backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là lý tưởng và giúp bé ngủ ngon?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 31/08/2023

    Nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là lý tưởng và giúp bé ngủ ngon?

    Nhiệt độ phòng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người lớn lẫn trẻ sơ sinh. Có thể nói, cũng như người lớn để có được giấc ngủ ngon, em bé cũng cần một môi trường ngủ an toàn, thoải mái với nhiệt độ phòng thích hợp. Vì vậy, không ít cha mẹ băn khoăn, thắc mắc rằng liệu nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là lý tưởng và giúp con ngủ ngon?

    Thực chất, nhiệt độ phòng ngủ thích hợp làm cho bạn cảm thấy thoải mái thì đối với trẻ sơ sinh cũng vậy. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ phòng không phù hợp, trẻ sơ sinh không thể nói với bạn rằng trẻ đang cảm thấy quá nóng hay quá lạnh. Đôi khi, tình trạng quá nóng còn có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) khi ngủ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, ba mẹ cần chủ động trang bị thông tin về chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh để giúp con có được sự thoải mái và an toàn khi ngủ nhé!

    Nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là lý tưởng?

    Thực tế, không có nghiên cứu nào đưa ra chính xác nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là tốt nhất. Thế nhưng, hầu hết các khuyến nghị đều cho rằng nhiệt độ phòng ngủ từ 20 đến khoảng 22 độ C (tương đương 68 đến 72 độ F) sẽ đảm bảo sự thoải mái và an toàn cho trẻ sơ sinh khi ngủ.

    Tuy nhiên, dù có một phạm vi nhiệt độ được khuyến nghị thì bạn cũng không cần quá cứng nhắc. Việc điều chỉnh nhiệt độ phòng vẫn có thể linh hoạt miễn là không làm cho em bé cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn như nơi bạn sinh sống có thời tiết ấm áp hoặc nóng thì trẻ sơ sinh thường có thể quen với điều này. Do đó, bé vẫn có thể ngủ ngon với nhiệt độ phòng cao hơn mức khuyến nghị kể trên.

    Ở khía cạnh an toàn giấc ngủ, bạn cần lưu ý rằng việc hạ thấp nhiệt độ phòng quá mức trong mùa hè hoặc sưởi ấm quá mức trong mùa đông đều có thể gây rủi ro cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, không chỉ quan tâm đến việc điều chỉnh nhiệt độ phòng, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) còn khuyến nghị cha mẹ nên chú ý mặc quần áo cho em bé phù hợp với nhiệt độ môi trường xung quanh.

    Có nên cho bé sơ sinh nằm phòng điều hoà?

    Xem ngay

    Làm thế nào để giữ phòng ngủ trẻ sơ sinh ở mức nhiệt độ thích hợp?

    nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh

    Mặc dù bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ nhờ máy lạnh hoặc máy sưởi nhưng thực tế là vẫn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến môi trường phòng ngủ. Do đó, bạn có thể không xác định được liệu phòng ngủ có mát mẻ phù hợp với trẻ sơ sinh hay không. Sau đây là một vài giải pháp mà bạn nên tham khảo để đảm bảo nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh luôn ở mức thích hợp:

    Ở gần và kiểm tra em bé thường xuyên

    Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên bạn nên ngủ chung phòng với trẻ sơ sinh trong 12 tháng đầu đời của trẻ. Điều này vừa giúp giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh khi ngủ vừa giúp bạn dễ kiểm tra nhiệt độ của em bé thường xuyên giữa các giấc ngủ ngắn.

    >>> Có thể bạn quan tâm: 18 lợi ích khi cho bé ngủ chung với cha mẹ

    Sử dụng bộ điều nhiệt một cách thận trọng

    Bộ điều nhiệt có thể kiểm soát nhiệt độ của toàn bộ ngôi nhà nhưng nhiệt độ của mỗi phòng riêng lẻ có thể khác nhau. Trong trường hợp bạn dùng hệ thống sưởi cho phòng ngủ và không kiểm soát được nhiệt độ, đây có thể là một yếu tố nguy cơ của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, bạn nên cân nhắc dùng bộ điều nhiệt riêng cho phòng ngủ hoặc dùng nhiệt kế phòng để kiểm soát nhiệt độ trong phòng dễ dàng hơn.

    Tránh cho trẻ ở gần các nguồn nhiệt nóng hoặc lạnh

    Mặc dù bạn có thể kiểm soát nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh nhưng một số yếu tố khác vẫn có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ phòng. Chẳng hạn như phòng có nhiều cửa sổ, lỗ thông gió hoặc cách nhiệt kém… có thể dễ dàng bị thay đổi nhiệt độ. Vì vậy, bạn cần lưu ý đặt cũi của trẻ cách xa các cửa sổ, bộ tản nhiệt hoặc bất cứ vật dụng, thiết bị nào gây ảnh hưởng đến nhiệt độ trong phòng để giúp trẻ không bị quá lạnh hoặc quá nóng khi ngủ.

    Đảm bảo nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh mát mẻ trong mùa hè

    nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh

    Về cơ bản, khi ngoài trời trở nên nóng hơn thì bạn cần chú ý giữ nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh luôn mát mẻ bằng cách sử dụng quạt hoặc máy điều hòa. Nếu bạn lo lắng trẻ cảm thấy quá lạnh vào ban đêm thì có thể tăng nhiệt độ máy lạnh lên một chút và theo dõi nhiệt độ phòng thường xuyên. Trong trường hợp bạn dùng máy quạt thì lưu ý là tránh hướng quạt thẳng vào em bé và tránh để quạt quá gần bé.

    >>> Có thể bạn quan tâm: Có nên cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa? Dùng điều hòa hay quạt tốt hơn?

    Chú ý giữ ấm cho trẻ sinh non

    Trên thực tế, việc giữ ấm hoặc điều chỉnh nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh như thế nào cũng phụ thuộc vào sức khỏe của bé. Đối với trẻ sinh non, các bé thường mất nhiều thời gian hơn để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Vì vậy, việc đảm bảo nhiệt độ phòng không quá lạnh và giữ ấm cho trẻ sinh non là rất quan trọng. Thế nhưng, bạn cũng nên theo dõi sát sao để phòng hờ tình trạng trẻ cảm thấy quá nóng.

    Làm sao để nhận biết trẻ đang cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh?

    Cảm giác quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Thế nhưng, em bé không thể thông báo cho bạn điều này bằng lời nói. Vì vậy, ba mẹ nên chú ý đến các biểu hiện bên ngoài để nhận biết trẻ sơ sinh có cảm thấy dễ chịu với nhiệt độ phòng hay không. Qua đó sẽ có sự điều chỉnh thích hợp với nhu cầu của con.

    Thông thường, người lớn sẽ có xu hướng kiểm tra bàn tay hoặc bàn chân của bé để đo nhiệt độ. Tuy nhiên, đây là những vị trí không giúp bạn cảm nhận được chính xác nhiệt độ của bé. Thay vào đó, bạn nên chạm vào sau đầu, vùng ngực hoặc bụng của trẻ để cảm nhận được chính xác hơn nhé!

    • Nếu bạn cảm thấy ấm nóng khi chạm vào da của con, đây có thể là dấu hiệu trẻ đang cảm thấy nóng. Bên cạnh đó, việc đổ mồ hôi, tóc ẩm ướt, má ửng hồng, phát ban, quấy khóc và thở nhanh cũng là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị nóng.
    • Ngược lại, nếu em bé đang bị lạnh, bạn có thể cảm thấy mát khi chạm vào da bé. Đồng thời, trẻ sơ sinh sẽ có biểu hiện rùng mình, da tái, nhợt nhạt… Nếu phát hiện vấn đề này, bạn nên tăng nhiệt độ phòng và cho trẻ mặc thêm quần áo. Tuy nhiên, điều quan trọng là vẫn nên theo dõi trẻ thường xuyên. Nếu trẻ có biểu hiện quá nóng sau khi mặc thêm đồ, bạn nên cởi bỏ bớt một lớp quần áo và kiểm tra lại sau vài phút.

    Lưu ý: Nếu nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh ở mức dễ chịu nhưng trẻ vẫn có biểu hiện của tình trạng quá nóng hoặc quá lạnh, kèm theo đó là các triệu chứng như li bì, lừ đừ, khó thở, bú kém, nôn mửa hoặc quấy khóc thì bạn nên sớm cho con đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác.

    Mẹo giúp bé an toàn và thoải mái khi ngủ

    nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh

    Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) có thể gây tử vong cho trẻ khi ngủ. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi và không rõ nguyên nhân. Vì vậy, bạn cần lưu ý những điều sau đây để đảm bảo em bé an toàn và thoải mái khi ngủ:

  • Trẻ sơ sinh nên được ngủ trong nôi hoặc cũi riêng nhưng vẫn cần ngủ chung phòng với ba mẹ trong ít nhất 12 tháng đầu đời.
  • Đặt trẻ sơ sinh nằm ngửa khi ngủ để tránh ngạt thở.
  • Sử dụng nôi/cũi được chứng nhận an toàn. Đồng thời, cũi ngủ của bé chỉ nên chứa một tấm nệm. Bạn không nên bỏ thêm chăn, gối ôm, thú nhồi bông… vào cũi để phòng ngừa đột tử ở trẻ.
  • Đảm bảo phòng ngủ của bé không có khói thuốc lá hoặc mùi gây khó chịu.
  • Cho bé mặc quần áo vừa vặn, phù hợp với nhiệt độ môi trường xung quanh.
  • Nếu bạn dùng khăn quấn trẻ sơ sinh thì nên dùng khăn quấn mỏng nhẹ, cố định để khăn không xê dịch trùm lên mặt trẻ và luôn đặt trẻ nằm ngửa. Nếu trẻ bắt đầu biết lật, bạn nên ngừng quấn khăn cho trẻ vì có thể gây nguy hiểm nếu trẻ quấn khăn và lật để nằm sấp.
  • >>> Có thể bạn quan tâm: Mách bạn những cách giữ an toàn cho trẻ sơ sinh khi ngủ

    Bên cạnh việc chú ý điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ cho trẻ sơ sinh phù hợp, bạn cũng có thể giúp con xây dựng thói quen đi ngủ nhẹ nhàng. Một số hoạt động như ôm ấp, hát ru, đọc truyện trước giờ đi ngủ… có thể giúp con đi ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 31/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo