backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bé mọc răng biếng ăn - Nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    Bé mọc răng biếng ăn - Nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ bạn cần biết

    Mọc răng thường gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, khiến em bé có cảm giác không khỏe. Theo đó, mọc răng có thể dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn và bạn không khó để nhận ra rằng bé mọc răng biếng ăn, hay quấy khóc.

    Nhiều cha mẹ thường có xu hướng lo lắng, nghiêm trọng hóa vấn đề biếng ăn ở trẻ. Tuy nhiên, việc trẻ ăn ít, chán ăn trong giai đoạn mọc răng là điều hết sức bình thường và không kéo dài. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin, bí quyết giúp bạn chăm sóc trẻ đang mọc răng đúng cách để giúp con lướt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng nhé!

    Nhận biết các dấu hiệu trẻ mọc răng

    Trước khi tìm hiểu vì sao trẻ mọc răng biếng ăn và giải pháp cho vấn đề này, chắc hẳn mẹ cũng quan tâm làm sao để nhận biết trẻ đang mọc răng. Trên thực tế, thời điểm xuất hiện các triệu chứng mọc răng có thể khác nhau ở mỗi bé. Thông thường, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng có vẻ tồi tệ hơn trước khi răng bé nhú lên khỏi nướu, bao gồm:

    • Thường xuyên chảy nước dãi
    • Đau nướu răng khiến trẻ hay quấy khóc
    • Nổi mẩn đỏ ở má, quanh miệng và cằm
    • Đi tiêu phân lỏng, đôi khi có mùi chua (dân gian gọi là đi tướt mọc răng)
    • Tăng nhu cầu nhai, cắn
    • Khó chịu khi bú mẹ hoặc bỏ bú, chán ăn
    • Khó ngủ, bị gián đoạn giấc ngủ do đau nướu răng
    • Nhiệt độ tăng nhẹ nhưng không phải là sốt.

    Các triệu chứng kể trên thường xảy ra khi trẻ mọc răng nhưng rất dễ gây nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa, cảm cúm, cảm lạnh…. Vì vậy, mẹ vẫn không nên chủ quan và cần lưu ý thêm các triệu chứng bất thường khác (nếu có).

    Vì sao bé mọc răng biếng ăn?

    bé mọc răng biếng ăn

    Thông thường, em bé sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên trong khoảng 6 đến 12 tháng tuổi, cùng thời điểm với độ tuổi trẻ bắt đầu ăn dặm. Trong đó, tình trạng chán ăn hoặc biếng ăn là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khi trẻ đang mọc răng.

    Thực chất, vấn đề này không khó để lý giải. Trẻ đang mọc răng thường gặp nhiều triệu chứng khó chịu và khiến trẻ cảm thấy không khỏe. Thêm vào đó, nướu của trẻ cũng bị sưng và mềm khi răng đang dần nhú lên. Điều này có thể khiến nướu và miệng của trẻ bị đau khi ăn uống. Do đó mà việc bé mọc răng biếng ăn, chán ăn, bỏ bú là vấn đề tương đối phổ biến. Mặc dù vậy, không phải tất cả các em bé đều biếng ăn khi đang mọc răng và thực tế là chỉ khoảng 1/3 trẻ gặp vấn đề này.

    Bé mọc răng biếng ăn cần được chăm sóc như thế nào?

    Đối với bé mọc răng biếng ăn, điều bạn có thể làm là giúp trẻ xoa dịu cơn đau nướu và lựa chọn những thực phẩm mà em bé đang mọc răng sẽ thích ăn. Như đã đề cập, bé đang mọc răng thường đã đến tuổi ăn dặm. Vì vậy, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau đây nhưng cần lưu ý rằng mỗi bé sẽ có nhu cầu và sở thích ăn uống khác nhau. Vì vậy, bạn nên thử với nhiều lựa chọn để tìm được giải pháp phù hợp nhất, giúp cải thiện tình trạng trẻ biếng ăn:

    Cho trẻ ăn thức ăn mềm, ăn các món quen thuộc

    Vì nướu của trẻ đang rất nhạy cảm khi mọc răng nên trẻ có xu hướng thích ăn thức ăn mềm hoặc được xay nhuyễn. Bạn có thể cho trẻ ăn cháo, súp, trái cây rau củ xay nhuyễn, mì ống mềm… Bất cứ món ăn mềm nào mà trẻ có thể húp mà ít tiếp xúc với nướu sẽ giúp trẻ ăn thoải mái hơn và cải thiện tình trạng biếng ăn.

    Bé mọc răng biếng ăn – Thực phẩm được ướp lạnh có thể giúp ích

    bé mọc răng biếng ăn

    Trẻ đang mọc răng thường có xu hướng thích nhai và cắn. Đó là lý do mà nhiều cha mẹ hiện nay thường mua những loại vòng ngậm dành riêng cho trẻ mọc răng. Tuy nhiên, nếu không mua loại đồ chơi này, bạn cũng có thể tận dụng đồ ăn ướp lạnh cho bé dùng để giúp giảm nhiệt, giảm đau cho nướu.

    Sữa chua ướp lạnh là một lựa chọn phổ biến. Bên cạnh đó, bạn có thể cho trẻ nhai dưa chuột thái lát, dưa hấu, dâu tây, bơ nghiền nhuyễn… đã ướp lạnh. Nhiều em bé đang mọc răng cũng có thể rất thích nhai khăn hoặc một miếng vải, đặc biệt là khi chúng được làm ẩm bằng nước lạnh. Vì vậy, nếu bạn cho trẻ nhai khăn thì cần đảm bảo dùng khăn sạch. Bạn cũng có thể tận dụng khăn bé đang nhai, rồi dùng ngón tay sạch đưa vào miệng trẻ để xoa bóp nướu cho con một cách nhẹ nhàng nhằm giảm đau.

    Bé mọc răng biếng ăn – Mẹ có thể cho con ăn thực phẩm cứng

    Nếu bé mọc răng trong giai đoạn ăn dặm (thường trên 6 tháng tuổi), bạn cũng có thể cho con ăn những thức ăn cứng, chẳng hạn như táo, cà rốt, bánh mì… được cắt lát hoặc cắt thành từng que. Đồ ăn không quá cứng cũng đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau nướu cho trẻ đang mọc răng nên trẻ thường sẽ không từ chối những loại thức ăn này.

    Mẹ cần lưu ý thêm rằng, đối với thực phẩm cứng thì việc trông chừng trẻ đang ăn là rất quan trọng. Tuy bé chỉ mới mọc răng nhưng khả năng cắn đứt một miếng cà rốt nhỏ vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, việc trông chừng là cần thiết để tránh nguy cơ trẻ bị hóc hoặc mắc nghẹn.

    Bé mọc răng biếng ăn – Bạn nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ

    Trẻ biếng ăn khi mọc răng thường không phải là vấn đề đáng lo ngại vì bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú mẹ để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Thông thường, nếu trẻ đau do mọc răng, bé có xu hướng đòi bú mẹ thường xuyên hơn nhưng mỗi lần bú thường diễn ra trong thời gian ngắn. Vì vậy, mẹ nên ưu tiên việc cho con bú để xoa dịu các triệu chứng khó chịu khi trẻ đang mọc răng, kể cả khi bé cắn vú mẹ

    Trong trường hợp trẻ từ chối việc bú mẹ hoặc bú ít hơn bình thường, bạn có thể cho trẻ uống thêm nước, trộn sữa mẹ vào thức ăn xay nhuyễn hoặc dùng sữa mẹ làm sữa chua… để khuyến khích trẻ ăn và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.

    Tình trạng bé mọc răng biếng ăn thường không kéo dài quá lâu. Hơn nữa, trẻ biếng ăn nhưng vẫn được bú mẹ, được bổ sung đủ nước sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển tổng thể. Trong trường hợp trẻ bị đau nghiêm trọng hơn do mọc răng, bạn có thể hỏi kiến bác sĩ về việc cho trẻ dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen. Việc giảm đau khi mọc răng là cần thiết vì có thể giúp trẻ giảm khó chịu và muốn ăn/ bú trở lại.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo