backup og meta

Uốn ván: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - phòng ngừa

Uốn ván: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - phòng ngừa

Uốn ván hay còn gọi là bệnh phong đòn gánh là một dạng nhiễm trùng cấp tính, có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Việc tìm hiểu cặn kẽ về căn bệnh này có thể giúp bạn chủ động hơn trong quá trình điều trị cũng như phòng ngừa.

Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về bệnh uốn ván qua bài viết này!

Uốn ván là bệnh gì?

Bệnh uốn ván hoặc phong đòn gánh là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng xảy ra bởi độc tố của một loại vi khuẩn có tên là Clostridium tetani tiết ra. Việc nhiễm độc tố từ vi khuẩn dẫn đến tình trạng tăng trương lực cơ, có cơn co thắt gây đau đớn (thường là cơ hàm và cơ cổ) người bệnh khiến họ khó mở miệng hoặc nuốt. Nếu những mô cơ thuộc hệ hô hấp chịu ảnh hưởng, người bệnh có nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp.

Phần lớn trường hợp, bệnh thường ảnh hưởng toàn thân (uốn ván toàn thân). Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này chỉ khu trú ở nhóm mô cơ gần vết thương (uốn ván cục bộ). Ngoài ra, còn có uốn ván đầu ít gặp thường xảy ra sau chấn thương đầu, viêm tai giữa, uốn ván sơ sinh do dây rốn bị nhiễm trùng trong quá trình sinh con không hợp vệ sinh và mẹ thiếu tiêm chủng.

Nguyên nhân gây bệnh uốn ván là gì?

uốn ván từ vết thương hở

Bệnh uốn ván là do trực khuẩn sản sinh độc tố hoạt động của Clostridium tetani. Bào tử vi khuẩn Clostridium tetani gây bệnh uốn ván có ở khắp mọi nơi trong môi trường sống của chúng ta, bao gồm đất, bụi bẩn và phân bón có nguồn gốc động vật và có thể tồn tại trong nhiều năm. Các bào tử phát triển thành vi khuẩn khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, vết rách trên da… Không giống như các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác, bệnh uốn ván không lây từ người sang người. Sinh con là nguyên nhân quan trọng gây nhiễm trùng uốn ván ở các nước đang phát triển, tiêm chủng kém cũng là nguyên nhân quan trọng gây uốn ván. 

Sau khi xâm nhập, chủng vi sinh vật gây bệnh này sẽ sản sinh một loại độc tố bám vào đuôi các sợi thần kinh. Chất độc sẽ lan dần vào tủy sống và não, từ đó ngăn chặn những tín hiệu gửi từ não và tủy sống đến cơ. Nếu không sớm có biện pháp giải độc, người bị nhiễm khuẩn có nguy cơ tử vong.

Một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Nguy cơ gặp phải dạng nhiễm trùng cấp tính này có thể tăng nếu bạn có bất kỳ yếu tố nào dưới đây, bao gồm:

  • Hệ miễn dịch kém
  • Vết thương hở miệng do xăm mình, xỏ khuyên, tiêm chích, bỏng, phẫu thuật hoặc bị động vật cắn
  • Gãy xương hở (mảnh xương gãy xuyên qua da)
  • Nhiễm trùng tai
  • Vết loét ở chân

Thời gian ủ bệnh uốn ván

Thời gian ủ bệnh uốn ván thường là từ 3 đến 21 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn. Hầu hết các trường hợp khởi phát bệnh xảy ra trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, đôi khi thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến vài tháng, tùy thuộc vào loại vết thương, thời gian ủ bệnh nhanh hơn thường có tính chất nghiêm trọng hơn. Nói chung, các bác sĩ nhận thấy thời gian ủ bệnh ngắn hơn khi:

  • Vết thương bị nhiễm trùng nặng hơn
  • Có sẵn nhiều bệnh nặng nguy hiểm.

Những dấu hiệu và triệu chứng uốn ván là gì?

triệu chứng bệnh uốn ván

1. Triệu chứng uốn ván

Người bị uốn ván hay phong đòn gánh sẽ có những triệu chứng, dấu hiệu như sau:

  • Căng cứng cơ, thường xảy ra ở hàm, cổ, vai, lưng, bụng trên, tay và đùi
  • Cứng hàm gây khó nuốt
  • Co giật
  • Bồn chồn
  • Cáu gắt
  • Đau đầu
  • Đau họng
  • Sốt và đổ mồ hôi
  • Thay đổi huyết áp và nhịp tim…

Ngoài ra, đôi khi người bệnh cũng có thể có các triệu chứng, dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

2. Biến chứng

Theo các chuyên gia sức khỏe, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra ở người mắc bệnh uốn ván bao gồm:

  • Co thắt thanh quản và co thắt cơ hô hấp gây suy hô hấp 
  • Rối loạn nhịp tim – nguyên nhân chính gây tử vong bệnh nhân uốn ván nặng 
  • Thuyên tắc phổi 
  • Viêm phổi do hít 
  • Uốn ván sơ sinh: di chứng lâu dài: rối loạn chức năng vận động và cảm xúc
  • Gãy xương dài, trật khớp thái dương hàm
  • Suy dinh dưỡng
  • Hôn mê, liệt dây thần kinh hậu quả tâm lý và co rút cơ
  • Tử vong

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đến cơ sở y tế ngay nếu bạn có vết thương hở miệng bị nhiễm bẩn, đặc biệt khi bạn chích ngừa uốn ván cách đây đã hơn 5 năm. Ngoài ra, gặp bác sĩ để được tiêm uốn ván nếu trong vòng 10 năm qua bạn vẫn chưa chích loại vắc xin này.

Bệnh uốn ván được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

chẩn đoán bệnh uốn ván

1. Chẩn đoán 

Không có xét nghiệm cụ thể nằm trong phòng thí nghiệm chẩn đoán xác định uốn ván. Chẩn đoán lâm sàng dựa trên triệu chứng: khít hàm, khó nuốt, cứng cơ toàn thân, cơ thắt hoặc kết hợp các triệu chứng trên. Đặc biệt nếu gần đây họ từng có vết thương hở hoặc có các yếu tố nguy cơ của bệnh uốn ván.

Các triệu chứng bệnh uốn ván có thể bị nhầm với bệnh viêm màng não do căn nguyên vi khuẩn hoặc virus nhưng việc kết hợp các dấu hiệu sau có thể đưa ra chẩn đoán bệnh uốn ván:

  • Cảm giác không thay đổi
  • Dịch não tủy bình thường
  • Co cơ

Tình trạng co cứng cơ hàm phải được phân biệt với áp xe quanh amidan hoặc áp xe sau họng hoặc bất kỳ nguyên nhân khu trú nào khác. Việc dùng thenothiazines có thể gây ra tình trạng co cứng giống như uốn ván (ví dụ, phản ứng dystonic, hội chứng an thần kinh ác tính).

Việc nuôi cấy vi khuẩn để xác nhận nhiễm bệnh uốn ván thường không mang lại hiệu quả cao. Bởi Clostridium tetani được nuôi cấy từ vết thương thường không nhạy, thống kê ghi nhận chỉ có khoảng 30% bệnh nhân uốn ván có kết quả dương tính. Ngoài ra, kết quả nuôi cấy dương tính giả có thể xảy ra ở những bệnh nhân không bị uốn ván.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh uốn ván?

Bệnh uốn ván là một trường hợp nguy hiểm cần được cấp cứu y tế khẩn cấp. Việc điều trị thường bao gồm:

  • Điều trị hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ hô hấp cho người bị cứng hàm, khó nuốt và co giật cơ
  • Điều trị ngay lập tức bằng thuốc gọi là globulin miễn dịch uốn ván ở người (TIG)
  • Vệ sinh vết thương và loại bỏ mô bị hoại tử
  • Xứ trí tình trạng co thắt cơ bằng thuốc
  • Thuốc kháng sinh
  • Đôi khi dùng thuốc điều trị rối loạn chức năng thần kinh thực vật

Chăm sóc hỗ trợ

  • Người bệnh nên được nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh. Trong những trường hợp vừa phải hoặc nặng, người bệnh cần được đặt nội khí quản.
  • Tăng cường dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch tránh được nguy cơ hít sặc thứ phát sau khi cho ăn qua ống thông dạ dày.
  • Ở người bệnh uốn ván, tình trạng táo bón thường xảy ra nên cần được làm mềm phân.
  • Đặt sonde trực tràng có thể kiểm soát sự chướng bụng.
  • Đặt ống thông bàng quang nếu có bí tiểu.
  • Xoa ngực, thay đổi thường xuyên, và gây ho là cần thiết để ngăn ngừa viêm phổi.
  • Giảm đau bằng opioid thường là cần thiết.

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính có thể kéo dài 2 – 3 tháng và người bệnh sẽ cần ít nhất 4 tháng để hồi phục hoàn toàn. Người bệnh cũng có thể tập vật lý trị liệu để giúp cơ thể sớm khỏe mạnh trở lại.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn phòng ngừa bệnh uốn ván?

chủng ngừa bệnh uốn ván

Những thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp hạn chế nguy cơ bị bệnh uốn ván:

  • Rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch ngay lập tức
  • Đến bệnh viện ngay nếu bạn không biết bạn có cần tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván hay không
  • Nhập viện ngay nếu bạn có triệu chứng bị co giật cơ, khó nuốt hoặc khó thở

Tuân thủ việc chủng ngừa vaccine phòng bệnh uốn ván đầy đủ:

  • Trẻ nhỏ nên được tiêm từ tháng thứ 2 sau sinh, tiêm đầy đủ và đúng lịch.
  • Người lớn nên tiêm phòng sau mỗi 10 năm.
  • Phụ nữ mang thai nên tiêm phòng uốn ván đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính cần được điều trị kịp thời. Do đó, nếu có nguy cơ hay nhận thấy triệu chứng bệnh, bạn cần đến bệnh viện ngay.

Bài viết được tham vấn y khoa bởi Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn. Được xây dựng theo mô hình bệnh viện – khách sạn hiện đại, quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong và ngoài nước, bệnh viện được khách hàng lựa chọn cho nhiều dịch vụ thăm khám như khám tổng quát, tầm soát ung thư, thai sản trọn gói… vì chất lượng và sự tận tâm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

About Tetanus

https://www.cdc.gov/tetanus/about/index.html  Ngày truy cập 25/10/2023

Tetanus

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/tetanus Ngày truy cập 25/10/2023

Tetanus

https://www.nhs.uk/conditions/tetanus/ Ngày truy cập 25/10/2023

Tetanus

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/tetanus  Ngày truy cập 25/10/2023

Tetanus.
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tetanus/basics/risk-factors/con-20021956.
Ngày truy cập 13/06/2019

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản in.

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories

Phiên bản hiện tại

26/12/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Quỳnh Hương

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu: Những điều mẹ cần biết

Điều trị bệnh uốn ván ở trẻ em ngay khi phát hiện con có vết thương nhiễm bẩn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Quỳnh Hương

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 26/12/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo