backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Hiểu rõ những nguyên nhân mẹ ít sữa để cải thiện nguồn sữa hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 13/10/2022

    Hiểu rõ những nguyên nhân mẹ ít sữa để cải thiện nguồn sữa hiệu quả

    Nguồn sữa mẹ ít hoặc suy giảm được hiểu là khi mẹ không sản xuất đủ sữa để đáp ứng nhu cầu phát triển của bé. Đó chính là lý do mà nhiều mẹ sau sinh không tránh khỏi lo lắng về nguồn sữa của mình, đặc biệt là trong giai đoạn mới bắt đầu cho con bú. Trên thực tế, hầu hết các mẹ sau sinh đều sản xuất đủ sữa cho con bú nên không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ ít sữa hoặc thậm chí mất sữa thì việc hiểu rõ các nguyên nhân mẹ ít sữa vẫn rất quan trọng.

    Bởi vì chỉ khi dựa trên nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, bạn mới có thể tìm cách điều chỉnh và khắc phục để cải thiện nguồn sữa. Trong bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ cùng bạn “điểm danh” những nguyên nhân gây giảm tiết sữa mẹ đáng chú ý và cách xử lý nhé!

    Nguyên nhân mẹ ít sữa do tâm lý căng thẳng, lo lắng

    Cuộc sống sau sinh thường gây ra nhiều biến động đáng kể cho các bậc cha mẹ. Bạn không thể tránh được các vấn đề như thiếu ngủ, lịch sinh hoạt đảo lộn, những khó khăn sau sinh về cách chăm sóc con, đảm bảo kinh tế để nuôi con… Những điều này đều có thể khiến mẹ cảm thấy căng thẳng, áp lực, lo lắng hoặc thất vọng sau sinh.

    Điều đáng lo ngại là những cảm xúc tiêu cực này có thể gây tăng nồng độ một số hormone, chẳng hạn như cortisol có thể làm giảm đáng kể nguồn sữa mẹ. Đó là lý do mà có những trường hợp mẹ tiết nhiều sữa trong 24 giờ sau sinh nhưng sau đó vẫn bị ít sữa hoặc mất sữa do căng thẳng.

    Có thể nói, căng thẳng chính là “kẻ thù số một” đối với nguồn sữa mẹ. Vì vậy, dù việc cho con bú quan trọng nhưng sức khỏe tinh thần mới là chìa khóa để chăm sóc một em bé khỏe mạnh, đúng cách. Nếu người thân của bạn hoặc chính bạn nhận thấy mình có những triệu chứng lo lắng, căng thẳng hoặc nghiêm trọng hơn là trầm cảm sau sinh thì nên sớm nhờ đến sự hỗ trợ về mặt tâm lý từ các bác sĩ, chuyên gia.

    Bên cạnh đó, các mẹ sau sinh không nên có suy nghĩ rằng sẽ tự làm mọi thứ một mình. Thay vào đó là hãy nhờ đến sự giúp đỡ của bạn đời hoặc những người thân khác để có thêm thời gian nghỉ ngơi và phục hồi nhằm duy trì tốt nguồn sữa cho con.

    Nguyên nhân mẹ ít sữa liên quan đến các vấn đề cho con bú

    nguyên nhân mẹ ít sữa

    Về cơ bản, sữa mẹ được sản xuất theo nhu cầu bú của em bé. Nói cách khác, khi nhu cầu bú mẹ của trẻ giảm đi hoặc bị cản trở thì việc sản xuất sữa mẹ cũng ít đi. Cụ thể, một số vấn đề thường khiến sữa mẹ bị giảm đi trong trường hợp này bao gồm:

    • Bạn không cho bé bú mẹ thường xuyên, có thể do không có thời gian ở gần con.
    • Mẹ nuôi con bằng sữa công thức trước khi nuôi con bằng sữa mẹ. Điều này thường xảy ra đối với mẹ sinh non, sinh mổ, trẻ sinh ra bị vàng da nghiêm trọng cần được chăm sóc tại bệnh viện.
    • Mẹ không cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn mà phải kết hợp với sữa công thức hoặc cho bé ăn dặm quá sớm (trước khi trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi). Điều này có thể xảy ra nếu bạn phải cho bé đi nhà trẻ sớm hoặc nhờ người khác trông hộ để quay lại công việc.
    • Mẹ thường cho bé ngậm núm vú giả giữa các cữ bú. Điều này có thể làm giảm tần suất muốn bú mẹ của trẻ. Như vậy, khi trẻ bú mẹ ít thường xuyên hơn thì bạn sẽ tiết ra ít sữa hơn. Để tránh tình trạng này, tốt nhất là mẹ nên đợi từ 3 đến 4 tuần sau sinh rồi mới nên cho bé ngậm núm vú giả.
    • Trẻ bú không đúng khớp ngậm hoặc mẹ gặp các vấn đề như đầu ti ngắn, đầu ti bị thụt, viêm vú… có thể gặp khó khăn trong việc cho bú khiến trẻ bú mẹ ít đi hoặc bú không đủ sữa.

    Đối với các đề kể trên, cách xử lý nhằm cải thiện nguồn sữa sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân mẹ ít sữa là gì. Tuy nhiên, nhìn chung là bạn cần cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt và cho bú thường xuyên. Trong những tuần đầu tiên sau sinh, mẹ nên cho con bú từ 8 đến 12 lần mỗi ngày, tương đương khoảng từ 2 đến 3 giờ sẽ cho bú một lần. Nếu số lần cho trẻ bú ít đi, mẹ có thể chọn cách vắt sữa ra ngoài bằng tay hoặc bằng máy để dự trữ trong tủ đông và cho con dùng dần sau đó. Điều này vừa giúp nguồn sữa mẹ không bị giảm đi vừa hạn chế tắc tia sữa.

    Trong trường hợp mẹ gặp các vấn đề về núm vú, giải pháp là bạn có thể dùng núm trợ ti tạm thời. Nếu không thể tự khắc phục, mẹ đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ, y tá hoặc nữ hộ sinh nhé!

    Nguyên nhân mẹ ít sữa do chế độ ăn uống

    Mẹ sau sinh không nên vội vàng nghĩ đến việc ăn kiêng giảm cân. Bởi vì nếu ăn ít hoặc chế độ ăn kém dinh dưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Để tránh tình trạng này, mẹ nên đảm bảo chế độ ăn sau sinh luôn đủ chất, ưu tiên ăn những thực phẩm lợi sữa và nên cân nhắc có thêm bữa ăn nhẹ lành mạnh trong ngày để đảm bảo có đủ năng lượng đáp ứng việc nuôi con bằng sữa mẹ.

    Ngoài ra, mẹ cần lưu ý rằng lượng chất lỏng đưa vào cơ thể cũng ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ được tạo ra. Vì vậy, mẹ cần đảm bảo bổ sung đủ nước cho cơ thể. Các chuyên gia khuyến khích mẹ sau sinh nên mang theo một chai nước mỗi khi ra ngoài. Một mẹo khác nữa để không quên uống nước đó là mẹ có thể uống một cốc nước mỗi khi cho con bú nhé!

    Nguyên nhân mẹ giảm tiết sữa do các vấn đề sức khỏe

    nguyên nhân mẹ ít sữa

    Một số vấn đề sức khỏe phổ biến như mẹ bị cúm, cảm lạnh, bệnh dạ dày do nhiễm virus… sẽ không trực tiếp làm giảm nguồn sữa mẹ. Thế nhưng, các triệu chứng liên quan như mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa, giảm cảm giác thèm ăn… vẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng cho con bú. Từ đó khiến lượng sữa mẹ giảm đi.

    Lời khuyên trong trường hợp này là mẹ nên đảm bảo tiêm đầy đủ các vaccine phòng bệnh trước đó, chẳng hạn như chủng ngừa cúm, COVID-19… Đồng thời, mẹ nên nhờ đến sự giúp đỡ của bạn đời, người thân khi bị ốm. Nếu không thể cho con bú mẹ trực tiếp, chị em có thể chọn cách vắt sữa mẹ ra ngoài để duy trì nguồn sữa mẹ cho con.

    Các nguyên khác ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ

    Có khá nhiều nguyên nhân gây ít sữa mẹ. Ngoài những nguyên nhân mẹ ít sữa kể trên, một số nguyên nhân hiếm gặp khác bao gồm:

    • Mẹ bị béo phì
    • Huyết áp cao
    • Tiểu đường
    • Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất kích thích (ví dụ như nicotin)
    • Từng phẫu thuật vòng một có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa
    • Dùng thuốc tránh thai chứa estrogen hoặc thuốc có chứa pseudoephedrine cũng có thể gây giảm nguồn sữa mẹ. Vì vậy, bạn nên thận trọng với việc dùng thuốc sau sinh và cần phải có sự đồng ý của bác sĩ. 

    Nói tóm lại, việc duy trì nguồn sữa mẹ trong giai đoạn cho con bú là rất quan trọng đối với sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ. Vì vậy, bạn nên lưu ý đến các nguyên nhân mẹ ít sữa kể trên để có giải pháp cải thiện nguồn sữa mẹ kịp thời, hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc “khó gỡ” nào về việc nuôi con bằng sữa mẹ, bạn đừng ngần ngại hỏi thêm ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 13/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo