Làn da trẻ sơ sinh sẽ liên tục thay đổi sắc độ do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Do đó, có rất nhiều bố mẹ băn khoăn không biết màu da thật của trẻ sơ sinh là gì, trẻ sơ sinh da đen sau có trắng không, trẻ sơ sinh da đỏ sau này là da trắng hay đen?
Vậy đến khi nào mẹ mới có thể biết được màu da thật của trẻ sơ sinh? Mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có được câu trả lời.
Yếu tố ảnh hưởng đến màu da của trẻ sơ sinh
Tìm hiểu về da của trẻ sơ sinh là một trong những khía cạnh thú vị nhưng cũng không kém phần quan trọng để biết bé cưng có đang khỏe mạnh hay không. Mỗi bé là một cá thể độc lập và sẽ sở hữu những đặc điểm khác nhau về làn da.
Để hiểu được nguyên nhân, bạn cần biết rõ những yếu tố ảnh hưởng đến màu da thật của bé. Ở giai đoạn sơ sinh, da của bé sẽ thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào:
- Chủng tộc
- Độ tuổi
- Thân nhiệt của trẻ
- Thậm chí cả việc bé có đang quấy khóc hay không.
Một số thay đổi này chỉ là tạm thời khi bé thích nghi với việc ra khỏi bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu trên da có một vết bớt sẫm màu, thường nó sẽ tồn tại vĩnh viễn theo con suốt đời.
Bao lâu mới biết được màu da thật của trẻ sơ sinh?
Lần đầu tiên bế bé cưng trong vòng tay, chắc hẳn nhiều bà mẹ phải giật mình vì làn da nhăn nheo và đỏ hỏn của trẻ. Không những vậy, khắp mặt và người bé sơ sinh còn phủ một lớp sáp trắng. Điều này khiến các mẹ thắc mắc trẻ sơ sinh da đỏ là da trắng hay đen? Trẻ sơ sinh da đen sau này có trắng không?
Thực tế, trẻ sơ sinh da đỏ và lớp sáp trắng chỉ là tình trạng tạm thời bởi làn da bé sẽ thường xuyên thay đổi dưới tác động của nhiều yếu tố. Để biết được màu da thật của trẻ sơ sinh, cha mẹ cần phải kiên nhẫn bởi điều này ở mỗi bé là khác nhau.
Màu da thật của trẻ sơ sinh thay đổi như thế nào?
Ngoài việc tò mò về màu da thật của trẻ sơ sinh, việc da bé thường xuyên đổi màu cũng là điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm. Vậy, da của trẻ sơ sinh thay đổi như thế nào?
1. Trẻ sơ sinh khóc có thể khiến da tím tái
Làn da của một số bé sẽ chuyển sang màu xanh tái hoặc thậm chí tím tái khi khóc hay vặn mình. Điều này là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, nếu da bé có màu hơi xanh mà không có dấu hiệu giảm bớt sau vài ngày thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim, phổi và hệ thần kinh trung ương. Lúc này, bạn cần đưa bé đi khám để được hỗ trợ điều trị.
Ngoài ra, da tím tái xảy ra thường do thiếu oxy trong máu trẻ sơ sinh. Một số bệnh lý có thể gây ra dấu hiệu này là:
- Tứ chứng Fallot: gây ra nhiều bất thường về tim, dẫn đến tình trạng máu thiếu oxy lưu thông khắp cơ thể trẻ sơ sinh.
- Teo van ba lá: bất thường cấu trúc giải phẫu van ba lá bị teo bẩm sinh, có nguyên nhân do gene (di truyền), liên quan đến thai kì như mẹ sử dụng thuốc không hợp lý, nhiễm độc chất hóa chất hoặc bị nhiễm trùng thai kì hay đơn giản là bất thường cấu trúc bẩm sinh trong quá trình phát triển van ba lá.
- Bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần (TAPVR): bất thường về tim khiến cho máu giàu oxy trộn lẫn với máu nghèo oxy bên trong tim trẻ sơ sinh. Vấn đề này xảy ra khi máu giàu oxy từ phổi trở về sai buồng tim, tức là máu giàu oxy từ phổi đi về tâm nhĩ phải thay vì tâm nhĩ trái.
- Tăng methemoglobin trong máu: khi cơ thể sản xuất quá mức một loại protein có tên là methemoglobin khiến cho máu không có đủ oxy. Lý do là vì methemoglobin gắn kết với oxy lưu thông trong máu nhưng không giải phóng oxy.
Nếu nhận thấy trẻ sơ sinh có da trở nên tím tái, xanh xao và gặp khó khăn trong việc ăn, thở hoặc tỉnh dậy (không tỉnh táo) thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra ngay.
2. Da trẻ sơ sinh sẫm màu do sụt cân
Trẻ sơ sinh chân tay trắng mặt đen hay trẻ sơ sinh da đen sau có trắng không? Đừng quá bất ngờ nếu bé yêu của bạn trông đen hơn những đứa trẻ khác ngay sau khi chào đời. Điều này thường là do cơ thể trẻ bị mất nước, dẫn đến sụt cân nên làn da trông có vẻ sạm đi.
Tuy nhiên, theo thời gian, làn da đen, tối màu của trẻ sơ sinh sẽ có sự thay đổi và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra được màu da thật của trẻ.
Ngoài ra, da của trẻ sinh non cũng có thể sậm màu hơn. Tuy nhiên sau khi tăng cân, màu da của bé sẽ sáng hơn một chút. Đây là lý do tại sao một số trẻ sinh non có sự thay đổi rất lớn chỉ trong vài tuần sau sinh.
3. Da trẻ sơ sinh nhợt nhạt
Da trẻ sơ sinh bị nhợt nhạt bất thường có thể là dấu hiệu của một số tình trạng, vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Thiếu máu: xảy ra khi cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu hoặc do hồng cầu không hoạt động bình thường. Từ đó, trẻ sẽ không nhận đủ oxy trong máu, khiến da trở nên nhợt nhạt.
- Bạch tạng: một tình trạng di truyền khiến sắc tố melanin trong da ít hơn bình thường. Điều này khiến cho trẻ có làn da và lông, tóc sáng màu hơn, trông trắng bệch, nhợt nhạt.
- Bệnh phenylketon niệu (PKU): một rối loạn di truyền khiến cơ thể trẻ không thể phân hủy axit amin phenylalanine. Sau đó, phenylalanine tích tụ trong máu gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như co giật, đồng thời cản trở quá trình sản xuất melanin khiến cho da, mắt nhạt màu hơn.
Khi thấy trẻ sơ sinh trông nhợt nhạt bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định nguyên nhân và có cách điều trị sớm.
4. Làn da trẻ sơ sinh có vân hồng do mạch máu
Da của trẻ sơ sinh thường có những đường vân màu hồng. Vậy, da trẻ sơ sinh nổi vân hoa do đâu? Nguyên nhân là do các mạch máu đỏ lộ rõ qua làn da mỏng manh của bé.
Ngoài ra, làn da bé còn rất nhạy cảm với nhiệt độ. Do đó, bé rất dễ bị nhiễm lạnh. Vì vậy, mẹ cần chú ý quấn bé khi ở phòng mát hoặc khi thời tiết trở lạnh trong những tháng làn da vẫn còn non nớt và màu da thật của trẻ sơ sinh vẫn chưa hiện rõ.
5. Bàn chân, bàn tay màu xanh
Sau khi chào đời, sự thay đổi màu da sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường sống cũng như sức khỏe của bé. Nếu bé có bàn tay hoặc bàn chân màu xanh và khi chạm vào lúc nào cũng thấy tay chân lạnh, trong khi những bộ phận khác da vẫn hồng hào thì điều này hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, nếu ngoài bàn tay, bàn chân mà da trẻ còn có màu xanh ở những nơi khác thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy có vấn đề không ổn. Lúc này, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
6. Da và mắt của bé có màu vàng do chứng vàng da
Theo thống kê, hơn một nửa số trẻ sơ sinh bị vàng da ở một mức độ nào đó trong tuần đầu tiên sau sinh và điều này sẽ tăng lên nếu trẻ sinh non. Nguyên nhân thường là do gan của trẻ chưa đủ trưởng thành để loại bỏ bilirubin trong máu – một sắc tố màu vàng của các chất thải ra khi hồng cầu bị phá hủy. Vàng da sau khi mới sinh vài ngày còn được gọi là vàng da sinh lý.
Tuy nhiên, vàng da có thể liên quan đến một số tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như:
- Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con
- Tuyến giáp hoạt động kém
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tắc nghẽn ở túi mật và ống mật
Nếu nhận thấy tình trạng vàng da vẫn còn hoặc ngày càng tiến triển sau 3 ngày kể từ khi sinh hoặc trẻ bắt đầu bỏ bú sữa thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.
7. Da trẻ sơ sinh có màu đỏ
Trẻ sơ sinh thường có làn da màu đỏ sau đó mờ dần đi và màu sắc thật sự của da dần xuất hiện rõ hơn.
Thế nhưng, da mặt đỏ có thể là dấu hiệu của một rối loạn máu hiếm gặp tên là bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Khi nhận thấy trẻ sơ sinh bị đỏ da kèm theo các triệu chứng như khó thở hoặc chảy máu nướu răng, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
8. Vết bớt xanh Mông Cổ rất phổ biến
Vết bớt xanh Mông Cổ là những đốm màu xanh lam hoặc tím có thể xuất hiện trên lưng, mông hoặc vai của bé. Đa phần, các vết bớt xanh Mông Cổ này không có gì đáng lo ngại và thường sẽ biến mất khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, một số ít trường hợp các vết bớt này vẫn tồn tại trên màu da thật của trẻ khi lớn lên.
Da của trẻ sơ sinh thay đổi như thế nào?
2. Da trẻ sơ sinh sẫm màu do sụt cân
3. Da trẻ nhợt nhạt do thiếu máu, bệnh bạch tạng, bệnh phenylketon niệu (PKU)…
4. Da có vân hồng do mạch máu
5. Bàn chân, bàn tay màu xanh
6. Chứng vàng da khiến mắt và da bé có màu vàng
7. Da trẻ sơ sinh có màu đỏ
8. Da bé có vết bớt xanh Mông Cổ
Màu da của trẻ sơ sinh và những câu hỏi liên quan
1. Da trẻ sơ sinh đen sau có trắng không?
Trẻ sơ sinh có thể có nhiều màu da khác nhau. Một số trẻ da tối màu, ngăm đen đôi khi là do tình trạng thiếu cân, bị mất nước. Sau khi chào đời và được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, da trẻ có thể sáng dần lên, cũng như căng bóng hơn.
Việc trẻ sơ sinh da đen sau có trắng hơn không thực tế rất khó trả lời chính xác. Màu sắc của da sẽ thay đổi bởi nhiều yếu tố tác động.
2. Tại sao trẻ càng lớn da càng đen?
Trẻ sơ sinh có cha mẹ da sẫm màu có thể có màu da trông sáng hơn vừa khi sinh ra và sau đó tối màu hơn theo thời gian. Bỏi cơ thể sản xuất nhiều melanin hơn sẽ khiến làn da tối màu dần, cũng như tạo thành một sự bảo vệ da khỏi tia cực tím của ánh nắng mặt trời – điều mà bé không cần có khi ở trong bụng mẹ. Màu da thực sự của trẻ có thể sẽ phát triển đầy đủ vào khoảng 6 tháng tuổi.
3. Trẻ sơ sinh da đỏ là da trắng hay đen?
Thông thường, da trẻ sơ sinh chuyển sang màu đỏ sau khi trẻ bắt đầu hít thở những hơi thở đầu tiên. Sau đó, sắc đỏ trên da sẽ phai dần và làn da trở về màu sắc thật. Do đó, trẻ sơ sinh da đỏ sau đó chuyển thành da trắng hay da đen đều có thể xảy ra. Không có điều gì đảm bảo những trẻ sơ sinh da đỏ sau này sẽ thành da trắng.
4. Trẻ sơ sinh da đỏ trong bao lâu?
Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy da trẻ sơ sinh dần phai màu đỏ và trở về màu da thực trong khoảng từ 2 – 20 tháng tuổi. Ngoài ra, da trẻ sơ sinh được phát hiện là sẽ tăng sắc tố vàng cho đến khi được 20 tháng tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện trên một mẫu số nhỏ và nguồn gốc chủng tộc, dân tộc của các trẻ sơ sinh này chưa xác định rõ.
5. Mẹ bầu nên ăn gì để con da trắng môi hồng?
Nhiều chị em bầu bí thường thắc mắc mẹ bầu nên ăn gì để con da trắng môi hồng hay khi mang thai nên ăn gì để con sinh ra không bị đen?
Thực chất, bé chỉ cần có một làn da khỏe mạnh, không gặp phải những vấn đề sức khỏe nào khác thì da trắng hay da đen đều tốt như nhau. Tuy nhiên, nếu các mẹ muốn màu da thật của trẻ sơ sinh trở nên hồng hào, rạng rỡ, hãy thử một số mẹo ăn uống giúp trẻ sơ sinh trắng da theo quan niệm, kinh nghiệm từ nhiều người như sau:
5.1. Cà chua
Cà chua được cho là có tác động lớn đến màu da thật của trẻ sơ sinh bởi trong cà chua có một thành phần chống oxy hóa mạnh tên là lycopene.
Bà bầu ăn cà chua trong thai kỳ có thể giúp da chống lại các tia UV có hại và bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, đồng thời giúp làn da của bé trở nên khỏe mạnh và rạng rỡ hơn.
5.2. Sữa và nhụy hoa nghệ tây
Ở một số nơi trên thế giới, người lớn tuổi thường khuyên bà bầu nên thêm nhụy hoa nghệ tây hoặc sữa vào chế độ ăn mỗi ngày để bé sinh ra có một làn da trắng. Tuy nhiên, đây chỉ là một quan điểm được truyền miệng, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy điều này thật sự có ích.
Dù vậy, bạn vẫn có thể thêm một lượng nhỏ nhụy hoa nghệ tây vào chế độ ăn để nhận được thêm nhiều lợi ích sức khỏe. Lưu ý, bạn đừng nên lạm dụng quá nhiều và tránh sử dụng trong tam cá nguyệt thứ 3.
5.3. Mẹ bầu nên ăn gì để con da trắng môi hồng? Hãy uống nước dừa
Nước dừa là thức uống được rất nhiều mẹ bầu ưa thích cũng như tin rằng khi uống sẽ giúp con sinh ra có làn da trắng sáng. Ngoài ra, nước dừa có thể giúp điều hòa huyết áp, ngăn ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu, cung cấp chất chống oxy hóa, cải thiện nước ối, bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể.
Tuy nhiên, nước dừa có tính hàn dễ gây lạnh bụng nên nếu thấy các biểu hiện tiêu chảy, khó chịu thì các mẹ bầu nên ngừng uống. Mỗi ngày các mẹ chỉ nên uống khoảng 1 ly nước dừa vào buổi sáng để hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.
5.4. Nước ép nho
Nước ép nho rất giàu axit alpha hydroxy (AHA), được biết là có thể giúp trẻ sơ sinh có làn da trắng. Vì vậy, mẹ bầu có thể thêm nước nho vào thực đơn của mình nếu đang quan tâm về việc ăn gì cho con da trắng.
Nhiều mẹ bỉm chia sẻ là chỉ cần dùng 60ml nước ép này 2 lần mỗi ngày, con sinh ra không những có làn da trắng mà còn giúp tăng cường sức khỏe.
5.5. Trái cây giàu vitamin C
Vitamin C có trong trái cây không chỉ có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng mà còn phòng ngừa sắc tố sạm đen của da. Do đó, các mẹ tin rằng khi ăn nhiều trái cây giàu vitamin C trong thai kỳ sẽ giúp trẻ sinh ra sẽ có một làn da trắng hồng, mịn màng.
Gợi ý một số loại trái cây như cam, chanh, táo, quýt, nho… vừa có thể làm món salad hoa quả hoặc làm ra những ly nước ép tươi mát cho những ngày oi bức.
5.6. Uống trà hạt thì là
Mẹ bầu uống trà hạt thì là vào buổi sáng khi vừa thức dậy không chỉ giúp giảm buồn nôn mà còn có ích trong vấn đề cải thiện sắc tố da của trẻ nữa. Đây cũng là một kinh nghiệm được lưu truyền trong đời sống của các mẹ mà chưa có bằng chứng khoa học nào xác thực điều này.
5.7. Mẹ bầu nên ăn gì để con da trắng môi hồng? Quả bơ
Quả bơ khá giàu vitamin E, C rất tốt cho quá trình sản xuất collagen của cơ thể. Thêm vào đó, hàm lượng cao chất béo tốt trong bơ cũng thích hợp để mẹ bầu thêm vào thực đơn cho 3 tháng cuối thai kỳ. Vì đây chính là giai đoạn mà da bé bắt đầu “căng phồng” chuẩn bị cho hành trình chào đời sắp tới.
Các mẹ bầu cũng tin rằng ăn bơ giúp cho con sinh ra có làn da trắng khỏe.
Thực chất, rất ít bằng chứng cho thấy đâu mới là thời điểm chính xác mà trẻ sơ sinh “bộc lộ” màu da thực sự của chúng. Nếu có băn khoăn gì về màu da của trẻ sơ sinh, hãy trao đổi với bác sĩ để có câu trả lời cụ thể cho trường hợp bé cưng nhà bạn.
[embed-health-tool-vaccination-tool]