Dưới đây là những lưu ý khi cho trẻ tắm nắng để có thể tận hưởng tối đa lợi ích của việc này:
1. Chọn đúng thời điểm
Hãy chắc chắn rằng bé cưng của bạn phơi nắng vào khung giờ thích hợp trong khoảng 10 – 15 phút mỗi lần. Nếu sống ở thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể cho trẻ phơi nắng vào khung giờ từ 6 đến 7 giờ 30.
Thực tế là 1 giờ sau khi mặt trời mọc và 1 giờ trước khi mặt trời lặn được coi là thời điểm tốt nhất để cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phơi nắng. Nguyên do là làn da của trẻ còn rất mỏng manh, non nớt nên việc tiếp xúc với ánh nắng mạnh và kéo dài có thể khiến con bị kích ứng, đỏ, rát, tổn thương, thậm chí là cháy nắng.
2. Không che chắn quá nhiều khi cho con phơi nắng
Khi cho trẻ phơi nắng, bạn phải đảm bảo phần lưng, ngực, bụng, tay chân của con được tiếp xúc với ánh nắng. Do đó, bạn chỉ nên cho bé mặc tã, đội mũ để da thịt con được tiếp xúc với ánh nắng buổi sớm. Ngoài ra, bạn cần che chắn cho đôi mắt của trẻ, tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UV.
3. Chọn vị trí phơi nắng phù hợp

Việc phơi nắng cho trẻ không nhất thiết phải diễn ra trong không gian mở (ngoài sân, ngoài vườn, ngoài đường…). Bạn có thể phơi nắng cho bé trong phòng, miễn là ánh sáng mặt trời có thể chiếu vào phòng qua cửa sổ, cửa ra vào…
Những ngày trời nhiều gió hay khi không khí ô nhiễm, tốt nhất nên giữ bé trong nhà để tránh gió bụi. Lúc này, bạn có thể cho bé tắm nắng bằng ánh nắng đi qua cửa kính trong suốt.
4. Với trẻ sinh non
Bạn không nên cho trẻ sinh non tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong ít nhất vài tuần đầu sau sinh. Trẻ sinh non thường gặp vấn đề trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể nên việc cho con phơi nắng có thể làm cho thân nhiệt của trẻ tăng cao quá mức, gây nguy hiểm.
5. Chăm sóc da nhạy cảm
Nếu làn da bé cưng nhà bạn là da nhạy cảm, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa về việc có nên cho con tắm nắng hay không, tắm trong thời gian bao lâu và cần lưu ý những gì.
Nếu không, làn da của con có thể bị tổn thương, khô, bong tróc, phát ban hoặc gặp một số tình trạng kích ứng khác.
6. Lưu ý đến các vùng da hay bị bỏ qua
Trong khi cho con tắm nắng, bạn hãy lưu ý đến các vùng da hay bị bỏ qua của trẻ, đó là các nếp gấp (ngấn) ở hai bên háng, đùi, khuỷu tay, nách và các khu vực phía sau tai… Trong khi phơi nắng, hãy nhẹ nhàng massage những khu vực này cho bé.
7. Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ
Sự gia tăng bất thường về nhiệt độ cơ thể của trẻ do tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời là một điều rất đáng lo ngại. Nguyên do là khi nhiệt độ cơ thể trẻ cao bất thường, các chức năng cơ thể và não của bé có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong khi phơi nắng, bạn cần theo dõi nhiệt độ cơ thể con để đảm bảo không có bất kỳ điều gì nguy hại xảy ra.
8. Tăng cơ hội giao tiếp với con
Trong khi cho bé tắm nắng, bạn nên massage nhẹ nhàng cho trẻ, nhìn vào mắt trẻ và thì thầm những lời âu yếm. Việc trò chuyện với con trong khi phơi nắng giúp con có được cảm giác an toàn, tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể dùng dầu massage cho trẻ để xoa bóp cho con nhằm ngăn ngừa các vấn đề về da.
Thực tế là không chỉ có trẻ sơ sinh mới cần phơi nắng mà trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người trưởng thành, người già cũng nên phơi nắng. Nguyên do là quá trình hình thành xương diễn ra cho đến khi chúng ta bước vào tuổi thiếu niên. Vitamin D rất quan trọng cho sự hình thành xương nên việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là rất hữu ích cho mọi lứa tuổi. Ở một góc độ nào đó, việc tắm nắng còn trao cho trẻ cơ hội kết nối với môi trường bên ngoài.
Ánh nắng mặt trời rất tốt cho sức khỏe, sự phát triển của trẻ nhỏ và đặc biệt lại hoàn toàn miễn phí. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa mà không cho con cơ hội tận hưởng nó mỗi ngày?
Lan Quan / HELLO BACSI