da do sữa mẹ rất phổ biến ở những bé bú mẹ hoàn toàn, nhưng tình trạng này không nguy hiểm. Nếu nồng độ bilirubin của bé quá cao, bạn nên ngừng cho con bú trong 1 hoặc 2 ngày để tình trạng giảm xuống. Bạn có thể sử dụng máy hút sữa để duy trì lượng sữa trong thời gian này và một khi mức bilirubin giảm xuống thì có thể bắt đầu cho con bú lại.
Xét nghiệm, chẩn đoán cho bé bị vàng da sơ sinh

Sau khi trẻ chào đời, bác sĩ sẽ kiểm tra trẻ sơ sinh có bị vàng da hay không bằng cách quan sát mắt của bé từ 3 đến 5 ngày sau khi sinh, khi nồng độ bilirubin trở nên cao nhất.
Nếu có bất kỳ lo ngại về việc trẻ sơ sinh bị vàng da, bác sĩ có thể làm xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ bilirubin. Việc kiểm tra chắc chắn sẽ được thực hiện nếu em bé có biểu hiện vàng da trong 24 giờ đầu tiên vì tình trạng vàng da xuất hiện lúc đó có nhiều nguy cơ cho thấy có vấn đề nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu mẹ và bé rời bệnh viện sớm ngay sau khi sinh, tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện khi ở nhà. Lúc này, chỉ có bạn mới là người đầu tiên biết bé có bị vàng da hay không.
Vì thế, bạn hãy nắm vững cách kiểm tra xem bé có bị vàng da sơ sinh hay không bằng những cách sau:
- Mang bé vào phòng có nhiều ánh sáng tự nhiên hoặc dưới ánh đèn huỳnh quang
- Nếu con có làn da trắng, hãy nhẹ nhàng ấn ngón tay lên trán, mũi hoặc ngực và tìm kiếm màu vàng trên da sau khi thả ngón tay ra
- Nếu con có làn da tối, hãy tìm màu vàng trên nướu hoặc tròng trắng của mắt.
Khi nào bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ khám?
Bạn nên đưa bé đi bác sĩ nếu da của bé, đặc biệt là ở phần lòng trắng của mắt, ngực, bụng hoặc cánh tay hay chân của bé có màu vàng đậm. Bố mẹ cũng nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu con có dấu hiệu khó tỉnh dậy, quấy khóc, không muốn ăn hoặc thậm chí tình trạng vàng da nhẹ nhưng kéo dài trong hơn 3 tuần.
Cách chữa vàng da ở trẻ sơ sinh
Hầu hết các bé bị vàng da sơ sinh sẽ tự khỏi bệnh nhưng khi cần điều trị, liệu pháp quang trị liệu chính là phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất cho tới thời điểm này.
Nếu tình trạng vàng da trở nên nghiêm trọng hoặc nồng độ bilirubin của bé tiếp tục tăng bất kể dù đã được chiếu đèn tích cực, bé cần được đưa vào bộ phận chăm sóc đặc biệt để thay máu. Việc thay máu này sẽ thay thế một lượng máu của em bé có nồng độ bilirubin cao với máu được hiến có nồng độ bilirubin bình thường.
Một điều khác mà bạn có thể tự mình làm để giúp giảm tình trạng vàng da của con là đảm bảo rằng con nhận đủ lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức để đi tiêu thường xuyên hơn, giúp thải bilirubin ra ngoài nhanh hơn.
Nếu bạn có bất kỳ lo lắng về tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da, hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rằng bạn đang thực hiện các bước đi đúng để giúp con hồng hào trở lại.