Nguyên nhân gây nhiễm độc thủy ngân

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm độc thủy ngân là do ăn hải sản. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị ngộ độc do quá trình chế biến công nghiệp, tiếp xúc với nhiệt kế, máy đo huyết áp, công việc nha khoa và những loại sơn cũ.
Hải sản
Việc ăn phải các loại hải sản đã bị nhiễm thủy ngân là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tích tụ thủy ngân trong cơ thể con người. Thủy ngân trong hải sản thường tồn tại dưới dạng độc tính cao của kim loại, có tên là methylmercury, được hình thành khi thủy ngân hòa tan trong nước. Tất cả các sinh vật biển có thể hấp thụ methylmercury từ nước và bắt đầu gây nhiễm cho các sinh vật khác thông qua chuỗi thức ăn.
Sự tích lũy thủy ngân sẽ ngày càng nhiều đối với những loại sinh vật biển có kích thước lớn. Ví dụ, các sinh vật biển nhỏ, chẳng hạn như tôm hấp thụ methylmercury, sau đó bị cá ăn; những con cá này sẽ bắt đầu tích tụ nhiều methylmercury hơn tôm ban đầu.
Quá trình này tiếp tục phát triển qua tất cả các chuỗi thức ăn, do đó một con cá lớn có thể chứa rất nhiều thủy ngân. Điều này không có nghĩa là bạn chỉ nên ăn những con cá nhỏ. Bạn nên kiểm tra kỹ nguồn xuất xứ hải sản để tránh cá và động vật có vỏ đã bị nhiễm thủy ngân. Một số loại cá chứa nhiều thủy ngân mà bạn nên tránh tiêu thụ như: cá thu, cá kiếm, cá ngừ, cá mập…
Phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên tránh hoặc hạn chế ăn cá và động vật có vỏ, vì thủy ngân sau khi được tiêu thụ có thể truyền sang thai nhi hoặc trẻ sơ sinh thông qua dây rốn hoặc sữa mẹ. Bạn có thể ăn các loại cá nhỏ, tốt cho trí não thai nhi và chứa hàm lượng thủy ngân thấp bao gồm cá mòi, cá cơm, cá trích…
Chất trám răng
Chất trám răng amalgam, hay còn được gọi là trám bạc, chứa khoảng 40 – 50% thủy ngân và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc thủy ngân ở người bệnh. Hiện nay, loại trám răng này không còn được sử dụng nhiều nữa, bởi vì đã có những lựa chọn mới tốt hơn và an toàn hơn.
Tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm
Nguyên nhân gây ngộ độc thủy ngân cũng có thể là do tiếp xúc trực tiếp với môi trường chứa nhiều kim loại này, bao gồm:
- Vỡ nhiệt kế
- Khai thác vàng
- Tiếp xúc với một số loại sơn
- Tiếp xúc với một số loại trang sức
- Tiếp xúc với không khí độc hại ở những khu vực gần các nhà máy sản xuất
- Trong vài trường hợp hiếm gặp, một số mỹ phẩm chăm sóc da cũng chứa thủy ngân
Điều trị nhiễm độc thủy ngân

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán ngộ độc thủy ngân thông qua việc kiểm tra thể chất và xét nghiệm máu. Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể hỏi về các triệu chứng và chế độ ăn uống của người bệnh. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được hỏi về môi trường sống hoặc làm việc, liệu có ở gần nhà máy công nghiệp nào hay không.
Nếu nghi ngờ bạn bị nhiễm độc thủy ngân, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm hàm lượng thủy ngân trong máu và/ hoặc nước tiểu để đánh giá mức thủy ngân trong cơ thể.
Quá trình điều trị nhiễm độc thủy ngân sẽ bao gồm hạn chế tiếp xúc và tránh tiêu thụ những thực phẩm, hải sản có chứa nhiều kim loại này. Nếu ngộ độc thủy ngân liên quan đến nơi làm việc hoặc tiếp xúc với môi trường, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nên thay đổi môi trường làm việc hoặc thực hiện thêm các biện pháp an toàn khác.
Những tác hại của thủy ngân trên cơ thể sẽ được điều trị riêng biệt hoặc kiểm soát theo từng cá thể. Trong một số trường hợp ngộ độc thủy ngân nghiêm trọng, người bệnh có thể cần điều trị bằng liệu pháp Chelation. Đây là quá trình giúp loại bỏ thủy ngân ra khỏi các cơ quan để cơ thể có thể đào thải ra bên ngoài.
Liệu pháp Chelation là phương pháp loại bỏ độc tố và kim loại nặng ra khỏi cơ thể bằng axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA). Chất này sẽ được tiêm vào máu qua đường tĩnh mạch, chúng sẽ tự động tìm kiếm và kết hợp với các loại khoáng chất có trong máu. Sau khi EDTA kết hợp với các khoáng chất sẽ tạo thành một hợp chất và được đào thải ra ngoài qua đường tiết niệu.
Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn hiểu hơn về thủy ngân, triệu chứng, nguyên nhân, tác hại và cách điều trị khi bị nhiễm độc thủy ngân. Đây là kim loại gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, do đó bạn hãy phòng tránh ngay từ bây giờ để không gặp phải những hậu quả đáng tiếc nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!