Lần đầu tiên con lật, nói, đi hay mọc răng… luôn mang lại niềm hạnh phúc vô tận cho ba mẹ. Vậy nên khi thấy trẻ chậm mọc răng, phụ huynh thường lo lắng tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết vấn đề. Tình trạng bé chậm mọc răng này đôi khi chỉ do di truyền nhưng đôi khi là do một bệnh lý nào đó.
Thông thường, chiếc răng đầu tiên của trẻ thường xuất hiện khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi nhưng thời điểm mọc răng có thể khác nhau ở mỗi bé. Trong trường hợp trẻ 13 tháng chưa mọc răng thì có thể xem đây là tình trạng trẻ chậm mọc răng. Ba mẹ hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân vì sao và giải pháp hỗ trợ con trong trường hợp này nhé!
Nguyên nhân trẻ chậm mọc răng
Nếu sau 13 tháng mà trẻ vẫn chưa mọc chiếc răng đầu tiên, bạn cần xem xét đến những nguyên nhân sau đây.
1. Trẻ chậm mọc răng do di truyền
Yếu tố di truyền có những ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của một em bé. Như vậy, tình trạng trẻ chậm mọc răng cũng có thể là do di truyền. Nếu người thân, đặc biệt là những người có quan hệ huyết thống gần gũi như ông bà, bố mẹ cũng đã từng chậm mọc răng thì con cháu cũng có thể thừa hưởng đặc điểm này.
Bạn nên hỏi cha mẹ, họ hàng xem trong gia đình có ai chậm mọc răng không. Nếu có, khả năng bé chậm mọc răng là do yếu tố di truyền.
2. Trẻ chậm mọc răng do thiếu dinh dưỡng
Nếu trẻ không bú đủ sữa mẹ hay sữa công thức hoặc do bản thân sữa công thức chưa cung cấp đủ các chất dinh dưỡng trẻ cần, bé có thể bị thiếu chất và dẫn tới chậm mọc răng. Có thể nói, khả năng hấp thụ dinh dưỡng giai đoạn đầu đời của trẻ rất quan trọng. Một số trẻ có khả năng hấp thu dinh dưỡng kém rất dễ bị thiếu chất.
Sữa mẹ có chứa lượng canxi mà trẻ cần cho sự sinh trưởng và phát triển của xương và răng. Sữa công thức cũng thường chứa canxi, phốt-pho, vitamin A, C, D giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Canxi là thành phần rất cần thiết cho một hàm răng chắc khỏe nên bạn hãy cho con bú đủ để bé có đủ chất này. Nếu cho con uống sữa công thức, bạn hãy chọn sữa có chứa đủ canxi cho bé.
3. Trẻ chậm mọc răng do suy giáp
Suy giáp là tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết để cơ thể có thể hoạt động bình thường. Suy giáp thường ảnh hưởng tới nhịp tim, trao đổi chất và nhiệt độ của cơ thể. Nếu trẻ có dấu hiệu bị suy giáp thì có thể chậm mọc răng, chậm biết đi và chậm nói.
Những tác hại khi bé chậm mọc răng
Hầu hết các bé sẽ có đầy đủ răng khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, tình trạng trẻ chậm mọc răng có thể tiềm ẩn những vấn đề ảnh hưởng đến răng của con sau này. Một số rủi ro trẻ có thể gặp như:
– Sâu răng. Thực tế là răng dưới nướu có thể phát triển sâu răng, theo thời gian răng bị sâu có thể ảnh hưởng đến các răng khác.
– Răng vĩnh viễn của trẻ phát triển không bình thường và có thể răng bị mọc lệch.
– Tình trạng răng hai hàm do răng vĩnh viễn mọc cùng lúc với răng sữa mọc chậm.
– Khó nhai và ăn thức ăn rắn. Răng rất cần thiết để giúp trẻ có thể nhai thức ăn và thưởng thức món ăn.
Cách xử trí khi trẻ chậm mọc răng
Có một cách ba mẹ có thể làm để bổ sung canxi và những dưỡng chất cho con nếu thấy bé chậm mọc răng.
• Bổ sung dinh dưỡng cho mẹ: Trong thời gian cho con bú, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng, tránh kiêng khem quá mức gây thiếu dinh dưỡng. Mẹ nên chú trọng các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và nên uống thêm sữa bổ trợ. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có đủ sữa cho bé bú và chất lượng sữa mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bé.
• Bổ sung dinh dưỡng cho bé: Nếu bé uống sữa công thức, bạn hãy lựa chọn sữa công thức phù hợp và kết hợp ăn dặm đúng cách.
• Tắm nắng cho trẻ: Cả mẹ và bé đều cần được bổ sung đầy đủ vitamin D để hỗ trợ hấp thụ canxi. Vitamin này được tổng hợp dưới da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên mẹ và bé cần tắm nắng vào những thời điểm hợp lý để đảm bảo không bị thiếu hụt vitamin D.
Khi nào bạn cần đưa trẻ chậm mọc răng đi khám?
Trước tiên, bạn cần hỏi những người thân thiết trong gia đình (đặc biệt là những người có quan hệ huyết thống gần gũi) để xác định trẻ chậm mọc răng có phải do di truyền hay không. Nếu không có ai trong gia đình bị chậm mọc răng, ba mẹ nên theo dõi các dấu hiệu khác như mức độ tăng cân, việc ăn uống, giấc ngủ… của con để xem con có bị chậm phát triển không.
Nhiều cha mẹ xem việc bé chậm mọc răng là dấu hiệu cho thấy trẻ thông minh nhưng điều này không đúng. Nếu con bạn chậm mọc răng có dấu hiệu phát triển không bình thường như khóc, thở khò khè, táo bón, hoặc có nhịp tim bất thường thì bạn cần sớm đưa trẻ đi bác sĩ.
Trong hầu hết trường hợp bạn nên đưa trẻ chậm mọc răng đi khám bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ sẽ tìm hiểu và xác định nguyên nhân khiến con của bạn chậm mọc răng, chẳng hạn như bị thiếu chất, suy giáp hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác mà bạn chưa biết. Bác sĩ cũng có thể thực hiện nhiều xét nghiệm, bao gồm cả chụp X-quang để xác định nguyên nhân và có giải pháp can thiệp kịp thời.
Bố mẹ hãy tham khảo thêm bài viết “Trẻ sốt mọc răng: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết” để biết thêm thông tin.
Hồng Nhung HELLO BACSI
[embed-health-tool-vaccination-tool]