Mọc răng ở trẻ có thể gây nhiều khó chịu, khiến trẻ quấy khóc ban đêm vì nướu bị đau, sưng. Làm thế nào để giúp trẻ giảm bớt đau, nhức và có giấc ngủ ngon suốt đêm trong giai đoạn mọc răng?
Trẻ sơ sinh bắt đầu mọc răng sau ba tháng và kéo dài đến khi bé 3 tuổi. Bước vào giai đoạn mọc răng, cả bạn và bé đều sẽ gặp nhiều rắc rối bởi lúc này nướu của bé sẽ bị sưng, gây đau và chảy nước dãi. Mọc răng khiến bé gặp khó khăn trong việc ăn uống, làm bé cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, mọc răng còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Hello Bacsi mách bạn cách giảm đau khi trẻ mọc răng hiệu quả để trẻ không quấy khóc hay khó chịu trong giai đoạn này.
Hiện tượng mọc răng ở trẻ sơ sinh sẽ kéo dài bao lâu?
Trình tự mọc răng ở mỗi trẻ sẽ khác nhau. Do đó, bạn không thể đoán trước được. Những chiếc răng đầu tiên sẽ khiến bé khó chịu, sau đó cơn đau sẽ giảm dần cho đến khi bé mọc răng hàm. Thế nhưng, điều may mắn là trẻ thường mọc răng hàm khi lớn hơn 1 tuổi. Cả bạn và bé sẽ có một thời gian nghỉ ngơi và hồi phục sau quá trình mọc răng đầy căng thẳng.
Đôi khi, trẻ sẽ có những biểu hiện mọc răng trước khi răng xuất hiện, trong khi những bé khác lại có những triệu chứng này sau đó. Không ai có thể lường hết được những điều có thể xảy ra. Vì vậy, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp xử lý để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình mọc răng nhé.
Biểu hiện mọc răng ở trẻ
Ở một số trẻ thường không có bất kỳ triệu chứng nào khi mọc răng. Tuy nhiên, có những trẻ có thể trở nên dễ quấy khóc, bắt đầu chảy nước dãi, mất cảm giác thèm ăn hoặc khóc nhiều hơn bình thường. Trong một số trường hợp, mọc răng có thể kèm theo nôn ói và sốt.
Các triệu chứng mọc răng ở trẻ điển hình là:
- Khó ngủ
- Bỏ bú
- Khóc nhiều
- Thích nhai đồ vật
- Đỏ, đau hoặc sưng nướu
- Chảy nước dãi nhiều hơn
Mách mẹ cách giảm đau cho bé khi mọc răng
Bố mẹ có thể áp dụng những cách giảm đau khi bé mọc răng sau:
1. Cho trẻ dùng thức ăn lạnh
Thông thường, khi mọc răng, bé sẽ có xu hướng tìm vật gì đó nhai để giảm cảm giác ngứa và đau. Bạn có thể đưa cho bé một củ cà rốt đã gọt vỏ và ướp lạnh hoặc cho bé uống nước đã làm lạnh đựng trong một cái ly hoặc bình. Những món ăn lạnh thường giúp bé giảm cảm giác đau. Nếu bé đủ lớn, bạn có thể cho bé ăn sữa chua hoặc táo nghiền ướp lạnh. Dùng ngón tay của bạn xoa nhẹ lên nướu của bé cũng giúp giảm đau khi mọc răng tạm thời.
2. Sử dụng kem bôi nướu để giảm đau do mọc răng ở trẻ
Kem bôi lợi sẽ giúp trẻ bớt đau nướu. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho bé dùng ít thôi vì nó có thể khiến bé bị tê lưỡi, làm bé khó nuốt thức ăn. Mỗi ngày, bạn chỉ nên cho bé sử dụng tối đa 6 lần và tránh bôi kem trước khi ăn.
3. Sử dụng thuốc giảm đau an toàn cho bé
Bé mọc răng có nên uống thuốc giảm đau cũng là một trong những thắc mắc rất thường gặp của mẹ. Trước tiên, bạn hãy tìm hiểu xem bé có bị các bệnh khác hay không vì nhiễm trùng tai và mọc răng thường có các triệu chứng tương tự nhau khiến bạn dễ bị lẫn lộn. Nếu bé bị sốt, bạn hãy đưa bé đi khám.
Bạn có thể dùng paracetamol để giảm đau nhưng chỉ nên cho bé dùng đúng liều lượng phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra, thuốc này chỉ nên sử dụng cho bé trên 2 tháng tuổi, còn ibuprofen dùng cho bé hơn 3 tháng tuổi và bé phải nặng ít nhất 5kg. Bạn hãy hỏi bác sĩ cẩn thận về liều lượng nên cho bé dùng.
Mọc răng ở trẻ là một quá trình lâu dài và thường lặp lại theo thời gian. Do đó, bạn không nên cho bé uống thuốc giảm đau quá thường xuyên. Nếu bạn quyết định cho bé uống thuốc giảm đau, hãy tránh xa aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reyes.
4. Cho bé ăn những món mềm
Để tránh nướu răng bị sưng và viêm, bạn nên cho bé ăn những món mềm vào buổi tối. Những món ăn cứng có thể giúp giảm đau tạm thời nhưng sau đó sẽ khiến nướu bị sưng đau, làm bé mọc răng khó ngủ. Một số món ăn mềm mà bạn có thể thử là các món nghiền, mì ống và sữa công thức.
5. Duy trì thói quen ngủ của bé
Duy trì những thói quen ngủ thường ngày sẽ giúp bé bớt đau nhức. Ngoài ra, điều này cũng đảm bảo bé ngủ đủ giấc vào ban đêm. Không những vậy, nó còn củng cố thêm thói quen ngủ đúng giờ của bé.
6. Bố mẹ nên làm gì khi bé khóc?
Bạn phải phân biệt được khi nào bé khóc vì đau và khi nào bé khóc vì muốn thu hút sự chú ý của bạn. Khi bé khóc, đừng mặc kệ mà hãy hát hoặc nói chuyện để an ủi bé. Bạn nên dỗ bé nín và cho bé đi ngủ đúng giờ. Nếu bạn phá vỡ những thói quen ngủ thường ngày của bé thì sẽ rất khó xây dựng lại.
Mời bạn xem thêm bài “Tuyệt chiêu’ dỗ bé đang quấy khóc.
Khi nào bạn nên đưa trẻ đi khám?
Mọc răng ở trẻ có thể khiến trẻ quấy khóc do khó chịu. Những triệu chứng có thể là bình thường, tuy nhiên, bạn hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ:
- Sốt
- Quấy khóc dai dẳng, không nín
- Tiêu chảy
- Phát ban
Mọc răng là giai đoạn phát triển mới của bé, có thể giai đoạn này có thể có nhiều triệu chứng khác nhau. Bố mẹ hãy quan sát con để nhận biết kịp thời và chữa trị cho con.
[embed-health-tool-vaccination-tool]