backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nguy hiểm thế nào? Dấu hiệu và cách xử lý dị ứng

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình · Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nguy hiểm thế nào? Dấu hiệu và cách xử lý dị ứng

    Dị ứng với sữa bò và các sản phẩm từ sữa là tình trạng có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và khác với chứng không dung nạp đường sữa. Vậy làm sao để biết bé dị ứng sữa bò? Dị ứng đạm bò có nguy hiểm không? Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò bao lâu thì khỏi? Mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu dị ứng với sữa bò được đề cập dưới đây và tìm nguồn sữa thay thế ngay lập tức nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích xoay quanh tình trạng dị ứng này và 6 gợi ý thú vị về nguồn sữa thay thế.

    Dị ứng đạm sữa bò là gì?

    Dị ứng đạm sữa bò là một trong những loại dị ứng mẫn cảm phổ biến nhất ở trẻ em trong năm đầu đời. Bởi sữa bò có chứa protein lạ đầu tiên mà nhiều trẻ sơ sinh phải hấp thụ với lượng lớn, nên dễ xảy ra tình trạng trẻ sơ sinh bị dị ứng đạm bò. Đặc biệt, trẻ đã từng bú sữa bột trước đó có nguy cơ cao bị dị ứng đạm bò. Khoảng 2 – 3/100 trẻ em nhỏ dưới 3 tuổi mắc phải các tình trạng dị ứng có liên quan tới sữa bò.

    Đây là 1 loại phản ứng miễn dịch qua trung gian IgE do cơ thể phản ứng lại protein trong sữa bò.

    Dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò

    dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

    Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc làm sao để biết bé dị ứng sữa bò hay dấu hiệu trẻ dị ứng đạm bò là gì? Các triệu chứng dị ứng sữa rất đa dạng và từ phản ứng nhẹ đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ). Một số trẻ có các triệu chứng ngay lập tức, nhưng ở những trẻ khác, các triệu chứng có thể mất thời gian để phát triển. Theo các chuyên gia sức khỏe, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò sẽ được đề cập dưới đây.

    Triệu chứng của dị ứng thường sẽ xuất hiện trong vòng vài phút hoặc thậm chí lâu hơn, đôi khi là vài ngày đến vài tuần. Tùy vào lượng sữa hấp thụ, trẻ sẽ có tình trạng dị ứng nặng hoặc nhẹ. Sau khi tiêu thụ sữa khoảng vài phút, hãy lưu ý nếu trẻ có những dấu hiệu dị ứng sau:

  • Nổi mụn đỏ trên da (Tình trạng phát ban hay còn gọi là nổi mề đay)
  • Phát ban ngứa, đỏ, đóng vảy trên da và chảy nước mắt. Bị viêm da hoặc chàm
  • Sưng mặt
  • Thở khò khè hoặc ho dai dẳng
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà những dấu hiệu này sẽ kéo dài và xuất hiện liên tục. Ngoài ra, những dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm bò sau có thể xuất hiện trong vòng vài giờ nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò:

    • Nôn mửa
    • Đi tiêu phân lỏng 
    • Phát ban hoặc chàm

    Những biểu hiện bé bị dị ứng đạm sữa bò sau đây có thể xuất hiện trong vòng vài ngày báo hiệu tình trạng bé cưng đang bị dị ứng sữa bò:

    • Có các dấu hiệu của bệnh chàm
    • Bệnh tiêu chảy
    • Bệnh hen suyễn
    • Trào ngược dạ dày – thực quản
    • Viêm đỏ quanh hậu môn – tầng sinh môn…

    Phản ứng dị ứng nghiêm trọng – sốc phản vệ

    Sữa bò là một trong những thực phẩm phổ biến nhất gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Nếu phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) xảy ra và không được chăm sóc y tế kịp thời, tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa.

    Các triệu chứng cảnh báo tình trạng sốc phản vệ ở trẻ bao gồm:

    • Khó thở, thở khò khè hoặc thở rít 
    • Sưng lưỡi
    • Sưng hoặc cảm thấy căng tức cổ họng
    • Khó nói, khàn giọng
    • Ho dai dẳng
    • Chóng mặt 
    • Xanh xao và chân tay buông thõng ở trẻ nhỏ… 

    Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có khỏi không, bao lâu thì khỏi? 

    Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

    Bạn đang đi tìm câu trả lời cho thắc mắc bé bị dị ứng sữa bao lâu thì khỏi hay trẻ bị dị ứng đạm sữa bò bao lâu thì khỏi? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

    Trên thực tế, nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, trước tiên bạn cần ngưng không cho bé uống sữa bò hay các sản phẩm từ sữa để tránh làm tình trạng trầm trọng thêm. Sau đó, hãy đưa bạn có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tham khá, làm các xét chẩn đoán và điều trị. 

    Vậy trẻ dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có khỏi không, bao lâu thì khỏi? Câu trả lời là nhiều trẻ sẽ hết bị dị ứng với sữa bò khi hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện. Tuy nhiên, bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị bạn cho bé thực hiện một vài xét nghiệm kiểm tra dị ứng trước khi quyết định cho phép bé dùng lại các món đã từng gây dị ứng. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy dị ứng đã hết, con bạn có thể dùng sữa một cách cẩn thận với liều lượng tăng dần và trẻ cần được theo dõi ngay tại phòng khám trong khi dùng. Tại đây, mọi phản ứng đều được theo dõi và nếu cần thiết, bé sẽ được điều trị kịp thời.

    Nếu kết quả thăm khám chỉ ra rằng bé chỉ đơn giản bị chứng không dung nạp lactose thì việc làm xét nghiệm chẩn đoán dị ứng thường không cần thiết. Lúc này, bé có thể uống sữa cũng như dùng các chế phẩm từ sữa ở nhà và cần theo dõi sát sao nhất tình trạng của bé. Giải pháp lúc này là bạn có thể mua các sản phẩm sữa không có đường lactose dành riêng cho trẻ mắc chứng không dung nạp đường lactose.

    Gợi ý 6 loại sữa cho trẻ dị ứng đạm sữa bò

    Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, mẹ có thể kết hợp sữa mẹ vào thực đơn ăn dặm của trẻ. Mẹ cần nên lưu ý trong chính chế độ ăn của mình để bảo đảm được chất lượng nguồn sữa. Mẹ nên tránh những thức ăn có chứa đạm từ bò, ví dụ như: sữa bò, thịt bò… Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà mẹ không thể cho bé bú nhưng bé bị dị ứng đạm sữa bò, mẹ có thể tìm nguồn sữa thay thế để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bé.

    Việc tìm nguồn sữa thay thế cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cũng là vấn đề nan giải cho các mẹ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu con đang tập ăn dặm. Hello Bacsi gợi ý đến bạn 6 nguồn sữa thay thế cho sữa bò:

    1. Sữa dê

    Với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thì sữa dê sẽ là nguồn thay thế tuyệt vời. Loại sữa này chứa nhiều canxi, B6, vitamin A và kali hơn sữa bò, nhưng lại thiếu đi chất folate và vitamin B12. Hãy đảm bảo rằng nguồn sữa dê được tiệt trùng hoàn toàn để tránh gây ra những rắc rối khác cho trẻ.

    2. Sữa cừu

    Tương tự như sữa dê, sữa cừu cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng và sẽ là một lựa chọn thay thế hoàn hảo cho trẻ dị ứng đạm sữa bò. Tuy nhiên, mẹ cần phải chọn lọc nguồn sữa sạch, được tiệt trùng kỹ càng.

    3. Sữa đậu nành

    Đây là một lựa chọn phổ biến cho mẹ vì loại sữa này chứa một lượng lớn calo và protein. Đồng thời, sữa đậu nành còn bổ sung thêm canxi và vitamin D cho trẻ. Mẹ cần chọn loại không đường cho trẻ và lưu ý hỏi ý kiến của bác sĩ vì lượng lớn trẻ em bị dị ứng với sữa bò cũng sẽ dị ứng với sữa đậu nành. Sữa đậu nành chỉ khuyến cáo cho trẻ > 6 tháng tuổi do hàm lượng phyto-oestrogen cao.

    4. Sữa gạo

    Sữa gạo là loại sữa có nguồn gốc thực vật, là lựa chọn tốt hơn sữa thông thường cho những gia đình có chế độ ăn thuần chay. Dù thế, mẹ nên lưu ý rằng sữa thực vật thường có hàm lượng protein, calo và vitamin thấp hơn nên bé cần được bổ sung đủ dưỡng chất từ các nguồn khác. Mẹ nên tìm loại không đường và đặc biệt là thương hiệu sữa thực vật được đặc chế riêng cho trẻ giúp bổ sung đầy đủ chất tương tự như sữa động vật.

    5. Sữa hạnh nhân

    sữa hạnh nhân cho trẻ dị ứng đạm sữa bò

    Tương tự như những loại sữa thực vật khác, sữa hạnh nhân cũng có ít protein và calo hơn sữa động vật mặc dù nó có hàm lượng canxi cao. Mẹ nên xem xét cân nhắc đưa loại sữa này vào khẩu phần ăn cho trẻ cùng với các nguồn protein, vitamin và khoáng chất khác. Ngoài ra, nên đảm bảo rằng trẻ không dị ứng với loại hạt nào khi mẹ chọn sữa thực vật làm nguồn sữa thay thế.

    6. Sữa yến mạch

    So với những sữa thực vật khác, sữa yến mạch có nhiều calo hơn nhưng lượng protein lại chỉ bằng một nửa sữa dê hoặc sữa cừu.

    Nếu trong trường hợp dị ứng nặng qua trung gian IgE, viêm ruột, chậm phát triển, dị ứng với nhiều loại sữa khác có thể cân nhắc lựa chọn sữa có đạm thuỷ phân hoàn toàn – còn gọi là sữa công thức Amino Acid.

    Lưu ý là dù chọn bất kỳ loại sữa gì để thay thế sữa bò, mẹ cũng nên lưu ý kết hợp nguồn sữa thay thế với chế độ ăn đa dạng, cân bằng cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm và tất cả trẻ dưới 5 tuổi đều cần được bổ sung vitamin D.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


    Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo