Rau củ quả chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng không phải loại nào cũng có thể thêm vào chế độ ăn trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ của bạn. Nếu dùng quá nhiều các loại rau làm mất sữa, việc nuôi con bằng sữa mẹ của bạn có thể gặp khó khăn đấy.
Các loại rau có nguy cơ làm mất sữa mẹ khá phổ biến trong bữa ăn hàng ngày nên nếu không biết cách tiết chế, quá trình nuôi con bằng sữa mẹ sẽ không được suôn sẻ. Vậy làm sao để mẹ có thực đơn ngon miệng, đầy đủ dưỡng chất, đa dạng và lợi sữa? Để có câu trả lời, đừng bỏ qua bài viết này của Hello Bacsi bạn nhé!
Điểm danh 14 loại rau làm mất sữa mẹ
Việc tiêu thụ một số loại rau củ quả thường ngày lại có thể là nguyên nhân khiến sữa mẹ ngày càng ít dần nếu bạn không chú ý hạn chế. Dưới đây là 14 loại rau củ quả gây ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ thường gặp:
1.1. Bắp cải
Bắp cải là thực phẩm phổ biến và cũng rất giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa chất làm giảm hoạt động của tuyến sữa. Thậm chí, có nhiều mẹ chia sẻ rằng phương pháp đắp lá bắp cải lên ngực là một trong những cách làm mất sữa nhanh khá hiệu quả. Vậy nên, đây có thể là một trong các loại rau củ làm mất sữa mẹ bạn cần hạn chế nếu đang cho bé bú.
1.2. Măng
Măng thường có chứa độc tố HCN nên không phải là thực phẩm nên ăn thường xuyên và khi ăn cũng cần chế biến kỹ càng, đúng cách để loại bỏ hết độc tố. Phụ nữ đang cho bé bú cũng nên hạn chế ăn măng để tránh nguy cơ độc tố còn sót lại trong măng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Hơn nữa, theo kinh nghiệm dân gian măng còn có thể là nguyên nhân gây giảm tiết sữa nữa đấy.
1.3. Khổ qua
Ăn khổ qua có mất sữa không là thắc mắc của không ít người khi muốn kết hợp loại rau củ lành mạnh này vào thực đơn nhưng vẫn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Lưu ý là có nhiều ý kiến cho rằng khổ qua là thực phẩm gây mất sữa mà mẹ sau sinh cần hạn chế. Loại quả này cũng có thể khiến mẹ bị hạ đường huyết và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa của mẹ và bé sơ sinh do có tính hàn.
Ngoài ra, hạt mướp đắng còn chứa vicine, một chất có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh dẫn đến hiện tượng nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê với người nhạy cảm. Các độc chất này có thể truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ khiến hệ miễn dịch chưa hoàn thiện của bé có thể bị tổn thương.
1.4. Bông cải
Bông cải hay súp lơ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại không phù hợp cho phụ nữ đang cho con bú. Loại thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, thậm chí khiến mẹ bị mất sữa. Nếu mẹ ăn quá nhiều súp lơ/bông cải, bé sẽ dễ đầy hơi, đi ngoài dẫn đến khó chịu và cáu gắt.
1.5. Dưa cải muối
Trong cà pháo hay dưa cải muối chín kỹ có chứa men tiêu hóa và các vi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, dưa cải muối hay cà muối xổi với thời gian lên men ngắn và hàm lượng nitrit còn cao lại là thực phẩm có thể gây mất sữa. Do đó, mẹ đang cho con bú chỉ nên ăn dưa cải đã muối chín điều độ và quan sát xem mình có hiện tượng bị ít sữa hoặc mất sữa không.
1.6. Cà chua
Cà chua có chứa axit citric, một chất có thể khiến các mô vú bị thắt lại, từ đó làm giảm lưu thông máu trong bầu vú nên gây giảm lượng sữa mẹ. Ngoài ra, chất này cũng có thể cản trở sự kết nối giữa các dây thần kinh và hormone trong cơ thể. Vậy nên, đây là loại rau củ mà mẹ đang cho con bú nên hạn chế.
1.7. Lá lốt
Nhiều người chia sẻ rằng ăn lá lốt hoặc uống nước lá lốt hàng ngày là phương pháp ngừng tiết ra sữa mẹ tự nhiên không gây đau nhức hay khó chịu cho mẹ bỉm đang trong quá trình cai sữa cho con. Vậy nên, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ nên hạn chế loại rau gia vị này trong thực đơn hàng ngày.
1.8. Rau diếp cá
Rau diếp cá có một số tác dụng như thanh nhiệt giải độc, kháng khuẩn, chữa táo bón… Thế nhưng, loại rau này lại có thể khiến phụ nữ sau sinh bị đau bụng, tiêu chảy, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và từ đó có thể gián tiếp gây mất sữa.
1.9. Lá dâu tằm
Lá dâu tằm có tính hàn nên khi dùng với số lượng lớn có thể làm sữa mẹ ít dần. Theo mẹo dân gian, uống nước lá dâu tằm tươi hay ăn canh lá dâu tằm là cách để ngừng tiết sữa trong quá trình cai sữa cho bé. Vậy nên, mẹ nên hạn chế tiêu thụ lá dâu tằm nếu bé vẫn đang trong giai đoạn bú sữa nhé.
1.10. Cần tây
Cần tây là không chỉ là nguyên liệu nấu những món ngon như cần tây xào bò hay cần tây xào hải sản mà còn có thể làm nước ép cần tây vô cùng lành mạnh. Tuy nhiên, đây lại là thực phẩm gây mất sữa bạn cần tránh khi đang cho bé bú.
1.11. Rau răm
Rau răm là một loại rau gia vị giúp làm tăng hương vị cho những món ăn quen thuộc và cũng mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho nữ giới như bổ huyết, chữa rong kinh… Thế nhưng, theo quan niệm dân gian rau răm lại là thực phẩm có thể gây mất sữa mà bạn nên hạn chế nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ.
1.12. Bạc hà
Bạc hà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn sữa mẹ nếu sử dụng quá thường xuyên. Nhiều ý kiến cho rằng thói quen ăn nhiều kẹo có chứa bạc hà mỗi ngày dẫn đến sụt giảm trong lượng sữa của mẹ.
1.13. Mùi tây và mùi ta
Rau mùi tây và mùi ta tuy không trực tiếp gây mất sữa nhưng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Hai loại rau này có mùi thơm đặc trưng có thể làm thay đổi mùi vị của sữa mẹ, từ đó khiến em bé chán hoặc bỏ bú. Việc bỏ bú này nếu kéo dài không những ảnh hưởng đến dinh dưỡng của bé mà cũng sẽ khiến sữa mẹ dần tiết ít hơn.
1.14. Lá oregano
Oregano là một loại lá gia vị thường có trong một số món Tây như pizza hay mì Ý. Đây là loại lá chứa chất có thể tác động tiêu cực đến cơ chế sản xuất sữa của cơ thể, dẫn đến tình trạng mất sữa ở mẹ đang cho con bú.
Lưu ý
[embed-health-tool-child-growth-chart]
Các nguyên nhân gây mất sữa mẹ khác
Ngoài các loại rau làm mất sữa, lượng sữa mẹ còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác trong cuộc sống. Chẳng hạn như:
1. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Không chỉ thực phẩm mà một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng tới lượng sữa mẹ. Ba loại thuốc có thể khiến mẹ bị mất sữa là:
- Pseudoephedrine: Pseudoephedrine là thành phần hoạt chất thường thấy trong thuốc trị nghẹt mũi.
- Methylergonovine: Methylergonovine với tên thương hiệu Methergine là thuốc thường được dùng để điều trị tình trạng băng huyết sau sinh (chảy máu tử cung nghiêm trọng sau khi sinh).
- Bromocriptine: Bromocriptine dùng để trong việc chữa trị nhiều nhiều vấn đề sức khỏe từ tiểu đường đến tăng prolactin máu (lượng prolactin trong máu cao).
Nếu bạn đang dùng một trong các loại thuốc trên và nhận thấy tình trạng lượng sữa mẹ tiết ra ít thì hãy thông báo với bác sĩ để được tư vấn một số loại thuốc thay thế.
2. Các vấn đề sức khỏe
Tình trạng sức khỏe của mẹ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lượng sữa. Bạn có thể tiết ít sữa hơn khi sức khỏe không ổn định do các tình trạng như sốt, cảm cúm, viêm họng hay các bệnh lý nghiêm trọng khác. Vậy nên, mẹ cần đi khám ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và lượng sữa cho con bú nhé.
3. Các vấn đề trong sinh hoạt – lối sống
Một số yếu tố trong sinh hoạt hàng ngày có thể là tác nhân gây mất sữa mẹ chẳng hạn như:
Quay trở lại làm việc sau sinh
Phụ nữ phải phải quay lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản thường sẽ giảm dần lượng sữa do các nguyên nhân sau:
- Mẹ không còn cho bé bú thường xuyên như khi còn ở nhà chăm con. Lượng sữa mẹ tiết ra là theo cơ chế cung – cầu nên khi bé không còn bú thường xuyên thì lượng sữa mẹ cũng sẽ dần ít đi.
- Căng thẳng từ công việc ảnh hưởng tới nguồn sữa mẹ.
Ăn kiêng quá nghiêm ngặt để giảm cân sau sinh
Việc ăn kiêng để lấy lại vóc dáng sau sinh nếu quá nghiêm ngặt có thể khiến mẹ bị thiếu dinh dưỡng, từ đó ảnh hưởng đến lượng sữa. Vậy nên, bạn cần có chế độ ăn kiêng cân bằng với đầy đủ các nhóm chất như đạm, tinh bột, chất xơ… cũng như các loại vitamin để đảm bảo sức khỏe của mẹ và nguồn dinh dưỡng cho bé. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý uống đủ nước để hỗ trợ quá trình tiết sữa của cơ thể.
Phụ nữ đang cho con bú cần chú ý gì để đảm bảo nguồn sữa cho bé
Để có nguồn sữa dồi dào cho bé, mẹ cần kết hợp chế độ ăn uống phù hợp với cách sinh hoạt khoa học. Để đảm bảo nguồn sữa cho bé, các mẹ nên:
1. Cho bé bú thường xuyên
Khi bé bú, cơ thể mẹ sẽ giải phóng các hormone kích thích sản xuất sữa. Điều này có nghĩa là bạn càng cho con bú nhiều thì cơ thể sẽ càng sản xuất nhiều sữa. Vậy nên, mẹ hãy cho bé bú khoảng 8-12 lần mỗi ngày và để bé tự ngừng bú khi đã no.
2. Hút sữa giữa các cữ cho con bú
Ngoài việc cho bé bú, bạn có thể kích thích cơ thể tiết sữa bằng cách hút sữa giữa các lần cho con bú. Bạn có thể hút sữa khi:
- Ngực vẫn còn sữa sau khi cho con bú
- Bé bị lỡ một cữ bú
- Bé không bú mẹ trực tiếp mà dùng bình.
Để quá trình hút sữa thoải mái và dễ dàng hơn, bạn có thể làm ấm ngực trước khi hút sữa.
3. Cho bé bú hay hút sữa từ cả hai bên ngực
Việc kích thích cả hai bên ngực bằng cách cho bé bú và hút sữa có thể giúp tăng lượng sữa và cả hàm lượng chất béo trong sữa.
4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Một chế độ dinh dưỡng với nhiều thực phẩm lành mạnh có thể giúp bạn thúc đẩy quá trình sản xuất sữa. Bạn cần bổ sung các nhóm thực phẩm như:
- Thực phẩm giàu protein: chẳng hạn như thịt nạc, trứng, sữa, đậu và hải sản ít thủy ngân.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Trái cây và rau củ quả.
Việc ăn đa dạng các loại thực phẩm trong thời gian cho con bú sẽ giúp sữa mẹ có nhiều mùi vị khác nhau hơn. Điều này sẽ giúp bé tập làm quen với nhiều mùi bị mới, từ đó có thể ăn thức ăn rắn dễ dàng hơn sau này. Ngoài việc ăn uống lành mạnh và đa dạng, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung thực phẩm chức năng cung cấp các loại vitamin và khoáng chất hàng ngày.
5. Tránh các thực phẩm có thể ảnh hưởng đến lượng sữa
Khi xây dựng thực đơn lành mạnh, bạn không thể bỏ qua việc hạn chế những thực phẩm gây mất sữa đã liệt kê ở trên cùng nhóm các thức uống – đồ ăn dưới đây:
Thực phẩm có chứa caffeine
Caffeine có thể đi vào sữa mẹ, khiến bé bị kích thích và khó ngủ. Vậy nên, mẹ cần hạn chế những loại thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, sô cô la cũng như một số loại nước ngọt và nước tăng lực.
Tuy mỗi bé sẽ phản ứng với caffeine khác nhau khác nhau nhưng nhìn chung, bạn không nên nạp quá 200 mg caffeine mỗi ngày khi đang cho bé bú. Nếu không thể từ bỏ thức uống chứa caffeine, hãy trao đổi với bác sĩ để biết lượng thức uống mà bạn có thể tiêu thụ là bao nhiêu.
Đồ uống có ga và cồn
Các loại đồ uống có cồn và có ga như rượu, bia hay nước ngọt thuộc danh sách thực phẩm gây mất sữa hàng đầu. Ngoài ra, những loại thức uống này cũng có thể đi vào sữa mẹ, từ đó ảnh hưởng đến bé nếu mẹ tiêu thụ quá nhiều. Vậy nên, bạn cần giảm thiểu lượng đồ uống có ga và có cồn mỗi ngày.
Sữa bò
Sữa bò tuy là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng nhưng có thể gây dị ứng đạm sữa bò. Đây là tình trạng dị ứng mẫn cảm với đạm từ sữa bò thường thấy ở trẻ trong năm đầu đời. Bé bị dị ứng đạm sữa bò có thể có những dấu hiệu như:
- Phát ban hay còn gọi là nổi mề đay. Da bé bị ngứa, đỏ, đóng vảy và bé bị chảy nước mắt.
- Viêm da hoặc chàm.
- Mặt sưng
- Thở khò khè hoặc ho kéo dài
- Nôn
- Tiêu chảy…
Bạn hãy đưa con đi khám nếu thấy bé có những dấu hiệu dị ứng này sau khi bạn dùng sữa bò hay các sản phẩm từ sữa. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cắt bỏ sữa bò và các thực phẩm liên quan ra khỏi thực đơn cho đến khi tình trạng dị ứng đạm sữa bò của bé đã hết.
Thức ăn nhanh, chiên rán, cay nóng
Các món chiên rán, cay nóng hay thức ăn nhanh thường chứa nhiều dầu mỡ mà lại ít chất dinh dưỡng nên không phải thực phẩm nên ăn thường xuyên dù bạn có đang cho bé bú hay không. Các món ăn này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của mẹ, từ đó gây giảm lượng sữa tiết ra khiến không nhận được đủ dưỡng chất để phát triển.
Xô thơm, mùi tây và bạc hà
Một số loại thảo mộc như xô thơm, mùi tây, bạc hà có thể gây sữa giảm nếu mẹ tiêu thụ quá nhiều. Tuy nhiên, bạn không cần cắt hoàn toàn những loại thảo mộc này mà chỉ cần dùng ở mức vừa phải để tránh gặp ảnh hưởng tiêu cực.
Các loại rau làm mất sữa và những thắc mắc thường gặp
Nếu vẫn còn băn khoăn về cách xây dựng thực đơn phù hợp với thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, bạn có thể tham khảo các câu hỏi về các loại rau làm mất sữa, các loại trái cây cần hạn chế, các loại rau lợi sữa hay cách kích sữa sau:
1. Ở cữ được ăn rau gì để có nhiều sữa cho bé bú?
Các loại rau lợi sữa bạn có thể bổ sung trong giai đoạn cho bé bú là:
- Rau ngót: Rau ngót rất giàu vitamin A, B, C, sắt, canxi… nên mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như nhuận tràng và tăng tiết sữa. Bên cạnh đó, hoạt chất papaverin trong rau ngót có thể kích thích co bóp tử cung để đẩy sản dịch ra ngoài dễ dàng hơn và giảm nguy cơ bế sản dịch.
- Rau mồng tơi: Các loại vitamin A, B3, sắt, chất chống oxy hóa saponin… trong rau mồng tơi rất tốt cho phụ nữ vừa sinh. Nếu đang băn khoăn không biết ở cữ được ăn rau gì, bạn có thể nấu rau mồng tơi cùng thịt gà để có món ăn bổ dưỡng giúp da hồng hào, hệ tiêu hóa hoạt động tốt và tăng tiết sữa.
- Rau lang: Rau lang vô cùng thích hợp cho thời gian ở cữ nhờ có tác dụng nhuận tràng, giúp mẹ cải thiện tình trạng táo bón thường gặp sau sinh. Đối với mẹ bầu bị bị tiểu đường thai kỳ, loại rau này còn có thể giúp đường huyết sớm trở về trạng thái cân bằng sau sinh đấy.
- Măng tây: Măng tây cũng là một gợi ý rất tốt nếu bạn chưa biết ở cữ được ăn rau gì vì loại rau này có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện hệ tim mạch, ngăn ngừa loãng xương và ung thư. Đặc biệt, măng tây còn giúp lợi tiểu và chống viêm nên rất phù hợp cho phụ nữ mới sinh đang trong giai đoạn phục hồi.
- Rau đay: Rau đay nếu ăn với lượng vừa phải thì không chỉ giúp tăng tiết sữa mà còn có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu và ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Rau dền: Rau dền mang đến một số lợi ích sức khỏe rất phù hợp với phụ nữ sau sinh như ngừa viêm nhiễm, bổ sung sắt, ngừa thiếu máu do thiếu sắt… Ngoài ra, rau dền còn có tác dụng ổn định đường huyết nên rất tốt cho mẹ bỉm đã từng bị tiểu đường thai kỳ.
- Giá đỗ: Giá đỗ có thể giúp giảm đáng kể tình trạng táo bón thường gặp ở sản phụ cũng như mang đến một số lợi ích khác như ngăn chảy máu, ngừa loãng xương và đột quỵ. Bên cạnh đó, hợp chất saponin có trong giá đỗ còn giúp giảm cholesterol và mỡ máu rất hiệu quả.
- Rong biển: Rong biển là nguồn iot và sắt vô cùng dồi dào nên là món ăn phù hợp cho phụ nữ sau sinh vừa bị mất khá nhiều máu. Loại thực phẩm này có thể giúp mẹ tái tạo tế bào máu, phòng ngừa nguy cơ thiếu máu cũng như tăng tiết sữa và cải thiện chất lượng sữa mẹ.
- Rau má: Rau má được xem là một loại thuốc giúp điều trị vết thương và nhiễm trùng. Hơn thế nữa, loại rau này còn giúp sản phụ lưu thông khí huyết, cải thiện vóc dáng và làn da cũng như kích thích tiết sữa. Bạn có thể chế biến rau má theo rất nhiều cách như luộc, nấu canh hay ép nước uống.
- Hoa chuối: Nếu vẫn đang tìm hiểu xem ở cữ ăn được rau gì để đổi mới thực đơn, bạn có thể thử các món từ hoa chuối. Các món nộm hay canh từ hoa chuối sẽ giúp bữa ăn sau sinh thêm ngon miệng, mới mẻ nhưng không kém phần dinh dưỡng. Đặc biệt, hoa chuối cũng là loại rau rất lợi sữa cho sản phụ đấy.
- Ngải cứu: Ngải cứu có chứa hoạt chất thujone mang đến tác dụng làm tăng co bóp tử cung, thúc đẩy quá trình tống xuất sản dịch. Bên cạnh đó, loại rau này cũng có tác dụng giảm hàn, cầm máu, điều trị nội thương… nên rất phù hợp cho phụ nữ mới sinh. Bạn có thể dùng ngải cứu để hầm gà, hấp hay chiên cùng trứng.
- Thì là: Thì là có chứa các hợp chất như anethole, photoanethole, dianethole có thể thúc đẩy quá trình sản xuất các hormone có tác dụng kích thích tăng tiết sữa là estrogen và prolactin.
- Mướp: Mướp cũng là gợi ý tốt cho câu hỏi ở cữ được ăn rau gì vì có tác dụng giúp khí huyết lưu thông, giảm đau tử cung và kích thích tăng tiết sữa. Đây cũng là nguyên liệu linh hoạt để bạn có thể chế biến thành các món luộc, xào, nấu canh… đa dạng cho thực đơn sau sinh.
- Đu đủ xanh: Đu đủ xanh rất giàu dinh dưỡng và nổi tiếng với tác dụng kích thích sữa mẹ. Bạn có thể xào đu đủ xanh hoặc hầm đu đủ với giò heo để có món canh bổ dưỡng.
2. Sau sinh nên kiêng những loại rau gì để đảm bảo lượng sữa cho con?
Một số loại rau củ tuy nhiều dinh dưỡng và lành mạnh nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ. Các loại rau làm mất sữa mà mẹ đang trong giai đoạn cho bé bú cần hạn chế là:
- Lá lốt
- Mùi tây, mùi ta
- Bạc hà
- Bắp cải
- Lá dâu tằm
- Rau diếp cá
- Khổ qua
- Súp lơ
- Dưa cải muối
- Cần tây
- Rau răm
- Măng
3. Mẹ đang cho con bú ăn rau cải có mất sữa không?
Câu trả lời cho thắc mắc ăn rau cải có mất sữa không là tùy thuộc vào loại rau cải bạn chọn và cơ địa từng người. Mỗi loại rau cải như cải xanh, cải xoong, cải cúc, bắp cải… đều cung cấp các chất dinh dưỡng khác nhau nên tác dụng lên lượng sữa của mẹ cũng khác nhau:
- Bắp cải: Bắp cải nổi tiếng là loại rau có thể làm giảm tiết sữa mẹ vì có tính hàn mạnh, gây ảnh hưởng đến sự vận hành của dưỡng chất trong máu. Bên cạnh đó, mẹ ăn quá nhiều bắp cải trong thời gian cho con bú cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị đầy hơi hay ợ hơi. Từ đó, bé sẽ bú kém hơn và dẫn đến tình trạng giảm lượng sữa mẹ. Tuy nhiên, những tác động này còn tùy vào cơ địa của mẹ và bé. Do đó, bạn có thể ăn một lượng vừa phải bắp cải rồi quan sát lượng sữa của mình và phản ứng của bé khi bú để điều chỉnh nhé.
- Cải xanh: Dù cũng thuộc họ cải nhưng rau cải xanh không hề gây mất sữa mà lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và bé. Với vitamin K, vitamin C, vitamin A… dồi dào, cải xanh không chỉ giúp mẹ hồi phục sau sinh mà còn tốt cho tim mạch, hệ miễn dịch và sức khỏe của mắt.
- Cải ngọt: Cải ngọt không ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ và cũng là loại rau khá lành tính đối với sức khỏe của mẹ và bé. Lượng albumin dồi dào trong cải ngọt còn có giúp ngăn ngừa mỡ hình thành trong gan nữa đấy.
- Cải cúc: Cải cúc rất giàu dinh dưỡng với các chất như axit chlorogenic, carotene, flavonoid, các vitamin và kali… Nhờ đó, loại rau này mang đến nhiều tác dụng như giảm cân, chống oxy hóa, giảm nguy cơ ung thư phổi, bảo vệ tim mạch, phòng bệnh sỏi thận, tránh tình trạng da sần vỏ cam, đầy hơi và giảm mật độ xương. Nếu vẫn đang thắc mắc ăn rau cải cúc có mất sữa không, mẹ hãy tự tin bổ sung cải cúc vào chế độ ăn để cung cấp thêm dưỡng chất cho cơ thể nhé.
- Cải xoong: Cải xoong không gây mất sữa mẹ mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe phụ nữ sau sinh vì rất giàu dinh dưỡng. 3,3′-diindolylmethane và sulforaphane trong cải xoong có thể giúp phòng chống ung thư. Canxi, magiê và kali giúp giảm huyết áp và hỗ trợ xương phát triển. Vitamin K thì giúp cải thiện việc hấp thụ canxi và giảm lượng canxi bị mất qua đường tiểu. Axit alpha-lipoic lại có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết, tăng độ nhạy insulin…
4. Những loại trái cây gây mất sữa nào mà mẹ cần tránh khi đang cho bé bú?
Ngoài các loại rau làm mất sữa, trái cây cũng có thể góp phần làm ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của cơ thể. Những loại trái cây gây mất sữa mẹ cần chú ý khi ăn là:
- Các loại trái cây họ cam, quýt: Trái cây họ cam quýt tuy rất giàu vitamin và chất xơ để giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe tổng thể. Thế nhưng, những loại trái cây này lại chứa lượng axit lớn gây hại cho dạ dày, khiến mẹ mất lượng sữa đáng kể nếu ăn nhiều.
- Vải: Vải có tính nóng nên cũng là một trong những loại trái cây gây mất sữa sau sinh mà các mẹ bỉm hay rỉ tai nhau.
- Đào: Đào có nhiều lợi ích sức khỏe như lọc độc tố trong thận, giảm thiểu nguy cơ thiếu máu, cải thiện sức khỏe tim mạch, bổ mắt… Tuy nhiên, mẹ đang cho bé bú cần chú ý khi chọn loại quả này bởi đây cũng là thực phẩm gây mất sữa mẹ nếu tiêu thụ nhiều. Hơn nữa, đào cũng là quả có nguy cơ gây dị ứng đấy.
- Ổi: Ổi cũng là trái cây có tính nóng nên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, từ đó gây mất sữa.
- Dâu da: Dâu da là thực phẩm gây mất sữa điển hình nên bạn cần hạn chế để đảm bảo nguồn sữa cho bé.
- Me chua: Me chua là một trong những loại trái cây gây mất sữa mà còn có thể khiến bé dễ bị tiêu chảy.
- Dưa hấu: Dưa hấu có thể khiến mẹ bị đầy bụng, tiêu chảy, từ đó ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của sữa mẹ.
- Mãng cầu: Mãng cầu có thể khiến mẹ bị nóng trong, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa cũng như chất lượng của sữa.
5. Những thực phẩm nào gây mất sữa sau sinh mà mẹ bỉm cần tránh?
Những thực phẩm gây mất sữa sinh sinh mà mẹ bỉm cần hạn chế là:
- Đồ uống có ga
- Những loại nước uống và thức ăn có caffeine như cà phê, trà đen, trà xanh, sô cô la…
- Thực phẩm chứa quá nhiều vitamin C, vitamin B như các trái cây họ cam, quýt
- Thức ăn nhanh hay đồ chiên xào có nhiều dầu mỡ
- Bạc hà, kể cả các loại kẹo hay nước uống có chứa bạc hà
- Xô thơm. Loại thảo mộc này thường có trong những món tây như pizza hay mì Ý.
6. Lỡ ăn phải thực phẩm gây mất sữa phải làm sao?
Việc lỡ ăn phải thực phẩm gây mất sữa với số lượng vừa phải không gây ảnh hưởng lớn trong thời gian ngắn tới nguồn sữa mẹ. Vậy nên, mẹ không cần lo lắng nếu thấy bé vẫn bú đủ cữ và không có dấu hiệu bỏ ti. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tập trung vào các cách làm tăng số lượng và chất lượng sữa mẹ như sau:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Bữa ăn của mẹ cần đầy đủ các nhóm chất từ đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ đến vitamin và khoáng chất. Khi có đủ dưỡng chất, cơ thể mẹ mới có đủ năng lượng để sản xuất sữa. Các món ngon và dinh dưỡng mẹ có thể tham khảo là canh rau ngót thịt bò, chân giò hầm đu đủ, cháo cá chép, cá hồi…
Giữ tâm trạng thoải mái
Việc tiết sữa cũng bị ảnh hưởng từ tâm trạng, cảm xúc của người mẹ nên khi mẹ cảm thấy vui vẻ, thoải mái thì lượng sữa tiết ra cũng nhiều hơn. Tình trạng tâm trạng luôn ở trong trạng thái căng thẳng và bận tâm về việc thiếu sữa sẽ càng làm tình trạng mất sữa nghiêm trọng hơn. Vậy nên, mẹ cần chăm sóc cho bản thân cũng như giữ một tâm trạng thoải mái để nguồn sữa của bé luôn chất lượng.
Cho bé bú thường xuyên
Nguồn sữa của mẹ sẽ càng dồi dào nếu bé bú thường xuyên. Thậm chí, việc cho bé ngậm ti mẹ ngay cả khi không đói hoặc không có sữa cũng sẽ giúp kích thích tạo sữa nhanh hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý cho bé bú đúng tư thế để bé bú dễ dàng hơn cũng như mẹ không bị đau, từ đó sữa cũng sẽ về nhiều hơn.
Sử dụng máy hút sữa để kích sữa về
Bên cạnh việc cho bé bú thường xuyên để kích thích tạo sữa, bạn cũng có thể sử dụng máy hút sữa tăng sản xuất sữa theo các bước sau:
- Bật máy hút sữa và chọn chế độ massage khoảng 2 phút.
- Chuyển máy sang chế độ hút để hút sữa.
Nếu chưa thấy sữa về hoặc sữa tiết ra ít, bạn hãy kiên trì lặp lại các bước trên vài lần nhé.
Hello Bacsi tin rằng chỉ cần chú ý hạn chế tiêu thụ các loại rau làm mất sữa, ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung dưỡng chất đầy đủ cũng như chăm sóc sức khỏe tinh thần thật tốt, mẹ sẽ có lượng sữa dồi dào cho bé. Thực tế là chỉ khi mẹ có thể chất và tinh thần tốt nhất, bé yêu mới có thể phát triển toàn diện được.