Trẻ mọc răng đang trải qua một mốc phát triển quan trọng và có thể khó chịu, quấy khóc hay thậm chí bỏ bú. Giai đoạn này, bé rất cần ba mẹ quan tâm, hỗ trợ cũng như chăm sóc đúng cách để phát triển tối ưu và thuận lợi nhất.
Cột mốc mọc răng sữa rất quan trọng vì đây là nền tảng để bé có hàm răng chắc khỏe và chức năng nhai hoàn thiện, từ đó phát triển hoàn thiện hơn về cả thể chất và tinh thần. Vậy nên, trẻ mọc răng rất cần ba mẹ hỗ trợ để quá trình mọc răng dễ chịu, suôn sẻ và tối ưu hơn. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời các bố mẹ cùng tìm hiểu tất tần tật các thông tin xoay quanh việc trẻ mọc răng nhé.
Thời điểm và thứ tự mọc răng của trẻ
Mọc răng sữa là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Vậy nên, ba mẹ cần nắm rõ trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh mấy tháng mọc răng cũng như thứ tự mọc răng của trẻ để đánh giá được tốc độ phát triển của con.
1. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh mấy tháng mọc răng?
Mọc răng là quá trình răng sữa của bé lần lượt trồi ra khỏi nướu, thường sẽ theo từng cặp đối xứng. Thông thường, trẻ sẽ mọc răng trong giai đoạn từ 6-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ mọc răng sớm khi mới được 3-4 tháng tuổi hay mọc răng trễ khi đã 12 tháng tuổi và mất vài năm mới mọc đủ tất cả 20 răng.
2. Thứ tự mọc răng của trẻ như thế nào?
Trong quá trình mọc răng, cơ thể bé sẽ giải phóng một số hormone khiến các tế bào trong nướu chết đi. Do đó, nướu sẽ bị nứt ra để tạo không gian cho các răng nhú lên.
Nếu đang thắc mắc trẻ mọc răng nào đầu tiên, ba mẹ có thể tham khảo bảng thứ tự mọc răng của trẻ sau:
Răng | Hàm trên | Hàm dưới |
---|---|---|
Răng cửa giữa | 8-12 tháng | 6-10 tháng |
Răng cửa bên | 9-13 tháng | 10-16 tháng |
Răng nanh | 16-22 tháng | 17-23 tháng |
Răng hàm sơ cấp | 13-19 tháng | 14-18 tháng |
Răng hàm thứ cấp | 25-33 tháng | 23-31 tháng |
Quá trình mọc răng sữa của bé sẽ hoàn thiện trong khoảng từ 3 tuổi đến khi được 6-7 tuổi.
Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ mọc răng
Khi nắm được các dấu hiệu mọc răng ở trẻ, bạn sẽ biết cách hỗ trợ để bé trải qua quá trình mọc răng dễ chịu và thuận lợi hơn.
1. Trẻ mọc răng bị chảy nước dãi
Dấu hiệu mọc răng thường thấy ở trẻ là chảy nước dãi nhiều. Đôi khi, nước dãi có thể khiến bé bị ngứa ở cằm, mặt hay ngực. Để khắc phục tình trạng khó chịu do chảy nước dãi, ba mẹ cần cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hay ăn. Bạn cũng có thể dùng khăn mềm và sạch để lau dãi chảy ở miệng, mặt hay ngực của bé. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng có thể cho con đeo yếm để tránh nước dãi chảy xuống người bé.
2. Trẻ bị đau, sưng nướu nên thích gặm đồ
Trước thời điểm mọc răng vài ngày, trẻ thường bị đau, sưng và khó chịu ở nướu nên hay cắn mẹ khi bú, gặm tay hay đồ chơi để dễ chịu hơn. Ba mẹ có thể hỗ trợ bé bằng cách tìm mua đồ chơi dành riêng cho trẻ mọc răng làm bằng các vật liệu an toàn để bé gặm cũng như cất các vật dụng nguy hiểm ngoài tầm tay bé. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý thường xuyên rửa tay cho bé cũng như rửa các đồ vật bé thường cho vào miệng để đảm bảo vệ sinh.
3. Trẻ mọc răng ít bú và biếng ăn
Khi mọc răng, bé có thể bị đau nướu nên thường ít bú, biếng ăn hay thậm chí là ngại uống nước. Nếu phát hiện dấu hiệu trẻ mọc răng này, bạn có thể cho bé uống nước lạnh hoặc ăn đồ ăn đã được ướp lạnh để giảm cảm giác khó chịu ở nướu.
4. Trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài
Tình trạng sốt và đi ngoài hay còn gọi là đi tướt khi mọc răng là khá bình thường khi cơ thể bé bước vào giai đoạn phát triển mới. Bé không nhất thiết phải uống thuốc mà chỉ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là có thể hồi phục rất nhanh.
- Đi tướt: Đi tướt là tình trạng bé đi phân lỏng, có mùi chua, kèm dịch nhầy hoặc máu. Thông thường, tình trạng đi tướt khi mọc răng sẽ không kéo dài quá 4 ngày. Số lần bé đi tướt mỗi ngày tùy vào tình trạng sức khỏe. Nếu có sức khỏe yếu và sức đề kháng kém, trẻ có thể đi tướt 5-7 lần mỗi ngày khi sốt mọc răng. Trẻ có sức khỏe bình thường có thể sẽ đi tướt ít hơn khoảng 2-3 lần.
- Sốt mọc răng: Tình trạng sốt mọc răng ở trẻ là do quá trình sưng và nứt nướu gây ra nhưng thường chỉ là cơn sốt nhẹ dưới 38 độ C.
Tuy tình trạng trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài không nguy hiểm nhưng bạn vẫn cần theo dõi sức khỏe của bé. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều kèm sốt cao trên 38 độ C và tình trạng không cải thiện dù đã sử dụng thuốc hạ sốt, bạn cần đưa con đi khám ngay để xác định nguyên nhân và chữa trị sớm.
5. Trẻ mọc răng khó ngủ và quấy khóc
Trong thời gian mọc răng, các bé bình thường ngủ ngoan cũng có thể quấy khóc, trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm. Đây không phải tình trạng đáng lo và chỉ có tính chất tạm thời vì bé sẽ quay trở lại thói quen ngủ bình thường sau khi đã mọc răng xong.
Mách mẹ các mẹo giảm đau khi mọc răng cho bé
Quá trình mọc răng có thể đi kèm nhiều dấu hiệu khó chịu nhưng ba mẹ có thể tìm hiểu một số phương pháp giúp con thoải mái hơn:
1. Cho bé cắn khăn lạnh
Bạn có thể chuẩn bị một chiếc khăn sạch, ẩm, bỏ khăn vào tủ lạnh cho đến khi khăn mát rồi dùng để lau nướu cho bé hoặc cho bé cắn. Cách này sẽ giúp nướu của trẻ bớt sưng và khó chịu.
2. Cho bé ngậm ti giả, vòng mọc răng
Từ trước khi mọc răng vài ngày, nướu của trẻ thường sưng đỏ và đau. Do đó, nhiều bé sẽ có xu hướng cho tay hay đồ vật vào miệng cắn để cảm thấy thoải mái hơn. Trong trường hợp này, bố mẹ có thể cho trẻ ngậm ti giả hay dùng vòng mọc răng (teething ring) để trẻ nhai giúp làm giảm cảm giác đau, khó chịu.
3. Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu bé quá khó chịu, ba mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho bé dùng một số loại thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin…). Khi cho bé dùng thuốc giảm đau, bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như cách dùng để tránh gây hại cho gan hoặc thận của con nhé.
4. Massage nướu răng cho bé
Bạn hãy dùng ngón tay đã vệ sinh sạch sẽ hoặc gạc ướt sạch để massage nướu răng của bé trong khoảng 1-2 phút. Phương pháp này có thể làm dịu phần nướu đang sưng và khó chịu của bé đấy.
5. Cho trẻ ăn đồ ăn và uống chất lỏng mát
Nếu bé đã được hơn 1 tuổi hay đã ăn dặm thành thạo, bạn có thể cho bé ngậm trái cây mềm như chuối, đu đủ chín, dưa hấu… đã ướp lạnh. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không cho bé ngậm thức ăn cứng và quan sát bé khi ăn để tránh trường hợp mắc nghẹn. Bạn cũng có thể cho bé uống nước ở nhiệt độ mát để làm dịu nướu răng nhưng cần tránh dùng nước đá vì có thể khiến bé bị bỏng lạnh.
6. Vệ sinh răng miệng cho bé
Bạn cần vệ sinh nướu cho bé bằng khăn mềm và sạch 2 lần/ ngày vào buổi sáng và trước giờ ngủ. Thói quen vệ sinh răng miệng này có thể giúp ngăn ngừa thức ăn thừa, đường và vi khuẩn tích tụ trong miệng bé.
Khi nào cần đưa trẻ mọc răng đi khám?
Thông thường, bạn có thể theo dõi và chăm sóc trẻ mọc răng tại nhà. Thế nhưng, có một số trường hợp trẻ sẽ cần thăm khám như:
- Bé tỏ vẻ khó chịu quá mức hoặc quấy khóc nhiều.
- Bé gặp khó khăn khi ăn, uống hoặc ngủ.
- Bé bị tiêu chảy quá mức hoặc sốt cao.
- Các dấu hiệu mọc răng có xu hướng ngày càng nặng.
Chăm sóc răng miệng cho trẻ mọc răng
Ngay khi bé mọc chiếc răng sữa đầu tiên, bạn cần bắt đầu chăm sóc răng miệng cho con bằng các cách sau:
- Dùng gạc hoặc khăn mềm ướt để vệ sinh răng sữa của bé.
- Khi con đã đủ lớn, bạn có thể dạy con đánh răng bằng bàn chải để bé biết cách tự vệ sinh răng miệng. Ba mẹ hãy tập cho bé cách chải răng nhẹ nhàng với nước, tập trung vào phần tiếp giáp giữa chân răng và nướu. Khi bé trên 2 tuổi, bạn có thể cho bé chải răng với kem đánh răng có chứa flour.
- Thay bàn chải đánh răng cho bé 3-4 tuần một lần hoặc khi lông bàn chải đã bị tưa.
- Cho bé đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần khi bé đã được 1 tuổi.
- Tránh cho bé ăn những món có đường hóa học như bánh kẹo hay nước ngọt. Thay vào đó, bạn hãy cho bé ăn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn như trái cây, rau củ quả hay phô mai.
- Tập cho bé uống sữa hay nước bằng ly, cốc và giảm dần tần suất bú bình (nếu có) khi bé được 1 tuổi.
Trẻ mọc răng và các thắc mắc thường gặp
Nếu vẫn còn nhiều băn khoăn về quá trình mọc răng của con, ba mẹ có thể tham khảo một số câu hỏi thường gặp sau:
1. Nướu sưng bao lâu thì mọc răng?
Bé thường sẽ có các dấu hiệu mọc răng như bị sưng nướu và chảy nước dãi thường xuyên trong 5-7 ngày trước khi răng mọc. Tuy nhiên, nếu nướu của bé xuất hiện nhiều đốm trắng cùng lúc thì có thể bé đang mọc nhiều răng. Lúc này, thời gian nướu bị sưng trước khi răng mọc có thể kéo dài hơn vài tháng.
2. Trẻ 4 tháng mọc răng có sao không?
Mọc răng là mốc phát triển quan trọng nên ba mẹ có thể có nhiều thắc như trẻ mọc răng sớm nhất là mấy tháng hay trẻ 4 tháng mọc răng có sao không. Thật ra, không có mốc thời gian mọc răng cố định cho tất cả các bé.
Nhìn chung, trẻ thường sẽ bắt đầu mọc răng từ khoảng 6 tháng đến 1 năm tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ có thể mọc chiếc răng đầu tiên khi mới 3 tháng tuổi hay thậm chí có răng ngay khi vừa sinh ra. Ngược lại, cũng có một số trẻ trải qua quá trình mọc răng trễ hơn độ tuổi kể trên.
Vậy nên, việc trẻ 4 tháng mọc răng không phải là không bình thường và bạn không cần quá lo lắng. Điều ba mẹ cần chú ý khi trẻ mọc răng ở 4 tháng tuổi là chăm sóc răng miệng cho con thật kỹ và quan sát quá trình mọc răng để hỗ trợ khi cần.
3. Trẻ chậm mọc răng làm thế nào để trẻ nhanh mọc răng hơn?
Nếu lo lắng về tình trạng trẻ chậm mọc răng, bạn có thể áp dụng một số cách kích thích mọc răng sau:
Kích thích mọc răng bằng cách massage nướu
Bạn dùng ngón tay đã vệ sinh sạch sẽ xoa nhẹ nhàng trên nướu của bé. Áp lực từ động tác massage có thể kích thích răng mọc nhanh hơn cũng như giảm đau trong quá trình mọc răng để bé ít quấy khóc và ngủ ngon hơn.
Kích thích mọc răng bằng cách dùng khăn lạnh hay ti giả
Bạn có thể kích thích mọc răng cho bé bằng cách dùng khăn ướt hoặc ti giả sạch đã ướp lạnh chườm nướu cho bé. Ngoài tác dụng kích thích mọc răng, phương pháp này còn giúp bé giảm tình trạng đau nướu khi răng mọc.
Kích thích mọc răng bằng cách cho bé tắm nắng
Tắm nắng sẽ giúp cơ thể tổng hợp vitamin D tự nhiên, từ đó thúc đẩy canxi trong cơ thể phát huy tác dụng và giúp răng phát triển tốt hơn. Vậy nên, ba mẹ có thể cho bé tắm nắng trong 15-30 phút từ 6-9 giờ sáng (tùy theo mùa) để hỗ trợ quá trình mọc răng, ngừa còi xương và tăng cường đề kháng.
Kích thích mọc răng bằng cách cho trẻ gặm đồ chơi
Các loại đồ chơi dành riêng cho trẻ trong giai đoạn mọc răng làm bằng chất liệu an toàn có thể giúp quá trình mọc răng của bé thuận lợi hơn. Khi tìm mua đồ chơi cho bé, bạn nên chọn những món đồ chơi đủ lớn, không có nguy cơ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và không chứa chất lỏng bên trong để đề phòng bé bị nghẹn khi gặm. Bên cạnh đó, bạn cũng cần vệ sinh đồ chơi thường xuyên theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn cho bé.
Kích thích mọc răng bằng cách bổ sung trái cây, rau củ quả mềm
Đối với bé đã tới độ tuổi ăn dặm, bạn có thể cho con ăn thêm trái cây hay rau củ quả để việc mọc răng diễn ra tốt hơn và luyện kỹ năng nhai. Ba mẹ có thể luộc chín mềm các loại rau củ như cà rốt, su su, bí xanh, bí ngòi, bắp… rồi cắt thành thanh hay khoanh cho bé ăn dặm. Những loại rau củ giàu vitamin và khoáng chất này sẽ giúp bé bổ sung dinh dưỡng để kích thích mọc răng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé ăn trái cây ướp lạnh. Các loại trái cây mềm và có vị ngọt như dưa hấu, bơ, đu đủ chín, chuối chín… là món ăn dặm vô cùng dinh dưỡng mà cũng kích thích mọc răng rất tốt.
Kích thích mọc răng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để bé đạt được một mốc phát triển quan trọng như mọc răng, ba mẹ cần đảm bảo thực đơn của con đầy đủ dinh dưỡng với các chất khoáng sau:
- Canxi: Canxi là thành phần chính cấu tạo nên răng nên việc bổ sung canxi cho trẻ chậm mọc răng là rất cần thiết. Ba mẹ có thể giúp bé bổ sung khoáng chất này thông qua các thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, sữa chua, hải sản, các loại đậu… Ngoài ra, trẻ mọc răng có thể cần khoảng 500-800 ml sữa mỗi ngày đấy.
- Vitamin D: Ngoài cách cho bé tắm nắng để hấp thụ vitamin D tự nhiên, bạn còn có thể bổ sung vitamin D cho bé thông qua trứng gà hay cá.
- Phốt pho: Phốt pho cũng là một khoáng chất giúp bé phát triển răng tốt hơn. Khoáng chất này có trong hầu hết các loại thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
- Magiê: Tương tự như canxi, magiê cũng là chất tham gia vào quá trình khoáng hóa để tạo răng cho trẻ. Bạn có thể bổ sung magiê cho bé qua cá, rau xanh, bơ hay các loại đậu và hạt.
Ngoài ra, ba mẹ cũng cần xây dựng một thực đơn ăn dặm cân bằng chất đạm, chất béo, tinh bột cũng như vitamin A, vitamin C và khoáng chất khác cho bé.
4. Trẻ sốt mọc răng trong bao lâu?
Trong quá trình mọc răng, nướu sẽ bị rách, gây ngứa ngáy nên trẻ thường thích gặm đồ đạc, tay chân để có thể dễ chịu hơn. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến viêm nhiễm quanh nướu và gây sốt. Tình trạng trẻ sốt mọc răng này là bình thường và có thể tự khỏi sau 3-4 ngày khi răng nhú lên. Ba mẹ không cần quá lo lắng hay vội vàng cho con uống thuốc hạ sốt.
Tuy nhiên, nếu bé sốt cao trên 38 độ C trong thời gian dài thì rất có thể do một nguyên nhân khác ngoài sốt mọc răng. Do đó, bạn cần theo dõi tình trạng của bé cẩn thận và đưa bé đi khám ngay để được chăm sóc y tế đúng cách.
5. Trẻ mọc răng quấy khóc phải làm sao?
Các cách giúp bé mọc răng bớt khó chịu và quấy khóc là:
- Chườm bằng khăn lạnh: Bạn có thể dùng khăn ẩm nhúng nước lạnh lau qua nướu cho trẻ vì nhiệt độ lạnh sẽ giúp giảm sưng đau rất tốt.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Nếu bé quấy khóc quá nhiều, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc bôi dành cho trẻ mọc răng. Khi dùng, bạn cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ của thuốc.
- Cho trẻ ngậm ti giả: Ngậm ti giả có thể giúp bé giảm cảm giác ngứa và đau ở nướu, từ đó bớt quấy khóc và dễ ngủ hơn.
- Vệ sinh răng miệng: Việc vệ sinh răng miệng là rất cần thiết với trẻ mọc răng để giúp phòng tránh nhiễm trùng nướu và răng. Bạn có thể vệ sinh khoang miệng cho trẻ bằng tay hoặc dụng cụ làm sạch chuyên dụng sau khi ăn hoặc bú. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lau nước dãi cho bé thường xuyên để tránh nước dãi dây xuống ngực gây viêm da.
6. Trẻ đi tướt mọc răng uống thuốc gì?
Trẻ đi tướt khi mọc răng tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Lúc này, ba mẹ chưa cần cho bé uống thuốc mà hãy thử một số cách khắc phục như sau:
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ mọc răng bằng sữa mẹ hoặc thức ăn dặm. Bạn có thể thêm các loại thực phẩm giàu đạm và canxi như trứng gà, thịt bò, thịt heo… vào thực đơn của bé để thúc đẩy sản xuất enzyme và hỗ trợ tiêu hóa. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho bé qua các loại rau xanh như rau dền, cải bó xôi, súp lơ, cải chíp… để răng và nướu của bé thêm chắc khỏe.
- Luôn sơ chế sạch sẽ và nấu chín kỹ thức ăn của bé.
- Cho bé uống các loại nước bù điện giải để tránh bé bị mất nước quá nhiều khi sốt cao và tiêu chảy. Bạn cũng có thể cho bé uống nước dừa để bổ sung nước và dinh dưỡng.
- Đảm bảo vệ sinh cho trẻ bằng cách tắm cho bé mỗi ngày và vệ sinh kỹ vùng mông sau mỗi lần bé đi ngoài.
- Vệ sinh răng miệng cho bé kỹ càng để hạn chế vi khuẩn phát triển trong khoang miệng và gây sâu răng.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi với chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao và đi tướt nhiều, bạn cần đưa bé đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể cho trẻ uống paracetamol để hạ sốt và giảm đau không. Thông thường, bé có thể dùng khoảng 10-15mg paracetamol trên mỗi kg cân nặng sau mỗi 4-6 giờ.
7. Trẻ mọc răng không đúng thứ tự có sao không?
Theo thứ tự thường thấy, bé sẽ mọc cặp răng cửa hàm dưới trước nhưng cũng có một số bé mọc răng hàm trên trước. Hiện tượng này có thể do các nguyên nhân sau:
- Di truyền.
- Chế độ ăn uống của bé không cung cấp đủ lượng vitamin D và canxi cần thiết để thúc đẩy quá trình mọc răng.
- Trẻ có va chạm hoặc thương tổn ở hàm dưới do vui chơi hoặc ăn uống. Tổn thương ở hàm dưới này có thể ảnh hưởng đến các mầm răng, khiến bé phải mất thời gian phục hồi các mầm răng ở hàm dưới thì răng mới có thể mọc.
- Nướu răng hàm dưới bị viêm nhiễm nên làm chậm quá trình mọc răng ở phần nướu này.
Tình trạng trẻ mọc răng sai thứ tự này không nguy hiểm và không ảnh hưởng sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ. Vậy nên, ba mẹ không cần lo lắng về việc trẻ mọc răng trên trước có sao không. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cho con và giúp bé có quá trình mọc răng dễ chịu nhất.
Dù thứ tự răng mọc không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ nhưng trong một vài trường hợp cũng có thể dẫn đến một số vấn đề sau:
- Bé lười nhai: Khi bước vào độ tuổi ăn dặm, tình trạng răng mọc sai thứ tự có thể khiến bé lười nhai hoặc lười ăn. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tập ăn uống và chức năng nhai của trẻ sau này.
- Tăng nguy cơ lệch khớp cắn: Răng sữa ở hàm trên nếu mọc trước thì sẽ rụng trước và thay bằng răng vĩnh viễn. Điều này làm tăng nguy cơ bị lệch khớp cắn nếu không có cách chăm sóc răng miệng và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
- Phát âm sai: Khi răng cửa mọc sau những răng khác, bé có thể sẽ khó phát âm hay phát âm sai, từ đó tăng nguy cơ nói ngọng.
8. Trẻ sơ sinh mọc răng trong bụng mẹ có sao không?
Việc trẻ sơ sinh mọc răng trong bụng mẹ hay vừa sinh ra đã có răng có thể do một số nguyên nhân như sau:
- Di truyền: Nếu ba mẹ, anh chị em hay họ hàng gần của bé từng có răng khi vừa sinh thì bé cũng có thể gặp hiện tượng này.
- Hội chứng Ellis-van Creveld (loạn sản sụn ngoại bì): Hội chứng Ellis-van Creveld là một tình trạng rối loạn xương bẩm sinh rất hiếm gặp. Bé mắc hội chứng này thường gặp các bất thường như thừa ngón tay, không mọc lông hay tóc và có răng khi mới sinh.
- Hội chứng Pierre Robin: Hội chứng này là một rối loạn bẩm sinh trong đó trẻ sơ sinh có xương hàm dưới nhỏ bất thường. Một trong những biến chứng của hội chứng này là bé sẽ có răng khi mới sinh
- Hội chứng Hallermann-Streiff (loạn sản xương hàm mắt): Đây là một hội chứng hiếm gặp khiến xương sọ có những bất thường như hàm ngắn, vòm miệng cong và có răng khi mới sinh.
- Hội chứng Sotos: Hội chứng Sotos là một tình trạng bẩm sinh khiến bé tăng trưởng nhanh trong suốt thời kỳ sơ sinh và bú mẹ. Trẻ mắc hội chứng này thường có răng ngay lúc mới sinh.
- Hội chứng Jadassohn-Lewandowski: Hội chứng Jadassohn-Lewandowski còn gọi là dày móng bẩm sinh là tình trạng do đột biến gene gây ra. Bé mắc hội chứng này sẽ có móng tay hay chân dày và có răng khi vừa sinh ra.
- Dị dạng xương hàm: Bé có các dị dạng xương hàm như sứt môi, hở hàm ếch cũng có thể có răng khi vừa ra đời.
- Bất thường nội tiết: Các tình trạng rối loạn nội tiết bẩm sinh cũng là nguyên nhân khiến trẻ có răng khi mới sinh.
- Nhiễm trùng: Trẻ vừa ra đời đã bị nhiễm trùng do lây từ mẹ, chẳng hạn như giang mai thì có thể mọc răng do bị ảnh hưởng từ tình trạng nhiễm trùng đó. Ngoài ra, bé cũng có thể mọc răng sớm nếu mẹ bị bệnh nặng hay sốt trong quá trình mang thai.
Răng sơ sinh ở bé được chia thành 4 loại:
- Nhú lên hoàn toàn: Răng của bé đã nhú ra khỏi nướu hoàn toàn và dễ dàng nhìn thấy. Bạn cũng không thể nhổ răng ra vì răng bám rất chặt vào nướu.
- Lỏng lẻo và nhú hoàn toàn: Răng đã nhú lên hoàn toàn nhưng bám khá lỏng lẻo với nướu do thiếu hay chỉ có một phần chân răng.
- Nhú một phần: Chỉ có phần đỉnh răng nhú lên khỏi nướu.
- Chưa nhú nhưng thấy được: Răng vẫn còn nằm trong nướu hoàn toàn nhưng bạn vẫn thấy được đốm trắng trên nướu.
Hiện tượng trẻ sơ sinh có răng có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Khó ngậm bắt ti khi bú: Một trong những vấn đề hàng đầu ở những bé có răng khi vừa sinh là khó ngậm ti đúng cách, dù là ti bình hay ti mẹ. Vậy nên, bé sẽ khó bú liên tục và có đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của bé.
- Cắn núm vú: Bên cạnh việc khó ngậm ti đúng cách, trẻ có răng sơ sinh còn có thể cắn ti mẹ hay ti bình khi bú. Điều này có thể khiến mẹ bị đau hay núm vú của bình nhanh hư hỏng, từ đó ảnh hưởng đến việc bú sữa của bé.
- Thường xuyên gắt gỏng, quấy khóc: Răng mọc quá sớm có thể khiến trẻ bị đau, khó chịu và hay quấy khóc.
- Gây ngạt đường thở: Răng sơ sinh lỏng lẻo có thể bị vỡ và rơi vào đường thở khiến bé bị ngạt. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, bé có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Phẫu thuật là phương pháp nhổ răng sơ sinh duy nhất. Bạn cần đưa bé đi thăm khám để bác sĩ kiểm tra và quyết định xem có cần nhổ răng hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng xem xét mức độ ảnh hưởng của răng với sự phát triển của bé. Nếu răng mọc chắc chắn và không gây ảnh hưởng đến bé thì không cần phải nhổ răng. Nếu phải nhổ, quá trình phẫu thuật sẽ như sau:
- Chuẩn bị trước phẫu thuật: Bé phải được ít nhất 10 ngày tuổi thì mới có thể tiến hành phẫu thuật vì lúc này, bé đã có hệ vi khuẩn đường ruột, có thể sản sinh vitamin K giúp đông máu. Thông thường, bé cũng sẽ được bổ sung vitamin K trước khi phẫu thuật.
- Nhổ răng: Bé sẽ được gây tê vừa đủ để có thể giữ yên khi bác sĩ tiến hành phẫu thuật.
- Chăm sóc sau phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiêm vitamin K vào bắp cho bé tùy thuộc vào mức độ lành vết thương. Trẻ sẽ được xuất hiện sau vài giờ và tiếp tục theo dõi trong vài tuần.
9. Trẻ mới mọc răng đã bị đen có sao không?
Tình trạng răng sữa bị đen có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân thường gặp nhất là:
- Trẻ mới mọc răng đã bị đen do men răng yếu: Men răng của răng sữa thường rất mỏng. Vậy nên, nếu lớp men răng này quá yếu hoặc không phát triển đầy đủ sẽ khiến răng đổi màu từ trắng sang vàng, nâu hoặc thậm chí là đen.
- Trẻ mới mọc răng đã bị đen do thuốc kháng sinh: Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu dùng những loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm tetracycline thường xuyên thì cũng có thể ảnh hưởng đến màu răng của trẻ. Bé dưới 10 tuổi uống kháng sinh nhiều cũng sẽ khiến răng bị xỉn màu đi.
- Trẻ mới mọc răng đã bị đen do vệ sinh răng miệng chưa tốt: Răng sữa của bé cũng cần được vệ sinh và chăm sóc như răng vĩnh viễn. Nếu ba mẹ có suy nghĩ rằng răng sữa rồi cũng bị thay thế mà không chú trọng việc vệ sinh răng cho bé thì sẽ khiến vi khuẩn và mảng bám tích tụ trên răng. Lúc này, răng sữa bị đen đi nhanh chóng và có nguy cơ dẫn đến một số bệnh lý khác.
- Trẻ mới mọc răng đã bị đen do thiếu vitamin và khoáng chất: Tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là thiếu canxi và vitamin D, sẽ khiến răng yếu dần và men răng dễ tổn thương. Điều này khiến răng sữa của bé bị đen dù chỉ mới mọc.
- Trẻ mới mọc răng đã bị đen do chế độ ăn không lành mạnh: Các bé thường đều thích các món bánh kẹo nhiều đường, đồ uống có ga hay đồ ăn chứa nhiều tinh bột. Những loại thức ăn này có thể khiến mảng bám tích tụ nhanh chóng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển phá hủy men răng. Đây là lý do khiến răng sữa bị sâu và dần chuyển thành màu đen.
Ba mẹ có thể giúp bé bảo vệ men răng, từ đó duy trì hàm răng trắng sáng bằng các cách sau:
Luôn đảm bảo vấn đề vệ sinh răng miệng cho trẻ
Xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng tốt không chỉ giúp ngừa tình trạng răng sẽ bị đen mà còn phòng được các bệnh lý liên quan đến răng miệng. Cách cách đảm bảo vệ sinh răng miệng cho bé là:
- Đối với trẻ còn nhỏ, bạn có thể dùng gạc sạch thấm nước muối sinh lý hoặc nước ấm để vệ sinh khoang miệng cho bé sau mỗi lần bú hoặc ăn dặm. Khi vệ sinh, bạn rơ lưỡi, chà nhẹ răng, nướu cả hai hàm cho bé để cả khoang miệng được sạch sẽ. Với các bé trên 6 tháng tuổi, uống sữa công thức và có thói quen bú đêm, bạn có thể chuẩn bị sẵn nước cho bé uống để tráng miệng và ngăn mảng bám tích tụ.
- Khi trẻ trên 2 tuổi và đã mọc gần đủ tất cả các răng sữa, ba mẹ nên hướng dẫn cho bé cách vệ sinh răng miệng bằng bàn chải tối thiểu 2 lần mỗi ngày cũng như súc miệng sau mỗi lần ăn uống. Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhắc trẻ không cho tay hay đồ vật vào miệng.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé
Chế độ ăn dinh dưỡng đầy đủ là chế độ có đa dạng các loại thực phẩm tươi mới. Các loại thực phẩm bé ăn phải giàu đạm, chất xơ, canxi cũng như các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ là điều đặc biệt cần thiết trong giai đoạn mọc răng sữa.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế những thực phẩm nhiều đường hay thực phẩm chế biến sẵn để đảm bảo sức khỏe răng miệng của bé. Việc tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng răng sữa bị đen ở trẻ đấy.
Cần nhớ rằng giai đoạn mọc răng, trẻ rất cần ba mẹ hỗ trợ để có thể đảm bảo vệ sinh răng miệng, bổ sung đủ dưỡng chất và giảm nhẹ các dấu hiệu mọc răng khó chịu. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng quyết định sức khỏe răng miệng cũng như sự phát triển của bé trong tương lai.
[embed-health-tool-vaccination-tool]