backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Lá lốt

Thông tin kiểm chứng bởi: Lương Lan


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/08/2023

    Lá lốt

    Bạn vẫn thường nghe đến tên các món ăn quen thuộc như chả lá lốt, bò lá lốt… Không chỉ là rau gia vị, lá lốt còn là một loại dược liệu. Vậy, bạn đã biết lá lốt trị bệnh gì và tác dụng của lá lốt trong việc chữa bệnh hay chưa? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về loại dược liệu thú vị này trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Tên thường gọi: Cây lá lốt

    Tên gọi khác: Tất bát

    Tên khoa học: Piper lolot

    Họ: Họ Hồ tiêu (Piperaceae)

    Tổng quan 

    Tìm hiểu chung về lá lốt

    Cây lá lốt thuộc loại cây thân thảo (thân mềm), độ cao trung bình khoảng 30-40 cm, thường mọc bò ở những nơi ẩm ướt, râm mát. Lá lốt được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc hay dùng làm gia vị trong nấu nướng hàng ngày. Cây nổi bật với các đặc điểm sau đây:

    • Thân yếu ớt, phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều đường rãnh dọc
    • Lá đơn nguyên, có tán rộng, mọc so le, hình tim, có 5-7 gân chính xanh toả ra từ cuống lá
    • Cuống có gốc bẹ ôm lấy thân
    • Mặt trên của lá xanh bóng, mặt dưới xanh nhạt
    • Vò lá có mùi thơm nồng
    • Hoa mọc thành cụm ở nách lá, có màu trắng, lâu tàn
    • Quả lá lốt là quả mọng, chỉ chứa một hạt.

    Bộ phận dùng của cây lá lốt

    Toàn cây lá lốt đều có thể được dùng làm vị thuốc bao gồm: thân, rễ, lá.

    Lá lốt có thể thu hái cây quanh năm, đem rửa sạch, cắt nhỏ, dùng tươi hoặc phơi nắng hay sấy khô rồi bảo quản để dùng dần.

    Thành phần dinh dưỡng

    thành phần của lá lốt

    Ăn lá lốt có tác dụng gì? Trong lá lốt chứa nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể và sức khỏe, thành phần dinh dưỡng trong 100g lá lốt bao gồm:

  • Năng lượng: 39 kcal
  • Nước: 86,5g
  • Protein: 4,3g
  • Chất xơ: 2,5g
  • Canxi: 260mg
  • Photpho: 980mg
  • Sắt: 4,1mg
  • Vitamin C: 34mg
  • Ngoài ra, rễ lá lốt chứa tinh dầu có thành phần chính là bornyl axetat, còn lá và thân chứa chất alkaloid và beta-caryophylen – đây là thành phần chủ đạo của tinh dầu để tạo mùi thơm đặc trưng.

    Tác dụng, công dụng

    Cây lá lốt có tác dụng gì?

    Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị cay nồng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống và tiêu thũng. Vậy, lá lốt trị bệnh gì? Công dụng của lá lốt là làm ấm bụng, trừ lạnh thường dùng để trị phong hàn thấp, chứng tay chân lạnh, tê bại chân tay, rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng, tiêu chảy), bệnh thận và bàng quang lạnh, đau nhức xương khớp, chứng ra nhiều mồ hôi tay chân, mụn nhọt, chảy nước mũi hôi…

    Còn theo nghiên cứu trong y học hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt nên thường được dùng để trị đau răng, đau đầu,…

    Liều dùng

    Liều dùng thông thường của lá lốt là bao nhiêu?

    Liều dùng mỗi ngày là khoảng 6-12g dạng đã phơi khô đem sắc nước uống.

    Đối với dạng lá tươi, có thể dùng 50-100g/ngày.

    Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

    Một số bài thuốc có lá lốt

    Lá lốt được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

    bài thuốc lá lốt

    Tác dụng của lá lốt rất đa dạng nên được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau như:

    • Chữa đau lưng, tê thấp, sưng khớp gối, bàn chân tê buốt: 
      • Rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày,
      • Lá lốt và ngải cứu lượng bằng nhau đem đi giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng để đắp hoặc chườm lên vùng đầu gối bị sưng đau.
      • Dùng 8-12g dây rễ lá lốt, phối hợp với 8g dây đau xương, 8g rễ cỏ xước, 8g cốt khí củ sắc uống.
  • Chữa phong thấp, đau nhức mỏi xương khớp:
    • Lấy 30g lá lốt tươi đem nấu với 2 bát nước cho đến khi còn nửa bát thì tắt bếp. Dùng để uống sau bữa tối. Dùng liên tục trong khoảng 10 lần.
    • Rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc tất cả các vị thuốc rồi lấy nước uống đều đặn mỗi ngày.
    • Dùng 15g lá lốt khô sắc với 1 chén nước, còn lại ½ chén. Dùng uống trong ngày, nên uống sau bữa tối. Duy trì bài thuốc trong 10 ngày.
    • Lá lốt rang nóng với muối, bọc vào túi vải chườm lên vị trí bị đau nhức.
    • Toàn cây lá lốt, phối hợp với cỏ xước, cây xấu hổ, mỗi vị 10-15g. Tất cả sao vàng sắc nước uống nhiều ngày (bài thuốc này kỵ thai).
  • Chữa phù thũng: Chuẩn bị 12g lá lốt, 12g rễ cà gai leo, 12g rễ mỏ quạ, 12g rễ gai tầm xoọng, 12g lá đa lông, 12g mã đề. Đem tất cả sắc cùng với 500ml nước cho đến khi còn 150ml thì tắt bếp, ngày dùng 1 thang. Áp dụng liên tục từ 3 đến 5 ngày.
  • Ngâm chân, tay chữa ra nhiều mồ hôi tay chân: Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối. Sau đó, đổ ra chậu để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện lấy lá lốt ngâm chân tay liên tục trong 5-7 ngày.
  • Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: Chuẩn bị 50g lá lốt, 50g lá khế, 50g lá đậu ván trắng. Rửa sạch, giã nát tất cả nguyên liệu, cho thêm một ít nước, ép gạn lấy nước cho uống ngay trong khi chờ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế.
  • Chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy: Dùng một nắm lá lốt từ 50-100g sắc nước uống ngày 3 lần. Uống đến khi triệu chứng dứt điểm hẳn.
  • Chữa viêm lợi, làm chắc chân răng: Lá lốt sắc đặc dùng để ngậm và súc miệng mỗi ngày.
  • Chữa tổ đỉa ở bàn tay: Lấy khoảng 30g lá lốt đem rửa sạch rồi giã nát, chắt lấy phần nước cốt, uống hết trong ngày. Riêng phần bã cho vào nồi, đổ thêm 3 bát nước rồi đun sôi kỹ. Vớt bã để riêng, dùng nước thuốc lúc còn ấm rửa vùng bị tổ đỉa, lau khô rồi lấy bã đắp lên vết thương và băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.
  • Trị đau bụng do lạnh: Lấy lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước, cho đến khi còn 100ml. Chia ra dùng hết 2 lần trong ngày. Uống khi còn ấm và nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
  • Điều trị mụn nhọt: Chuẩn bị: 15g lá lốt, 15g lá cây ráy, 15g cây chanh, 15g lá chanh, 15g lá tía tô. Cây chanh bỏ vỏ bên ngoài, phơi khô rồi giã nhỏ để rắc lên tổn thương trên da. Các nguyên liệu còn lại thì rửa sạch, giã nhỏ rồi đắp lên vùng da bị mụn nhọt. Áp dụng mỗi ngày 1 lần, sau khoảng 3 ngày thì sẽ khỏi.
  • Điều trị viêm nhiễm âm đạo: Lấy 50g lá lốt, 40g nghệ, 20g phèn chua cho vào nồi rồi đổ nước ngập. Sau đó, đun trong khoảng 20 phút cho các tinh chất tan trong nước. Đợi nước nguội bớt rồi dùng để ngâm rửa âm đạo. Nên tận dụng khi nước còn nóng tiến hành xông sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
  • Viêm tinh hoàn: Lá lốt 12g, lệ chi 12g, bạch truật 12g, trần bì 10g, bạch linh 10g, sinh khương 21g, sơn thù 6g, phòng đảng sâm 6g, hoàng kỳ 5g, cam thảo 4g. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi với 600ml nước, sắc còn 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày.
  • Lưu ý, thận trọng khi dùng

    Khi dùng lá lốt, bạn nên lưu ý những gì?

    lưu ý khi dùng lá lốt

    Lá lốt có tính nóng nên nếu phụ nữ đang cho con bú sử dụng quá nhiều có thể bị mất sữa hoặc làm sữa bị loãng và không đủ chất.

    Người đang bị nóng gan, nóng trong người, nhiệt miệng nặng, táo bón không nên sử dụng loại thảo dược này vì có thể khiến lưỡi khô, lợi hàm sưng đỏ và khát nước bất thường.

    Ăn hoặc uống nước sắc từ loại thảo dược này lâu ngày có thể gây nóng dạ dày và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Vì vậy, nệnh nhân đau dạ dày, khó khăn khi tiểu tiện nên cẩn trọng khi sử dụng thảo dược này.

    Chỉ nên dùng một lượng vừa phải, thông thường trung bình chỉ nên dùng tối đa 50 đến 100g/ngày. Dùng quá nhiều lá lốt (trên 100g/ngày) có thể gây mệt mỏi, uể oải và một số vấn đề về tiêu hóa như: khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng,…

    Để sử dụng lá lốt một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    Mức độ an toàn của lá lốt

    Lá lốt không có độc tính, có thể dùng để làm nguyên liệu trong một số món ăn.

    Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng lá lốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

    Tương tác có thể xảy ra với lá lốt

    Lá lốt có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lương Lan


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo