Mối quan hệ giữa việc trẻ bị sốt và tiêu chảy khi mọc răng

Có không ít ý kiến cho rằng trẻ bị sốt và tiêu chảy khi mọc răng. Tuy nhiên, theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, việc trẻ mọc răng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tiêu chảy.
Thế nhưng, một vài lý do có thể giải thích cho mối quan hệ giữa việc trẻ sốt và tiêu chảy khi mọc răng. Thời điểm trẻ mọc răng thường bắt đầu vào khoảng 6 tháng tuổi, đây cũng là lúc mà các bé bước vào giai đoạn tập ăn dặm. Hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ có thể cần một thời gian để làm quen với thức ăn mới. Điều này có thể khiến bé bị tiêu chảy.
Cũng trong khoảng thời gian này, trẻ mất đi các kháng thể mà con nhận được từ mẹ khi sinh ra. Khi cơ thể có ít kháng thể hơn và con lại có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn dẫn đến tình trạng bị nhiễm trùng gây tiêu chảy.
Ngoài ra, việc trẻ bị tiêu chảy trong thời gian mọc răng có thể là do các nguyên nhân như: dị ứng thực phẩm, nhạy cảm với thức ăn (nhất là với những thực phẩm lần đầu tiên bé ăn), tác dụng phụ từ việc dùng thuốc, tiêu chảy du lịch, thậm chí là tiêu chảy mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Bí quyết chăm sóc răng cho trẻ

Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ trước khi bé mọc cái răng đầu tiên là rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng lâu dài của trẻ. Hàng ngày, bạn hãy lau sạch nướu răng của bé bằng khăn, gạc sạch, gạc rơ lưỡi hoặc chải nhẹ nhàng bằng bàn chải dành cho trẻ nhỏ và nước. Sau trải qua giai đoạn sốt mọc răng đi kèm với nhiều triệu chứng khác, chiếc răng đầu tiên của trẻ sẽ nhú lên. Lúc này, bạn hãy chải răng cho bé 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
Bạn có thể xây dựng thói quen này cho trẻ bằng cách cho trẻ xem và bắt chước bạn hoặc anh chị của bé chải răng. Ngoài ra, bạn hãy chọn cho bé chiếc bàn chải đánh răng phù hợp và có thể mở các bài hát dạy trẻ đánh răng trên YouTube để bé xem và bắt chước. Khi bé biết cầm bàn chải thành thạo, bạn có thể cho trẻ tự đánh răng, chỉ cho con cách dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng thường xuyên.
Dù những chiếc răng sữa sẽ rụng khi trẻ khoảng 5 – 6 tuổi nhưng nếu không chăm sóc răng miệng cho con kỹ thì tình trạng sâu răng sẽ khiến những chiếc răng sữa “rụng trước thời hạn”. Điều này vô tình để lại khoảng trống quá sớm trước khi răng vĩnh viễn mọc lên. Do đó, các răng còn lại có xu hướng xích lại với nhau nhằm lấp đầy những khoảng trống khiến răng vĩnh viễn mọc lên khó khăn, thậm chí là mọc lệch, mọc không đúng vị trí.
Với các bé khoảng 3 tuổi, bạn có thể cho con đánh răng với kem đánh răng dành riêng cho trẻ. Hãy chọn kem có ít chất fluoride và chỉ sử dụng một lượng nhỏ bằng hạt đậu hoặc ít hơn cho trẻ. Đừng để con nuốt kem đánh răng vì chất fluoride trong kem đánh răng có thể gây hại cho trẻ.
Để ngăn ngừa tình trạng sâu răng của trẻ, bạn không nên cho bé uống sữa vào ban đêm. Việc trẻ uống sữa khi ngủ có thể gây sâu răng và hình thành mảng bám trên răng làm mất thẩm mỹ.
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đi khám răng khi bé được 1 tuổi hoặc 6 tháng sau khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện. Mục đích là sớm phát hiện các vấn đề răng miệng của trẻ và nha sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ về việc chăm sóc răng cho trẻ một cách hiệu quả.
Giai đoạn bé mọc răng có thể là một khoảng thời gian khó chịu cho cả mẹ và bé. Đây là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ để có phương pháp chăm sóc con hợp lý.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!