backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Vacxin phế cầu là gì, có tác dụng gì? Những điều cần biết về tiêm phế cầu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

Vacxin phế cầu là gì, có tác dụng gì? Những điều cần biết về tiêm phế cầu

Vacxin phế cầu đang nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Liệu nó có tác dụng gì và lịch trình tiêm ra sao, cũng như ai nên tiêm và ai không?

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu để biết vắc xin phế cầu là gì, mũi phế cầu phòng bệnh gì và lịch tiêm phế cầu ra sao nhé!

Vắc xin phế cầu? Phòng bệnh gì?

Tiêm phế cầu là gì và tiêm ngừa phế cầu có tác dụng gì? Nếu bạn đang có những thắc mắc này, hãy để Hello Bacsi giải đáp cho bạn.

Vắc xin phế cầu là loại vacxin có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống lại phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae, giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do loại vi khuẩn này gây ra.

Phế cầu là gì?

Phế cầu (tên khoa học: Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm xoang, viêm tai giữa và viêm màng não do vi khuẩn. Vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm trùng này có thể lây lan qua tiếp xúc bằng đường hô hấp giữa người với người. 

S. pneumoniae là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do viêm phổi trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính S. pneumoniae là nguyên nhân gây tử vong hơn 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới mỗi năm. Hầu hết những trường hợp này xảy ra ở các nước đang phát triển.

Các bác sĩ coi một số bệnh nhiễm trùng này là “xâm lấn”. Bệnh xâm lấn có nghĩa là vi trùng xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể mà bình thường không có vi trùng. Đây là bệnh rất nghiêm trọng, cần được chăm sóc tại bệnh viện và thậm chí gây tử vong trong một số trường hợp.

Vacxin phế cầu có mấy loại?

các loại vacxin phế cầu

Hiện nay, có 2 loại vacxin ngừa phế cầu khuẩn được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép, bao gồm:

1. Vacxin liên hợp phế cầu PCV (PCV13, PCV15 và PCV20)

Vacxin phế cầu loại PCV13 (Prevnar 13 hay vacxin phế cầu 13) thường được khuyến nghị tiêm cho:

  • Tất cả trẻ em dưới 2 tuổi
  • Trẻ từ 2 đến 18 tuổi với một số tình trạng bệnh lý nhất định
  • Những người chưa bao giờ tiêm ngừa PCV.

Loại vacxin PCV15 hoặc PCV20 được khuyến nghị tiêm cho:

  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Người lớn từ 19 đến 64 tuổi với một số tình trạng bệnh lý hoặc các yếu tố nguy cơ nhất định.

2. Chủng ngừa polysaccharide phế cầu (PPSV23)

Loại vacxin PPSV23 được khuyến nghị tiêm cho:

  • Trẻ em từ 2 đến 18 tuổi có một số tình trạng bệnh lý nhất định
  • Người lớn từ 19 tuổi trở lên đã tiêm PCV15 trước đó.

Một số loại vắc xin phế cầu phổ biến ở Việt Nam

1. Vắc xin phế cầu Prevenar 13

Prevenar 13 chứa 13 chủng vi khuẩn S. pneumoniae. Sản phẩm được nghiên cứu phát triển bởi tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học – Pfizer (Mỹ).

Prevenar 13 được sử dụng cho trẻ em từ 6 tuần đến 17 tuổi để chống lại bệnh nhiễm trùng xâm lấn, viêm phổi và viêm tai giữa cấp tính do S. pneumoniae gây ra. Nó cũng được sử dụng để bảo vệ người lớn và người già chống lại nhiễm trùng xâm lấn và viêm phổi do S. pneumoniae.

Trẻ em từ sáu tuần đến sáu tháng tuổi thường được tiêm bốn liều, từ bảy tháng đến 11 tháng tuổi tiêm 3 liều, từ 12 đến 23 tháng tuổi nên tiêm hai liều, từ hai đến 17 tuổi nên tiêm một liều duy nhất.

Ở trẻ em dưới hai tuổi, vắc-xin được tiêm bằng cách tiêm vào cơ đùi. Người lớn và trẻ em từ hai tuổi trở lên tiêm Prevenar 13 vào cơ vai.

2. Vacxin phế cầu Synflorix (Phế cầu 10)

Synflorix là vắc xin có chứa các bộ phận của vi khuẩn phế cầu khuẩn sử dụng để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tuần đến 5 tuổi chống lại bệnh xâm lấn, viêm phổi (nhiễm trùng phổi) và viêm tai giữa cấp tính (nhiễm trùng tai giữa) do S. pneumoniae. Đây là sản phẩm của tập đoàn dược phẩm và Glaxosmithkline (Anh Quốc).

Trẻ em từ sáu tuần đến sáu tháng tuổi thường được tiêm bốn liều, từ bảy tháng đến 11 tháng tuổi tiêm 3 liều, từ 12 đến 5 tuổi được tiêm hai liều.

Vắc-xin được tiêm bằng cách tiêm vào cơ đùi ở trẻ sơ sinh hoặc vào cơ vai ở trẻ nhỏ.

3. Vắc xin phế cầu Pneumovax 23

Pneumovax 23 là sản phẩm của công ty Merck (Đức) có tác dụng bảo vệ chống lại 23 loại vi khuẩn gây bệnh phế cầu khuẩn. Pneumovax 23 được chấp thuận sử dụng cho người từ 50 tuổi trở lên và người ≥2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn cao.

Hầu hết mọi người chỉ cần 1 mũi vacxin phế cầu Pneumovax 23.

Cách thức hoạt động và hiệu quả của vacxin

Cả 2 loại vacxin phế cầu khuẩn đều khuyến khích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại vi khuẩn phế cầu. Kháng thể là các protein do cơ thể sản xuất ra để vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt các sinh vật và chất độc mang bệnh. Chúng bảo vệ bạn khỏi bị bệnh nếu bị nhiễm vi khuẩn.

Hơn 90 chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau đã được xác định, mặc dù hầu hết các chủng này không gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Cách thức hoạt động của cụ thể của từng loại vacxin chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn phế cầu như sau:

  • Prevnar 13 (vacxin phế cầu 13) giúp chống lại 13 loại vi khuẩn phế cầu có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ em và người lớn.
  • Prevnar 15 (Vaxneuvance) giúp chống lại 15 loại vi khuẩn phế cầu thường gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở người lớn.
  • Prevnar 20 giúp chống lại 20 loại vi khuẩn phế cầu thường gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở người lớn.
  • PPSV23 (Pneumovax 23) giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do 23 loại vi khuẩn phế cầu gây ra.

Trẻ em đáp ứng rất tốt với vacxin phế cầu. Việc đưa vacxin này vào lịch tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đã giúp giảm đáng kể bệnh do phế cầu khuẩn. Nó được cho là có hiệu quả phòng ngừa bệnh khoảng từ 50 đến 70%.

Ai nên tiêm vacxin phế cầu?

ai nên tiêm vacxin phế cầu

Trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn trên 65 tuổi và những người mắc một số bệnh lý có nguy cơ cao bị nhiễm trùng phế cầu khuẩn nghiêm trọng như hen, COPD, đái tháo đường,… đều nên tiêm vacxin phế cầu. Những loại vacxin này rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và thậm chí tử vong.

Các bác sĩ cũng khuyến nghị chủng ngừa PPSV23 cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi mắc một số bệnh lý mãn tính như:

  • Bệnh tim, phổi hoặc gan
  • Bệnh tiểu đường
  • Suy thận
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu (chẳng hạn như bị ung thư, nhiễm HIV hoặc các vấn đề với lá lách)
  • Cấy ghép ốc tai điện tử
  • Dịch não tủy rò rỉ.

Ai không nên tiêm?

Những đối tượng sau đây không nên tiêm ngừa vacxin phế cầu khuẩn:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêm loại PPSV23 bởi nó thường kém hiệu quả.
  • Bất kỳ ai dưới 19 tuổi không nên tiêm loại PCV15 hoặc PCV20.
  • Người đã có phản ứng dị ứng với mũi tiêm vacxin phế cầu trước đó, hoặc bị bất kỳ dị ứng nghiêm trọng nào có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Những người bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của một trong các loại vacxin phế cầu.
  • Đang sốt nặng, hoặc bị cảm lạnh nghiêm trọng. Hãy trì hoãn việc tiêm vacxin cho đến khi cảm thấy khỏe.
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm ngừa.

Tác dụng phụ

Hầu hết những người tiêm vacxin phế cầu khuẩn không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại thuốc hay vacxin nào đều có khả năng xảy ra tác dụng phụ. Những tác dụng phụ này thường nhẹ và tự khỏi trong vài ngày, nhưng hiếm gặp vẫn có các phản ứng nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ nhẹ có thể gặp phải tùy theo loại vacxin được tiêm ngừa, cụ thể như sau:

1. Tác dụng phụ của PCV13, 15 hoặc 20

Tác dụng phụ nhẹ sau khi tiêm vacxin phế cầu loại PCV bao gồm:

  • Đỏ, sưng tấy hoặc đau tại chỗ tiêm
  • Sốt
  • Ăn mất ngon
  • Khó chịu
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Đau cơ hoặc đau khớp
  • Ớn lạnh.

2. Tác dụng phụ của PPSV23

Các tác dụng phụ với vacxin PPSV23 có thể bao gồm:

  • Đỏ và đau tại chỗ tiêm
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau cơ.

Những tác dụng phụ này thường biến mất trong vòng 2 ngày sau tiêm.

tác dụng phụ khi tiêm vacxin phế cầu

Ngoài ra, một số các tác dụng phụ khác có thể xảy ra khi tiêm bất kỳ loại vacxin nào, bao gồm:
  • Ngất xỉu
  • Chóng mặt
  • Ù tai
  • Nhìn mờ
  • Té ngã, chấn thương.
Như với bất kỳ loại thuốc nào, vacxin có khả năng cao gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.

Để hạn chế các tác dụng phụ của vaccine, người được tiêm chủng nên thực hiện các hướng dẫn sau:

  • Tự theo dõi sức khỏe, nhiệt độ,.. Trong vòng 48 giờ sau tiêm
  • Không mang vác vật nặng, vận động mạch, tì đè vào vị trí tiêm trong vòng 1 tuần đầu.
  • Uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Chườm mát tại chỗ nếu vết tiêm có sưng, đau.

Lịch tiêm vacxin phế cầu

Vacxin phế cầu tiêm mấy mũi và lịch trình tiêm trong bao lâu? Tùy theo loại vacxin mà lịch trình tiêm sẽ khác nhau ở từng đối tượng.

1. Trẻ em

Lịch tiêm vacxin phế cầu Synflorix và Prevenar 13 cho trẻ sơ sinh bao gồm bốn mũi tiêm, cụ thể như sau:

  • Mũi đầu tiên khi trẻ được 2 tháng tuổi
  • Mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng
  • Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 1 tháng
  • Mũi thứ 4 cách mũi thứ 3 là: 6 tháng (đối với vaccine Synflorix), 8 tháng (đối với vaccine Prevenar 13).

Đối với những trẻ trên 2 tuổi đã tiêm Synflorix đủ 4 mũi hoặc chưa đủ phác đồ, hoặc trẻ chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh phế cầu có thể bổ sung duy nhất 1 mũi Prevenar 13, đặc biệt nếu trẻ mắc các bệnh lý mãn tính hoặc bị suy giảm hệ thống miễn dịch.

Tuy nhiên, chính xác vacxin phế cầu tiêm khi nào sẽ do bác sĩ quyết định tùy theo từng trường hợp cụ thể.

2. Người lớn

Đối với người lớn, nếu bạn có nhu cầu thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định lịch tiêm vacxin phế cầu một cách phù hợp.

Những người từ 65 tuổi trở lên hoặc mắc các bệnh lý mãn tính thì thường chỉ cần tiêm 1 mũi vacxin phế cầu duy nhất, hoặc 5 năm tiêm nhắc lại một lần tùy thuộc vào vấn đề sức khỏe tiềm ẩn là gì. Loại vacxin này không được tiêm hàng năm giống như vacxin cúm.

Một số câu hỏi thường gặp

Tiêm phế cầu sau bao lâu thì sốt?

Sau khi tiêm phòng vắc xin phế cầu 8 – 10 tiếng, trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ. Paracetamol hoặc ibuprofen có thể được dùng để hạ sốt và các phản ứng khác sau tiêm chủng. Hãy nhớ rằng, không bao giờ dùng thuốc có chứa aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi. Sau hoảng 2 ngày hầu hết trẻ sẽ hết sốt hoàn toàn.

Tiêm phế cầu có bị viêm phổi không?

Sau khi tiêm phế cầu, bạn vẫn có thể bị viêm phổi. Lý do là vacxin phế cầu chỉ phòng ngừa phế cầu còn viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân khác (các vi khuẩn khác, virus, nấm, hóa chất,…). Hơn nữa, vacxin phế cầu không thể đem lại hiệu quả 100%, bạn vẫn có thể mắc viêm phổi do phế cầu tuy nhiên tỷ lệ và mức độ nguy hiểm giảm đi nhiều.

Mũi phế cầu bao nhiêu tiềnmũi phế cầu bao nhiêu tiền?

Sau đây là giá tham khảo của một số mũi tiêm phế cầu (cập nhật ngày 25/0/2024):

  • Prevenar 13 (Bỉ) 1.290.000 đồng/liều.
  • Synflorix – Phế cầu 10 (Bỉ) 1.045.000 đồng/liều.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được vacxin phế cầu là gì và tiêm ngừa phế cầu có tác dụng gì.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo