Về vấn đề dinh dưỡng cho mẹ đi làm lại sau sinh:

Khi con bắt đầu ăn dặm thì lúc này bạn có thể dần điều chỉnh lại chế độ ăn của mình để kiểm soát cân nặng bằng cách cắt giảm tinh bột và đường. Bạn phải luôn nhớ uống thật nhiều nước, càng nhiều càng tốt, vừa giúp lợi sữa vừa hỗ trợ giảm cân. Sau 5 giờ chiều bạn không nên ăn nữa, đói quá thì ăn ít trái cây ít đường. Mẹ cần tranh thủ ngủ, đừng để thiếu ngủ quá nhiều.
Với các mẹ đi làm lại sau sinh nhưng nuôi con bằng sữa mẹ mà công việc quá bận rộn, không thể ăn uống đầy đủ, hãy dành ra ít thời gian cuối tuần để lên thực đơn, đi chợ mua sẵn thực phẩm dành nấu ăn cho cả tuần sau, sơ chế hoặc nấu sẵn bỏ vào ngăn đông để tiết kiệm thời gian. Nếu quá bận không thể nấu, bạn hãy chọn thực phẩm tại những cửa hàng chế biến sẵn sạch sẽ, uy tín để mua nhưng nên hạn chế ăn ngoài.
Ngoài ra, bạn cần dự trữ sẵn đa dạng thức ăn khô, như các loại hạt, ngũ cốc, granola, biscotti, rong biển… Những thứ này vừa để ăn vặt hoặc ăn nhanh đỡ đói khi quá bận không thể ăn đúng giờ, vừa có thể làm bữa sáng nhanh, ví dụ bạn trộn yến mạch, hạt óc chó, chuối, sữa chua không đường thêm tí mật ong, thế là có ngay bữa sáng dinh dưỡng. Ngoài ra, một dạng “thức ăn nhanh” lành mạnh khác mà bạn có thể nghĩ đến là smoothie.
Để duy trì nguồn sữa cho con, mẹ vẫn nên vắt sữa đều đặn. Nếu nhận thất lượng sữa tiết ra ít dần, mẹ cần được nghỉ ngơi, thư giãn thường xuyên… tránh việc căng thẳng dễ dẫn đến mất sữa sớm. Ngoài ra, mẹ đi làm lại sau sinh cho con bú cần uống đủ nước hàng ngày, ăn bổ sung các loại hạt và đậu, ăn thêm trứng, rong biển; uống sữa hạt, các loại nước ép… Bên cạnh việc vắt sữa, mẹ cũng cần tranh thủ cho con bú để kích thích xuống sữa. Mẹ có thể tranh thủ cho con bú trước khi đi làm, ngay sau khi đi làm về, trước khi đi ngủ. Việc cho con bú vào ban đêm có thể kích thích khả năng sản xuất sữa của cơ thể và tăng lượng sữa cho con.
IV. Mẹ đi làm lại sau sinh: Cần rất nhiều sự trợ giúp

Khi mẹ đi làm lại sau sinh, mẹ nhận được sự hỗ trợ tích cực nào từ gia đình và nơi làm việc để có thể phần nào cân bằng giữa việc đảm bảo công việc, chu toàn việc chăm con, nuôi con bằng sữa mẹ?
Các bà mẹ chia sẻ
“Do chồng mình làm việc tại nhà nên khi đi làm lại sau sinh mình cũng tận dụng được khá nhiều sự giúp đỡ của chồng trong việc chăm sóc con. Từ việc nhà đến việc nấu ăn, chăm con, chồng mình đều có thể hỗ trợ nên bản thân cũng cảm thấy khá thoải mái.
Tại nơi làm việc, trong thời gian đầu mới đi làm lại, mình may mắn được sếp luôn ưu ái giao việc linh động thời gian, việc không quá gấp. Bên cạnh đó, mình được đồng nghiệp luôn hỗ trợ trong công việc. Do đó, với bà mẹ bỉm sữa đi làm như mình, mình cảm thấy khá thoải mái.” – Chị Thu Thảo
“Ở nhà, bà ngoại – “nhân vật siêu nhân” đã giúp lần đầu làm mẹ của mình trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhờ có bà ngoại hỗ trợ nhiệt tình mà mình có thể sắp xếp chu toàn mọi thứ để trở lại công việc lẫn chăm sóc bản thân. Bà ngoại đóng một vai trò rất lớn trong hành trình làm mẹ của mình và lớn lên của bé.
Trong khi đó, tại nơi làm việc, mình được cấp trên sắp xếp ca làm việc phù hợp với mẹ có con nhỏ, được đồng nghiệp hỗ trợ rất nhiệt tình, luôn tạo không gian để mình hút sữa. Do đó, việc quay lại công sở của mình rất thuận lợi.” – Chị Quỳnh Bôi
“Mình sinh bé xong thì ở nhà mẹ, gia đình mình cực kỳ thích con nít nên việc “tận dụng sự trợ giúp” trông bé khi bận hoặc lúc không khỏe đều rất thuận lợi. Ban đêm, mình trông con nên ban ngày cần nghỉ ngơi thêm thì có thể nhờ mọi người dễ dàng.” – Chị Ánh Kiều
Phần tư vấn của chuyên gia BS Nguyễn Như Thanh Trâm

Thật vui vì 3 bà mẹ của chúng ta đều nhận được những sự trợ giúp tích cực trong việc chăm con, chăm sóc bản thân và hoàn thành công việc. Bác sĩ xin chúc mừng 3 bà mẹ nhé!
Tuy nhiên, với một số mẹ không may mắn rơi vào stress sau sinh hay trầm cảm sau sinh, mẹ nên đi khám ở các phòng khám chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Thực tế là với một số người việc chia sẻ các triệu chứng trầm cảm của mình với bác sĩ tâm thần là một việc khó khăn khi đó người mẹ có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn những cách vượt qua khó khăn và khủng hoảng. Việc trao đổi trong hội nhóm những người cũng mới làm mẹ như mình có thể giúp phụ nữ tìm được sự đồng cảm và chia sẻ lẫn nhau những biện pháp để giải quyết tình trạng hiện tại. Đồng thời sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành của gia đình đặc biệt là người chồng rất quan trọng, bằng các biện pháp như: chủ động hỗ trợ trong việc chăm sóc em bé, chuẩn bị cho người mẹ những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng và tạo điều kiện để vợ có những giấc ngủ trọn vẹn, thường xuyên tâm sự, chia sẻ những niềm vui trong cuộc sống để giúp người mẹ không cảm thấy đơn độc và dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân và trẻ, không gắn kết với bé dẫn đến các rối loạn về tình cảm, nhận thức và nhân cách ở đứa trẻ sau này. Trường hợp nặng người mẹ có thể có các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác dẫn đến tự tử và làm hại đứa trẻ.
Việc phát hiện sớm, can thiệp phù hợp giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm cho mẹ và bé.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một hành trình dài, cần sự cố gắng rất nhiều của mẹ, nhất là khi mẹ đi làm trở lại. Việc cân bằng giữa công việc – chăm sóc con và bản thân là không hề đơn giản. Hello Bacsi hy vọng với sự chia sẻ của 3 bà mẹ đáng yêu trong bài, cùng những tư vấn hữu ích từ các chuyên gia bạn đã bỏ túi được cho mình những “bí kíp hữu ích”!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!