Bạn đọc hỏi
Chào bác sĩ
Bé nhà mình được gần 2 tuổi. Trẻ khỏe mạnh, ăn nhiều nhưng không tăng cân nên thường xuyên bị mọi người chê gầy, còi. Nói thật với bác sĩ là mình cảm thấy rất áp lực trong việc làm sao để con tăng ký. Bác sĩ cho mình hỏi trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân có phải là do kém hấp thu hay là do nguyên nhân nào khác? Làm thế nào để bé nhà mình tăng cân như những đứa trẻ khác? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp về loại sữa giúp trẻ tăng cân. Cảm ơn bác sĩ!
Thúy Ngô, bà mẹ nuôi con còi!
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn Thúy Ngô
Với câu hỏi trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân có phải là do kém hấp thu hay là do nguyên nhân nào khác, làm thế nào để trẻ tăng cân và loại sữa giúp trẻ tăng cân, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải đáp như sau:
Trước khi đi tìm câu trả lời cho vấn đề trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, chúng ta cần hiểu trẻ chậm tăng cân là như thế nào.
1. Trẻ chậm tăng cân là như thế nào?
Trẻ chậm tăng cân được định nghĩa là trẻ tăng cân với tốc độ chậm hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi và giới tính. Thông thường, có một số quy luật cơ bản để ước lượng cân nặng theo tốc độ phát triển bình thường của trẻ. Ví dụ, trẻ đạt cân nặng gấp 3 lần cân nặng lúc sinh khi được 12 tháng tuổi, hoặc gấp 4 lần cân nặng lúc sinh khi trẻ được 2 tuổi. Sau 2 tuổi, mỗi năm trung bình trẻ tăng khoảng 2 kg.
Tuy nhiên cách tốt nhất để theo dõi cân nặng của trẻ để xem liệu trẻ có thực sự chậm tăng cân là dựa vào biểu đồ tăng trưởng để theo dõi chiều hướng diễn tiến cân nặng của trẻ. Nếu đường biểu diễn đang đi xuống hoặc ngang, trẻ có xu hướng chậm tăng cân hoặc suy dinh dưỡng mặc dù cân nặng vẫn trong giới hạn bình thường so với tuổi. Nếu cân nặng không cải thiện, về lâu dài sẽ dẫn đến chậm phát triển chiều cao.
2. Vì sao trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân?
Trở lại với câu hỏi trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân có phải là do kém hấp thu hay là do nguyên nhân nào khác của bạn Thúy Ngô, câu trả lời là có nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân, mặc dù cha mẹ nhận thấy trẻ ăn rất nhiều:
2.1. Bé ăn nhiều nhưng chưa đủ lượng
Nhiều bố mẹ cho rằng đã cho trẻ ăn đủ bữa, có thể 5-6 lần/ngày. Nhưng thực tế, khái niệm “nhiều” ở đây là theo quan điểm của bố mẹ, còn đối với nhu cầu thực sự của cơ thể trẻ thì vẫn chưa đủ. Lượng thức ăn mỗi bữa và số bữa ăn của trẻ cần được điều chỉnh tăng dần dựa trên sự tăng trưởng của trẻ bởi vì kích thước dạ dày của trẻ không ngừng phát triển.
Hơn nữa, đây là giai đoạn trẻ cần nhiều năng lượng để cơ thể tăng trưởng và hoạt động thể chất như chạy nhảy… Nếu năng lượng cung cấp qua thức ăn không đủ bù cho năng lượng tiêu hao do quá trình cơ thể phát triển, trẻ sẽ dễ chậm tăng cân.
2.2. Bé ăn nhiều nhưng ít chất
Chế độ ăn đủ “lượng” thiếu “chất” cũng là nguyên nhân trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân. Phần lớn bố mẹ đều cho trẻ ăn một số nhóm thực phẩm cố định, cụ thể là các món mà trẻ thích. Mặc dù những món ăn này có thể giúp trẻ ăn ngon và ăn nhiều hơn, tuy nhiên hậu quả lại có thể dẫn đến thiếu chất.
Bạn nên đa dạng hóa nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn mỗi ngày của trẻ để cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng. Ngoài ra, khoảng cách giữa các bữa ăn nên từ 2 – 3 giờ, để dạ dày có đủ thời gian tiêu hóa được hết lượng thức ăn cũ, có khoảng trống để nạp thêm thức ăn mới.
2.3. Trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân do chế biến thức ăn không đúng cách
Việc chế biến thức ăn sai cách có thể dẫn đến mất dưỡng chất quan trọng của thực phẩm. Sau đây là một số sai lầm nghiêm trọng phổ biến khiến trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân:
- Cho trẻ ăn thực phẩm được chế biến sẵn ở ngoài
- Cho bé ăn cháo xay nhuyễn cả ngày
- Trong thời gian dài, nấu cháo bằng nước hầm xương mà không thêm thịt, không bổ sung dầu ăn
- Không cho bé uống sữa bù cho các bữa trẻ không ăn.
Những sai lầm này có thể dẫn đến thiếu các chất quan trọng như sắt, vitamin B12, chất béo … cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ.
2.4. Trẻ kém hấp thu hay mắc các bệnh lý
Trẻ kém hấp thu hay mắc các bệnh lý về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, bất dung nạp thức ăn, trào ngược dạ dày thực quản hay nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu… hoặc trẻ có cơ địa đặc biệt như sanh non, bệnh lý bẩm sinh như suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh… cũng có thể gặp phải tình trạng trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, vì cơ thể không thể hấp thu.
2.5. Trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân do chưa được sổ giun
Trẻ chưa được sổ giun từ 1 tuổi sẽ dễ có nguy cơ bị nhiễm giun sán hay ký sinh đường ruột. Nhưng loài giun sán này sẽ tiêu thụ hết các dưỡng chất từ thực phẩm mà trẻ ăn vào và ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ. Bạn nên tẩy giun định kỳ cho trẻ mỗi 6 tháng để phòng tránh nguyên nhân này.
2.6. Trẻ ngủ chưa đủ giấc
Bên cạnh dinh dưỡng, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Trẻ dưới 3 tuổi cần ngủ nhiều hơn, trung bình từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày, nên cho trẻ ngủ sớm vào ban đêm vì đây là lúc hormone tăng trưởng giúp phát triển các cơ quan, đặc biệt là hormone tác động đến chiều cao được tiết ra nhiều nhất.
Trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân phải làm sao?
Với trường hợp bé nhà bạn Thúy Ngô, hoặc những trường hợp tương tự, để tìm cách điều trị, trước hết cần xác định nguyên nhân trẻ chậm tăng cân là gì. Do đó, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để kiểm tra sức khỏe toàn diện của trẻ, cũng như tư vấn về chế độ ăn hiện tại và bổ sung thêm thuốc hoặc loại sữa phù hợp nếu có chỉ định.
Việc lựa chọn sữa cho trẻ cần phải biết trẻ đang thiếu dưỡng chất gì, chế độ ăn và loại sữa trẻ đang uống hiện tại. Tùy theo nhu cầu của trẻ mà có chỉ định dùng loại nào và liều lượng nào là thích hợp. Ví dụ, maltose dextrin để cung cấp thêm năng lượng, dùng cho những trẻ không ăn đủ nhu cầu tinh bột hoặc trẻ quá hiếu động bị tiêu hao nhiều năng lượng, trẻ kém hấp thu lactose… Còn MCT (Medium Chain Triglycerides) là 1 loại chất béo đặc biệt cung cấp nhiều năng lượng được ưu tiên sử dụng ở trẻ có bệnh lý gan mật, tụy…
Tất cả thuốc sử dụng đều có thể gây ra tác dụng phụ hay dung nạp không hoàn toàn. Do đó, trẻ cần được thăm khám trước khi quyết định dùng thuốc hay sữa phù hợp với tình trạng của trẻ.
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-vaccination-tool]