backup og meta

Trò chuyện với bé yêu là bí quyết giúp con mở rộng vốn từ và giao tiếp

Trò chuyện với bé yêu là bí quyết giúp con mở rộng vốn từ và giao tiếp

Trò chuyện với bé sơ sinh cũng như trẻ nhỏ được xem là bí quyết ít ai biết để giúp con xây dựng ngôn ngữ và khả năng giao tiếp. Trò chuyện với bé là điều đơn giản, nhưng bạn cần biết cách nói và tạo sự thú vị trong câu chuyện.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khả năng quan sát và lắng nghe rất tốt. Con yêu có thể nghe thấy những gì bạn nói và mọi hành động của bạn. Trò chuyện với bé ngay từ khi con còn nằm trong bụng mẹ đến khi con chào đời bằng những câu chuyện thú vị là chìa khóa để bé phát triển trí não lẫn khả năng giao tiếp xã hội sau này.

Tầm quan trọng của việc trò chuyện với bé

Trò chuyện với bé sơ sinh và bé tập đi có thể giúp phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ. Trò chuyện với bé càng nhiều, lợi ích mang lại càng lớn.

Để trò chuyện với bé, bố mẹ sẽ sử dụng rất nhiều âm thanh, từ ngữ. Khi trẻ tiếp thu được, con dần dần sẽ cải thiện và gia tăng vốn từ của mình, tăng khả năng hiểu và sử dụng từ sao cho hợp lý.

Không chỉ hỗ trợ về mặt kỹ năng ngôn ngữ – giao tiếp, trò chuyện với bé còn giúp não bộ phát triển, trẻ sẽ học tập tốt hơn ở trường khi lớn lên.

Não bộ sẽ là nơi tiếp nhận tất cả âm thanh, tần số và ngôn ngữ mà bé nghe được. Ngoài ra, trẻ nhỏ thường có xu hướng tập trung và phản ứng nhanh với những âm thanh của trẻ con hơn là những cuộc hội thoại bình thường của người lớn. Do đó, những giọng nói có phần tinh nghịch, thánh thót và tông cao sẽ dễ làm bé thích thú và tiếp nhận nhanh hơn. Vì vậy, những người kề cận bên trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

80% sự phát triển thể chất của não bộ diễn ra trong suốt 3 năm đầu đời. Khi bộ não trẻ dần phát triển, nó sẽ hình thành những liên kết để có thể tiếp nhận, xử lý thông tin. Những liên kết này gọi là synape (khớp thần kinh) đạt tốc độ xử lý “khủng” với tỷ lệ 700 synape/giây trong những năm đầu đời của trẻ.

Trò chuyện với bé sẽ đánh thức và tác động đến những synape quan trọng trong não bộ với chức năng ngôn ngữ. Do đó, trẻ càng nghe nhiều thì những kết nối thần kinh càng trở nên vững chắc. Quá trình xử lý thông tin sẽ thúc đẩy khả năng ngôn ngữ và khả năng học tập nói chung của trẻ khi lớn lên.

Trò chuyện với bé ra sao và bao nhiêu là đủ?

Trò chuyện với bé không có gì quá khó khăn. Bạn có thể bắt đầu kể về tất cả những gì bạn đang làm với bé, những gì gắn liền với gia đình và xảy ra hằng ngày. Ví dụ, khi cho bé tắm nắng và dạo chơi bên ngoài, bạn có thể chỉ cho bé những sự vật xung quanh như: “Ồ, ông mặt trời lên rồi”, “Con chim đang đậu kìa”, “Ôi chú mèo con dễ thương quá”…

Bạn có thể cùng bé “líu lo” cả ngày miễn sao mỗi lần trò chuyện, bé có phản ứng lại với những gì bạn nói. Trẻ cũng cần những phút giây yên tĩnh. Nếu quan sát và thấy bé lặng im hay có dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ, đói… bạn nên cho bé bú sữa, hát ru bé ngủ và chọn thời điểm khác để trò chuyện với bé.

Tính cách của trẻ cũng phần nào ảnh hưởng tới cách mà bé yêu giao tiếp với bạn. Một số bé có thể tỏ ra dễ chịu, thích nói chuyện vui đùa nhưng cũng có bé thích im lặng hơn. Do đó, bạn cần quan sát kỹ thiên thần bé nhỏ của mình và lựa thời điểm thích hợp để trò chuyện nhé.

Khi nào có thể bắt đầu trò chuyện với bé?

Thật tuyệt nếu bạn có thể bắt đầu trò chuyện với bé càng sớm càng tốt. Từ khi sinh ra, trẻ đã có thể tiếp nhận một lượng lớn thông tin và từ ngữ mà bạn nói, chỉ bằng cách lắng nghe và quan sát bạn.

Giao tiếp, trò chuyện với bé lúc bắt đầu thường chỉ là giao tiếp một chiều. Dù bé không thể nói bằng lời nhưng con yêu cũng đang cố giao tiếp với bạn thông qua ánh mắt, việc khóc hoặc chăm chú lắng nghe đấy. Khi con lớn thêm một chút, bé có thể cười, tạo ra âm thanh, nhăn mặt và di chuyển thân mình như là cách để trò chuyện với bạn.

Trò chuyện cùng bé, lắng nghe con ân cần, dịu dàng sẽ cho bé những trải nghiệm đầu đời tuyệt vời, từ đó thắt chặt thêm tình cảm và giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ rất tốt.

Mẹo hay giúp trò chuyện với bé hiệu quả

tro-chuyen-voi-be-1

Bất cứ thời gian nào bên bé cũng đều là cơ hội tốt để giao tiếp với con. Đó có thể là thời điểm bạn cho bé ăn, thay tã, tắm cho bé, đưa bé dạo chơi… Những hoạt động sau đây sẽ hỗ trợ bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ của mình hiệu quả:

1. Yếu tố linh hoạt

  • Tắt tất cả những thiết bị làm bé phân tâm. Ví dụ, để điện thoại chế độ im lặng, tắt cả tivi, máy tính và chỉ trò chuyện cùng bé.
  • Ân cần lắng nghe những gì bé đang cố trò chuyện với bạn. Khi bé chưa thể nói thành lời, hãy hỏi những câu hỏi gợi mở để hiểu bé hơn. Ví dụ, khi bé chỉ vào con chó, bạn có thể hỏi thêm: “Chú chó có bộ lông mượt quá đúng không nào?” hay “Ôi chú chó thật là đáng yêu”…
  • Có những điểm dừng tự nhiên: Bé có thể lấp đầy những khoảng dừng này khi ngôn ngữ đã phát triển. Điều này cũng dạy trẻ về mối quan hệ giữa sự chia sẻ – lắng nghe trong một cuộc trò chuyện.
  • Ngưng trò chuyện khi thích hợp: Khi bé có vẻ mỏi mệt, buồn ngủ… bạn đừng bắt bé lắng nghe nữa và chọn thời điểm khác nhé.

2. Yếu tố hấp dẫn

  • Chú tâm vào những gì bé đang có ý định nói và quan tâm. Ví dụ, bé thích con gà, hãy nói về con gà
  • Trò chuyện với bé về những thứ bé có thể quan tâm nhiều hơn như ông bà, bố mẹ, chị em…
  • Sử dụng ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm gương mặt để minh họa cho câu chuyện.
  • Sử dụng nhiều từ cảm thán, câu đơn, dễ hiểu
  • Đọc truyện cho bé nghe
  • Sử dụng thêm tranh ảnh, màu sắc để kích thích các giác quan của trẻ.

Trò chuyện với bé mang lại rất nhiều lợi ích đối với sự phát triển trí não lẫn ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ. Bạn nên trò chuyện cùng bé càng sớm càng tốt nhé. Và cũng đừng quên những mẹo hay ở trên để câu chuyện trở nên hấp dẫn và lôi cuốn bé hơn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The importance of Talking to Your Baby https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-talk-language#1 Ngày truy cập 25/1/2018

Talking with babies and toddlers: why it’s important http://raisingchildren.net.au/articles/talking_with_babies_toddlers.html Ngày truy cập 25/1/2018

Phiên bản hiện tại

08/02/2018

Tác giả: Mai Hồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 08/02/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo