backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh - Làm sao giữ ấm cho trẻ đúng cách?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/02/2023

    Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh - Làm sao giữ ấm cho trẻ đúng cách?

    Một trong những điều quan trọng nhưng cũng gây khó khăn cho các bậc cha mẹ là hiểu được các tín hiệu từ em bé để chăm sóc con thật tốt. Bên cạnh một số nhu cầu cần thiết như bú và ngủ, việc giữ ấm cho trẻ sơ sinh cũng rất quan trọng. Thế nhưng, chắc chắn trẻ không thể nói cho bạn biết khi nào con cảm thấy lạnh. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc con, ba mẹ buộc phải học cách nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh để giữ ấm cho con kịp thời.

    Trên thực tế, thời tiết lạnh hoặc nhiệt độ phòng quá thấp có thể gây một số rủi ro cho trẻ sơ sinh. Do đó, bạn cần trang bị những thông tin, kiến thức cần thiết về vấn đề này để chăm sóc em bé đúng cách nhé!

    Vì sao giữ ấm cho trẻ sơ sinh là vấn đề quan trọng?

    Về cơ bản, trẻ sơ sinh không thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ tốt như người lớn. Trẻ có thể bị mất nhiệt rất nhanh, thậm chí nhanh hơn gấp 4 lần so với người lớn. Trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ sinh non hoặc trẻ sinh nhẹ cân, các bé thường không có lớp mỡ đủ dày để kiểm soát thân nhiệt, ngay cả trong môi trường ấm áp.

    Đối với trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh, em bé của bạn vẫn có thể không giữ ấm được cơ thể trong môi trường quá lạnh. Điều đáng quan tâm là khi trẻ bị lạnh quá mức, cơ thể bé sẽ sử dụng năng lượng và oxy để tạo ra hơi ấm thay vì dùng để phát triển. Điển hình như nếu thân nhiệt của trẻ giảm 1 độ so với mức nhiệt lý tưởng là khoảng 36,5 độ C thì mức sử dụng oxy chỉ để giữ ấm có thể tăng 10%.

    Do đó, việc giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách là điều rất quan trọng để giúp trẻ giữ và tích lũy được năng lượng dự trữ. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn đối với trẻ sinh non hoặc trẻ đang bị ốm.

    Cách nhận biết các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh?

    dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh

    Đối với trẻ sơ sinh, mức thân nhiệt của bé trong khoảng 36,6 đến 37 độ C được xem là bình thường và khỏe mạnh. Thông thường, nếu thân nhiệt đang ổn định thì em bé của bạn trông sẽ hồng hào, làn da của trẻ ấm áp khi bạn chạm vào, trẻ vui vẻ, bú tốt, ngủ ngon. Mặc dù bàn tay và bàn chân của trẻ sơ sinh thường có vẻ mát hơn những vùng da khác nhưng đây là điều bình thường nên không thể dùng để đánh giá thân nhiệt tổng thể của em bé.

    Tuy nhiên, trong trường hợp thời tiết lạnh hoặc sử dụng máy điều hòa trong phòng ở, chắc hẳn nhiều ba mẹ sẽ quan tâm đến các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh là gì để có thể giữ ấm cho con đúng cách. Nhìn chung, nếu bị lạnh thì trẻ sơ sinh thường có biểu hiện khó chịu và khó ngủ hơn. Bạn cũng có thể quan sát thấy da trẻ tái nhợt, môi xanh không còn hồng hào như bình thường, trẻ có thể rùng mình, bú kém, mệt mỏi. Một số biểu hiện vừa nêu cũng có thể là dấu hiệu trẻ bị hạ thân nhiệt nên bạn cần hết sức lưu ý.

    Để kiểm tra thân nhiệt của bé, bạn nên sờ lên vùng ngực hoặc bụng của trẻ vì những khu vực này có thể cho bạn kết quả chính xác hơn. Trẻ sơ sinh không thể nói cho bạn biết con đang cảm thấy như thế nào nên việc quan sát các tín hiệu kể trên là rất quan trọng để biết được trẻ có đang cảm thấy dễ chịu hay không.

    Bạn nên làm gì để giúp trẻ sơ sinh được giữ ấm đúng cách?

    Sau khi tìm hiểu cách nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh, chắc hẳn nhiều cha mẹ sẽ quan tâm đến việc làm sao để giữ ấm cho trẻ đúng cách? Xoay quanh vấn đề này, bạn có thể cần biết đến một số điều cần thiết và cơ bản sau đây:

    Mẹo giữ ấm cho em bé mới sinh

    Đối với em bé mới sinh, nguyên tắc giữ ấm đầu tiên là bạn nên ôm sát bé vào người mỗi khi cho con bú. Trong vài ngày đầu tiên sau khi bé yêu chào đời, bạn hãy cho bé bú thường xuyên và giữ bé gần cơ thể bạn để giúp trẻ được giữ ấm. Lưu ý quan trọng là mỗi em bé có thể có những vấn đề khác nhau nên bạn sẽ cần phải kiểm tra bé thường xuyên.

    Mẹo sưởi ấm nhanh cho trẻ thông qua giải pháp da kề da

    Trong một vài trường hợp, khi trẻ sơ sinh cần được làm ấm nhanh chóng, bạn có thể thử cởi quần áo em bé (chỉ giữ lại tã của bé) và cho trẻ tiếp xúc da kề da với bạn. Cùng lúc đó, hãy sử dụng một chiếc mền hoặc khăn bông ấm áp để đắp lên người của bạn lẫn em bé rồi ngồi lại thư giãn một chút. Cách này có thể giúp trẻ trở nên ấm áp hơn trong khoảng nửa giờ.

    Số lớp quần áo cần thiết để giữ ấm cho trẻ sơ sinh

    dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh

    Nếu phát hiện các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh, chắc hẳn bạn sẽ quan tâm đến vấn đề nên cho em bé mặc bao nhiêu lớp quần áo để giữ ấm. Thực chất là không có câu trả lời chính xác tuyệt đối cho vấn đề này. Tuy nhiên, một nguyên tắc đơn giản mà bạn có thể áp dụng là số lớp quần áo mà trẻ cần thường bằng với số lớp quần áo bạn cần và cộng thêm một lớp nữa để giữ ấm cho bé tốt hơn.

    Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng quần áo của em bé nên ưu tiên những chất liệu vải mềm mại, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt như vải cotton hoặc vải sợi tre (vải bamboo). Việc cho bé mặc các lớp quần áo mỏng nhẹ, dễ cởi sẽ giúp trẻ được giữ ấm mà không bị quá nóng, bí bách so với quần áo quá dày. Ngoài ra, bạn cũng nên cho trẻ đeo tất (vớ chân) nếu thời tiết mát mẻ hoặc lạnh.

    Những điều cần lưu ý khi đưa trẻ ra ngoài trong thời tiết lạnh

    Nhiều ba mẹ thắc mắc có nên đưa em bé ra ngoài khi thời tiết lạnh không? Câu trả lời là vẫn có thể miễn là bạn đảm bảo trẻ mặc đủ ấm và làn da của trẻ được bảo vệ tốt. Một số lưu ý sau đây có thể cần thiết và bạn nên tham khảo:

    • Nếu thời tiết có mưa gió, việc em bé không may bị ướt sẽ khiến trẻ cảm thấy lạnh. Vì vậy, bạn nên mang theo quần áo dự phòng cho bé khi ra ngoài trong thời tiết xấu.
    • Mặc thêm áo khoác cho bé và đắp thêm một chiếc khăn mỏng nếu bạn cho trẻ ngồi trong xe đẩy.
    • Bạn nên ưu tiên chọn quần áo che phủ cánh tay và chân của bé. Một trong những lựa chọn tốt nhất là quần áo liền thân cho trẻ sơ sinh (bodysuit) để giúp bạn dễ thay đồ cho bé hơn, ngay cả khi ở bên ngoài.
    • Nếu thời tiết bên ngoài lạnh, bạn nên cho trẻ sơ sinh đội thêm mũ và mang thêm bao tay, tất chân để giữ ấm.
    • Nếu ba mẹ dùng đai địu trẻ sơ sinh khi ra ngoài, đây có thể là cách giúp trẻ được giữ ấm tốt hơn nhưng cần chú ý dùng đúng cách để đảm bảo an toàn cho trẻ. 

    Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh khi đi ngủ

    dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh

    Về cơ bản, bạn nên đảm bảo phòng ngủ của trẻ có nhiệt độ thích hợp, dễ chịu, lý tưởng nhất là khoảng 26 đến 28 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ phòng vẫn có thể thay đổi linh hoạt theo phản ứng của bé. Nếu phát hiện các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị lạnh, bạn nên tăng nhiệt độ phòng và cho trẻ mặc thêm quần áo.

    Bên cạnh đó, để giữ ấm và đảm bảo an toàn cho trẻ khi ngủ trong cũi, bạn có thể cho trẻ dùng thêm túi ngủ. Một chiếc túi ngủ phù hợp về kích cỡ và không có mũ che mặt hoặc đầu của em bé sẽ giúp trẻ ngủ ngon và được giữ ấm.

    Lưu ý là bạn không nên sử dụng chăn điện hoặc chai nước nóng đặt trong nôi/ cũi của em bé. Những món đồ này có thể khiến bé cảm thấy quá nóng và khó chịu, thậm chí là gây bỏng. Thêm vào đó, bạn đừng bỏ qua các lưu ý về an toàn giấc ngủ để tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

    Trên thực tế, nhiều ba mẹ vẫn cảm thấy bối rối về việc nhận biết trẻ sơ sinh đang cảm thấy như thế nào? Bé có thấy ấm áp và dễ chịu không? Đây là điều hoàn toàn bình thường nên bạn không cần quá lo lắng. Việc nhận biết trẻ sơ sinh bị lạnh sẽ không còn khó khăn nếu bạn trang bị những kiến thức, thông tin cần thiết. Nếu bạn tuân theo một số khuyến cáo nhưng trẻ vẫn có biểu hiện bị lạnh, khó chịu, ngay cả khi nhiệt độ phòng dễ chịu, thì cách tốt nhất là nên đưa con đi khám nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo