backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bé dưới 6 tháng chậm tăng cân: Nguyên nhân có thể mẹ không ngờ đến!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 12/12/2023

    Bé dưới 6 tháng chậm tăng cân: Nguyên nhân có thể mẹ không ngờ đến!

    Việc bé dưới 6 tháng tuổi chậm tăng cân có thể khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng. Trong một số trường hợp, tình trạng này không quá đáng ngại nhưng với nhiều trường hợp khác, đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về dinh dưỡng hoặc sức khỏe.

    Cân nặng của trẻ “biến động” như thế nào trong 6 tháng đầu đời?

    Nhiều bố mẹ lo lắng khi cân nặng của con không tăng như mong đợi. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ tốc độ phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bố mẹ sẽ cảm thấy yên tâm hơn. 

    Theo đó, trẻ sơ sinh thường giảm khoảng 5 – 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 5 – 7 ngày sau sinh. Lúc này, bố mẹ không cần quá lo lắng bởi bé sẽ lấy lại số cân mất đi trong vòng 10 – 14 ngày tiếp theo [1].

    Ở những giai đoạn sau, trẻ có thể tăng khoảng 28g mỗi ngày và đạt cân nặng gấp đôi lúc sinh khi được khoảng 4 – 6 tháng tuổi. Đến 12 tháng, cân nặng của hầu hết trẻ nhỏ sẽ tăng gấp 3 lần lúc sinh [2], [3].

    Tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và không bé nào giống bé nào. Một số trẻ sẽ phát triển chậm hơn, trong khi một số bé khác tăng trưởng nhanh hơn. Miễn là con bạn vẫn bú tốt và kết quả khám sức khỏe đạt chuẩn thì việc chậm tăng cân hơn bình thường không quá đáng ngại [2].

    Tuy nhiên, nếu trẻ không tăng cân trở lại vào 2 tuần sau sinh hoặc không tăng cân đều đặn sau đó, bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe hoặc khả năng hấp thu dinh dưỡng [2].

    Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng trẻ dưới 6 tháng tuổi chậm tăng cân

    Trẻ dưới 6 tháng tuổi chậm tăng cân có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu bé nhà bạn đang gặp phải tình trạng này và bạn cảm thấy quá lo lắng, hãy thử tìm hiểu về những lý do khiến con chậm tăng cân cũng như các giải pháp có thể thực hiện để hỗ trợ quá trình phát triển của bé.

    Trẻ không nhận đủ lượng calo cần thiết

    Không nhận đủ lượng calo cần thiết là một trong những lý do đầu tiên khiến trẻ không tăng cân đều đặn. Hầu hết trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh sẽ bú từ 30 đến 60ml sữa mỗi cữ bú và cứ 2 – 3 giờ phải bú sữa một lần. Khi bé lớn lên, lượng sữa mỗi lần bú sẽ tăng lên và tần suất các cữ bú trong ngày dần giảm xuống nhưng tổng lượng calo cơ thể bé cần vẫn được đáp ứng đủ [4]. Tuy nhiên, cũng có những bé không nhận đủ lượng calo cơ thể cần do một vài nguyên nhân như:

    Tình trạng mẹ ít sữa, bé bú không đủ

    Tình trạng này có thể bắt nguồn từ một số lý do như mẹ cho con bú không thường xuyên, mẹ phẫu thuật vú… Đối với các vấn đề liên quan đến điều trị y tế, mẹ nên xin tư vấn từ bác sĩ để tìm ra hướng giải quyết kịp thời [4]. Trường hợp mẹ ít sữa, không đủ sữa, mẹ có thể thử thực hiện các biện pháp giúp sữa mẹ về nhiều như cho con bú thường xuyên, massage ngực kích thích sữa về, vắt sữa thường xuyên, ăn uống đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung các thực phẩm lợi sữa như chân giò hầm đu đủ, canh rau ngót thịt bò… [5].

    Thời gian cữ bú ngắn 

    Thời gian cữ bú ngắn cũng có thể là lý do khiến bé không nhận đủ calo và chậm tăng cân. Tình trạng này có thể là do sữa mẹ ít, chậm về, bé gặp khó khăn khi bú, bé có thói quen ngủ khi bú mẹ…. Với trường hợp này, mẹ cần tìm cách tăng lượng sữa mẹ. Nếu bé hay ngủ khi bú mẹ thì bố mẹ có thể đánh thức trẻ dậy và dỗ bé bằng cách vuốt má hoặc tay chân để giúp con bú lâu hơn [4].

    trẻ sơ sinh chậm tăng cân

    Bé bú sai khớp ngậm

    Các vấn đề sai khớp ngậm cũng khiến trẻ khó bú đủ sữa mẹ. Đồng thời việc này cũng khiến mẹ đau đớn, khó chịu và từ đó dẫn đến việc không cho bé bú thường xuyên. Bạn có thể nhận ra dấu hiệu trẻ ngậm sai khớp khi: [6]

    • Không nghe thấy tiếng bé nuốt sữa
    • Nghe thấy tiếng nhấp nháp, âm thanh lớn khi bé bú mẹ
    • Bé thở gấp vài phút sau khi bú và không bú được liên tục trọn cữ
    • Bé hay bị sặc sữa, hoảng sợ, khóc ré và không nuốt khi sữa mẹ nhiều
    • Bé chỉ ngậm núm ti chứ không ngậm quầng ti
    • Mẹ thấy núm vú hoặc quầng vú bị đau, bầm tím
    • Núm vú bị đỏ, nứt, nhăn hoặc xẹp
    • Bầu vú mẹ không căng trước khi bé bú hoặc không mềm sau khi bé bú
    • Mẹ bị tắc tia sữa hoặc viêm tuyến vú

    Trong trường hợp bé gặp vấn đề về sai khớp ngậm, bạn nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh cách cho bé bú cũng như đảm bảo các kỹ thuật cho bú để bé bú đúng khớp ngậm. Một số điểm then chốt mẹ cần lưu ý khi cho bé bú là đầu và thân trẻ nằm trên 1 đường thẳng; toàn thân trẻ sát vào người mẹ, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ; mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ không những đỡ đầu, vai mà còn phải đỡ phần mông trẻ [7].

    Trẻ gặp khó khăn trong việc hấp thu dưỡng chất và calo

    trẻ sơ sinh chậm tăng cân

    Nếu thấy con đã bú đầy đủ, bú đúng cách nhưng bé vẫn chậm tăng cân thì có thể là do bé đang gặp khó khăn trong việc hấp thu dưỡng chất và chuyển hóa năng lượng. Tình trạng này thường do các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày… gây ra [4].

    Bé bú mẹ thường sẽ ít bị các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đi ngoài phân lỏng do đạm sữa mẹ là đạm mềm, nhỏ tự nhiên phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé [8]. Còn với bé dùng sữa ngoài, bé thường có nguy cơ “đụng” đạm biến tính. Nguyên nhân là bởi, đạm sữa rất nhạy cảm với nhiệt độ nên nếu trong quá trình sản xuất trải qua gia nhiệt nhiều lần, đạm sẽ bị biến đổi cấu trúc thành đạm vón cục, khó tiêu. Khi đi vào cơ thể bé, đạm sữa biến tính sẽ khiến thời gian tiêu hóa ở trong dạ dày kéo dài lâu hơn nên khiến bé dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa.

    Do đó, nếu bé dùng sữa ngoài chậm tăng cân, mẹ sẽ cần xem lại công thức sữa bé đang dùng có dễ tiêu hóa và hấp thu không. Nếu nghi ngờ là do thành phần đạm biến tính có trong sữa, hãy hỏi ý kiến bác sĩ việc đổi cho con một công thức sữa giúp con tiêu hóa khỏe, hấp thu nhanh. Ưu tiên hàng đầu là những công thức sữa giúp con hấp thu tối đa dưỡng chất với quy trình sản xuất chỉ qua Xử Lý Nhiệt Chỉ 1 Lần. Bởi quy trình này sẽ giúp bảo toàn hơn 90% đạm mềm tự nhiên trong sữa, giúp con êm bụng và ít gặp các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, công thức sữa cũng cần “êm dịu” với hệ tiêu hóa, giúp con êm bụng, êm giấc với nguồn sữa mát từ giống bò thuần chủng Hà Lan cùng hương vị thanh nhạt để giúp bé uống sữa ngon và nhiều hơn. 

    Các vấn đề y tế khác

    Ngoài hai nguyên nhân kể trên, một số vấn đề y tế khác cũng có thể khiến cho bé dưới 6 tháng tuổi chậm tăng cân. Trẻ sinh non, mắc hội chứng Down, bị hở hàm ếch… thường không đủ khả năng để bú mẹ hiệu quả. Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh mạn tính, viêm mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, cường giáp… sẽ khiến cơ thể bé tiêu hao calo quá nhiều, từ đó dẫn đến thiếu hụt calo cần thiết để tăng trưởng [4].

    Các vấn đề này đều có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng cân của trẻ. Đối với các trường hợp như vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể cũng như có hướng điều trị bệnh lý tiềm ẩn nếu có [4].

    Việc bé dưới 6 tháng tuổi chậm tăng cân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong một số trường hợp, tình trạng này thường không quá đáng ngại. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn cần theo dõi tốc độ tăng cân của trẻ để kịp thời tham khảo ý kiến bác sĩ và có hướng can thiệp hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 12/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo