backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ thay răng sữa cần lưu ý những gì? Chi tiết lịch thay răng sữa ở trẻ nhỏ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 31/10/2022

    Trẻ thay răng sữa cần lưu ý những gì? Chi tiết lịch thay răng sữa ở trẻ nhỏ

    Để con có hàm răng đều, sở hữu nụ cười “tỏa nắng”, cha mẹ cần theo dõi sát sao quá trình trẻ thay răng sữa, từ đó có biện pháp can thiệp đúng cách và kịp thời. 

    Thay răng sữa được xem là cột mốc quan trọng của trẻ nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành và vẻ đẹp của hàm răng vĩnh viễn. Thế nhưng, liệu bạn đã biết rõ về độ tuổi thay răng ở trẻ em? Răng sữa thay bao nhiêu cái? Trẻ con thay những răng nào?

    Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để được giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề thay răng sữa ở trẻ.

    Trẻ mấy tuổi thay răng sữa? 

    Chiếc răng sữa đầu tiên của trẻ sẽ mọc vào khoảng 6 tháng tuổi. Đến khoảng 3 tuổi, bé sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa gồm: 4 răng cửa giữa, 4 răng cửa bên, 4 răng nanh và 8 răng hàm. Vậy, trẻ mấy tuổi thay răng sữa?

    Nếu bạn đang băn khoăn không biết bé mấy tuổi thay răng sữa, thì câu trả lời là độ tuổi thay răng sữa ở trẻ em sẽ bắt đầu vào khoảng 5 hoặc 6 tuổi. Lúc này, những chiếc răng sữa của trẻ sẽ bắt đầu lung lay và rụng dần để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn. Quá trình này cũng có thể diễn ra sớm hơn – khi trẻ khoảng 4 tuổi hoặc trễ hơn – khi trẻ khoảng 7, 8 tuổi. Đa phần, các bé gái sẽ thay răng sớm hơn các bé trai và chiếc răng đầu tiên được thay thường là răng cửa hàm dưới. 

    Vậy thì trẻ em thay răng sữa bao nhiêu cái?

    Trước khi tìm hiểu trẻ em thay bao nhiêu răng, bạn cần lưu ý rằng, hàm răng của người trưởng thành sẽ có 32 chiếc (16 chiếc ở hàm trên và 16 ở hàm dưới), gồm 4 răng cửa giữa, 4 răng cửa bên, 4 răng nanh, 8 răng hàm nhỏ và 8 răng hàm lớn và 4 răng khôn. So với răng sữa, răng vĩnh viễn sẽ to hơn và không trắng bằng do men răng vĩnh viễn dày hơn men răng sữa. Ngoài ra, chân răng vĩnh viễn cũng dày và sâu hơn. 

    Mời bạn đọc tiếp để biết được trẻ em thay những răng nào cũng như cách chăm sóc bé trong quá trình thay răng ở trẻ.

    Răng sữa thay bao nhiêu cái? Chi tiết lịch thay răng sữa ở trẻ nhỏ 

    thay răng sữa

    Răng sữa có bao nhiêu cái? Răng sữa thay bao nhiêu cái? Răng hàm sữa có thay không? Những răng nào sẽ thay? Đây là những thắc mắc rất thường gặp. Câu trả lời cho vấn đề “trẻ em có bao nhiêu răng sữa?” và “trẻ thay những răng nào?” ở ngay bên dưới.

    Trẻ em sẽ thay hết 20 chiếc răng sữa. Các răng sữa sẽ thay theo thứ tự sau: 

    • 2 răng cửa giữa hàm dưới: 6 đến 7 tuổi 
    • 2 răng cửa giữa hàm trên: 6 đến 7 tuổi 
    • 2 răng cửa bên hàm trên: 7 đến 8 tuổi 
    • 2 răng cửa bên hàm dưới: 7 đến 8 tuổi 
    • 2 răng hàm trên thứ nhất: 9 đến 11 tuổi 
    • 2 răng hàm dưới thứ nhất: 9 đến 11 tuổi 
    • 2 răng nanh trên: 10 đến 12 tuổi 
    • 2 răng nanh dưới: 9 đến 12 tuổi 
    • 2 răng hàm dưới thứ hai: 10 đến 12 tuổi 
    • 2 răng hàm trên thứ hai: 10 đến 12 tuổi 

    Như vậy, bạn đã có câu trả lời cho băn khoăn trẻ em thay bao nhiêu cái răng sữa. Trong đó, các bé sẽ thay 8 chiếc răng hàm sữa ở cả hàm dưới và hàm trên. Chiếc răng hàm số 6 mọc khi trẻ 6 tuổi, răng hàm số 7 mọc khi trẻ 12 tuổi, răng số 8 (hay còn gọi là răng khôn) – là những chiếc răng mọc 1 lần duy nhất và không thay mới khi bị mất, mọc trong độ tuổi từ 15 – 21, thậm chí là muộn hơn.

    Để con có hàm răng vĩnh viễn đều và đẹp, mẹ cần theo dõi lịch thay răng sữa của trẻ để nhổ đúng thời điểm.

    Mẹ cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu thay răng sữa? Có nên nhổ răng sữa cho bé tại nhà? 

    Sau khi biết được trẻ em thay bao nhiêu cái răng, phụ huynh thường thắc mắc nên làm gì nếu răng của bé bị lung lay?

    Răng trẻ bị lung lay là dấu hiệu thay răng sữa dễ nhận biết nhất. Cha mẹ không nên nhổ răng lung lay của trẻ quá sớm hay quá muộn.

  • Nhổ răng sữa quá sớm: ảnh hưởng đến khả năng nhai của bé, làm mềm xương hàm, khiến lợi không phát triển, làm cho trẻ chậm mọc răng vĩnh viễn
  • Nhổ răng sữa quá trễ: răng vĩnh viễn sẽ không có chỗ để phát triển, có thể dẫn đến tình trạng răng mọc lệch, chen chúc
  • Đa phần, sau một thời gian lung lay, răng sữa sẽ dễ dàng rụng khi có tác động nhẹ. Khi đó, cha mẹ có thể tự nhổ răng sữa cho bé tại nhà bằng cách áp dụng những phương pháp nhổ răng sữa đúng đắn. Với những chiếc răng “cứng đầu”, lung lay mãi không chịu rụng thì cần phải: 

    • Cho trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu răng lung lay: Tùy vào tình huống mà nha sĩ có thể cho trẻ nhổ ngay hoặc tiếp tục chờ đợi. Nếu răng vĩnh viễn đang chồi lên và có dấu hiệu bị kẹt thì nha sĩ có thể chỉ định nhổ hoặc mài bớt cạnh của các răng sữa lân cận để răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. 
    • Không dùng chỉ để nhổ răng cho bé: Điều này không chỉ gây chảy máu nướu răng, tạo vết thương hở ở nướu mà còn khiến vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng. 

    Nếu răng sữa đã nhổ một thời gian mà răng vĩnh viễn vẫn chưa mọc, bạn cũng nên đưa trẻ đi khám. 

    Chăm sóc trẻ ở độ tuổi thay răng như thế nào? 

    thay răng sữa

    Sau khi biết được răng sữa thay bao nhiêu cái, phụ huynh cần lưu ý vấn đề chăm sóc răng miệng cho trẻ. Để có hàm răng trắng sáng, đều và đẹp ở tuổi trưởng thành, việc chăm sóc răng ở giai đoạn thay răng sữa là cực kỳ quan trọng. Ngoài việc chú ý theo dõi tình trạng thay răng ở trẻ để nhổ đúng thời điểm thì mẹ cần lưu ý: 

    • Hướng dẫn, nhắc nhở trẻ vệ sinh răng miệng cẩn thận 2 lần mỗi ngày. Hướng dẫn trẻ dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa dính vào kẽ răng, ngăn ngừa các bệnh về nướu
    • Cho trẻ đi khám răng định kỳ theo lịch hẹn của nha sĩ. Khi có răng lung lay thì cần đưa trẻ đi khám ngay 
    • Chườm lạnh hoặc dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau cho bé khi răng lung lay gây đau
    • Tránh cho trẻ ăn những món không tốt cho răng như thức ăn có kết cấu cứng, lạnh, nóng… những món có nhiều đường, nước ngọt có ga… 
    • Quan sát và loại bỏ một số thói quen có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của răng như mút tay, nghiến răng, lấy lưỡi đẩy vào răng, chống cằm… Những thói quen này có thể khiến răng hô, răng mọc lệch, răng mọc chen chúc hoặc quá thưa, răng hàm trên không khớp với hàm dưới. 

    Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp cho bạn những thắc mắc xoay quanh vấn đề trẻ em thay bao nhiêu răng sữa nói riêng và con người thay bao nhiêu cái răng nói chung, cũng như giúp bạn hiểu rõ cách chăm sóc bé trong quá trình thay răng ở trẻ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 31/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo