backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Men răng có thể tự phục hồi không? Mẹo phục hồi men răng bị hỏng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy · Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    Men răng có thể tự phục hồi không? Mẹo phục hồi men răng bị hỏng

    Do nhiều nguyên nhân khác nhau, men răng có thể bị hỏng khiến răng ố vàng, trở nên nhạy cảm. Vậy, men răng là gì, liệu men răng có thể tự phục hồi không? Có những biện pháp nào giúp tái tạo lại men răng đã hỏng?

    Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây để biết được men răng có thể tự phục hồi không và những điều cần biết xoay quanh men răng.

    Men răng là gì?

    Men răng là lớp bảo vệ bên ngoài cùng của răng, bảo vệ các thành phần tạo nên sự sống của răng là mạch máu và thần kinh bên trong, men răng được xem như một tấm khiên giúp phòng ngừa các vấn đề về răng như sâu răng, vàng răng, mảng bám trên răng… Thành phần chính của men răng bao gồm canxi và phốt pho liên kết với nhau để tạo thành các tinh thể nhỏ siêu bền. Cũng nhờ vậy mà men răng được nhận định là chất cứng nhất trong cơ thể, thậm chí là cứng hơn cả xương.

    Mặc dù vậy, theo thời gian và do nhiều yếu tố khác nhau, men răng có thể bị hỏng và mòn. Các mảng bám trên răng không được vệ sinh sạch sẽ, axit từ thực phẩm được tiêu thụ và vi khuẩn trong miệng có thể góp phần làm hỏng men răng.

    Dấu hiệu nhận biết bị hỏng men răng

    men răng là gì? dấu hiệu hỏng men răng

    Ngoài việc đi tìm câu trả lời cho thắc mắc men răng là gì, nhiều người cũng đặt câu hỏi rằng men răng có bị hỏng không? Câu trả lời là cũng như các bộ phận khác trên răng, men răng cũng có nguy cơ bị hư hại bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

    Nếu men răng bị hỏng, lớp ngà răng bên dưới bắt đầu lộ ra. Khi men răng bị mòn hoặc bị hỏng, các lớp bên trong răng tiếp xúc với không khí, thức ăn, đồ uống… tạo cảm giác ê buốt hoặc đau. 

    Có một số dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết sớm men răng bị hỏng để tìm cách khắc phục nhanh chóng, tránh các vấn đề về răng miệng:

    • Răng bị ê buốt, nhạy cảm: Men răng giúp bảo vệ lớp ngà răng nhạy cảm bên dưới. Khi men răng bị mòn, ngà răng bên dưới lộ ra, có thể dẫn đến đau và ê buốt, nhất là khi ăn uống thực phẩm nóng, lạnh, đồ ngọt, thực phẩm có tính axit.
    • Răng có đốm hoặc vệt màu trắng đục: Trong giai đoạn đầu khi men răng bị mòn và hỏng, răng có thể trông giống như bị phun cát hoặc chóp đỉnh răng cửa xuất hiện những vệt màu trắng đục.
    • Răng ố vàng: Răng có thể trở nên vàng hơn do men răng bị mỏng đi khiến lớp ngà bên dưới (thường có màu vàng) lộ rõ ​​hơn.
    • Xuất hiện các vết lõm trên bề mặt răng: Ở giai đoạn men răng bị hỏng nặng, các vết lõm siêu nhỏ sẽ xuất hiện trên bề mặt răng. 
    • Cạnh răng nứt và thô: Các cạnh ngoài của răng có nguy cơ bị axit ăn mòn cao nhất. Nếu men răng vẫn tiếp tục bị mòn và hỏng, các cạnh răng có thể trở nên tròn và thô hơn, về lâu dài có thể dẫn đến các vết nứt và sứt mẻ trên răng.

    Men răng có thể tự hồi phục lại không?

    men răng có tự hồi phục không

    Nếu men răng bị mất đi hoàn toàn trên răng thì men răng không thể tự “mọc” lại và cũng không có biện pháp nhân tạo nào có thể khôi phục lại phần men răng đã mất. Mặc dù vậy, nha sĩ có thể giúp hạn chế tối đa những tổn thương trên răng sau khi bị mất men răng bằng cách đặt mão răng lên răng để bảo vệ răng khỏi bị hư hại thêm.

    Tuy không thể phục hồi men răng đã mất, nhưng các nha sĩ có thể phục hồi men răng bị hư hỏng thông qua phương pháp điều trị bằng florua. Florua hỗ trợ tái khoáng hóa và củng cố các lớp bên ngoài của răng. 

    Không những thế, bạn cũng có thể góp phần tái khoáng hóa cho men răng bằng cách sử dụng kem đánh răng có chứa florua, giúp men răng tự “sửa chữa” bằng cách thay thế các khoáng chất bị mất. 

    Có thể bạn chưa biết

    Men răng bị hỏng có thể tự “sửa chữa” bằng cách sử dụng khoáng chất từ ​​nước bọt (chẳng hạn như canxi và phốt phát) và florua từ kem đánh răng hoặc các nguồn khác. 

    Mách bạn 8 cách bảo vệ men răng

    Mặc dù không thể phục hồi men răng đã mất, nhưng vẫn có một số biện pháp giúp bảo vệ men răng cũng như phục hồi men răng bị hư hỏng.

    1. Đến nha khoa để tái khoáng men răng bằng florua

    men răng là gì

    Florua là một khoáng chất tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và nước. Loại khoáng chất này có thể ngăn ngừa sâu răng tiến triển và thậm chí làm đảo ngược hoặc ngăn chặn nguy cơ sâu răng sớm. 

    Đối với men răng, florua có tác dụng:

    • Ngăn ngừa mất khoáng chất trong men răng
    • Bổ sung khoáng chất bị mất trong men răng
    • Làm giảm khả năng tạo axit của vi khuẩn, hạn chế mòn và hỏng men răng

    Florua có dạng thuốc viên hoặc thuốc bôi. Trong trường hợp men răng bị hỏng hoặc bị mòn, nha sĩ có thể dùng thuốc florua bôi trực tiếp lên răng bạn để phục hồi men răng một cách tự nhiên, làm cho răng của bạn ít bị sâu và các tổn thương khác. Ngoài ra, nha sĩ cũng có thể kê đơn thuốc florua để bạn uống bổ sung.

    2. Đánh răng đúng cách bảo vệ men răng

    men răng là gì

    Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày để loại bỏ mảng bám, cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng, giảm nguy cơ mất men răng. Chú ý lực đánh răng không quá mạnh để không làm bong tróc men răng. 

    Bên cạnh đó, bạn cũng nên dùng bàn chải đánh răng có lông mềm và chải răng đúng cách để hạn chế mài mòn men răng. Sau khi đánh răng, bạn nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ hoàn toàn mảng bám, mảnh vụn và vi khuẩn ẩn náu trong các ngóc ngách, kẽ răng.

    3. Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor

    Như đã đề cập, fluor mang lại nhiều lợi ích cho men răng. Do đó, việc sử dụng kem đánh răng có chứa fluor có thể giúp bảo vệ và phục hồi men răng bị hỏng. Đây là cách đơn giản nhất để giúp củng cố và tái khoáng hóa men răng hàng ngày.

    Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại kem không chứa fluor, nên bạn cần lưu ý lựa chọn kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, bạn cũng cần cân nhắc lượng fluor có trong kem đánh răng nằm trong mức quy định và được phê duyệt về tính an toàn và hiệu quả.

    Những mẹo khác giúp bạn bổ sung fluor cho men răng

    4. Nhai kẹo cao su không đường

    men răng là gì? cách phục hồi men răng

    Việc nhai kẹo cao su không đường giúp tăng sản xuất nước bọt, rửa sạch các cặn bã lắng lại trên men, giữ cho men răng khỏe mạnh. Một mẹo dành cho bạn là nên lựa chọn nhai kẹo cao su có chứa xylitol, vì đây là một loại rượu đường tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa sâu răng.

    5. Hạn chế ăn uống đồ ngọt

    Những thực phẩm có chứa đường và tinh bột sẽ được vi khuẩn trong khoang miệng lên men và tạo ra axit, từ đó phá vỡ men răng. Do đó, để bảo vệ men răng, bạn nên áp dụng một chế độ ăn giảm đường.

    Lời khuyên thân thiện để bảo vệ men răng:

    • Hạn chế ăn vặt giữa các bữa ăn để làm giảm số lần axit tấn công răng, giúp men răng có thời gian “sửa chữa” tình trạng hư hỏng.
    • Hạn chế uống nước hoa quả.
    • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì có đường sau khi đánh răng trước khi đi ngủ. Lưu lượng nước bọt giảm trong khi ngủ. Không có đủ nước bọt, răng ít có khả năng tự phục hồi sau khi bị axit tấn công.

    6. Dùng ống hút uống thức uống chứa axit

    Axit có thể làm mòn men răng. Do đó, nếu bạn uống soda, nước cam và đồ uống có tính axit khác, hãy sử dụng ống hút để giảm thiểu sự tiếp xúc với bề mặt răng.

    7. Uống nhiều nước bảo vệ men răng

    men răng là gì

    Việc uống đủ nước và thường xuyên suốt cả ngày giúp rửa sạch mảng bám, vi khuẩn và thức ăn thừa bám trên răng gây hỏng men răng. Hơn nữa, hydrat hóa một cách phù hợp cũng có thể giúp giảm nguy cơ mất men răng ở những người bị khô miệng.

    8. Đi khám răng định kỳ

    Việc khám răng định kỳ không chỉ giúp sớm phát hiện ra men răng có dấu hiệu bị hư hỏng, mà còn giúp phòng ngừa và điều trị mòn men răng. Nha sĩ có thể đề xuất:

    • Loại bỏ mảng bám trên răng
    • Trám răng bị sâu, mòn 
    • Thoa gel flour hoặc vecni flour (nếu cần)

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được men răng có tự hồi phục không và cách bảo vệ men răng thế nào.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

    Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo