backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Trẻ sơ sinh thở khò khè: Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu · Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/07/2023

    Trẻ sơ sinh thở khò khè: Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ

    Khi trẻ sơ sinh thở khò khè, ba mẹ thường lo lắng liệu con có đang mắc một bệnh lý nghiêm trọng như hen suyễn hoặc viêm phổi không? Trên thực tế, trẻ thở khò khè không phải lúc nào cũng là vấn đề đáng lo ngại nhưng bạn vẫn không nên chủ quan. Thay vào đó, việc biết cách nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm để đưa bé đi khám kịp thời là điều rất quan trọng.

    Thực chất, tiếng khò khè không giống như những âm thanh thường gặp khác khi em bé thở. Trong bài viết sau, bạn có thể tìm hiểu tường tận hơn cách nhận biết bé yêu nhà mình có đang thở khò khè hay không? Các nguyên nhân của tình trạng này là gì? Khi nào bé thở khò khè là dấu hiệu nguy hiểm cần đưa đi khám ngay?

    Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh thở khò khè

    Trẻ sơ sinh thở khò khè là tình trạng phổ biến. Nguyên nhân là vì đường thở của em bé rất nhỏ, khi có chất nhầy tích tụ do nhiễm trùng hô hấp hoặc một tác nhân nào đó gây ra thì dễ dẫn đến sự tắc nghẽn. Lúc này, không khí len lỏi qua đường thở bị thu hẹp thường tạo ra âm thanh khò khè. Âm thanh này tương tự như tiếng huýt sáo mà bạn có thể nghe thấy khi trẻ bị nghẹt mũi nhưng đến từ sâu hơn bên trong lồng ngực.

    Trên thực tế, việc nhận biết tiếng thở khò khè không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi vì trẻ sơ sinh thường tạo ra nhiều âm thanh khác nhau khi trẻ thở, chẳng hạn như tiếng “khụt khịt” hoặc tiếng thở dài. Mặc dù đây không phải là tiếng thở khò khè nhưng thường dễ gây nhầm lẫn. Thực chất, âm thanh khi bé thở khò khè thường là là âm thanh nhất quán, nghĩa là âm thanh không thay đổi và diễn ra liên tục, trong hầu hết các lần trẻ hít vào thở ra. Bạn cũng có thể nghe thấy tiếng rít xuất phát từ lồng ngực của trẻ.

    Đôi khi, tiếng thở khò khè của trẻ sơ sinh nhỏ đến mức bạn không thể nghe rõ nếu không dùng đến ống nghe của bác sĩ. Thậm chí, bạn cũng không thể phát hiện trẻ sơ sinh thở khò khè cho đến khi bạn đưa con đi khám vì một lý do khác, chẳng hạn như trẻ bị ho.

    Trẻ thở khò khè có thể đi kèm với các triệu chứng khác, phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra vấn đề. Các triệu chứng đi kèm này bao gồm sốt cao, nhức đầu, ho, khó thở, chảy nước mắt…

    Nguyên nhân gây ra tình trạng thở khò khè của trẻ

    trẻ sơ sinh thở khò khè

    Trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh thở khò khè thường là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trẻ thở khò khè là điều bình thường nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Việc xác định nguyên nhân bé thở khò khè là điều rất quan trọng vì sẽ giúp ích cho việc điều trị. Sau đây là một số nguyên nhân có thể gây thở khò khè ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh mà bạn cần quan tâm:

    • Cảm lạnh do nhiễm virus: Ngay cả cảm lạnh nhẹ cũng có thể khiến trẻ sơ sinh thở khò khè vì bệnh gây gia tăng lượng chất nhầy trong đường thở nhỏ hẹp của em bé. Nguyên nhân này là bình thường và phổ biến.
    • Viêm tiểu phế quản: Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới do virus gây ra, đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh trong những tháng mùa đông. Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản thường thở khò khè kèm theo ho.
    • Viêm phổi: Trẻ sơ sinh thở khò khè do viêm phổi. Bệnh nhiễm trùng hô hấp này cũng thường gây ho đột ngột, sốt cao và thở nhanh.
    • Dị ứng: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thở khò khè do dị ứng, chẳng hạn như sốt cỏ khô. Một vấn đề dị ứng gây ra bởi mạt bụi, lông động vật, nấm mốc… Các triệu chứng khác bao gồm ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt…
    • Dị vật mắc kẹt trong đường thở: Trẻ thở khò khè do có dị vật mắc kẹt trong đường thở, chẳng hạn như sữa, mẩu thức ăn hoặc đồ vật nhỏ.
    • Xơ nang: Việc gặp các bệnh lý rối loạn di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến phổi hoặc đường thở, chẳng hạn như xơ nang cũng là nguyên nhân khiến trẻ thở khò khè.
    • Loạn sản phế quản phổi (BPD): Đây là bệnh phổi mãn tính ở trẻ sinh non khiến trẻ thở khò khè.
    • Hen suyễn: Hen suyễn cũng là một trong những nguyên nhân gây thở khò khè ở trẻ. Tình trạng này có xu hướng dễ phát triển ở những trẻ có cha mẹ hút thuốc lá hoặc gia đình có tiền sử mắc hen suyễn. Tuy nhiên, trẻ thở khò khè một vài lần không có nghĩa là mắc hen suyễn. Hơn nữa, thực tế là rất khó để chẩn đoán hen suyễn khi trẻ còn quá nhỏ.
    newsletter banner

    Trẻ sơ sinh thở khò khè: Khi nào là tình trạng bất thường và cần đi khám?

    Bạn có thể lo lắng khi nhận thấy trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thở khò khè, đặc biệt là trong trường hợp không rõ nguyên nhân. Thế nhưng, trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thở khò khè là tình trạng rất phổ biến do đường thở của em bé nhỏ và hẹp. Vì vậy, không phải lúc nào bé thở khò khè cũng là vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như hen suyễn hoặc viêm phổi.

    Nếu bạn chắc chắn rằng trẻ thở khò khè do đang mắc các bệnh nhiễm trùng nhẹ như cảm lạnh, cúm… thì có thể không cần đi khám, chỉ cần chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách, trừ khi em bé còn quá nhỏ. Ngược lại, nếu trẻ sơ sinh thở khò khè kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt cao, khó thở… thì đó có thể là dấu hiệu viêm phổi nên bạn cần sớm đưa trẻ đi khám sớm.

    Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cũng lo lắng vấn đề trẻ thở khò khè có phải là triệu chứng của một bệnh mãn tính như hen suyễn hay không? Như đã đề cập, rất khó để chẩn đoán bệnh hen suyễn khi trẻ còn quá nhỏ. Trên thực tế, nhiều trẻ thở khò khè khi còn nhỏ sẽ khỏi và không mắc hen suyễn khi lớn lên nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên chủ quan nếu tình trạng thở khò khè ở trẻ kéo dài hoặc diễn ra thường xuyên. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nguy hiểm tiềm ẩn và trẻ cần được bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt. Ngoài ra, trong trường hợp trẻ đột nhiên ho và thở khò khè do hít phải thứ gì đó độc hại hoặc gây dị ứng, hướng xử lý đó là bạn cần đưa trẻ đi cấp cứu nhanh chóng để được điều trị kịp thời.

    Trẻ thở khò khè: Cha mẹ cần làm gì?

    trẻ sơ sinh thở khò khè

    Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thở khò khè có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đi khám nếu không rõ nguyên nhân hoặc vì trẻ còn quá nhỏ nên không thể tự điều trị tại nhà. Việc kiểm tra hoặc tiến hành một số xét nghiệm mẫu máu, chất nhầy (nếu cần thiết) sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán vấn đề gì đang khiến trẻ thở khò khè. Từ đó đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Sau đây là một số điều mà ba mẹ có thể làm trong quá trình chăm sóc trẻ, giúp con cải thiện tình trạng thở khò khè một cách tốt nhất:

  • Cho trẻ dùng thuốc theo đơn mà bác sĩ đã kê toa. Trong một số trường hợp, trẻ có thể được chỉ định uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau. Một số trường hợp trẻ cũng được kê đơn thuốc kháng sinh nếu mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
  • Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, bổ sung đủ chất lỏng bằng cách bú mẹ thường xuyên đối với trẻ sơ sinh và uống nhiều nước đối với trẻ lớn hơn.
  • Dùng máy tạo độ ẩm cho phòng ở giúp làm ẩm không khí, qua đó hạn chế tình trạng tắc nghẽn của đường thở, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh hay thở khò khè.
  • Hút mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ định kỳ cũng là cách giúp trẻ thở dễ dàng, hạn chế tình trạng thở khò khè.
  • Đối với trường hợp bị hen suyễn, bác sĩ có thể đề xuất cho trẻ sử dụng máy thở khí dung (Nebulizer). Đây là thiết bị chuyển thuốc dạng dung dịch thành hạt sương nhỏ, thông qua mặt nạ hoặc ống ngậm, để đi sâu vào đường hô hấp.
  • Đảm bảo trẻ không tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, các chất gây dị ứng…
  • Mặc dù trẻ sơ sinh thở khò khè không phải lúc nào cũng là vấn đề nghiêm trọng nhưng bạn vẫn không nên chủ quan. Nếu thở khò khè ở trẻ kéo dài, kèm theo sốt cao, ho dữ dội, mất nước… thì bạn nên cho bé đi khám càng sớm càng tốt nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

    Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo