Để có một thai kỳ khỏe mạnh, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều bạn không thể bỏ qua. Đặc biệt, đối với các mẹ bầu được chẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ, vấn đề tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và không nên ăn gì để kiểm soát tốt đường huyết là mối quan tâm hàng đầu.
Việc bị tiểu đường thai kỳ và không kiểm soát tốt đường huyết có thể khiến mẹ bầu và thai nhi gặp khá nhiều biến chứng trong thai kỳ và khi sinh. Theo các chuyên gia sức khỏe, bằng cách thực hiện một chế độ ăn khỏe mạnh kết hợp những bài tập thể dục phù hợp, các thai phụ có thể kiểm soát tiểu đường thai kỳ, giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai. Bạn có thể bị tiểu đường trong thời kỳ mang thai hoặc bị bệnh tiểu đường nhưng chưa phát hiện ra bệnh và sẽ nguy hiểm hơn khi bạn mang thai.
Trong thời kỳ mang thai, cơ chế sử dụng insulin của cơ thể bị thay đổi. Insulin là hormone giúp glucose (đường) trong máu di chuyển vào trong tế bào. Sau đó, tế bào sẽ sử dụng glucose tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động sống.
Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ tự động đề kháng với insulin ở mức độ nhẹ để nồng độ glucose trong máu cao hơn một chút và truyền cho thai nhi. Ở một số phụ nữ, quá trình này lại diễn ra quá mức khiến cơ thể không còn đáp ứng với insulin hoặc không tạo ra đủ insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng lên và gây nên bệnh tiểu đường thai kỳ.
Nếu bạn vừa mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc thắc mắc về điều gì sẽ xảy ra nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh, hãy đọc và tìm hiểu thêm về việc duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.
2. Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì là thắc mắc rất thường gặp. Theo các chuyên gia sức khỏe, nguyên tắc ăn uống lành mạnh cơ bản cho phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ là:
- Luôn có chất đạm trong mỗi bữa ăn
- Có trái cây và rau quả trong chế độ ăn uống hằng ngày
- Chế độ ăn uống nên tối đa 30% chất béo
- Hạn chế hoặc tránh dùng những thực phẩm đã tinh chế/ chế biến sẵn (bún, nui, phở, mì….)
- Chú ý đến khẩu phần ăn để tránh ăn quá nhiều
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, hãy duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh để có thể không cần dùng đến thuốc. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm đầy đủ chất đạm, hỗn hợp chất bột đường và chất béo.
Khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tìm kiếm một chuyên gia dinh dưỡng. Họ có thể giúp bạn xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp cho bạn và đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Mục tiêu cần đề ra cho các bữa ăn nên xoay quanh chất đạm, gồm nhiều thực phẩm tươi sống và giới hạn lượng bột đường cùng thực phẩm chế biến sẵn.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đã đưa ra một hướng dẫn hữu ích gọi là MyPlate để giúp mọi người học được cách tạo nên một bữa ăn lành mạnh. Ví dụ: mỗi bữa ăn phải chứa 25% chất đạm, 25% tinh bột đường và 50% thực phẩm không chứa tinh bột như rau quả hoặc salad.
Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Dưới đây là một vài lựa chọn lành mạnh cho bữa ăn nếu bạn bị bệnh tiểu đường thai kỳ:
- Trứng hoặc lòng trắng trứng
- Yến mạch cùng với quả mọng (quả berry)
- Hoa quả tươi
- Ức gà không da
- Cá nướng
- Rau luộc
- Bắp rang
3. Nên tránh ăn những gì khi bị tiểu đường thai kỳ?
Ngoài việc quan tâm nên ăn gì thì mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên tránh ăn gì để có thể quản lý đường huyết hiệu quả. Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn nên tránh ăn những loại thực phẩm đã tinh chế như bánh mì trắng hay bất kỳ thực phẩm nào chứa nhiều đường. Một số loại thực phẩm bạn nên tránh là:
- Thức ăn nhanh
- Đồ uống có cồn. Dù sao bạn vẫn phải tránh uống chúng khi mang thai
- Thực phẩm nướng như bánh xốp nướng, bánh rán hoặc bánh ngọt
- Đồ chiên nhiều dầu, mỡ
- Đồ uống có đường, như soda, nước trái cây và đồ uống ngọt
- Các loại bánh kẹo ngọt
- Thực phẩm chứa nhiều tinh bột như khoai tây chiên và gạo trắng
Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên tránh ăn gì? Với những gợi ý ở trên mà bạn không chắc chắn về thực phẩm đang ăn, hãy hỏi bác sĩ của mình về chúng. Họ có thể giúp bạn xác định nên tránh ăn những gì để có thể quản lý đường huyết tốt hơn.
4. Những biến chứng của tiểu đường thai kỳ
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ gặp phải biến chứng gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi như sảy thai, thai chết lưu. Việc nồng độ glucose trong máu mẹ bầu tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến thai nhi phát triển to hơn so với tuổi thai. Thai to sẽ khiến mẹ bầu gặp nguy hiểm khi sinh con vì:
- Vai của em bé có thể bị kẹt khi sinh dẫn đến sinh khó do kẹt vai làm tăng nguy cơ chấn thương cánh tay và các chấn thương khác trong khi sinh
- Làm gia tăng nguy cơ sinh mổ bắt con
- Sản phụ có thể bị băng huyết sau sinh
- Thai nhi khó giữ lượng đường huyết ổn định (hạ đường huyết sau sinh do tăng mức insulin trong máu) và gặp khó khăn trong quá trình hô hấp sau chào đời
- Bệnh tiểu đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp trong thời gian mang thai. Mẹ bầu bị tăng huyết áp khi mang thai có nguy cơ đối mặt với tình trạng tiền sản giật, bệnh tim mạch, nhau bong non, thai nhi sinh bé nhẹ cân… nếu không được kiểm soát.
Hầu hết các trường hợp, tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh. Nhưng nếu bạn bị tiểu đường trước khi mang thai thì vẫn sẽ có khả năng phát triển bệnh hơn. Bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau này. Cả bạn lẫn trẻ sơ sinh nên được kiểm tra bệnh tiểu đường sau khi sinh để có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
5. Bệnh tiểu đường thai kỳ được điều trị như thế nào?
Việc điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ phụ thuộc vào lượng đường trong máu của mẹ bầu. Một số trường hợp, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được điều trị bằng chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và tập thể dục đều đặn. Một số trường hợp có thể cần phải dùng thuốc như metformin hoặc insulin để giảm lượng đường trong máu.
6. Một số lời khuyên khác để thai nhi khỏe mạnh
Ngoài việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để giúp bạn mang thai khỏe mạnh:
- Luyện tập thể dục đều đặn. Hãy đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 5 ngày trong một tuần và 30 phút mỗi ngày. Đừng lo lắng khi kết hợp nhiều hoạt động thể chất trong khi mang thai, chỉ cần nhớ hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên cũng sẽ giúp giữ mức đường huyết ổn định.
- Ăn hai giờ một lần. Để điều chỉnh lượng đường trong máu của bạn, không bao giờ được bỏ bữa và đặt mục tiêu ăn một bữa nhẹ hoặc một bữa ăn lành mạnh mỗi hai giờ. Việc bỏ bữa có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn dao động và khó khăn hơn khi kiểm soát lại.
- Dùng vitamin trước khi sinh đầy đủ và đúng liều.
- Hãy đến gặp bác sĩ thường xuyên để được tư vấn và chỉ dẫn, tuân thủ lịch khám thai định kỳ.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, bạn vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh với chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên.
[embed-health-tool-due-date]